Đôi Dòng Lưu Bút Ngày Xanh

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 


DoiDongLuubutNgayXanh2

Một trong những cái vui  để lại kỷ niệm dễ thương và khó quên của ngày nhỏ đi học,  là  việc viết “ Lưu Bút “.  

Không hiểu Lưu Bút được bắt nguồn từ thời nào? Có lẽ đã lâu, lâu lắm rồi , qua   bao nhiêu thế hệ học trò, và đã trở thành như một truyền thống  riêng biệt của giới trẻ cắp sách , mỗi độ Hè về trước khi chia tay .

Ngày ở tiểu học thì nhỏ dại quá , nên Lưu Bút  hình như chỉ dành cho học sinh   trung học . Những năm từ Đệ Thất đến Đệ Tứ, lứa tuổi  thích mơ mộng ,  và  âu lo thi cử ở giai đoạn này chỉ là man mác . Khi  lớn lên một chút, phần vì  “ ngây thơ “ ngày nhỏ cũng bớt đi (?) , thêm mấy năm Đệ Nhị , Đệ Nhất với hai kỳ thi Tú tài quan trọng canh cánh bên mình . Thế nên, Lưu Bút thường như chỉ “thịnh hành” và phổ thông cho lứa tuổi học trò Đệ nhất cấp.

Suốt thời gian  bảy năm ở Phan Châu Trinh , Đệ Tứ ( niên khóa 1960-61), là mùa Hè duy nhất lớp tôi có viết Lưu Bút. Năm học gần hết, sắp lên  Đệ Tam , mỗi người  chọn một ban , rồi đây sẽ không còn chung lớp nữa. Có thể vì vậy , nên  ai cũng mong  “ có vài dòng “ trao đổi  với các bạn để  giữ lại  một chút kỷ niệm .

Hơn nữa,  năm học này bằng hữu  trong lớp đặc biệt  rất thân  nhau. Qua ba năm chung học , sau  bao nhiêu lần cùng  đi du ngoạn đi trại với lớp, với trường  bạn bè càng  trở nên thân hơn.  Rồi tự nhiên cách biệt giữa  ” con trai - con gái ” xóa đi  trong  tình bằng hữu hồn nhiên trong sáng .(Hồi đệ thất  học trò con gái học riêng). Cũng từ năm học này, có những tình bạn khắn khít từ ngày ở trường, kéo dài mãi cho  đến lúc ra đời .

Còn nhớ mấy ngày cuối năm Đệ Tứ ,  những tờ giấy “ pelure “ mỏng  manh thật đẹp đủ màu , xanh lạt tím lạt , hay hồng phấn ... với những tấm ảnh nhỏ được trao qua ,trao lại  trong giờ học, giữa bạn hữu. Hầu hết con gái cũng như  một số  con trai  trong lớp đều cùng hăng hái “ viết Lưu Bút “ !  Những giờ học cuối, không khí  thật  vui tươi  , dù ngày chia tay  không còn xa ,  khiến thầy Trần Ngọc Quế  đã có  vài nhận xét vô cùng hóm hỉnh  và nhất là thầy Lý Châu, giáo sư hướng dẫn lớp , cũng phải để ý với lời  “  khuyến cáo “  :

- “ Gần ngày thi rồi, sao cứ “ thương “ với “ nhớ “ nhiều quá  !  “

Chuyện lớp Đệ tứ 2 rộn ràng viết lưu bút tuy là việc “ thuần túy nội bộ “, nhưng vô tình  đã lan ra ngoài giới hạn của lớp !

 Một hôm sau giờ ra chơi , vào học trờ lại thấy trên bàn  tờ “ quảng cáo “ : Nhận viết Lưu Bút thuê  !.

Thôi thì đủ hết :

- “ chữ viết rồng bay phượng múa !

- “ tình cảm lâm ly , ảo não, vô cùng  thắm thiết  !

-“ giao hàng  cấp tốc  !  .” v..v...và  v..v...

Lại  cũng không quên :

-  “giá  đặc biệt”  cho nữ sinh  lớp Đệ tứ 2 !
 
       

 “ Ban biên tập “ với một dãy tên khá dài , toàn là những người  lớp trên . Chắc mấy anh lớn PCT vui vui này  muốn “ chọc quê “ đàn em ?!                                                              

                                                       *  *  *

Rồi như  bao mùa Hè khác ở Trường cũ  Phan Châu Trinh ,  Hè  năm Đệ Tứ cũng êm đềm qua nhanh...

 Đến nay, hơn sáu chục năm đã trôi qua, mỗi khi hồi tưởng  những ngày  còn đi học, thì tập Lưu Bút của mùa Hè năm ấy, lại trở về  êm đềm trong trí nhớ, cùng với hình ảnh của các bạn học  thuở nhỏ, nhất là  những người  bạn sau đây, đã “ có đôi dòng  ” cho tôi :                                                     

 Hoàng Thu Hồng :  Lưu bút của  Thu Hồng đầy ắp chân tình thương mến nhất  mà tôi nhận được.

Từ  trường Trưng Vương  Sài Gòn ra, Thu Hồng vào Phan Châu Trinh năm Đệ Tứ . Tuy chỉ một năm duy nhất học chung, nhưng Thu Hồng là người bạn để lại cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên .

Hôm đầu  tiên vào lớp, Thu Hồng vừa chịu tang Mẹ, trên đầu còn khăn tang trắng . Vẻ buồn của  bạn làm tôi xúc động . Một tình thương  tự nhiên đến, cảm tưởng như có điều gì được định sẵn, như cái “ duyên  của một tiền kiếp nào ?.

Một hôm tình cờ coi tập ghi bài của Thu Hồng và đọc được mấy câu  :

”... Cả con đường sao mọc lúc ta đi

     Cả chiều sương mây phủ lối ta về

     Khắp vũ trụ bỗng vô cùng thương nhớ ...”

     ( Đinh Hùng ? )

Vui mừng biết bạn thích thơ. Đây là một trong những điều tôi yêu thích ở Thu Hồng , cũng như  thương mến bản tánh hồn nhiên và tình cảm chân thật của bạn .

Nhớ một  chiều  gần Tết cùng Thu Liên , Duyệt và Thu Hồng đi coi phim  “ Một thời để yêu và Một thời để chết “ (Le temps d’aimer et Le temps de mourir ). Chuyện phim buồn làm tất cả cảm động, riêng Thu Hồng thì sướt mướt.

Thuở đó, đi chụp ảnh cũng  là sở thích chung của Thu Hồng và tôi . Một lần , hai đứa đi chụp ảnh với Phạm thị Duyệt , nhưng Thu Hồng  và Duyệt mỗi người lại chọn một tiệm ảnh ! Theo ý kiến của “ đa số “,  tự nhiên tôi  bị đặt trong thế là người phải quyết định , không thể làm vui lòng cả hai người bạn cùng một lúc được ! Đã cùng đi với Thu Hồng rồi , và đây là lần đầu với Duyệt, nên tôi chiều theo ý Duyệt . Thu Hồng cũng đi, tuy hơi miễn cưỡng .

Hôm coi ảnh thử để chọn, trong hình thấy Duyệt và tôi cười vui, còn  Thu Hồng với một vẻ  “ nghiêm trang ” thật tức cười !.Tôi vẫn muốn có tấm hình đó, nghĩ để giữ như một kỷ niệm. Nhưng Thu Hồng nhất định không chịu ; kết quả là chẳng có ảnh chung . Ra  về tôi hơi buồn . Hôm sau trên bàn học, chỗ tôi ngồi, có một nhánh hoa khế tím nhỏ và vài giòng của Thu Hồng đại ý : “hẹn lần tới “.

Nhưng rồi một ngày đẹp trời ngẫu hứng cho tất cả tình cờ cùng thích đi chụp ảnh  không phải dễ, thêm mùa thi lại  gần kề ... Và “ lần tới “ đã không bao giờ  còn có nữa !.

Bên cạnh những sở thích như nhau, Thu Hồng với tôi cũng có vài khác biệt , song điều này không làm giảm chút gì tình thân giữa đôi bạn .

Năm này, tụi tôi hay học chung,  mà thì giờ nói chuyện bâng quơ  thường nhiều hơn giờ học ! Thu Hồng rất  thích hát, ( dù không hát hay ) , ngay cả khi đang làm toán cũng  “ nghêu ngao “ ! Ngày ấy, hơi “ phiền “ cái  “ tật” lơ đãng trong khi học của bạn . Nhiều lần tôi nhắc nhở, nhưng chẳng “ thuyết phục “ được ! Có lẽ đây là một trong vài thói quen của Thu Hồng ,  mà đã là thói quen thì hình như khó bỏ ? ( như thói quen hễ thấy hoa gì nhỏ là cũng thích rức từng cánh li ti để “ bói “: il m’aime un peu, beaucoup, ... ! . Trò chơi này , vô tình bao lần đem lại cho Thu Hồng của tôi  những vui, buồn không duyên cớ ! )

 Bản tánh cởi mở, Thu Hồng đối xử  với các bạn con trai trong lớp tự nhiên cũng như bạn gái. Thường tươi cười vui vẻ, nhưng đôi khi chợt có lúc thật buồn và than “ cô đơn “.( Vì mất mẹ , Thu Hồng sống với gia đình người chị , và tình thương của người chị, tôi nghĩ, có lẽ không đủ ấm áp cho trái tim côi ?. Thương bạn, song ngày đó, tôi chẳng biết nói chi để an ủi. Nhiều năm sau, khi đã lớn, mỗi lần nhớ Thu Hồng mới thấy xót xa cho bạn. Phải chăng “ cô đơn “  nhiều lúc không hẳn là không có người bên cạnh, mà là cảm giác trống trải như chẳng có ai hiểu mình ? )

Ngô thị Kim Oanh :  Người bạn vui tính, hểu hảo mà tôi thương mến nhiều, dù với tôi, bạn hay có “ thú  thương đau “ .  Suốt mấy năm chung lớp không biết bao phen tôi bị bạn chọc phá  rất “tận tụy” !

Ngay lần đầu rủ tôi lại nhà chơi, Kim Oanh , đã “ đưa lầm “ địa chỉ nhà của  Phan thị Hoa !  Sáng thứ hai  gặp nhau, chưa kịp hỏi đã thấy Kim Oanh gập cả người mà cười thích chí !

Nhớ nhiều buổi tan trường, cùng về trên đường Thống Nhất, Kim Oanh luôn luôn  tìm cách phỉnh gạt, chọc phá tôi không ngừng !. Tánh vui của bạn  như chuyền sang người khác, nên thật khó mà hờn giận được Kim Oanh, dù chỉ  5 phút !

Tuy hay đùa giỡn bên ngoài, Kim Oanh cũng là người tình cảm. Lưu bút của bạn nhắc  nhiều đến trại Hè toàn trường , cuối niên khóa 1959-60 ,  và đêm trăng nơi đồi thông Mỹ Thị . Khuya hôm đó, hai đứa nằm bên nhau, thì thầm nói chuyện , và tôi tin Kim Oanh, cũng như tôi,  đã bồi hồi cảm thấy niềm vui  ấm áp trong tình bạn .

( Đồi thông Mỹ Thị, nơi để lại bao kỷ niệm êm đềm khó quên... Nhớ dưới chân đồi có con lạch mà hai ngày trại ở đây bọn tôi đã xuống lấy nước. Con lạch nhỏ đó, hơn nửa thế kỷ sau, qua email của Nguyễn Hữu Lân, người bạn học cùng lớp ,  mới hay  thuở xưa từng mang tên “ sông Cổ Cò” :

 “ ...Ngày trước đó là thủy lộ duy nhất cho thương thuyền đại dương của Hoà Lan, Nhật Bản, Tàu...qua cửa sông Hàn, theo sông Cổ Cò vào Hội An trao đổi hàng hóa, tạo nên Phố Hội. Cả thế kỷ sung mãn Đàng Trong thời Chúa Nguyễn ... Thế rồi sông bị lấp dần. Phố Hội thất thế vì thương thuyền không vào được...”Tourane“ bị Pháp chiếm thành nhượng bộ, Hội An bị bỏ quên...”

Thì ra hai ngày trại Hè PCT nơi đây, bằng hữu và tôi đã  lê chân “ dẫm lên lịch sử ” mà nào có hay ! )

Khoảng thời gian đầu , khi Vương Ngọc Hà vừa lập trang Web “Một Thời Phan Châu Trinh “, Kim Oanh gởi cho coi lại tập Lưu Bút của Hè Đệ Tứ 1961, sau hơn bốn chục năm rời trường .  Cảm động  khi thấy Kim Oanh còn  cất giữ  ngay cả mấy cái “ notes “  cùng vài hình vẽ  nhỏ tôi gởi bạn từ hồi xa xưa. Bạn cũng không quên cho lại  tấm ảnh , ngày tôi vừa lên 16 . Thật ít có  người bạn nào còn  giữ hình ảnh của mình sau mấy chục năm dài xa cách ... Hôm nhận được, nếu có Kim Oanh bên cạnh, chắc tôi chỉ  ôm ghì bạn vào lòng mà chẳng nói được  “ cám ơn “ !

ThuHaLuuBut 01

                “ Mai sau dầu có bao giờ

                  Đốt lò hương cũ so tơ phiếm này “  ( ND )

                    ( Trong tập LB Đệ tứ 2 của NTKO )

Đinh Văn Thìn :  Cũng là một người bạn hay nghịch phá , song  đầy thân thiện như Kim Oanh . Suốt mấy trang Lưu bút dài mà hơn phân nửa nhắc lại vụ  “ cặp đôi “ tôi với  một bạn học trong lớp , hồi Đệ Ngũ , và “ lấy làm tiếc ...”. Tuy chỉ một lần, rồi sau cả lớp đã quên bẳng và ngay chính người bị phá cũng thấy đó là “ chuyện năm ngoái  “ !.

Vài năm sau ở Sài Gòn , một chiều đi học về nghe có “ người bạn Phan Châu Trinh mới ở Mỹ về, ghé thăm “. Chẳng thể đoán được ai ! Thì ra đó là Đinh Văn Thìn.

 Bất ngờ và vui mừng khi gặp lại người bạn học cũ . Được biết xong trung học, Thìn chọn binh chủng Không Quân, và được gởi qua Mỹ học, vừa trở lại nước nhà sau khi tốt nghiệp .

Nghe Thìn vui thích kể về thời gian học lái máy bay, “biết đâu sẽ được đọc một cuốn tương tự nhưĐời Phi Công ? “ tôi hỏi ,và Thìn vui vẻ trả lời, trong tiếng cười  ròn rã  :”Thật tiếc tôi không có tài như ông Nguyễn Xuân Vinh , lại chẳng may mắn được một  cô Phượng nào cho nguồn cảm hứng !  “.

Còn nhớ một Đinh Văn Thìn cao lớn khoẻ mạnh, hồn nhiên, đầy vẻ yêu đời, nói cười sang sảng ,  vui chuyện với bằng hữu buổi chiều hôm đó .

 Chỉ vài tuần ngắn ngủi sau, đọc báo thấy  cáo phó  “Phi công Đinh Văn Thìn đã hy sinh vì công vụ “, không thể ngờ được ! Chỉ biết cầu mong có sự trùng hợp tên...Cho đến một ngày, bàng hoàng nhận được vài giòng của người bạn học khác,  Phạm Ngọc Chấn, rất thân với Thìn,  đang du học ở Canada, gởi về cho hay : “máy bay rớt, kéo Thìn đi theo ! ``.

Thế hệ của chúng tôi, một  thế hệ tuổi trẻ  lớn lên trong thời đất nước chiến tranh , ngoài Đinh Văn Thìn còn có bao người bạn khác, như  Lê Khả Trính, Huỳnh Ngọc Tài, Lê Đình Hải, Huỳnh Lô ... đã hy sinh lúc  vừa mới bước vào ngưỡng cửa cuộc đời.

Phạm thị Duyệt : Qua trang Lưu Bút hiền hoà , Duyệt  nhắc nhở hết lại cho tôi  bao lần cùng du ngoạn hay đi trại với lớp, với trường  : Kỳ Lam, Lăng Cô, Mỹ Thị,  Mỹ Khê...và nhất là kỷ niệm , tuy nhỏ nhưng khó quên , của riêng hai đứa tụi tôi, hồi năm Đệ lục , 1958 , trong lần du ngoạn  ở Tiên Sa cùng với cả lớp .

 ( Tiên Sa : một bãi biển thơ mộng  rất dễ thương và sạch nhất của Đà Nẵng xưa. Rãi rác trên bờ biển nhiều tảng đá thật đẹp. Những tảng đá đen tuyền này, có lẽ đã  ở đây từ  bao trăm năm, hay  có thể từ  ngàn năm trước ?, và chắc đã được sóng vỗ lên hàng  triệu ,hàng  muôn  ức lần, nên bóng láng . )

Hôm ấy, chẳng hiểu sao Duyệt và tôi cứ thích trèo lên những tảng đá vô cùng trơn trợt này để chụp ảnh, thay vì đứng bên cạnh . Hai đứa níu tay giúp nhau, mấy lần  cố gắng bước lên, nhưng có lẽ vì cười quá nên cứ trợt chân xuống ! Cuối cùng cũng  lên được , để vui mừng có tấm ảnh !

ThuHaLuuBut 02

          ( Du ngoạn Tiên Sa, Đà Nẵng1958 . Ảnh của PTD )

 Hơn bốn mươi năm sau , từ Paris, Duyệt gởi cho lại vài  hình ảnh thuở đi học, trong đó có tấm ảnh  đen trắng nhỏ tí nơi bãi biển Tiên Sa , gợi tôi nhớ thật nhiều ngày vui  xưa... Trong một ảnh khác, gần như đầy đủ cả lớp, ở lần du ngoạn Mỹ Khê, năm Đệ tứ . Nhớ hôm ấy vào một ngày trời lộng gió và âm u  ( tháng 10/1960    ) mà lại phải đạp xe ngược chiều gió . Mệt nhiều, nhưng  vẫn vui nhiều. Một ảnh  khác nữa , cũng ở lần du  ngoạn này, Duyệt cùng Thu Liên, Thu Hồng, Lê Văn Chơn và Lê Tự Rô, tươi cười ngồi bên nhau  trên đồi cát ở bãi biển Mỹ Khê . Năm  người bạn học vô tư ngày nhỏ nay Duyệt và Lê Tự Rô đã ra đi ,  ba người bạn còn lại, mỗi người một nơi ...

ThuHaLuuBut 03

( Trên đồi cát bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng tháng 10/1960 . Ảnh của PTD)

 Đặng Kim Hùng :  Người bạn luôn luôn tươi cười và khi nào cũng đặc biệt hoà nhã với bạn hữu . Trang Lưu Bút phản ảnh tính cởi mở  dễ thương của người viết.

Đặng Kim Hùng nhớ  đủ hết tất cả những người bạn có mặt ở  lần họp mặt bằng hữu nơi nhà tôi, đầu mùa hè năm Đệ Tứ , và kể lại không sót một người nào ! Lưu bút dài  với lời lẽ  hồn nhiên của bạn nhắc nhở cho tôi nhiều chi tiết thật vui  của buổi họp mặt nhỏ ấy, mà chính tôi đã không còn nhớ được hết.

( Gần nửa thế kỷ qua đi, một người bạn cùng lớp khác, trong  lần nói chuyện qua điện thoại , tình cờ có nhắc lại cho : ở họp mặt  đó, người bạn hồn nhiên luôn luôn vui tươi Đặng Kim Hùng  đã hát bài   “Đò Chiều “, ( một ca khúc  buồn  ?) để ...giúp vui ! :

... Một ngày nào trên bến cô liêu

 Xóm bên sông tiêu điều

Buồn hắt hiu muôn chiều …”  )

Sau khi đã rời Phan Châu Trinh, một chiều chủ nhật vừa ở phòng học của thầy Trương Bá Trước ra, đang đứng trên lề đường Đinh Tiên Hoàng, Đa Kao, Sài Gòn, bỗng nghe tiếng ai gọi thật lớn: “ TH ! TH ! “. Nhìn lên thì thấy trên một xe nhà binh lố nhố những sĩ quan Thủ Đức đang chạy ngang qua, và Đặng Kim Hùng vừa nhô đầu ra ,vừa gọi .

 Nhận ra bạn học cũ, tôi cũng mừng quá. Đến gần ngã tư đèn đỏ thấy xe chạy chậm chậm lại , tôi vội đi theo một quảng, nhưng chưa kịp chào, hay hỏi chi thì đèn chuyển sang xanh và xe  vụt mất ! Xe chạy một quảng xa rồi, nhìn theo  vẫn còn thấy bóng Đặng Kim Hùng nhô đầu ra và bàn tay bạn vẩy vẩy ...

Rồi chỉ thời gian ngắn sau , vào một ngày gần Giáng Sinh ở Sài Gòn xưa, gặp Lê Văn Chơn, một người bạn cùng lớp  thân thiết với Đặng Kim Hùng ở PCT, cho hay Hùng  vừa mất trong thời gian còn  ở quân trường Thủ Đức .

ThuHaLuuBut 04

 (Phần mộ của Đặng Kim Hùng,an táng dưới chân núi Hoà Sơn cách Đà Nẵng 12km ngày  14/8/2003. Ảnh của LVC  )

 * * *

Tập Lưu bút mùa Hè năm Đệ Tứ , dấu tích của những ngày tháng êm đềm,  được nâng niu gìn giữ mãi  với trân quý đặc biệt , cho đến ngày di tản tháng 4/75,  ra đi vội vàng trong hốt hoảng, không  kịp  mang theo được . Tôi đã để lại đàng sau kỷ niệm dễ thương của một phần đời vui tươi và êm ái ...

Tôi không phải là người sống trong dĩ vãng, chỉ nghĩ đến những ngày “ tuyết năm xưa “, Les neiges d’Antan , nhưng tình cảm tốt đẹp của những ngày trước mà không tàn phai theo năm tháng cũng thật là rất quý. Cám ơn những người bạn cũ đã gìn giữ bao kỷ niệm êm đềm của Trường xưa và đã cho tôi nhớ lại những ngày vui qua, khi bước vào tuổi lớn .

 Tháng năm lặng lẽ đều đều lướt nhanh, tất cả những gì rồi cũng xa rời chúng ta, song những tình cảm tốt đẹp, trong sáng ấy vẫn còn theo ta mãi mãi , hay ít nhất cũng đến những ngày cuối của cuộc đời ...

Phan Thu Hà

( PCT 1957-64 )