Gợi Nhớ

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

LeCaoQuy PCTR2Dầu tôi đã rời trường Phan Châu Trinh trên 40 năm , hai phần ba đời người, kỷ niệm dường như đã chôn vùi trong quá khứ. Nhưng mỗi khi có dịp thăm ngôi trường cũ hay gặp lại những người thân thương đâu đó ...kỷ niệm được gợi nhớ như vẫn còn nguyên vẹn .

Muà Hè năm 2001, tôi về thăm trường  và được ông Lê Phú Kỳ, Hiệu trưởng đương nhiệm , mời dự lễ tổng kết năm học và phát thưởng. Trong thời gian năm mươi năm qua, thầy Lê Phú Kỳ là cựu học sinh Phan Châu Trinh thứ hai đã về nắm giữ chức vụ Hiệu trưởng  Phan Châu Trinh . Tôi chúc mừng tân Hiệu trưởng và phải nói rằng đây là vinh dự của trường.

Trong ánh nắng chan hoà của một ngày hè, tôi ngồi nhìn các cháu nam nữ học sinh xếp hàng từng lớp đứng trước sân trường mà như nhìn thấy lại chính mình bốn mươi năm trước ! Tôi thì thầm  : “Nắng ở đây vẫn là nắng ngày xưa và linh hồn tôi vẫn là linh hồn tôi năm trước...” ( Đinh Hùng ? ).

“ Mới ngày nào ...mới ngày nào ...” thầy trò bạn bè cũ gặp nhau hàn huyên bằng những câu nói đồng cảm quen thuộc, nghe như xa xôi mà thật gần gủi thân thương . Tôi nghĩ rằng kỷ niệm tuổi thiên –đàng- học- trò của chúng tôi làm sao có thể quên được ! Gần đây, nhân nghe đĩa nhạc “ Mơ Ước Kỷ Niệm Xưa “ với câu hát “ Nếu có ước muốn trong cuộc đời này , hãy nhớ ước muốn thời gian trở lại...” ,dường như tôi bắt gặp một âm điệu vang lên từ tâm hồn và tôi muốn viết bài này .

“ Hồi tưởng “ một vài kỷ niệm vui buồn của thời học sinh Phan Châu Trinh tôi đã viết trong Kỷ yếu 45 năm. Mới đó, nay phải cọng thêm 5 năm nữa , để Phan Châu Trinh tròn nửa thế kỷ , không biết Phan Châu Trinh 60 năm, 70 năm ...anh em cùng thế hệ chúng tôi mấy người được trở về thăm ngôi trường cũ ? Hay tất cả chỉ là “ phù du cát bụi “ . Theo dòng thời gian của đời mình , tôi ghi lại một vài kỷ niệm đầy ấn tượng từ ngày rời Phan Châu Trinh .

Gặp lại thầy cũ

TDTangvaBanbe

Thầy Trần Đại Tăng , người đã gắn bó với Phan Châu Trinh 40 năm , có thể là người thầy mà tôi gặp nhiều nhất trong thời gian 35 năm tôi làm việc tại Đà Nẵng. Mỗi lần thăm thầy, thầy thường tặng tôi một bài thơ mang nhiều ý nghĩa . Tôi rất mến thầy, nhất là thơ của thầy với bút hiệu Trần Hoan Trinh từ năm 1958 , mà có thể thầy cũng mến tôi ? Bài thơ “ Giọt thiền “ thầy viết tặng tôi trong năm qua , thật khiêm tốn và “ rất dễ thương “ với mấy câu kết :

“...

Em một đời ăn mặn

Sao lòng trong như sương

Hồn nhiên và thánh thiện

Xin chỉ ta con đường ?”
ThayNguyenDangNgocR2

Với Thầy Nguyễn Đăng Ngọc, hơn 40 năm qua tôi chỉ gặp Thầy hai lần. Một lần ở Đà Nẵng và một lần tại thành phố San Diego ( California, Hoa Kỳ ). Hai lần gặp thầy đều là tình cờ và do cơ may cả. Số là , ít lâu sau khi chúng tôi từ giả Phan Châu Trinh thì thầy Nguyễn Đâng Ngọc cũng đổi đi nơi khác. Thầy Ngọc có một ngôi nhà riêng tại đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẫn ), TP Đà Nẵng. Khi tôi về làm việc tại Đà Nẵng, cũng tại đường Thống Nhất, sau một giờ làm việc kỷ luật “ những em xếp hạng thứ ba sau quỷ và ma “ tôi bực bội và mệt mỏi rời văn phòng đi tản bộ về nhà riêng. Bất chợt tôi gặp thầy Ngọc, cũng với nét mặt đăm chiêu như ngày nào đi bộ trên đường phố. Thầy trò gặp nhau buồn vui lẫn lộn sau những tháng năm xa cách. Tôi mời thầy quay lại văn phòng của tôi hàn huyên đôi điều, rồi thầy chào từ giả. Ba mươi năm sau, lại tình cờ, nhờ một người bạn cho tôi biết địa chỉ và số điện thoại của thầy, tôi đưa cháu Lê  Cao Hiển , người con út của tôi đang du học tại Hoa Kỳ, đến trình diện và hầu thăm thầy tại thành phố San Diego. Thầy trò gặp nhau nghẹn ngào không nói nên lời. Thầy Cô Ngọc mời cha con tôi ăn cơm tối với những món ăn đặc biệt Huế. Chúng tôi nói chuyện đến hơn 12 giờ khuya. Con tôi yên lặng ngồi nghe hai thầy trò nói chuyện, tỏ vẻ kính phục và ngạc nhiên lắm. Thầy lái xe đưa chúng tôi về nhà trọ.

Sáng hôm sau, nhằm Chúa nhật, tại San Diego trước những người bạn, tôi trân trọng giới thiệu về người thầy 40  năm trước. Ai nấy nhìn thầy với lòng tôn kính, còn tôi cảm thấy sung sướng vô cùng . Tôi trình bày ý nghĩa “ Ngày Hiến chương Nhà giáo của Việt Nam “ . Những người Mỹ rất ngạc nhiên và sau đó họ vây quanh hỏi tôi nhiều điều về phong tục lễ giáo Việt Nam.

NguyenHuuCuongR
Chào từ giả thầy, tôi quay lại Orange County gặp giáo sư Tiến sĩ  Nguyễn Hữu Cương, Viện trưởng Viện Thần học liên hiệp California ( Union College of California ). Anh Cương thân mật tiếp tôi tại văn phòng Viện trưởng. Chúng tôi đàm thoại với nhau nhiều chuyện, vì cùng vừa là cựu học sinh Phan Châu Trinh ngày xưa. Tôi nói : “ Tôi vừa thăm Thầy Nguyễn Đăng Ngọc “. Anh Cương nhíu mắt ngạc nhiên trong đôi kính cận dày cộm, hỏi tôi nhiều chuyện về trường Phan Châu Trinh .

Và bạn xưa

Bạn học cũ thì nhiều , nhưng không phải dễ gặp nhau và khi gặp nhau không phải bao giờ cũng thấy toàn điều tốt đẹp ! Mỗi người có một hoàn cảnh riêng, một hướng đi riêng ...Cũng có lắm chuyện éo le phủ phàng giữa dòng đời khi phải gặp  vài người bạn cũ ! Nhưng tôi không muốn ghi lại điều đó, vì ngại đau lòng !

Có thể nói người bạn cùng lớp đã tìm thăm tôi sớm nhất là bác sĩ Bửu Quang. Trong một lễ Giáng Sinh , anh đến dự lễ và thăm tôi. Tôi vui mừng mượn một chiếc “ xe đò cọc cạch “ , cùng tự lái xe đưa gia đình và anh đi chơi cho đến quá nửa đêm . Kỷ niệm thật khó quên, nhưng chỉ được một lần , rồi từ đó tôi chưa bao giờ gặp lại anh, mặc dầu tôi đã cố gắng hỏi thăm nhiều người, nhưng chẳng một ai biết anh hiện đang ở đâu. Anh Quang với tôi có nhiều đồng cảm. Chúng tôi thích thơ Thanh Tịnh, Lưu Trọng Lư , có lẽ vì chúng tôi cùng tâm trạng của những người mồ côi , mất mẹ sớm  ?

Vào một buổi chiều cuối năm 1974 , bằng tình cảm bạn học Phan Châu Trinh, bác sĩ Nguyễn Tăng Miên đã đích thân lái xe đến nhà riêng tôi. Anh tìm tôi để bàn chuyện  Ái hữu cựu học sinh Phan Châu Trinh giữa những ngày chiến tranh đang ác liệt. Sau đó, một số anh chị em chúng tôi gặp nhau tại sân trường. Chỉ một lần, rồi mỗi người một ngả ...

Cuộc hội ngộ không ngờ

Có lẽ còn nhiều bạn tôi đã gặp và chưa có thể viết hết trong bài này, xin tha lỗi, nhưng tôi không thể không nhắc lại một cuộc hội ngộ bất ngờ gần đây. Giáo sư tiến sĩ Phan Xuân Dũng nhân đọc tập Kỷ yếu kỷ niệm 45 năm thành lập trường, anh đã viết cho tôi một lá thư khá dài từ Pháp và nhờ trường Phan Châu Trinh chuyển ( vì anh không biết địa chỉ của tôi ). Lá thư đến trường sớm, nhưng có lẽ gần một năm sau, tình cờ thầy Trần Đại Tăng thấy nó và vui vẻ nhận chuyển đến tôi . Thầy Tăng biết Dũng và tôi học cùng lớp và thân nhau. Thật ra , năm 1995 lần đầu tiên đến Paris, tôi cũng đã cố gắng tìm thăm anh. Nhưng tại một thủ đô mênh mông hoa lệ như Paris biết đâu mà tìm . Khi nhận được thư của Dũng, có số e-mail, tôi sung sướng hồi âm ngay và chỉ trong mấy ngày thư qua thư lại, chúng tôi biết rõ gia đạo của nhau, kể cả hình ảnh vợ con của chúng tôi nữa. Chuyện đơn giản như thế mà phải mất 40 năm mới có thể thực hiện được  ! Thế rồi anh đã có dịp về thăm tôi. Chúng tôi đã gặp nhau “ mừng như bão táp “ !  Tôi lấy xe gắn máy chở Dũng chạy khắp các con đường mà bốn mươi năm trước chúng tôi thường đi . Khi chở Dũng qua cầu sông  Hàn, anh ngạc nhiên hỏi tôi nhiều điều về cây cầu mới “ nối liền bên ni bên nớ “ mà trước đây chúng tôi cảm thấy xa vời vợi . Bất chợt, Dũng nhắc đến anh Phan Chánh Dinh. Tôi cười và trả lời : “ Cụ ta đang làm quan to đấy “. Dũng nói : “ Quan to quan nhỏ không cần biết, chỉ biết chúng mình là bạn cũ nên cần gặp nhau để tâm sự “ . Thế rồi chúng tôi hẹn gặp nhau tại thành phố  Sài Gòn, nay là Hồ chí Minh. Chúng tôi mời thầy Trần Đại Tăng, người thầy của cả ba chúng tôi dùng cơm trưa taị nhà hàng , để nói chuyện. Nhìn thầy tóc đã bạc trắng  và cả ba chúng tôi tóc cũng đã hai màu tiêu muối ! Chiều hôm đó , ba chúng tôi ngồi trên tầng cao nhất của Trung tâm Thương mại Sài Gòn  uống cà phê, nhìn màn đêm buông xuống , thành phố rực sáng đẹp làm sao ! Ba người bạn, ba ngã đường riêng biệt, đã hội tụ trên quê hương . Ba chúng tôi nói năng hồn nhiên như thuở học trò. Một cuộc hội ngộ bất ngờ đã để lại trong chúng tôi ấn tượng khó phai mờ.                                   

                                                     o O o

Tôi không nhớ rõ một triết gia nào đã nói  : “ Mọi sự đời này đều thay đổi, chỉ có sự đổi thay là không bao giờ thay đổi “. Biết thế, nhưng ước gì giữa những cái mong manh của cuộc đời  chúng ta trân trọng giữ được tình thầy trò, nghĩa bầu bạn . Khi viết đến đây tôi lại nhận được ( qua e-mail ) một bài thơ dài do thầy Trần Đại Tăng tặng . Xin phép được trích một phần bài thơ của thầy để gởi đến những thế hệ học sinh đã rời Phan Châu Trinh :

“...Em có bao giờ nhớ lớp xưa không ?

Nhớ bạn, nhớ thầy, nhớ bàn, nhớ ghế,

Nhớ sớm mưa giăng , nhớ chiều nắng xế,

Nhớ sân trường áo lụa trắng bay bay

Có bao giờ em nhớ tay trong tay

Chạy nhảy tung tăng, nói cười ríu rít

Nhớ những bài thơ tình thắm thiết

Trên hành lang đứng viết tặng nhau...
 

Và thế đó một mối tình đầu...

Đành im lặng theo thời gian khép kín

Nhưng xa cách dẫu đầu sông, cuối biển

Tận đáy lòng họ vẫn nhớ đến nhau
 

...Mối tình học trò , nào có gì đâu

Nhưng bất tử và muôn năm vẫn mới

Gặp một lần nhưng một đời chờ đợi !

Và vấn vương cho đến phút tàn hơi !

Mối tinh học trò đẹp như ánh mặt trời “
 

Lê Cao Quý

( cựu học sinh PCT niên khóa 1956-1961 )

Đ.S 50 năm PCT – ĐN , 2002