Niệm tưởng về người thầy..Cô Phùng Khánh

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 Thích Nữ Trí Hải 01

Chúng tôi thuộc lớp thế hệ học trò đầu tiên của Cô tại trường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng, sau khi Cô vừa tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế. Nhưng cuối năm học 60-61 , Cô nhận được học bổng sang Mỹ du học, từ đó chúng tôi không còn có dịp gặp lại người thầy của mình. Và sự đời vẫn tiếp diễn những cơn biển dâu kỳ lạ, thách thức dữ dội đối với những tâm sự giang hồ và những cuồng vọng tuổi thanh xuân,  mà ai cũng mong mỏi đem cái hùng tâm tráng khí ra đặng thi thố trong thời buổi điêu linh , nhục nhã của quê hương loạn ly.

Kính vong linh Cô,

Một vài năm sau đó, sau ngày Cô du học ở đất Mỹ, chúng em cũng xa trường, mỗi đứa mỗi ngã. Tự thâm tâm của mình cảm nhận được rằng mình đang được thúc đẩy bởi một động lực khó cưỡng, đó là khát vọng chinh phục. Chinh phục tình yêu, chinh phục danh vọng, chinh phục địa vị. Nhưng rồi, nhìn từ góc độ theo hướng này hay theo hướng kia, chúng em như những trẻ con đuổi theo cánh bướm, mỏi mắt theo cánh bướm này rồi đến cánh bướm khác. Như thể rằng cánh bướm là lẽ sống, nên phải đoạ đày cả tâm trí lẫn hình hài của mình.

Có điều dễ thấy rằng sự hiểu biết của chúng em về con đường trước mắt không phải do chính mình đã nhận thấy rõ con đường mình đang đi, mà do dấu vết của nhiều thế hệ trước đó đã đi, dù rằng trong họ có không ít người bước ra khỏi bóng đêm của rừng rậm bằng chính đôi mắt của họ. Họ đã không nhìn thấy những giá trị cao cả của đời sống, và các giá trị đó không cao hơn các nấc thang xã hội ước định.

Hiện thực trần trụi thời chiến tranh, một thời buổi nhiễu nhương, số phận không may phải ngụp lặn mờ mịt vào một lý tưởng xa xôi mơ hồ. Dù biết suy nghĩ hay không suy nghĩ, vẫn luôn luôn có một cái gì đó xô đẩy đời sống đi về hướng này hay đi về hướng khác. Một cái gì đó mang tính quyết định số phận mà ít khi nhận ra được cái ấy là cái gì, dẫu biết đó chỉ là vết tích của cánh nhạn bay qua cuối trời vạn dặm.

Trên một góc nhìn nào đó trong thầm lặng, để nhìn xuyên qua và nhìn sâu vào tinh thể của tồn tại thì thời đại ấy như bóng câu đến rồi đi, cái còn đọng lại như là tồn tại của bóng mờ quá khứ.

Các lớp thanh niên cùng trang lứa lần lượt lên đường theo tiếng gọi núi sông. Vẫn đó đây âm vang ngàn đời câu hỏi sống, chết, ai còn, ai mất ? Bức tranh vân cẩu ấy, cõi nhân sinh ấy là gì ( ? ) bởi nên có tiếng than thở ngậm ngùi :

“ Bờ cõi dựng xuân xanh em còn đó

Chốn đào nguyên anh khoác áo khinh cừu “

( Bùi Giáng )

Tuổi học trò, lứa tuổi đan dệt và thêu thùa nhiều mộng tưởng hảo huyền, đó là một thứ quà tặng đượm dinh dưỡng mà chất liệu là sự tàn phá, sụp đổ và mất mát. Cộng hưởng cùng nỗi thống khổ phi lý của chiến tranh đau thương dai dẳng, như ngọn lửa đốt cháy những nụ cười, những mơ mộng, hồn nhiên của quá khứ. Đó dường như là sự khởi đầu khoảng trống của hoài niệm. Vả chăng hoài niệm cũng sẽ chỉ là một hiện hữu bất thực trong sự trầm tư lặng lẽ của hư không.

Bẵng đi một thời gian không lâu lắm, chúng em cứ tưởng Cô vẫn còn miệt mài nghiên cứu ở Mỹ, miền đất hứa cho sự phát triển tinh hoa của trí tuệ. Nhưng Cô đã hoàn thành sớm và trở về nước cuối năm 1963 và làm việc tại Viện cao đẳng Phật học, sau này là Viện Đại Học Vạn Hạnh.

Một quyết định lớn trên con đường Đạo hạnh của Cô là vào năm 1964, Cô quyết định dứt trần duyên, cắt tóc xanh qui y tại chùa Hồng Ân ở Huế và được thọ giới Sa Di Ni. Năm  1970, thọ Tỳ kheo ni và Bồ tát giới tại Đại Giới Bàn Vĩnh Gia ở Đà Nẵng. Thời gian này Cô tiếp tục làm giảng sư tại Thiền Viện Vạn Hạnh và giảng dạy tại các Trường cao cấp Phật học, Viện Phật giáo Việt Nam với pháp danh  Thích Nữ Trí Hải.

Năm 2003, Cô được cử vào Phó ban khảo hạch Đại giới đàn Thiện Hoa ở Từ Nghiêm và cuối năm này Cô được suy cử Phó Viện Trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam và Trưởng ban tài chánh.

Ngoài những hoạt động giáo dục hoằng pháp, Cô còn dành nhiêu thời gian cho việc phiên dịch, biên soạn và in ấn kinh điển để giúp Tăng ni, Phật tử có thêm tài liệu nghiên cứu học tập. Về chuyển ngữ  có 38 đầu sách, về biên sọan  có 14 đề tài. Đối với các sách ngoài Phật học, Cô có 12 tác phẩm , trong số đó có các tác phẩm nổi tiếng  được quan tâm rộng rải với độc giả như “ Nhà khổ hạnh và gã lang thang “ ( Pháp, H-Hesse ), “ Bắt trẻ đồng xanh “ ( J-D Salinger ), “ Câu chuyện dòng sông “ (H-Hesse ).

Riêng tập sách “ Câu chuyện dòng sông “ dịch từ bảng Anh ngữ Siddhartha, được nhà xuất bản Lá Bối phát hành đầu tiên 1965-1966. Nhưng vì một lý do nào đó mà năm  2003 Cô lại viết một bài tổng quan dài 40  trang đăng trong sách Nguồn mạch tâm kinh với lời bạt : “Câu chuyện dòng sông “ trước hết là một tác phẩm văn học nghệ thuật, cho nên bất cứ một phân tích nào về phương diện tư tưởng đều mang ít nhiều tính chủ quan do người đọc tự gán cho nó. Bởi thế những ai phê phán sách này phỉ báng đạo Phật hay đề cao đạo Phật, đều không nhằm chỗ ”...

“ Trọn tác phẩm của Herman Hesse là lời thánh ca bay vút lên chín tầng trời, vọng lên nỗi đau đớn vô cùng của kiếp sống và lòng hướng vọng nghìn đời của con người, dù bơ vơ bất lực mà vẫn  luôn luôn tha thiết đi tìm giải thoát ra ngoài mọi giới hạn tầm thường của đời sống tẻ nhạt ...Tất cả tác phẩm đều nói lên niềm cô đơn tâm linh của con người thời đại, nỗi thao thức triền miên của những tâm hồn khát khao đi tìm một chân trời mới cho mình và nhất là những nổ lực vô hạn để vươn lên mọi ràng buộc của thân phận làm người “.

Quả là một điều hơi lạ vì thời gian kể từ tác phẩm được Cô dịch và bài tổng quan là gần 40 năm. Có lẽ trong tác phẩm văn học đó có nhiều điều được nói , chất liệu để nói có thể nghe nhận bởi nhiều người, nhưng trong tận cùng điều được nói là một thế giới của vô ngôn, của im lặng. Nó cũng mang màu sắc như khi ta đuổi bắt ảo ảnh. Có thể là như vậy.

Hồi tưởng lại, lớp thế hệ chúng em Cô dạy, lúc bấy giờ Cô quá trẻ, dáng người nghiêm nghí, bước đi khoan thai và ung dung trong tà áo dài trắng. Trong lớp học, Cô nhìn học trò của mình  với đôi mắt rất hoà ái. Thỉnh thoảng trong những lần hướng nhìn qua khung cửa lớp, đôi mắt Cô lại thoáng một chút mông lung như khói trầm. Nhưng chắc có mấy ai biết được qua cái nhìn kia mà thấy được bóng dáng của huyền mộng phù sanh và đời người thì : “ Xuân xanh xô cổng chạy dài. Bỏ sương tuyết phủ,phượng đài phía sau “  ( Bùi Giáng ).

Rồi một buổi chiều cuối Đông năm 2003, trong chuyến đi Phật sự ở Phan Thiết cùng với ba em thị giả, trên đường trở về không may gặp tai nạn, Cô đã thâu thân thị tịch lúc 17 giờ 30  ngày 7 tháng 12 năm 2003, hưởng dương 66 tuổi và đã trải qua một cuộc đời tu hành đầy cam go thử thách. Ra đi vội vã như một đóa Ưu Đàm tươi ngát hương chợt bị cơn gió vô thường thổi cuốn vào cõi vô cùng, để bao thương tiếc ngậm ngùi cho kẻ ở lại, trong đó có lứa học trò cũ chúng em, như Thầy Tuệ Sĩ hạ bút :

“Cánh chim vượt qua vũng lầy sinh tử

Bóng nắng rọi lên dòng huyển hóa

Thân theo tro tàn bay

Hoa trắng vỡ trên đại dương sóng cả

Sao trời chợt tắt giữa lòng tay

Sương còn đọng trên đầu cây lá

Đến rồi đi chập chờn nước lững vơi đầy

Heo hút bờ hoang ảnh giả

Người sống mỏi mòn trong tiếc nhớ không khuây “

Đặng Công Hanh

CoPhungKhanh DeNhiC 01

( Trường Xưa 3, kỷ yếu cựu học sinh PCT ĐN nk 1956-1963 )