Vần Thơ Xướng Họa

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

VanThoXuongHoa

Trường Phan Châu Trinh các năm học trước mới chỉ có đến lớp Đệ Tứ ( lớp 9 ). Học xong Đệ tứ, đậu xong bằng Trung học Đệ nhất cấp, muốn học lên nữa, học sinh phải khăn gói ra Huế, hoặc vào Nha Trang, Sài  Gòn. Năm tôi đến , niên khóa 1958-1959, trường mới được phép mở Đệ nhị cấp . Ba lớp : 1 Đệ tam A, 1  Đệ tam B, 1 Đệ tam C ( tức lớp 10 ABC ).

Tôi được phân công dạy tại cả ba lớp đó, vừa Toán ,vừa Lý Hoá. Riêng lớp Đệ tam B , đệ nhất lục cá nguyệt , tôi chỉ dạy môn Hình học, môn Đại số thầy Bùi Tấn dạy. Đến Đệ nhị lục cá nguyệt , tôi mới dạy hoàn toàn. Tôi được trường giao làm Giáo sư hướng dẫn lớp Đệ tam B ( Khoa học Toán ), lớp lớn nhất, lớp đầu đàn của trường.

Cơ ngơi trường PCT lúc đó còn rất nhỏ, gồm một dãy sáu phòng, vừa làm phòng học ,vừa làm văn phòng, mặt nhìn ra đường Lê Lợi.

Khuôn viên trường rộng bao la, trải dài từ đường Thống Nhất đến cạnh hông trường tư thục Phan Thanh Giản. Sân trường còn đổ cát, chỗ cao, chỗ thấp, bao quanh bằng một hàng rào kẽm gai quân đội thấp lè tè, đứng bên ngoài nhìn được hết mọi sinh hoạt bên trong.

Cây cối còn lèo tèo, bé khẳng khiu, phất phơ eỏ lả trước gió. Hè vừa rồi, tám phòng học gồm bốn trệt, bốn lầu được hoàn thành thêm, đứng vuông góc với dãy nhà cũ, lưng quay về phía đường Thống Nhất. Hai cơ ngơi cũ và mới lúc đó còn rời nhau, chưa nối kết vào nhau như bây giờ.

Ba lớp đệ nhị cấp đầu tiên được ưu tiên vào học tại 3 phòng trên lầu của dãy nhà mới , theo thứ tự Đệ tam A, Đệ tam B, rồi Đệ tam C. Vào trong lớp dạy còn nghe thơm mùi  vôi mới, mùi gạch ngói mới, mùi bàn ghế mới...

Tôi muốn kể nhiều đến lớp Đệ tam B, lớp tôi dạy Toán và phụ trách giáo sư hướng dẫn hai năm liên tiếp. Đây là lớp dạy nhớ đời của tôi. Đây là lớp dạy để đời của tôi. Đây là lớp tôi vừa dạy vừa học. Đây là lớp tôi vừa là thầy vừa là bạn. Đây là lớp qui tụ tất cả gì là tinh hoa, là trí tuệ của Quảng Nam – Đà Nẵng lúc bấy giờ, của miền đất được mệnh danh là Ngũ Phụng Tề Phi.

Trong cuộc đời dạy học của mình, trong suốt 40 năm ở PCT, tôi đã gặp nhiều em học sinh giỏi, thật là giỏi, giỏi đến xuất chúng, giỏi đến độ mình là thầy dạy nó nhưng lắm khi cũng phải phục lăn ra, không thốt được nên lời !

Ngồi suy nghĩ lại, tôi phải công nhận là chưa hề gặp một lớp học sinh nào giỏi đều như thế. Vừa học giỏi, vừa thông minh, vừa tài hoa,vừa nghệ sĩ, vừa tình cảm. Hát hay, đàn hay, viết văn hay, làm thơ hay, vẽ rất đẹp, chơi thể thao cũng giỏi. Lớp khoảng 50 học sinh, toàn nam , chỉ có 2 nữ. Tôi còn nhớ :

Nguyễn Hữu Hùng, Lê Tự Hỷ, Tôn Thất Hải, Tôn Thất Tuấn, Võ Thị Thương, Phan Thị Xuân Nguyệt, Mai Chánh Trí, Phan Nhật Nam, Nguyễn Văn Minh , Võ Ý, Nguyễn Thanh Thừa, Đỗ Viết Tịnh, Nguyễn Bá Trạc ,Trương Công Nghệ,Phạm Văn Đồng, Hồ Công Lộ,Phan Bái, Bùi Ngọc Tô,Nguyễn Thu Giao, Võ Văn Hải,Chế Văn Thức,Đặng Ngọc Khiết, Vĩnh Lai, Ngô Văn Mạnh, Tôn Thất Chơn Tu, Giang Lý Đương, Lương Văn Thuận, Đỗ Hữu Toàn, Nguyễn Trác Diễm, Phan Bá Sáu...

Trưởng lớp là Võ Ý, đẹp trai, ăn nói nhỏ nhẹ. Trưởng ban báo chí là Đỗ Viết Tịnh, thơ hay vẽ đẹp. Trưởng ban văn nghệ là Đỗ Hữu Toàn, biệt hiệu Đỗ Toàn, guitar điêu luyện, hát rất hay. Viết văn có Phan Nhật Nam, Nguyễn Bá Trạc, Nguyễn Thu Giao, Đỗ Toàn. Làm thơ có Võ Ý, Đỗ Viết Tịnh, Tôn thất Chơn Tu (Chu Tân ).

Em nào cũng nghệ sĩ tài hoa đầy mình. Thầy trò tuổi sàn sàn nhau ( có mấy em lớn tuổi hơn tôi nữa ) nên rất dễ cảm thông nhau. Với chức năng là giáo sư cố vấn hai năm liên tiếp, nhất là vì mến thương các em , tôi hiểu kỹ từng em một. Từ cái hay đến cái dỡ. Từ cái học đến cái chơi. Và như tôi được biết thì các em cũng đã dành cho tôi một tình cảm ưu ái đặc biệt...

Lúc mới bắt đầu đi dạy, tôi còn rất trẻ. Có lần bác cai trường Nguyễn Văn Thôi đóng cổng không cho tôi vào trường theo cửa dành cho các thầy cô, chỉ tay bảo tôi đi vào bằng cổng nhỏ dành cho học sinh. Khi thầy Nguyễn Kế, lúc đó là nhân viên văn phòng phụ trách học vụ, trao thời khóa biểu cho tôi, thầy đùa bảo : “ Trẻ như thế này mà dạy lớp lớn thế à, học sinh nó xỏ mũi kéo đi đó, có sợ không ? “.

Giờ đầu tiên bước chân vào dạy ở lớp này cũng chính là giờ dạy đầu tiên trong cuộc đời dạy học của tôi. Mở cuốn sổ điểm danh mà hai tay cứ run run, nghe thoáng đâu đây từ cuối lớp : “ Trẻ thế này à ? “, “ Trông thư sinh quá ! “.

Bài dạy đầu tiên đáng lẽ phải kéo dài  50 phút, thế mà tôi dạy đâu chỉ 15 phút là hết bài ! Bối rối, không biết nói gì nữa, bèn lấy cuốn sổ gọi tên, gọi tên từng em một, bảo là để biết mặt, nhưng sao thấy em nào khuôn mặt cũng giống nhau hết cả ! Hết giờ, kiểng đánh, đi như chạy về phòng Hội đồng giáo sư, nghe tim còn đập liên hồi !

Bây giờ ngồi nhớ lại, tôi vẫn công nhận đúng đây là lớp có nhiều học sinh giỏi. Thuở ấy, mỗi lần giảng lý thuyết xong, tôi đều cho học sinh làm ngay một hai bài toán chạy, để kiểm tra trình độ tiếp thu của các em. Mới đọc đề vừa dứt, đã thấy các em ào ào đem bài lên nộp. Các em ngồi cuối, các em ngồi giữa bàn trèo lên hẳn qua đầu các bạn mình để tranh nộp bài cho mau. Lớp học bao giờ cũng linh họat, vui nhộn và thân ái...

ĐetamBPCTnien khoa1958 1959

Lớp Đệ tam B  Phan Châu Trinh ( niên khóa 1958-1959)

Một sáng thứ hai, bước chân vào lớp, tôi gắt gặp nhiều nụ cười hóm hĩnh trên môi các em. Nhiều cặp mắt nhìn tôi lạ lạ . Trên mặt các bàn học, tôi thấy có đến hơn mươi tờ nguyệt san Phổ Thông của nhà văn Nguyễn Vỹ, đang ở trạng thái mở. Có mấy em đang chăm chú xem gì trong đó một cách say sưa thích thú.

Tôi cầm một tờ lên xem. Tờ báo đăng bài thơ “ Thoáng buồn “ của tôi, chiếm cả một trang giấy. Chà , bọn này tài thật, tôi đã biết gì đâu. Đến dạy ở trườngnày, tôi đâu có cho ai biết tôi làm thơ đâu. Chỉ có vài thầy, trước đây là bạn cùng lớp, mới biết mà thôi. Làm sao bọn chúng biết được biệt hiệu của mình ? Nghĩ như vậy nhưng trong lòng cũng thấy hãnh diện, vui vui.

Đến giờ học cuối sáng hôm đó ( tôi dạy giờ đầu và giờ cuối của sáng Thứ hai ), vừa bước chân vào lớp, mới ra hiệu cho các em ngồi xuống, tôi nhận được một món quà tặng thật bất ngờ, do Nguyễn Bá Trạc, từ cuối lớp đem lên : Trong giờ ra chơi, các em đã cùng nhau họa bài “ Thoáng buồn “ đó, mỗi người hai câu, riêng Nguyễn Bá Trạc ba câu kết.

Các em ký tên ngay đầu câu mình là tác giả một cách trang trọng. Bài thơ họa đậm đà, bay bướm, rất dễ thương. Tôi còn giữ kỹ bài thơ họa đó cho đến hôm nay. Tiếc rằng sau 30 năm lấy ra xem lại thì một số câu đã bị phai đi hoặc bị mọt ăn mòn.

Tôi ghi ra đây cả hai bài, bài của tôi và bài họa của các em, xem như một kỷ niệm đẹp. Vâng, một kỷ niệm rất đẹp và không thể nào quên của tôi.

                               Thoáng buồn 

                              Thơ Trần Hoan Trinh

Nắng rưng rưng đọng bờ mi tơ liễu

Gió bàng hoàng thổi nhẹ áng mây xanh

Chiều hôm nay tơ trắng ngập kinh thành

Aó hồ thủy và mắt mầu ngọc bích

Tôi gặp em đi dáng buồn cô tịch

Gót u trầm vương vướng áo tơ bay

Nghe nhẹ nhẹ như tình yêu thoáng đượm

Nắng chảy lung linh dập dìu cánh bướm

Bước ngại ngùng ngường ngượng buổi sơ giao

Tóc rũ bờ vai trâm giắt hoa cài

Lời yên lặng trên bờ môi rung động

Em bâng khuâng giữa hồn chiều im bóng

Nhìn mây xanh bay phủ lối kinh thành

Mắt hồ thu rực rỡ nét tinh anh

Nhưng bỗng chốc lại u sầu vời vợi

Non nước hoa gươm đượm màu đen tối

Em nghiêng mình nhẹ nhẹ đón tơ bay

Nhớ thương ơi ! Mới gặp gỡ hôm nay

Đã nghẹn nghẹn như đang đưa tiễn

Đôi mắt tìm nhau nét buồn lưu luyến

Tim run run và lời cũng run run

Chiều dần nghiêng trong sắc nắng phai dần

Hồn lạc lõng vào một thời sơ thủy

Mắt hoàng hôn xanh như mầu thiên lý

Phấn hương chìm trên nếp má say mê

Mến yêu ơi ! Sao chưa hẹn chưa thề

Mới sư ngộ đã thấy lòng hoang vắng

Thoáng gặp mà thôi rồi xa vương vấn

Em lặng buồn ta cũng lặng ưu tư

Chớm yêu nhau lòng đã sợ tạ từ

Mơ mộng ngọc vẫn sợ thành ảo mộng

Em đứng miên man hoàng hôn gió lộng

Cả trời chiều gờn gợn nét hoang sơ

Ngơ ngác tìm mây lời vẫn lặng lờ

Em khe khẻ đưa tay cài lại tóc

Trong im lặng đã nghe hồn rưng rức

Lời run ta thầm nhủ thoáng buồn thôi !

Mến thương ơi ! Buồn tím bốn phương trời !

 

                         Bài họa :   Bài thơ mùa Hè

                            Trang tặng tác giả “ Thoáng buồn “

                           Đại diện hội thơ III B : N Bá Trạc 

 

Đặng Ngọc Khiết :      Chiều hôm ấy gặp em bên bờ liễu

                                      Liễu tơ xanh vẫn kém mắt em xanh

Bùi Ngọc Tô :              Đêm hoa đăng sóng nhạc vỡ kinh thành

                                      Duyên ướm nụ, mộng đúc màu ngọc bích

Nguyễn Trác Diễm :   Nhớ bóng em anh sầu trong cô tịch

                                      Tim tái tê theo cánh phượng úa bay

Lê Tự Hỷ :                    Vui gặp nhau chưa mấy độ thu nay

                                     Mà đã khóc buồn mùa hoa thắm đượm

Phan Nhật Nam :      Trong mãnh vườn hoa dập dìu cánh bướm

                                     Bay vờn hoa như muốn mãi hoan giao

Võ Ý :                         Mái tóc xanh bướm kẹp với hoa cài

                                   Hồn trong trắng môi hồng ôi sống động

Tôn Thất Hải :           Đêm dần xuống tím buồn mình một bóng

                                    Nghe u sầu tàn tạ khắp kinh thành

Hồ Công Lộ :              Giờ biệt ly buồn lắm phải chăng anh ?

                                     Buồn luyến tiếc tình dâng lên vời vợi

Tôn Thất Tuấn :         Bóng cô tịch chìm dần trong u tối

                                     Vài cánh chim lạc lõng lững lờ bay

Võ Văn Hải :               Đôi môi kề em khẽ : nhớ hôm nay !

                                    Mi ướt lệ em tôi sầu đưa tiễn

Đỗ Viết Tịnh :            Phượng không rơi vì phượng còn quyến luyến

                                     Thương tình gầy, gió đến phượng run run

Nguyễn Thu Giao:      Trong chiều nghiêng hồn ngây ngất lịm dần

                                      Cao vời vợi trời xanh khơi động thủy

Võ Thị Thương :          Gió nâng nhẹ tiếng buồn vào thiên lý

                                       Hỏi lòng đây tiên cảnh hoặc bến mê

Nguyễn Hữu Hùng:      Đôi bờ vai buông rũ mái tóc thề

                                        Mắt hoàng ngọc u sầu trong chiều vắng

Nguyễn Văn Minh :      Nắng nhạt dần dâng lên niềm vương vấn

                                        Vương trong lòng bao nhiêu nỗi ưu tư

Nguyễn Thanh Thừa:   Hè về đây mang theo ý giã từ

                                         Đâu còn nữa những ngày vui hoa mộng

Xuân Nguyệt :               Hoa mầu thắm rung mình trong gió lộng

                                         Lòng ngập ngừng mơ lại thuở ban sơ

Trương Công Nghệ :    Ve than van bỗng dứt tiếng lặng lờ

                                       Mầu nắng tắt thôi mơn man mái tóc

Nguyễn Bá Trạc :         Thoáng trúc ty phượng hồn buồn rưng rức

                                       Gợi ý sầu cách biệt tự đây thôi

                                       Nét sơn xuyên lảng đảng gợn mây trời...

                  Hoạ nguyên vận bài “ Thoáng buồn “ của T. Hoan Trinh

                  Giờ ra chơi Thứ Hai 20/4/59


Thoáng buồn THoan Trinh

Sài Gòn, 2002

Trần Hoan Trinh

 ( * ) Chú thích của Ban Biên Tập : Bài này trích trong hồi ký Một đời thầy một đời thơ  của Trần Hoan Trinh, tựa đề do BBT đặt. Bài thơ họa của lớp Đệ tam B niên khóa 1958-1959 ) đã được đánh máy lại và tác giả các câu thơ họa ký tên trước tên mình, để tặng thầy Trần Đại Tăng, tức thi sĩ Trần Hoan Trinh .

( ĐS Kỷ Niệm Trường Xưa, Santa Ana, California ngày 05 tháng 07,2009 )