Trường Trung Học PCT Đà Nẵng - Dấu Ấn Trong Tim Tôi

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

Ngày 15-9-1952 đánh dấu “ bước ngoặc lịch sử “ đời tôi. Tôi dự buổi khai giảng sau khi cùng  45 nữ sinh, nam sinh trúng tuyển kỳ khảo hạch trước đó vài tuần. Ý tôi muốn nói về một sự thay đổi lớn – tôi được chuyển cấp , được rời làng Minh Hương thị xã Hội An, nơi chôn nhau cắt rốn, để ra học tại một thành phố lớn : đó là trường Trung Học đầu tiên tại Đà Nẵng kể từ sau năm 1946.

Tại ngôi trường nầy , tôi đã sống với vô vàn kỷ niệm kính yêu, thân thương , giữa thầy, giữa bạn , giữa sự thay đổi “ môi trường “ sinh họat học tập . Lúc đầu chúng tôi học nhờ tại một phòng học khiêm nhường ở cuối sân trường Nữ Tiểu học Đà Nẵng, kế cận với phòng làm việc của Ty Học chánh ,Đà Nẵng .

Đến niên học 1954 -1955,trường được chuyển về cơ sở mới  với danh xưng trường Trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng . ( Từ sau năm 1975 , trường được cải danh thành cấp 2,3 Phan Châu Trinh, trường cấp 3 Phan Châu Trinh rồi trường PTTH Phan Châu Trinh hiện nay ).

Nhưng dù qua chuyển dời địa điểm cũng như đổi thay tên gọi thì gốc gác cũng vẫn là ngôi trường được thành lập từ năm  1952 với mục đích trước sau cũng chỉ nhằm giáo dục đào tạo thế hệ chúng tôi cùng những thế hệ kế thừa trong tinh thần nâng cao dân trí, đáp ứng hoài vọng của nhà chí sĩ Phan Châu Trinh, một vĩ nhân của quê hương  Quảng Nam – Đà Nẵng, của dân tộc và Tổ quốc Việt Nam, để có những công dân tốt cho quê hương đất nước.

Sau buổi khai giảng và trải qua bốn năm học tại đây, chúng tôi được các ân sư, thầy và cô, hết lòng dạy dỗ, chẳng những bằng lý thuyết, bằng sách vở, nâng cao kiến văn mà còn tỏa ra từ bản chất , tư cách đạo đức của quí thầy, quí cô giáo, những bài học có giá trị nhân bản qua cung cách, thái độ, ý thức trách nhiệm của quí thầy, cô trong thiên chức giáo dục chúng tôi.

Tôi mang niềm hãnh diện và tự hào rằng, tôi đã được thọ giáo ở những bậc mô phạm đã và mãi mãi được xã hội kính trọng như quí thầy Nguyễn Lan, vị thầy cao niên nhất trong những thầy đã dạy tại trường , thầy Lê Hữu Khải, thầy Nguyễn Hữu Thứ nghiêm nghị và bao dung, cô Nguyễn Thị Hường nhân hậu...

HoiDongGiaoSuNam1954H

Đặc biệt có hai thầy tôi được may mắn gần gủi nhất , đó là thầy Trần Ngọc Quế, tôi hân hạnh được học bốn năm Việt Văn do thầy trực tiếp hướng dẫn ( thầy đến thay thầy Lê Hữu Khải vào giữa năm Đệ thất cho đến lúc tôi lên Đệ tứ  ) và thầy Bùi Tấn, tôi được thọ giáo hai năm do thầy dạy Toán .

Với thầy Bùi Tấn, tôi còn được học ở thầy tính điềm đạm khiêm tốn, một đức tính quả là khó tôi luyện .

Ngày tôi bước vào Đệ ngũ ( lớp Tám bây giờ ), do sự tín nhiệm của học sinh toàn trường, tôi đắc cử Hiệu đoàn trưởng trường Phan Châu Trinh, và anh Nho lớp Đệ tứ là Hiệu đoàn phó, tôi luôn luôn có liên hệ với Hội đồng trường, nhất là với thầy Hiệu trưởng Bùi Tấn .

Tôi còn nhớ rõ, có một hôm vì việc Hiệu đoàn, tôi đến xin ý kiến thầy . Sau khi giải quyết xong, thầy khẻ hỏi :

- “ Anh Hy ( thầy gọi học trò là anh là chị, chứ chưa bao giờ thầy gọi là con, là em. Đây là điều đặc biệt về cách xưng hô của thầy, đối với nam, nữ sinh, mặc dù thầy xứng tuổi cha mẹ ), ngày sau anh có muốn ra nghề dạy học không ?

Bữa đó, thật tình tôi chẳng phân vân gì trước câu hỏi của thầy, nên tôi thưa ngay :

- “ Thưa thầy, con yêu nghề dạy lắm. Hiện con vừa học nhưng vẫn vừa kèm các em ở lớp dưới tại nhà ...Con hướng việc học của con ngày nay sao cho khi ra đời đi dạy học thôi .

Thầy khẽ gật đầu, mĩm cười nhìn tôi bảo :

“ Làm nghề giáo khó lắm và có trách nhiệm nặng  lắm ...

- “ Thưa thầy, con thích làm nghề dạy học vì con cảm thấy con dạy kèm, các em con đứa nào cũng hiểu bài, làm bài tập được cả ...

Trầm ngâm giây lát, thầy nhìn tôi :

- “ Nếu thật sự anh chọn nghề giáo từ bây giờ...Mà tôi thấy anh cũng có thể thích hợp với nghề giáo vì anh học khá...Chừ mà nói thì quá sớm, nhưng cũng cho anh biết, nghề giáo phải nhẫn nại. Ông thầy phải đặt mình đúng vào vị trí thì dạy mới có kết quả. Đừng bao giờ bảo học trò ngu, học trò dốt không dạy được ! Mà chỉ có học trò chưa hiểu hết điều mình giảng – dĩ nhiên lý do chưa hiểu của học trò thì nhiều – nhưng ở trường hợp như thế, mình là thầy, mình phải tự vấn sự truyền đạt của mình đã đúng mức chưa ? Dạy mà học trò không hiểu thì thầy phải mang tiếng ngu, vì đó là cái nghề của mình mà ...

Chỉ trừ những học trò bị bịnh tâm thần mới không học được, còn bình thường thì chẳng có anh chị nào ngu cả...

Chẳng qua các anh chị đó nhác học, kém nhớ thành thử khó tiếp thu bài mới đâm ra dần dần mất căn bản, kém điểm, nản lòng, bỏ học...”

Thầy nói đến đây, một thoáng qua đầu tôi, hẳn là thầy Quế biết việc tôi mất nhiều thời gian dạy kèm để có chi phí ăn học, đã nói lại với thầy nên thầy mới góp ý, dạy bảo tôi như thế, chứ có bao giờ thầy rỗi để cho tôi bài học vô giá này ? ! Quả thật thầy đã quan tâm đến việc học của tôi.

Tôi bình tỉnh thưa với thầy :

- “ Thưa thầy, thầy nói thế có quá đáng chăng ? Chứ con thấy thầy kiên nhẫn hết sức, bằng cách này hay cách khác, cố gắng cho bọn con hiểu, vậy mà cũng có bạn không làm được bài...thì lỗi ở bạn...chỉ có bạn ngu...

-“ Anh chưa hiểu hết ý tôi. Có hiểu được vấn đề như thế thì lúc cầm phấn đứng trên bục giảng sẽ không gay gắt với những anh chị nào lúng túng, và mình phải có trách nhiệm gỡ cái lúng túng đó bằng những lời nhắc nhỡ nhẹ nhàng, ôn những gì anh chị ấy chưa nhớ hết, chứ mỗi tí quên, mỗi tí nạt nộ, gắt gỏng, la mắng ....thì các anh chị ấy mất tinh thần rối tung trong đầu , còn nhớ gì nổi  ! ...Sau này anh học sư phạm và vào nghề sẽ rõ điều này .

Những lời vàng ngọc của thầy, tôi khắc sâu tận tim óc và nó giúp tôi thành công ngay thuở ấy cũng như sau này .

Năm 1975, tình cờ tôi đi hớt tóc  tại con hẻm đường Lê Văn Duyệt nối dài, Sài Gòn ( nay là đường Cách mạng tháng 8,thành phố HCM ), tôi được gặp thầy và cô . Tôi cúi đầu chào thầy cô và thầy cô hỏi hoàn cảnh của tôi, hỏi thăm vợ con tôi mà thầy vẫn còn nhớ tên, tôi vô cùng xúc động . Kế đó , thầy quay lại bảo cô biếu tôi một số tiền  ! Thầy bảo :

-“ Tôi không ngờ anh ra nông nổi thế này, thôi anh hãy vui lòng cầm lấy chút ít lòng thành của chúng tôi gọi là. Anh nhắn với Thảo ( vợ tôi ), tôi gởi lời thăm và thăm các cháu. Cầu chúc sao gia đình anh sớm ổn định việc làm ăn ...

Thầy bắt tay tôi...tôi nghẹn ngào không nói thêm được gì, mặc cho nước mắt trào ra, ấp úng mấy lời cảm ơn thầy cô ...

Năm 1978 tôi trở lại Đà Nẵng đoàn tụ với gia đình thì vợ tôi cho biết thầy về dạy tại trường Phan Châu Trinh và có mấy lần đến nhà thăm, thế là tôi lập tức đi cùng nhà tôi đến tư thất của thầy nơi ngã tư đường Ba Đình và Nguyễn thị Minh Khai tìm thầy.

Bước vào nhà, vợ chồng tôi gặp thầy đứng trước bảng đen  chi chít những cột , những dòng chữ viết rất đẹp, đó là giáo án trong tháng do chính tay thầy viết .

Mừng mừng, tủi tủi, thầy tiếp tôi như tiếp đứa con lâu ngày trở lại nhà . Hàn huyên về những nổi trôi qua mấy năm tháng với hai hoàn cảnh khác nhau của thầy và trò. Tôi nhìn lên bảng nói điều thắc mắc mà tôi vừa nghĩ đến :

-“ Thưa thầy, đến như thầy mà cũng còn làm giáo án từng ngày, từng tuần ...thưa thầy ?

-“ Làm giáo án rất cần thiết chứ anh ! Vì đó là cách tự theo dõi mình lúc giảng dạy tốt nhất ...

-“ Thưa thầy, con những tưởng chương trình thầy dạy cả đời rồi, hẳn là thầy thuộc lòng, cần gì phải lập giáo án...con nghĩ, giáo án chỉ cần thiết cho các anh chị mới ra trường, để quen...chứ chừng vài năm thì thầy cô nào không thuộc giáo án ! ...

Thế là thầy từ tốn giải thích cho tôi rõ việc ích lợi lập giáo án một cách vui vẻ, như thêm một lần thầy dạy cho người học trò cũ đã từng học với thầy ! Sự thật, tôi cũng chưa kinh qua một lớp sư phạm nào !

Sau bữa gặp thầy lần này, gia đình thầy dọn vào Sài Gòn, tôi được may mắn gặp thầy mấy  lần, lần nào thầy cũng niềm nở và dạy bảo tôi những kinh nghiệm ở đời , làm người ...

Đau đớn thay  ! ngày 26-1-1995 tôi nhận được thông tin do bạn Hồ Hoàng Tuấn, bạn học cùng trường, đưa đến  : Thầy Bùi Tấn qua đời !  Tôi bàng hoàng chảy nước mắt khóc thầy . Thế là thầy Bùi Tấn kính yêu của trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng ngày nào đã vĩnh viễn ra đi . Thầy Bùi Tấn, ân sư của hàng vạn học sinh Đà Nẵng, Huế không còn nữa !

Hồi ảnh !  Những ngày tôi chấm thi ( 1960-1961 ) ở trường Quốc Học ,Huế  hiện nhanh qua trí tôi  với những lời trân trọng của các thầy cô giáo cùng đi chấm thi như tôi, được thọ giáo thầy như tôi khi nhắc đến thầy Bùi Tấn rằng : “Thầy Bùi Tấn là người cha đạo đức, trầm tỉnh, là người thầy mẫu mực nghiêm túc “ . Lời so sánh này của các bạn xứng đáng tiêu biểu cho những môn sinh đã từng thọ giáo thầy để thay lời biết ơn thầy một cách chân thành nhất.

16g  ngày  26-1-1995 tôi và các anh chị được thầy dạy dỗ từ các niên khoá 1952-1953  và  1954-1955 đã giao tôi chấp bút khẩn điện vào khóc thầy và một bài thơ kính dâng lên hương hồn thầy :

Tin hung như sét ngang trời

Chúng con sửng sốt tơi bời ruột gan

Sao thầy nỡ chán trần gian

Ra đi thầy để muôn vàn tiếc thương

Từ khi cách biệt mái trường

Mang theo hình ảnh kính thương của thầy

Đau lòng “ chúng “ lắm thầy ơi

Thử hỏi thế nhân được mấy người  ?

Niết bàn thanh thản dạo rong chơi

Sử kinh thầy dạy lừng nhân thế

Giáo lý thầy khuyên hợp đạo trời

Ngự Lĩnh, Châu Trinh mây phủ lối ( 1 )

Thu giang Ngưu chữ lệ mờ khơi  (2 )

Khấu đầu đệ tử xin cầu nguyện

Cõi thọ đời đời được thảnh thơi

Kính lạy .

Sáng ngày 28 Tết Ất Hợi, tôi đến thăm giáo sư  Trần Đình Đàn, giáo sư cũng là một ân sư của hàng vạn môn sinh từ Nam chí Bắc, vừa được  phong danh hiệu “ Nhà Giáo Nhân Dân “ . Tình cờ tôi thưa với giáo sư về tin thầy Bùi Tấn qua đời đêm 25-1-1995...Tôi không ngờ , giáo sư và bà cùng các anh chị trong nhà xúc động rơi lệ. Cả nhà dồn dập hỏi  tôi cái tin đó có chính xác không ?

Khi được giáo sư giải thích ,tôi mới biết thầy tôi – thầy Bùi Tấn – là người học trò mà giáo sư thương mến nhất . Rôi với tuổi già trên 90 giáo sư chậm chạp bước lại bàn viết, lục soạn một hồi ...Cầm trao cho tôi lá thư do chính thầy Bùi Tấn đại diện cho cựu học sinh từng thọ giáo giáo sư, mừng giáo sư vừa nhận được vinh danh của nhà nước . Lá thư viết tại Sài Gòn ( tp HCM ) ngày 10-11-1994 ( trước 15 ngày thầy qua đời ).

Tôi đọc thư này với tất cả cảm xúc chân thành trước giáo sư và với sự cảm nhận từ tim óc về cái “ nghĩa “ thiêng liêng, cao cả mà ân sư của tôi – thầy Bùi Tấn – đã suốt đời giữ đúng đạo làm người, làm trò, làm thầy mà xã hội phải tôn kính, xứng đáng được tôn kính. Thầy tôi đã viết :

“...Để kỷ niệm nỗi hân hoan vô hạn của chúng con trong buổi lễ mừng Bàn Đào Thượng thọ vừa mừng vinh tặng Danh Hiệu này, chúng con xin mạo muội kính dâng lên thầy câu đối mừng mộc mạc như sau :

Đức trọng xỉ cao ,” giáo học nhân dân “ vinh quốc sủng

Kim chung mộc đạc,dục tài thiên chức tụng ân sư “

Chắc không khỏi có chỗ vụng về, khiếm khuyết, kính xin thầy có dịp chỉ vẻ thêm cho chúng con, như thầy đã từng dạy bảo, rèn luyện chúng con từ hình thức đến nội dung – trong những giờ trả bài luận văn ngày xưa vậy ...”

( Câu đối viết bằng chữ Hán và cũng chính thầy phiên âm như trên ) .

Cảm nhận cái nghĩa tình thầy - trò giữa giáo sư Trần Đình Đàn trên 90  tuổi và thầy tôi, thầy Bùi Tấn, trên 70 tuổi mà lòng tôi vui mừng khôn tả khi nghĩ rằng quê hương tôi, cho đến bây giờ, thời nào cũng có những gương hiếu học, giàu lòng trọng đạo, tôn sư để vững tin các thế hệ kế thừa xuất thân từ trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng này sẽ lấy đó noi theo ,làm rạng rỡ cho quê hương Ngũ Phụng Tề Phi vậy.

Giờ đây học trò của thầy có nhiều người đã thành đạt khắp ba miền đất nước và hải ngoại, những bác sĩ, kỹ sư, những nhà làm công tác văn học, báo chí...Và cả những thầy cô giáo nối nghiệp thầy góp phần xứng đáng cho quê hương Quảng Nam, Đà Nẵng, cho đất nước trên mọi lĩnh vực

  • Ngự Lĩnh : Núi Ngự Bình
  • Thu Giang : Sông Thu Bồn ( quê hương thầy )Ngưu Chữ, Bến Nghé

( Trích hồi ký “ Những kỷ niệm dưới mái trường Phan Châu Trinh ,Đà Nẵng )                     

Thy Hảo Trương Duy Hy

Cựu học sinh PCT 1952 – 1956