“ Muà xuân là tuổi trẻ của năm – tuổi trẻ là mùa xuân của cuộc đời “ ( Le printemps est la jeunesse de l’année, la jeunesse est le printemps de la vie ) . Nói bên này thì mùa xuân cũng là tuổi trẻ, mà nói bên kia thì tuổi trẻ cũng là mùa xuân. Mùa xuân hình như không dành cho tuổi già. Nhưng mùa xuân nào không có mùa đông, không già lấy chi có trẻ. Trẻ già chỉ là mặt này mặt kia của một người, nên nhân lúc xuân đến xin nói ít nhiều về già và trẻ…
Con người rồi ai cũng già. Quyền thế, giàu sang, gì gì đi nữa cũng không cản được cái già. Không một người nào có thể trẻ mãi trong thân xác thịt da này. Đó là sự thật của ông Palice ( verité de La Palice ), sự thật hiển nhiên đến độ ngớ ngẩn mấy cũng nhận thức được.
Tuy nhiên ý niệm già trẻ không đơn giản. Người này nghĩ một đường, người kia nói một nẻo…Có những “trự” thanh xuân phơi phới mà hành xử như đã già nua. Trái lại có cụ lụ khụ lù khù cứ bảo mình còn trẻ. Các tập đoàn, các cơ quan, các xí nghiệp cũng tùy tiện định mức tuổi già. Nơi 50, nơi 60 cho gia nhập Hội hoặc giả cho nghỉ hưu. Nghỉ hưu nghĩa là già rồi, không còn sáng kiến, không đủ sức làm việc…
Giới mức già cũng thay đổi tùy theo thời đại, xã hội và văn hóa…Ngày trước ở nước ta, sáu mươi tuổi coi như đã già lắm. Các vị hoàng đế nhà Nguyễn không vị nào sống trên sáu mươi ! sách Quốc Văn giáo khoa thư lớp Dự bị do các ông Trần Trọng Kim, Đỗ Thận, Nguyễn văn Ngọc và Đặng Đình Phúc biên soạn và do Nha Học Chánh Đông Pháp phát hành vào năm 1925 để giảng dạy ở tất cả các trường tiểu học trên khắp nước đã mô tả tuổi già qua bài “Ông tôi” như sau :
“Ông tôi năm nay đã ngoài sáu mươi tuổi. Đầu,râu tóc bạc, da đã giăn (nhăn), má đã lõm( cọp), lưng đã còng (còm), đi đâu phải chống gậy.Ông tôi không phải làm việc gì nặng nhọc nữa. Thường ở nhà coi sóc cho cha mẹ tôi và dạy bảo chúng tôi. Thỉnh thoảng lại kể chuyện cổ tích cho chúng tôi nghe. Chúng tôi lấy làm thích lắm.Những khi đi học về, thường thường tôi lại đem những chuyện nhà tràng nói cho ông tôi nghe. Ông tôi lại nhân đấy mà giảng giải cho tôi học được nhiều điều khác nữa.”
Mà đâu cần tới ngoài sáu mươi. Nhiều cụ cứ đến bốn,năm mươi, đã làm thơ tự thọ, nghĩa là mừng mình đã sống lâu, đạt tới tuổi già. Thời nay mà bảo các ông các bà trên bốn hay năm mươi, ngay cả trên sáu mươi hoặc giả bảy mươi là già thì sẵn sàng chờ lời trách mắng. Tuy nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ. Năm 1945, ông Hồ Chí Minh mới 55 tuổi nhưng cả nước phải gọi là Bác Hồ, Cụ Hồ thậm chí là Cha già dân tộc. Ai đó tùy tuổi của mình,mà gọi khác đi ,em Hồ,anh Hồ hay chú Hồ,không những bị phiền trách mà chắc phải “ ủ tờ”.
Bên kia trời Tây,con người hình như không ưa cảnh nhàn hạ sớm sủa nên có người đã bảo “ tuổi thanh xuân bắt đầu từ 40” ( La jeunesse commence à quarante ans ). “ Tứ thập nhi lập” , lờ cụ Khổng ! Ở tuổi bốn mươi trí óc mới chính chắn, sung mãn,làm việc mới có nhiều hiệu năng, lời nói trên xét cũng không ngoa.
Không những người ta có những quan niệm khác nhau ở mức độ tuổi để xác định tuổi già mà bàn tới tuổi già đến với chúng ta nhanh hay chậm cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Có người coi già cùng trẻ chỉ là chuyện một sớm một chiều :” Triêu như thanh ti, mộ bạch phát “ sáng sớm tóc còn xanh mướt như tơ mà chiều đã hóa ra màu mây trắng.
Còn bao nhiêu thành ngữ khác để mô tả cuộc đời mau chóng, đổi thay lẹ làng từ trẻ qua già : một giấc chiêm bao, bóng câu qua cửa, một phút phù du, thậm chí có khi xem như là một sát na, đơn vị nhỏ nhất của thời gian, nhanh hơn một nháy mắt…
Quan niệm cuộc đời đi qua mau chóng đã được khai thác thật nhiều. Con người ta chóng già, cuộc đời chóng tàn thì gian khổ, keo kiệt làm gì. Vung vít đi, hưởng thụ cuộc đời lúc còn trẻ :” Cấp thời hành lạc” :
Khi thiếu tráng gắng chơi cho đủ
Kẻo về già lụ khụ ra đi
Da mồi tóc bạc quản chi
Than thân rằng thuở đương thì chẳng chơi
Chơi đi chơi lấy ai ơi !
René Ronsard một thi hào Pháp ở thế kỷ 15 cũng có ý thơ tương tự, đã khuyên cô gái xinh tươi như đóa hồng hé nụ hãy vui và yêu ngay…”ông ta” !
Vivez si m’en croyez, n’attendez pas à demain,
Cueillez dès aujourd’hui les roses de la vie
( Quand vous serez bien vielle )
Tạm dịch :
Em ơi, nhanh ngắt đóa hồng tươi
Cuộc đời thấm thoát đừng chờ mai kia
( Mai kia lúc em bạc đầu )
Trái với quan niệm vừa nói, có người lại bảo già chẳng bao giờ đến “sồng sộc”. Nó len lén, âm thầm nhẹ nhàng đến với chúng ta, chẳng biết lúc nào, lặng lẽ hơn cả bước mèo đi, hơn cơn gió thoảng. “”Già” đến trong một tiếng yêu đương “dễ ghét” :” Anh ơi, nhớ mang theo chiếc áo len, hôm nay trời trở rét” hoặc : “Anh ơi, ngồi xuống em nhổ mấy sợi tóc sâu”…Chắc nàng chẳng nhắc nhủ khi chàng còn ở tuổi 20 hay 30. Cũng có lúc người ta chỉ thấy già qua một tiếng chào vô tình của một thanh niên hay thanh nữ trẻ trung :” Chào Chú ! Chào Bác”…hay tiếng cám ơn của một cô hàng xinh xắn :” Cám ơn Chú, cám ơn Bác, cho cháu xin…!”
Thế à ! Chúng ta đã ngang hàng với các bậc trưởng thượng của các cô các cậu ấy rồi ! Cứ tưởng chúng ta cùng trang lứa với họ !
Chợt thấy cuộc già đến mà chưa làm được việc gì, bỗng đâm ra lo lắng. Chẳng lẽ “ tiêu lưng ba vạn sáu, để ngày tháng âm thầm vô vị trôi qua- Thay vì hưởng thụ nên nhìn đời một cách nghiêm túc : trẻ hay già nếu còn nhiệm vụ làm việc cho gia đình, cho xã hội, để lại chút gì cho mai sau :
Nhập thế tục bất khả vô công nghiệp
Xuất mẫu hoài tiện thị hữu quân than
( Nguyễn Công Trứ )
Hãy xem gương ông Ngu Công, 90 tuổi rồi mà vẫn còn quyết tâm dời núi Thái Hình, Vương Ốc cao vời vợi, mở đường lưu thông cho con cháu mai sau ( Theo Liệt Từ truyện)
Quan niệm dù khác nhau nhưng rồi một ngày nào đó bắt buộc chúng ta phải ý thức là đã quá già rồi. Không thể không nhận thấy chúng ta đang đứng trước những vấn đề khác với thời trẻ trung. Kể ra thật nhiều, khó nói cho hết : nào sức khỏe, thu nhập, tình cảm, yêu đương, xã hội v..v… Giải quyết ổn thỏa các vấn đề trên trong tuổi già không phải dễ dàng. Chẳng những cá nhân lo lắng giải quyết mà gia đình, xã hội và nhà nước cũng suy tư, làm sao cho tuổi già tốt đẹp.
Tôi không muốn và dù có muốn cũng không có tư cách và khả năng để bàn luận đến tất cả các vấn đề. Nhiều vấn đề lại có tính cách riêng tư và tùy theo văn hóa và tập tục mà thay đổi.Lấy tỉ dụ như vấn đề yêu đương và tính dục . Ở Á Đông “Lão già” (già rồi) mà không” yên chí “ (yên phận ), thì bảo là “già dịch” ( Trích theo câu đối: Bần nhi lạc, phú nhi hiếu – Lão giả yên chí, thiếu giả hoài ) . Thế nhưng ở phương Tây lại khác. Báo Le Monde bên trời Tây ( số ra ngày thứ bảy 29 tháng Giêng năm 2005) xác nhận với bằng chứng đích thị “ không có giới hạn cho tính dục và tình yêu vung vít ( Pas de limite d’âge pour le plaisir et les aventures amoureuses )
Vì không thể bàn luận hết nên chỉ xin nói sơ lược đến một vấn đề có tính cách tổng quát mà phần lớn người già chúng ta thường đối diện ngay ở trong gia đình hay ngoài xã hội, dù ở Đông hay ở Tây : Cái hố ngăn cách hay đối lập giữa tuổi trẻ và tuổi già (generation gap ).
Trước tiên phải thừa nhận người già nói chung thường được kính trọng trong mọi xã hội, tùy ở mức độ khác nhau.
“Kính lão đắc thọ” là câu nói đầu lưỡi của người Việt, người Tàu và có lẽ của cả người Nhật, người Đại Hàn…Ở phương Tây không có câu “kính lão đắc thọ” nhưng người ta cũng kính lão lắm. Cứ nhìn cảnh trên xe buýt hay nơi ra vào công cộng thì rõ. Người trẻ thường nhường chỗ ngồi hoặc nhường bước cho người lớn tuổi. “”Lady first” nhưng cũng rõ ràng là “Old people first”. Mà không phải chỉ nhường suông, với những hành vi “không mất tiền mua” . Người già ở những nước kỹ nghệ tân tiến và giàu có như Mỹ ,Úc, Canada,Pháp, Đan Mạch v..v…được bảo vệ sức khỏe và hưởng những quyền lợi khác. Ở Châu Á không có mấy nước có những tổ chức bảo vệ người già như các nước phương Tây, nhưng vấn đề không phải không được đặt ra. Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Nho giáo và Phật giáo, xã hội coi việc săn sóc cha mẹ già là bổn phận thiêng liêng của con cháu. So về tổ chức có phần kém sút nhưng nói về hiệu quả , xét ra không phải không có. Người già sống giữa con cháu không cảm thấy cô đơn, thiếu tình thương như các cụ ông, cụ bà trong nhà dưỡng lão ! Lại nữa ngày xưa bên nước ta có câu :” Sống lâu lên lão làng”. “ Lên lão làng” là một tập tục để bày tỏ niềm kính trọng người già và cũng là một hình thức nâng đỡ các cụ. Về thời phong kiến và thực dân, một trăm thứ nạn đổ lên đầu người dân. Nào sưu (thuế đánh vào từng người nam từ 18 tuổi trở lên ), nào thuế, nào công ích , tư ích…Nghèo đóng không đủ thuế, nộp không đủ sưu, người dân trở thành dân lậu, không có một chút quyền và lợi nào. Thế nhưng khi đến 50 hay 55 thì được lên lão, người dân được miễn sưu lại còn được ngồi chiếu trên trong các cuộc đình đám…Lão cũng như quan nên Nguyễn Khuyến đã tự cười :
Năm nay tôi đã bảy mươi tư
Rằng lão, rằng quan, tôi cũng ừ
Tôn trọng người có tuổi không phải chỉ là một cử chỉ đền ơn đáp nghĩa đơn thuần vì thế hệ trước đã sinh và đào tạo nên thế hệ sau. Kính trọng người già còn vì lý do sinh tồn của bộ tộc hay của nước nhà. Lúc xã hội còn đơn giản sống vào nông, ngư nghiệp hay săn bắn ; học thuật chưa phát triển, kiến thức phần lớn chỉ dựa vào khẩu truyền thì kinh nghiệm của người đi trước thật cần thiết cho lớp người sau, trong sản xuất hay trước hiểm họa đã thứ. Xin lấy một ví dụ trong lịch sử nước ta về đời nhà Trần, tuy thời ấy đã khá tiến bộ. Đánh hay hòa với quân Nguyên thì có lợi cho dân tộc ? Dựa trên kinh ngiệm sáng suốt của các bô lão ở hội nghị Diên Hồng, quân và dân ta đã đạt được nhiều chiến công oanh liệt, bảo vệ được độc lập của nước nhà.
Từ tình thương tự nhiên, từ lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ, với việc đóng góp kinh ngiệm của người già để xã hội trường tồn, tập tục kính già được hình thành và phát triển.
Ngày nay xã hội đổi thay mau chóng, giáo dục,khoa học, kỹ thuật phát triển, sách vở, truyền thông không thiếu, kinh ngiệm của người già không mấy cần thiết và nhiều lúc lạc hậu. Tuổi trẻ với khả năng nhạy bén thích nghi dễ dàng với hoàn cảnh mới. Người già trái lại suy nghĩ theo những nếp hằn tích lũy qua nhiều thời gian, không thể đổi thay trong giây phút. Cách biệt giữa trẻ và già tăng và lòng kính trọng người già theo đó suy giảm. Già trẻ có lúc đi đến đối lập.
Đổi thay càng mau chóng sự khác biệt càng dễ nhận thấy. Trong phút chốc xa rời đất nước để sống trong những nền văn minh mới mẻ, xa lạ, nhiều bậc phụ huynh đã ngỡ ngàng khi thấy con cháu mình thay đổi. Có người tự hỏi con cái mình phải là người Việt nữa không. Mà chẳng riêng gì ở nơi tha hương. Trước sự xâm lấn ồ ạt của văn hóa Tây
Phương, nhiều phụ huynh trong nước cũng tự đặt ra những câu hỏi tương tự ( Dựa theo ý kiến của Đại sứ Peterson ở Việt Nam ). Nhưng chúng ta, những kẻ già, cũng đừng nên quá hốt hoảng. Vấn đề khác biệt và đối lập giữa trẻ và già đã xảy ra chẳng riêng gì ở nước ta mà ở khắp nơi trên thế giới và ở vào tất cả các thời đại. Ở Pháp chẳng hạn, vào thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến, phong trào Dada đã phủ nhận cái ý thức hệ của lớp người già, những người đi trước để lại cho họ.
Sự cách biệt già và trẻ thể hiện trong nhiều mặt, dễ nhận thấy nhất là thời trang, trong thái độ hành xử và trong quan niệm chính trị.
Về thời trang lớp già thường chuộng đứng đắn, giản dị và tiện nghi. Lớp trẻ chuộng mới mẻ, khác lạ. Mỗi lần ra khỏi nhà phần đông người lớn tuổi ăn mặc chỉnh tề, vét tông, cà vạt. Một số khá đông tuổi trẻ, nam thì quần dài chẳng ra dài, ngắn chẳng ngắn, lùng thùng quá gối, áo rộng thênh thang ; nữ thì quần xệ quá rốn, áo ngắn hở bụng,hở lưng. Chuộng thời trang khác nhau không phải là chuyện một sớm một chiều giữa già và trẻ. Tôi còn nhớ cách đây 50, 60 năm cách ăn mặc nói chung của người Việt chúng ta còn giản dị và thô sơ lắm : áo dài đen hay trắng, guốc mộc quai da ...Thế nhưng lớp trẻ cũng quyết tâm tạo nên những kiểu cách khác biệt, dù khác biệt chẳng có ý nghĩa gì, để đối lập với lối ăn mặc của người già. Phụ nữ thì áo lưng eo khiến cho các cụ mỉa mai là con gái “ tân thời, răng trắng, “Lemur”…Con trai cũng đi guốc như các cụ nhưng khi các cụ dùng quai da to bản thì các cậu thanh niên lại thích những quai nhỏ xíu như chiếc đũa…Áo dài thanh niên mặc cũng giống áo các cụ, nhưng thay vì năm cúc lại có sáu cúc. Dù thuyết phục, dù rầy la, các công tử, con cháu của quí cụ, quyết không thay đổi. Lại có lúc thanh niên dùng cách ăn mặc để chống đối với những người lớn tuổi. Tôi còn nhớ câu chuyện xảy ra ở một giáo xứ tại Đà Nẵng. Có một đám thanh niên mặc áo sơ-mi chim cò để đi lễ. Lễ xong cha xứ gọi lại khuyên nhủ :-“ Các con nên mặc áo chỉnh tề lúc đi lễ ” . Tuần sau đám thanh niên đám thanh niên kia đều mặc áo dài đi lễ như lời cha xứ dặn tuy nhiên với quần “ short” . Cha xứ rầy la và đám thanh niên kia đã đáp lại : “ Cha bảo chúng con mặc áo tử tế chứ cha đâu có dặn mặc quần tử tế “.
Ngày nay đã quá tuổi “Cổ lai hy “ nhìn chuyện qua mà buồn cười cho cái cứng đầu của tuổi trẻ và nghiêm khắc có lúc quá nặng của các cụ về “mốt” này “ mốt “ kia lúc bấy giờ. Đừng bao giờ biến chuyển thời trang thành một chuyện trầm trọng nếu không muốn đào sâu thêm hố cách biệt giữa hai thế hệ. Đến một lúc nào đó lớp người trẻ thấy cần ăn mặc chỉnh tề. Nhiều lúc một lời nói dịu ngọt, một thái độ khoan dung có thể thay đổi họ như trong câu chuyện có thật sau đây : - Một giáo sư gốc Việt bước lên bục giảng ở một trường Đại học Mỹ. Theo thói quen từ bên nhà ông nhìn quanh trong lớp để ổn định trật tự trước khi vào bài giảng. Chợt ông chú ý một sinh viên đội trùm trụp cái nón (mũ ) trên đầu. Ông bước xuống bên cạnh người sinh viên “nhỏ nhẹ “ : - Anh hãy bỏ nón ra rồi tiếp tục học hay đi ra ngoài lớp “. Người sinh viên đã bình tĩnh, cương quyết đáp lại : “ Thưa ông, tôi không bỏ nón và tiếp tục học.“ Đội nón và học chẳng có liên quan gì với nhau “. Ông giáo sư bỗng giật mình, nhớ ra mình đang ở trong một lớp học tại Mỹ . Ông nhẹ nhàng bảo anh sinh viên : -“ Thôi được, anh cứ tiếp tục ngồi học.” Anh sinh viên chợt lẳng lặng cất nón và lẳng lặng tiếp tục ngồi học như chẳng có chuyện gì xảy ra.
Chuyện ăn mặc đã đành mà còn có bao nhiêu sở thích khác nhau giữa già và trẻ trong thời trang như âm nhạc, nghệ thuật, giải trí v..v...
Về mặt chính trị nói chung người già thường bảo thủ. Một số người già đã quan niệm “ đổi thay càng nhiều, càng trở về như trước”, nên chủ trương xã hội phải có tôn ti, trật tự, phải biết gìn giữ cái cũ để xây dựng cái mới. Thực tế có lúc chứng minh chủ trương này không phải hoàn toàn sai. Bao nhiêu mất mát, đập phá để đi đến,nói riêng về Việt Nam, cái xã hội ngày nay, một xã hội đầy bất công nhũng lạm, chênh lệch giữa giàu nghèo còn gấp cả trăm lần ngày trước.
Nhưng làm sao ngăn cản đập phá khi ngày trước cũng có nhũng lạm, bất công. Lớp trẻ thường trách chính lớp già đã tạo nên cái xã hội chẳng tốt lành họ đang sống hay đang chịu đựng. Dựa vào lập luận này bao nhiêu phong trào thanh niên và thanh nữ đòi thanh toán hết cái cũ, cái già nua. Cần đập phá hết cái cũ, hết cái lạc hậu để xây dựng cái mới dù cái mới còn mơ hồ và viễn vông chưa ai biết rõ. Năm 1970 chính bản thân tôi đã được đọc ở trong các thính đường hay cafeteria ở nhiều đại học Mỹ những biểu ngữ như “ Đập tan cái cũ, xây dựng cái mới trên nền tảng chủ thuyết Mao “ ( Crash the old, build the new on Maoism). Những thanh niên viết lên những biểu ngữ này mấy người đã thấy xã hội Trung Quốc, sống dưới sự cai trị của Mao, hiểu mặt trái của chủ thuyết Mao ?
“ Nếu như tuổi trẻ hiểu biết và nếu như tuổi già đủ năng lực “ ( Si jeunesse savait et si vieillesse pouvait) . Đó là câu than tiếc thường được nghe nói.
Già và trẻ cũng khác nhau trong cung cách hành xử. Già thường từ tốn, chậm rãi, trẻ hiếu thắng, năng động. Già “ xuất thế “ thường đi tìm những thú tiêu khiển nhẹ nhàng. “ Về đi thôi, về đi thôi “ ( Qui khứ lai hề, qui khứ lai hề ). Vui thú điền viên là triết lý sống cụ Đào Tiềm đã dạy cho lớp già Đông phương từ mấy trăm năm về trước. Mà không phải các cụ phương Đông mới ưa tĩnh mịch. Sống yên ổn trong một nông trại riêng biệt hoặc giả trong một biệt thự trên đỉnh núi cao ít người leo đến cũng là ước mơ của nhiều người có tuổi phương Tây.
Anatole France, một nhà văn nổi tiếng của Pháp, đã thuật lại một câu chuyện ngộ nghĩnh, nêu rõ mâu thuẫn giữa trẻ và già ngay trong một con người. Có nhà chính trị về già đứng trên balcon nhà ông để nhìn thanh niên biểu tình dưới đường phố Paris. Đám thanh niên chận xe cộ, cản trở lưu thông, hò hét , đập phá không tiếc tay. Nhà chính trị gia về già nổi gận, đập mạnh tay xuống khung cửa và thét lên : -“ Cảnh sát đâu ! Sao không kịp thời ngăn chận bọn phá rối trị an kia ?. Ông đã quên vào thời còn trẻ, ông từng tham gia nhiều cuộc biểu tình hay tổ chức những cuộc biểu tình phá phách.
Có những vấn đề thuộc về bản năng của con người tưởng chẳng có gì khác biệt giữa già và trẻ, khác chăng chỉ ở cường độ và tần số, như vấn đề tính dục. Nhưng theo một bản nghiên cứu của Đại học UCSD được báo San Diego Union Tribune tóm lược và đăng tải vào ngày 5 tháng 10 năm 2005 thì già cũng như trẻ cũng có những thái độ rất khác nhau về tính dục. Có những chuyện thế hệ xưa xa lánh thì thế hệ trẻ lại ưa thích !.
Nêu ra một vài điểm khác nhau giữa già và trẻ tôi không có ý chê trẻ sai và cho già đúng hay ngược lại. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh giữa già và trẻ có những khác biệt, những khác biệt có khả năng đưa đến mâu thuẫn gay gắt, tai hại không ít cho gia đình, đoàn thể hay xã hội. Cần phải tìm cách san bằng những khác biệt, lấp cạn cái hố ngăn cách ấy. Giải pháp không phải là dễ. Cần nghiên cứu ,tìm tòi, cởi mở, kiên trì, thương yêu, khiêm tốn…Duy có một điều tôi muốn đề nghị ngay là tuổi già nên nhớ là mình từng có lúc trẻ và tuổi trẻ nên biết là mình sẽ già. Trong người già đang còn có những thành tố trẻ và tuổi trẻ chưa bước qua đoạn trường của tuổi già. Biết được điều tất yếu này tôi nghĩ già trẻ dễ thông cảm và gần gụi với nhau hơn.
Tôi đã nói hơi dài dòng về cái hố ngăn cách già và trẻ. Nhưng chủ đích của bài là nói tổng quát về chuyện già chuyện trẻ hay quan niệm già trẻ, chứ không phải bàn về cái hố già trẻ. Tuy không đi quá xa để lạc lối nhầm đường nhưng cũng xin trở lại vấn đề.
Chắc không ai sống mà cứ tâm tâm niệm niệm :- Ờ ta còn trẻ, hoặc : - Ờ, ta đã già. Người ta thường sống thản nhiên ít khi nghĩ rằng ta già hay trẻ. Thời gian cũng thản nhiên trôi qua. Nhưng một ngày nào đó, như trên đã nói, chúng ta mới nhận thức ta đã già rồi. Xin đừng hốt hoảng khi thấy mình già để buông xuôi hay sống vội. Đã không ngăn chận được cái già thì hốt hoảng làm gì. Chán nản, buông xuôi cáng chóng già, sống vội chẳng được thêm bao nhiêu. Hãy tự tại an nhiên, bình thường làm điều đáng làm trong tầm vóc sức lực của mình. Quảng đại, cởi mở, khiêm tốn, chia sẻ, theo suy nghĩ nông cạn và riêng tư của tôi, là cách sống “Xuân”, không lệ thuộc vào Mùa Xuân đến hay Mùa Xuân qua.
Nguyễn Đăng Ngọc