Khi Nghĩ Về Trường Phan Châu Trinh - Đà Nẵng

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 Ngaythanh lap truong

Trong cuộc đời dạy học của mình, đi nhiều nơi, tôi nghiệm ra được một điều . Có những ngôi trường được biết đến, được phụ huynh quyết định đưa con em đến học là nhờ có Thầy A, Thầy B đang dạy ở đó. Ngược lại, có những thầy dạy học được nâng lên về mặt giá trị vì được dạy ở trường Z !

Phan Châu Trinh là một trong những trường Z như thế .

Trước đây trường Phan Châu Trinh là một trong những nhiệm sở mơ ước của sinh viên Đại học Sư phạm Huế. Trong danh sách tốt nghiệp ra trường, anh phải ở vị trí từ  01 đến 05 , thậm chí là  03, anh mới có cơ sở để mơ ước về dạy ở trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng.

Cũng nhờ thế mà trường Phan Châu Trinh đã cung cấp cho xã hội biết bao nhiêu là công dân có ích, có chức phận, không biết bao nhiêu là nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ hiện đang còn sống và làm việc trong và ngoài nước.

Tuy vậy, cũng như cuộc đời, cái gì cũng có mặt trái của nó. Trường Phan Châu Trinh cũng có những học sinh hư, thậm chí trở thành tội phạm. Nhưng so với những nơi khác, tỷ lệ học sinh hư rất thấp. Nói theo “ tư duy chính trị “thì học sinh hư ở trường Phan Châu Trinh không trở thành vấn đề.

Đấy là cảm nhận của tôi trong thời gian dạy học ở Đà Nẵng .

Ở Đà Nẵng, tôi là người có may mắn đã được dạy ở hai trường lớn  lúc bấy giờ : Trường Nữ Trung học Hồng Đức (nay là trường Đại học Đà Nẵng ở đường Lê Duẫn) trước tháng 4/1975 và trường Phan Châu Trinh sau ngày đó. Chỉ có một điều đáng tiếc là khi về dạy ở Phan Châu Trinh thì Phan Châu Trinh không còn là một trường dành riêng cho nam sinh mà là một trường con trai con gái học chung,

Hình như ở một lứa tuổi nào đó, việc tách học sinh nam nữ học riêng làm cho vấn đề giới tính phát triển tự nhiên hơn .

Trong ký ức tôi hiện lên những buổi trưa, buổi chiều trước 1975 , lúc mà trường Phan Châu Trinh còn là một trường nam...Giờ bãi học đã lâu rồi, bên này có người chưa bước vội, bên kia, tức trường Nữ Trung học Hồng Đức có người chưa dám đi. Cả hai bên đều chờ đợi, ngập ngừng ...và đó là cái ngập ngừng đã từng làm xao động cả một thời thơ trẻ của đời người ...

Hồi ấy học sinh Phan Châu Trinh mơ mộng nhiều hơn. Suy nghĩ cũng nhiều hơn. Họ lãng mạng và có nhiều cao vọng . Đặc biệt họ học rất giỏi . Giỏi như là một truyền thống. Chỉ với lớp Đệ nhị  và Đệ nhất ( lớp 11, 12 bây giờ ) ban C, họ đã đọc thông thạo sách tiếng Anh, tiếng Pháp . Họ có trí thức thật sự. Họ có ý kiến riêng , quan điểm riêng về những vấn đề thời đại . Họ suy nghĩ độc lập, sáng tạo ...

Bây giờ mọi sự đã khác. Ngay cả khát vọng cũng đổi khác. Sau này tôi ít gặp những học trò tâm sự về những ước mơ của mình , ít người thích học ngành văn ( ban C cũ ), họ ít đọc sách hơn, không ham trau dồi kiến thức, không có tham vọng trong lãnh vực văn học...Đa số trong số họ, vào Đại học thì chọn ngành Kiến trúc, Xây dựng, QTKD, ...Ra trường thì thanh toán xong chứng chỉ C tiếng Anh và giỏi vi tính...và nhất là khao khát được làm việc cho một công ty nước ngoài !

Truong PCT Now 03C

Họ không mơ mộng nữa.

Tôi không biết mình có lỗi thời chăng ?

Chẳng lẽ sự mơ mộng rồi cũng lỗi thời sao ??

Nguyễn Văn Phụng

Cựu giáo viên trường PCT

( Đặc San  45  năm Trường PCT-ĐN 1997)