Mỗi lần gặp nhau, anh Tuấn Hội trưởng không quên nhắc tôi : “ Anh Thức nhớ viết bài cho tờ Đặc san Kỷ Niệm 50 thành lập Trường Phan Châu Trinh nghe anh “. Tôi giật mình, nhanh thật, một thoáng qua đã nửa thế kỷ ngôi trường mang tên Người Chiến Sĩ Quốc Gia nơi thành phố Đà Nẵng , một hải cảng lớn nhất miền Trung .
Giờ đây ngồi ghi lại những kỷ niệm về mái trường xưa theo dòng suy nghĩ của một khối óc đã ngoài 60 , làm sao tránh khỏi nhầm lẫn thiếu sót . Hơn nữa, từ thuở học trò , tôi không khá về môn Việt Văn, lâu nay lại chẳng viết lách gì . Mong một sự thông cảm nếu bài viết có vấn đề .
Nhắc đến trường xưa, nhớ lại thuở ban đầu vào cuối thập niên 40 , lứa tuổi chúng tôi đang ở bậc tiểu học , chiến tranh Việt Pháp ngày càng ác liệt. Trường Tiểu học ở ngoại ven và ngay ở trong thành phố Đà Nẵng thường xuyên bị đốt phá, thầy giáo bị bách hại bởi những người Việt Minh . Có lẽ họ không cho thành phần Quốc gia có cơ hội phát triển nền giáo dục , chấn hưng dân trí hổ trợ cho công cuộc đấu tranh giành độc lập về cho Tổ Quốc . Tuổi trẻ chúng tôi luôn luôn trực diện với cảnh những chiếc bàn học cháy nám trên đống tro tàn của ngôi trường vừa bị thiêu rụi trong đêm , hết tháng này qua năm nọ .
Mãi đến năm 1950 , một dịp may tôi được vào học trường tiểu học Hoà Vang, ngôi trường tiểu học duy nhất của cả một Huyện , nằm cạnh chợ Mới . Thuở ấy học hết bậc tiểu học ( lớp 5 ngày nay ) , học sinh phải trải qua một kỳ thi để lấy bằng Tiểu học. Cửa ải này một lần nữa làm chậm lại hay có khi chấm dứt con đường học vấn của nhiều người, vì thi mãi không đỗ .
Tôi đậu bằng Tiểu học mùa hè năm 1954 . Đây cũng là lúc ngôi trường trung học Phan Châu Trinh vừa mới xây dựng xong . Trường nằm ở trung tâm thành phố Đà Nẵng, trên một khu đất không rộng lắm . Chính diện xây ra đường Lê Lợi. Ban đầu chỉ mới một dãy nhà dọc, chính giữa là phòng Hiệu Trưởng và văn phòng, hai bên tả hữu mỗi bên 4 phòng học.
Thực tế Trường Phan Châu Trinh được thành lập từ năm 1952 ,nhưng cơ sở trường chưa có. Các lớp Đệ thất của những niên học 1952 – 1953 rất ít, chỉ một hay hai lớp mà thôi và phải mượn lớp học ở trường Tiểu học thành phố , trên đường Yên Bái. Một số các anh chị cựu học sinh của niên học đầu tiên , hiện đang định cư tại vùng Nam California tôi được gặp trong các kỳ Họp mặt Liên trường như các anh Đông, anh Hội, anh Minh v..v...
Cơ sở của Trường Phan Châu Trinh vừa mới xây cất xong cho nên số lớp Đệ thất của niên học 1954 được tăng lên 4 lớp, nhưng so với nhu cầu học sinh muốn được theo học quá hạn chế . Kỳ thi tuyển vào Đệ thất chỉ chọn 200 cho 4 lớp trong số gần một ngàn (1000 ) thí sinh tham dự. Ngày đi nghe kết quả thi tuyển , tôi và có lẽ nhiều người bạn khác cũng có cùng một tâm trạng .
Riêng tôi từ những nhịp tim bấn loạn , đến trạng thái lã người , hoa mắt ù tai, vì danh sách trúng tuyển đã đọc đến con số 180 hơn mà chưa nghe thấy tên mình . Tôi tìm một thân cây dựa người để đứng vững . Bất chợt người tôi tỉnh hẳn lại vì âm thanh CHẾ đã đến tai tôi và tiếp theo là tên tôi CHẾ VĂN THỨC , âm thanh như một cứu tinh. Vì nếu không đỗ kỳ thi đó, tôi nghĩ con đường học vấn của tôi xem như đi vào ngõ cụt .
Trường trung học công lập tại Đà Nẵng mang tên Người Chiến Sĩ Quốc Gia, Người Chiến Sĩ Cách Mạng tiền bối có hoài bảo cứu nước , kiến tạo xã hội bằng con đường xây dựng Dân Chủ , Dân Sinh và Dân Quyền . Người đã quan niệm trong một đất nước mà dân tộc xây dựng được ba lãnh vực trên một cách tốt đẹp, mới mong tổ quốc phú cường. Con đường của Người muốn tiến ngược hẳn với hướng đi của một nhân vật cùng thời đang tiếp nhận chủ thuyết Cọng sản. Chủ thuyết này áp dụng một chế độ Độc tài, Đảng trị, vô nhân ( nhân quyền, nhân sinh , nhân trí ) . Sự đối kháng giữa hai luồng tư tưởng nêu trên đã làm cản trở rất lớn con đường giải phóng Đất nước của nhiều nhà Cách Mạng Dân tộc .
Do đó khi viết về ngôi trường Phan Châu Trinh không thể không đề cập đến một biến cố trọng đại của lịch sử xảy ra cùng lúc với ngôi trường vừa mới được xây dựng xong . Chiến tranh Việt Pháp kết thúc bằng Hiệp định Genève muà Hè 1954 ngày 20 – 7, chấm dứt chế độ của người Pháp trên toàn lãnh thổ Việt Nam sau 100 năm đô hộ .Nhưng đồng thời Đất nước lại rơi vào cảnh chi cắt phân đôi . Sông Bến Hải trở thành lằn ranh Quốc, Cộng . Hoà bình về trên quê hương, nhưng dân tộc phải một phen điêu đứng chia ly phân tán vì hiểm hoạ Cọng sản . Trên hành trình tìm đường cứu nước Cụ Phan Châu Trinh đã am hiểu và tiên đóan đước mối họa này. Nên khi một nửa giang sơn Tổ quốc rơi vào điịa ngục trần gian, một cuộc di cư vĩ đại đầu tiên ( tôi nói đầu tiên vì đã xảy ra lần thứ nhì ) của hơn một triệu đồng bào miền Bắc vượt tuyến xuôi Nam tìm đường sống . Một biến cố đau thương của lịch sử chưa hề xảy ra cho dù Dân tộc đã trải qua một ngàn năm đô hộ của giặc Tàu phương Bắc, và một trăm nămcai trị bởi giặc Pháp phương Tây . Ngôi trường mang tên Người Chiến Sĩ Quốc Gia vừa mới xây xong chưa khai giảng khóa học đã mở cửa đón nhận hàng ngàn trong số hàng trăm ngàn đồng bào ruột thịt miền Bắc di cư đến được cảng Đà Nẵng vào tạm trú . Khối đồng bào miền Bắc di cư lánh nạn Cọng sản được ngôi nhà mới mang tên Người đón tiếp là những Chứng nhân Lịch sử , chứng minh một cách hùng hồn về sự sai lầm nguy hiểm của chủ thuyết Cọng sản mà nhà Chiến Sĩ Cách Mạng Phan Châu Trinh đã chỉ ra và Người khước từ không tiếp nhận. Niên học Đệ thất 1954 của chúng tôi vì thế đã khai giảng trễ và mất đi vài tháng học .
Vị Hiệu trưởng đầu tiên là Thầy Quách Gi . Thầy đã cao tuổi so với quí Thầy Cô lúc bấy giờ. Tôi không nhớ được hết , nhưng năm đầu số giáo chức rất giới hạn, chỉ mới có các Thầy Trần Tấn, Thầy Bùi Tấn, Thầy Phạm văn Ấm, Thầy Trần Ngọc Quế, Thầy Nguyễn văn Lượng, Thầy Toại, Cô Đặng thị Liệu, Cô Trần thị Kim Đính , Cô Nguyện. Cô Hà . Hình như chỉ một năm sau, tức năm chúng tôi lên lớp Đệ lục, vị Hiệu Trưởng kế tiếp thay thế Thầy Quách Gi là Thầy Nguyễn Đăng Ngọc .
Thầy Nguyễn Đăng Ngọc làm Hiệu trưởng cho đến năm chúng tôi đậu bằng Tú tài I , phải rời trường Phan Châu Trinh ra học lớp Đệ nhất tại trường Quốc học Huế 1960 -1961, Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ngọc vẫn còn tại trường . Cũng vào những năm Thầy Ngọc làm Hiệu trưởng, số giáo sư được bổ nhiệm về trường càng ngày càng đông hơn : Thầy Thiếc, Thầy Lý Châu, Thầy Đôn, Thầy Tạ, Thầy Tường, Thầy Hồng, Cô Diệm, Cô Châu ,Cô hiền, Cô Hoàng (phu nhân bác sĩ Tôn Thất Cần ), Thầy Hào, Thầy Hối ,Thầy Tòng, Thầy Trần đại Tăng, Thầy Đáo. Thầy Kế giám thị từ ban đầu. Tôi không nhớ đủ.
Bằng một sự kính yêu, mến phục in sâu trong tâm khảm chúng tôi hình ảnh các bậc Thầy Cô từ tuổi tác cao nhất đến nhữnh vị còn trẻ . Mỗi người một vẻ, uy nghiêm đạo mạo phong thái của những nhà mô phạm . Một số các Thầy Cô trẻ tuổi có lối trang phục hấp dẫn , phong cách hào hoa, mà lớp tuổi học trò ngấp nghé ngưỡng cửa Đại học của chúng tôi rất ngưỡng mộ . Nỗi ưu tư lo lắng của từng vị Thầy Cô về thành quả giảng dạy của mỗi vị đối với đám học trò thật không nhỏ, vì lúc bấy giờ muốn đạt xong bậc Trung học, người học sinh phải chịu một chế độ thi cử thật gắt gao, phải vượt qua ba cửa ải bằng cấp : Trung học Đệ nhất cấp, bằng Tú Tài I và bằng Tú tài II khá cam go để tốt nghiệp .
Thầy Bùi Tấn , một trong những vị Thầy đầu tiên xuất bản sách giáo khoa toán Đệ Nhất Cấp , cùng với hai Thầy Đinh Quy và Lê Nguyên Diệm . Lớp chúng tôi hân hạnh được Thầy dạy như là một vị cứu tinh của chúng tôi về môn này . Lối giải đáp và trình bày một bài tóan của tất cả học sinh do Thầy dạy đều phải theo một khuôn khổ giống nhau nhất định, nhìn vào một bài làm biết ngay “ học trò của Thầy “ .
Khi lên năm Đệ tứ, lớp Tứ 1 ( có 4 lớp Đệ tứ ) của chúng tôi được Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ngọc giảng dạy môn Việt Văn . Đây là một trong những môn học mà ở kỳ thi tốt nghiệp học sinh thường dễ bị chống gậy . Giờ học của Thầy thật nghiêm túc , nhưng với khoa giảng sinh động, hấp dẫn , lớp học luôn luôn có những dịp cười thích thú . Một lần nọ Thầy giảng về Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều nói lên nỗi sầu ai oán của người đẹp bị lãng quên trong cung đình . Người cung phi bị nhà vua chẳng đoái hoài đến lại có một sắc đẹp đến độ :
“ Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn
Lửng lưng trời nhạn ngẩn ngơ sa
Hương trời đắm nguyệt say hoa
Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình .”
Thầy Ngọc say sưa mô tả nét đẹp người cung phi của Nguyễn Gia Thiều qua nhiều dẫn dụ, rồi Thầy đọc hai câu thơ kết :
“ Bóng gương thấp thóang sau mành
Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa “
Thầy chậm rãi nói : “ Các em thấy không, nàng cung phi đẹp, đẹp đến nỗi “ cỏ cây còn muốn nỗi tình mây mưa, huống hồ ...” Cả lớp cười rần, nhất là học trò nam, còn các chị cười bẽn lẽn .
Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Đệ nhất cấp năm 1958 số học sinh của trường Phan Châu Trinh thi đỗ với mức tỷ lệ khá cao. Riêng lớp chúng tôi chỉ có năm bảy bạn không đạt kết quả . Người học sinh học giỏi, xuất sắc nhất của niên học từ 1954 là anh Nguyễn Hữu Hùng, đẹp trai tính tình nhu mì dễ thương. Từ Đệ thất tới Đệ nhị , năm nào Hùng cũng nhận phần thưởng danh dự của Tổn Thống Việt Nam Cộng Hoà trong dịp phát thưởng cuối niên học cho học sinh toàn Thành phố Đà Nẵng. Sau khi đậu Tú tài II, anh được nhiều học bỗng quốc tế như Canada, Mỹ, Anh, Đức và Úc . Anh đã chọn du học sang Úc , nhưng có lẽ vì não bộ của anh phát triển quá mức bình thường , nên sau khi tốt nghiệp ở nước ngoài trở về không bao lâu, anh không còn làm việc được nữa , vì mất thăng bằng về tâm trí , hiện anh còn ở Đà Nẵng .
Thời gian từ năm 1955 đến năm 1960 là khoảng đời đẹp nhất của tuổi học trò chúng tôi , vì miền Nam thật sự sống trong cảnh thanh bình tự do . Đời sống của người dân từ thành thị đến thôn quê vô cùng sung túc. Người công chức nói chung, hàng giáo chức nói riêng , có được mức sốngbảo đảm, từ đó người học sinh của chúng tôi cũng được hưởng chất lượng tốt trong sự giảng dạy của các bậc Thầy Cô. Một xã hội trong đó chính quyền có quan tâm đến việc kiến tạo dân sinhvà dân trí, thì mới đạt được nếp sống tốt lành .
Ngược lại sau khi đất nước gọi là “ thống nhất “ năm 1975 cho đến nhiều năm sau, từ nhà tù trở về với gia đình , tôi có dịp nhìn cảnh trường học rách nát , đời sống của người giáo chức bi đát, tương lai học sinh vô định hướng, mà lòng quặn thắt . Cảnh đau lòng đó dưới chế độ áp bức người ta chỉ biết truyền khẩu qua mấy câu đối Tết như sau :
“ Chiều ba mươi, thầy gíao tháo giày đem bán, đón Tế đến
Sáng mồng một, giáo chức dứt cháo cầm hơi, rước Xuân sang ! “
để nói lên sự bất mãn của người dân trong một xã hội mà con người không được quyền làm người . Còn nữa, đời sống khó khăn của hàng giáo chức được thể hiện qua những câu thơ trào phúng truyền tụng khắp nơi như mấy câu sau đây :
“ Suốt cả ngày thầy cô khan cổ
Đêm tối về mỏi gối đạp xe thồ “
Cảnh sống ấy không thể nào giúp các bậc thầy cô làm tròn chức năng cao đẹp của một nhà giáo . Từ đó Dân tộc rơi vào thảm họa lạc hậu nhất nhì trên thế giới , là một niềm đau nhức nhối cho những ai có chút suy tư về tiền đồ Dân tộc .
Tôi dùng từ “ TRƯỜNG XƯA “ để viết bài kỷ niệm 50 năm ngôi trường tôi theo hết bậc trung học , có nhiều kỷ niệm in sâu trong tâm khảm của tôi , nhưng tôi không thể ghi lại được tất cả . Trường Xưa là thế đó, đẹp và đẹp lắm với đầy đủ ý thức của những lớp người , hàng con cháu ( trừ đám lộn sòng ) của nhà Chiến Sĩ Quốc Gia mà ngôi trường đã mang tên Người, trường Phan Châu Trinh . Lớp con cháu một thời đã làm cho Người thực sự sống lại , để thực thi hoài bảo cứu nước và xây dựng đất nước trên con đường kiến tạo Dân chủ, Dân sinh và Dân quyền .
Còn “ Trường nay “ thì sao ? Ngôi trường mang tên Phan Châu Trinh còn đó, nhưng chỉ là cái danh gượng gạo , bất đắc dĩ đối với “ họ “. Họ khống chế, dẹp bỏ như họ đã muốn hạ bệ pho tượng của Người đặt ở sân trường, sau ngày gọi là “ Giải phóng “, nhưng cũng không thực hành được vì sợ lòng dân căm phẩn . Thế nhưng ngôi nhà Thờ Phan Châu Trinh nằm gần Ngã Năm, cạnh rạp chiếu bóng Lido ngày xưa , đã bị họ nhẫn tâm triệt hạ bằng cách xây một dãy cửa tiệm quốc danh chiếm hết mặt tiền ngôi nhà Thờ , để làm nơi buôn bán . Mỗi lần có dịp đi ngang qua tôi thấy mủi lòng.
Một số quí Thầy Cô năm xưa của chúng tôi còn nơi đó, trước ngày tôi rời quê cha đất tổ ( 1990 ) để sang định cư tại Hoa Kỳ, theo diện người cải tạo trở về . Tôi may mắn cùng một số đông bạn niên học 1954 cũng như gia đình , đã có một buổi Họp mặt để chia tay . Chúng tôi mời được quí Thầy Trần Tấn , Thầy Lý Châu, Thầy Nguyễn Văn Đáo và Thầy Trần đại Tăng đến chủ toạ. Tình cảm thầy trò yêu thương kính mến thật đậm đà . Xúc động nghẹn ngào khi thầy Trần Tấn đại diện ngỏ lời huấn dụ với tất cả học trò cũ của các thầy, mọi người cảm xúc vô cùng ( mong ban ấn lóat đăng hình qúi thầy tôi đã gởi ) . Cơ hội đó tôi đọc được nỗi tâm tư đau xót của quí thầy cô còn phải ở lại để thi hành nốt cái thiên chức cao qúi, như là cái nghiệp không thể buông tay .
Nơi nửa vòng trái đất xa xôi , tôi chân thành cầu chúc quí Thầy Cô kính yêu hiện còn và quí quyến có được sức khỏe tốt và moị sự an lành. Mong sớm được có ngày đẹp trời , bình thản không vướng mắt ...tôi trở về được gặp thăm quí Thầy Cô . Tôi cũng chân thành gửi đến quí Thầy Cô và quí quyến đang định cư tại Hoa Kỳ cũng như trên khắp thế giới có được một cuộc sống bình an, nhiều và nhiều sức khỏe . Và mong luôn được gặp qúi Thầy Cô cũng như bạn bè cựu học sinh trường Phan Châu Trinh trong những ngày Hội ngộ nơi xứ người .
Chế Văn Thức ( PCT 1954 – 1960 )
California 30/9/2002
Chế Văn Thức ( PCT 1954-1960 )
(Đặc san kỷ niệm 50 thành lập Trừơng Phan Châu Trinh , Đà Nẵng, Cali 2002 )