GNsP (15.02.2016) – Tôi thích những bức hình chụp thập niên 1960 – 1970 với lời chú thích “Xuân thanh bình”. Hồi đó còn chiến tranh, ngày nào Việt cộng cũng bắn xối xả, gài mìn khắp nơi và pháo kích vào khu dân cư hàng đêm. Vậy mà người dân miền Nam vẫn có những phút giây thanh bình, thật là lạ.
Sau này lớn lên, tôi mới nghiệm ra rằng thanh bình hay hòa bình đều dịch từ “pax, pacem”, nhưng xét về mặt nào đó thì hai từ thanh bình gợi lên rõ nét tình trạng yên ổn, yên lòng và yên vui. Hòa bình được người Việt hiểu nghĩa đơn giản là không còn chiến tranh. Nhưng học thuyết Xã Hội Công Giáo (HTXHCG) dạy rằng hòa bình không chỉ là vắng bóng chiến tranh. Thật vậy, hòa bình còn là cái gì sâu xa hơn, là tình trạng con người được tôn trọng, những lo âu được xóa tan, tình người được đề cao.
Bản tóm lược HTXHCG viết: “Theo mạc khải Thánh Kinh, hoà bình là một điều gì lớn lao hơn nhiều chứ không đơn giản chỉ là vắng bóng chiến tranh; hoà bình nói lên cuộc sống sung mãn”. Đó phải chăng là thanh bình?
Trong tình trạng xã hội Việt nam ngày nay, hễ không có chiến tranh là thiên hạ cho là hòa bình. Do đó hai từ “thanh bình” của xã hội miền Nam trước 1975 diễn tả được tình trạng hòa bình mà HTXHCG đề cập đến. Nơi đó dù chiến tranh tàn phá, chết chóc đe dọa, người dân vẫn bình thản vô tư sống an lành. Lý do đơn giản là vì họ được tôn trọng và được xã hội chăm lo.
Thế thì cái gì làm cho xã hội thanh bình khi vẫn có tiếng súng và cái gì làm cho xã hội bất an khi không còn đạn lạc?
Để trả lời câu hỏi đó, có lẽ phải đọc lại nhiều tài liệu và hỏi nhiều chứng nhân xã hội từ trước 1975. Và để trả lời câu hỏi đó, cũng cần loại bỏ những thông tin sai lạc từ cái gọi là “sử” ở trường và loại bỏ cái suy nghĩ đơn giản về chiến tranh và hòa bình.
Tôi suy nghĩ nhiều về mấy từ “Xuân thanh bình” trong dịp Tết Bính Thân này. Và tôi đã chú ý thật kỹ những mảnh đời bên góc phố, đọc những trang tin hàng ngày, lắng nghe các bình luận chung quanh mình.
Cuối cùng, như một thợ vẽ cần cù, tôi phác họa nên một cái Tết mà khi nhìn vào bức tranh ấy, tôi chợt nhận ra, dân mình ăn Tết thê lương quá.
Có lẽ ai cũng nhận ra những chợ Tết ảm đạm, người đi xem đã ít mà người mua càng ít hơn. Dân đã nghèo mà người ta còn bắn pháo hoa. Bắn pháo hoa mà lại bắn vào dân thay vì bắn lên không trung. Tai nạn xe cộ xảy ra hàng ngày, người bị thương, người chết trong mấy ngày Tết nhiều hơn số người bị quân IS giết cả năm. Người nghèo chẳng có gì ăn Tết ngoài chén cháo như thường ngày. Quà tặng người nghèo thì bị đem chia chác. Lương công nhân thì bị quỵt, tiền thưởng Tết thì bị ăn chặn. Chưa hết, tin Tết bay về là các linh mục bị đánh tơi tả ở Nghệ An và Kontum.Vân vân và vân vân.
Điều đó quả thật là đáng nghĩ và quá đau cho xã hội. Nhưng cái đáng nghĩ và đau hơn là thái độ đối với những cảnh đời ấy. Không một cơ quan hay văn phòng nhà nước nào đảm nhận công việc lo cho người nghèo đói dịp Tết. Thay vào đó, người làm công việc này là một vị đại sứ ngoại quốc (dĩ nhiên không phải của Trung cộng), là các vị linh mục hay nhà sư, là các bạn trẻ từ các nhà thờ, chùa (không phải do đoàn thanh niên cs).
Sẽ khó tìm lại cái Tết thanh bình như thời xa xưa. Khó lắm. Lòng người chẳng còn hiền hòa nhân ái. Giáo dục đã làm đạo đức tan hoang. Niềm tin vào cuộc sống bị xói mòn tận gốc. Gia đình là nơi trú ẩn an toàn đã bị những kẻ cơ hội và gian tà cài người vào đục khoét. Ngành y vốn có mục đích cứu người bây giờ thành nơi mua bán đổi chác.
Cái Tết không đạn bom, nhưng thiếu tình người. Cái Tết không chạy giặc, nhưng thiếu chỗ dung thân. Cái Tết không chui xuống hầm trú, nhưng cũng chẳng thấy mặt trời.
Mùa Xuân ơi, Maroc Congo cũng đã mừng Tết tây linh đình, sao quê tôi vẫn còn lây lất tủi buồn?
Gioan Vinh
http://thuhoa.ipower.com/forum/index.php/truy-n/phong-su/1111-t-t-thanh-binh
Hình ảnh về Sài Gòn mùa xuân Đinh Mùi năm 1967