Những kỷ niệm xưa vẫn còn đó

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 Perugia Italy

Tôi từ trường TH Trần Cao Vân , Tam Kỳ, chuyển đến trường TH Phan Châu Trinh ( PCT ) vào niên khóa 1964-1965 , vào học lớp Đệ Lục 4 vì đi theo bà chị vừa mới được “ bổ” về làm việc tại bệnh viện  đa khoa Đà Nẵng, lúc đó còn xử dụng các dãy nhà xưa từ thời Pháp thuộc, nằm ờ đường Hùng Vương. Tôi còn nhớ bà chị tôi thuê một căn nhà kiểu Apartment bây giờ, trong con hẽm nhỏ, chỉ đi vừa hai chiếc xe gắn máy, bên cạnh nhà bà Đệ nỗi tiếng bán nem , ché lúc bấy giờ trên đường Nguyễn Hoàng.

Mỗi buổi sáng tôi đi học theo con đường Nguyễn Hoàng, đi ngang qua Thánh thất Cao Đài, rồi xuống thẳng đến trường PCT trên đường Lê Lợi. Lúc trời mưa, phải mặc áo mưa bằng nylon mỏng mua ở Chợ Cồn, có nón che khỏi đầu. Mùi “ thơm “ của nylon mới mỗi lần mặc nó vào làm cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ.

Lớp Đệ Lục 4 của tôi năm đó nam nữ còn học chung. Ở dưới nhìn lên , bên trái của phòng học là chỗ các cô ngồi, bên phải là bọn con trai chúng tôi.

Thời đó nếu học chung lớp đa số đều cìng trang lứa với nhau, nhưng trai gái đã khác xa về trình độ trưởng thành rất nhiều ! Tôi còn nhớ một cô học chung lớp đã có “ bồ “ đem xe jeep đến đón mỗi lần tan học. Còn tụi con trai chúng tôi thì có lẽ chỉ nghĩ bâng quơ, nhìn trộm đâu đó là cùng...Các cô học chung lớp đâu thèm để ý đến mấy chàng “ con nít “ này !

Tôi nhớ Thầy dạy Anh Văn lớp Đệ Lục 4 lúc bấy giờ là Thầy Tạ Quốc Bảo. Hình như lúc đó thầy vừa đi tu nghiệp từ Úc Đại Lợi mới về. Còn Thầy Trần Ngọc Quế thì dạy môn Công dân  hay Việt Văn gì đó vì đã quá lâu rồi tôi không còn nhớ rõ. Tuy nhiên tôi vẫn còn nhớ hình ảnh của Thầy Tổng Giám thị Trần Hữu Duận, mỗi lần thầy đi qua lớp học hay “ kiểm tra “ trong lúc chào cờ thì ai nấy đều phải lo theo đúng nội quy, tránh để không bị phạt...Mấy chục năm sau, bọn học trò chúng tôi đã gặp lại hai thầy Bảo và Duận tại Mỹ và dĩ nhiên ai nấy cũng có ký ức đáng yêu về trường Phan Châu Trinh để chia sẻ...

Những năm giữa thập niên 60’s sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Đà Nẵng rất đông đảo và ồ ạt. Nó đã làm thay đổi không ít bộ mặt của thành phố. Từ bến Bạch Đằng  và các con đường chính đâu đâu cũng thấy các căn nhà “ cho Mỹ thuê “, trong đó tôi nhớ nhất là một toà nhà lầu cao trên đường Thống Nhất  , nếu đi từ Cầu Vồng xuống, qua đường Cô Giang, thì nó nằm bên tay phải. Căn nhà to lớn này đã được quân đội Mỹ thuê, có hàng rào kẽm gai bao bọc kỹ càng chung quanh, bên hông nhà một máy phát điện ngày đêm, tiếng máy diesel làm mọi người khi đi ngang qua đều phải để ý .

Bây giờ qua bên trời Âu, ai nấy đều biết khí hậu bên này mát lạnh vào mùa đông và đa số nhà đều có máy điều hoà không khí vào mùa hè. Nghĩ lại mấy anh Mỹ qua VN lúc đó ai nấy  cũng cần máy lạnh tại thành phố là điều dĩ nhiên, nếu họ không ra chiến trường. Điện lưc VN lúc đó không đủ mạnh để cung cấp cho mọi người, nên phải dùng máy phát điện  “ local “ để thoả mãn nhu cầu.

Ngoài các quán bar và các căn nhà “ cho Mỹ thuê “ , thành phố cũng còn giữ được đặc tính của nó.

Thời đó tôi còn có dịp đi xem phim chiếu tin tức thời sự do Ty Thông Tin phụ trách gần rạp hát Diên Hồng, đi ăn phở ở một tiệm nổi tiếng ngon trên đường Độc Lập, hay ăn bún bò Huế tại một tiệm bình dân mà đông khách trên đường Cô Giang...Cuối tuần thì vào rạp xi – nê gần Chợ Cồn , xem phim cao bồi hay phim đấu kiếm thời La Mã. Tôi vẫn còn nhớ trước khi bước vào bên trong, người ta phát cho mình một tờ giấy tả sơ lược cốt truyện, để mình hiểu dễ hơn. Phim nói tiếng Pháp ( hay Anh ? ), phụ đề Việt Ngữ !  Bên ngoài rạp là một bích chương to tổ bố, có tên, hình của các tài tử chính và hình ảnh vẽ các lâu đài và cảnh giác đấu La Mã xưa, rất thu hút người xem.

Bên kia Chợ Cồn là một ngôi nhà nổi tiếng mà bây giờ lâu quá tôi không nhớ tên. Đi lên một chút nữa là bến xe đò, đi vô Tam Kỳ, Quảng Ngãi hay ra Huế. Cái cảnh mấy anh lơ xe dụ khách và chài khách làm tôi không quên được. Mỗi lần đi xe đạp ra bến xe để về quê Tam Kỳ, tôi luôn bị dụ là xe sắp chạy rồi , lẹ lên đi. Anh ta làm ra vẻ như xe chạy tới nơi, xách chiếc xe đạp của mình quăng lên trần xe , bảo mình vô trong xe ngồi.

Thế là bị mắc mưu ! Xe có nổ máy thật, đôi khi chạy nhúc nhích một chút, rồi lại chỗ cũ, đâu có chạy luôn đâu. Trong hoàn cảnh nầy ai lên trước phải ngồi chờ, đôi khi rất lâu mà xe đâu có chạy ra khỏi bến xe, cho đến khi anh tài xế và chú lơ xe thấy đông khách , đủ vốn hay dư ăn rồi, thì mới chạy . Mà chạy dọc đường còn “ dớt “ thêm khách lai rai , chứ đâu có chạy một mạch đâu ! Cảnh rao hét, chiêu dụ khách ,  không khi nào vắng . Kỹ thuật tạo “ pressure “ này thì mấy anh lơ xe lúc đó đã đi trước , các anh có học “ marketing “ bên Mỹ này. Cái mánh dụ , làm “ pressure “ thì chúng ta thấy mấy  anh bán xe  tại các dealers của Mỹ cũng na ná.

Thay vì lấy xe đạp của mình quăng lên trần thì mấy anh chàng “ salemen “ xin rồi giữ bằng lái xe của chúng ta luôn . Còn kỹ rhuật “ nổ máy “ chạy nhúc nhích  thì bên ni mấy anh bán xe chạy vô chạy ra  làm bộ như để xin được một cái “ deal “ cho mình từ manager của anh ta hay đem “ credit score “ của khách ra làm áp lực để thương lượng payment ...Ai nói “ saleman “ người  Việt Nam không biết “ make deal “ từ thời đó !

***

Mù Hè 1965, được sự cho phép và khuyến khích của gia đình, tôi thi vào Đệ ngũ Kỹ Thuật Đà Nẵng và đứng hạng ba trong kỳ thi tuyển năm đó. Tôi được học bổng 3600 đồng,  tiền VNCH thời bấy giờ và đủ để chi tiêu mà không cần đến sự giúp đỡ của gia đình trong cả năm. Qua năm sau vì học không giỏi được xếp hạng trong “ top 5 “  trong lớp nên không còn tiếp tục được nhận số tiền đó nữa ! Thế là “ cung thiên di “ của tôi bắt đầu từ đây . Nói về “ cung thiên di “ , có lẽ tôi cũng phải tin thôi vì nay nghĩ lại rôi xa nhà từ lúc còn nhỏ, khi còn ở bậc tiểu học !

Học được 3 năm tại trường Kỹ Thuật Đà Nẵng là tôi lại chuyển trường vô Sài Gòn học hai năm chót của bậc trung học tại trường Kỹ Thuật Cao Thắng. Sau khi đậu Tú tài tôi vào học một năm MPC tại Đại học Khoa Học Sài Gòn , rồi lại xin đi du học tại Ý Đại Lợi từ năm 1971, rồi qua Mỹ 1979 . Rõ ràng là tôi xa nhà và đi “ lung tung “ từ khi còn bé, khi học tiểu học tôi đã xa gia đình về ở bên ông bà Ngoại tại làng Kim Đới , gần biển Thủy.

Khi chuyển qua học trường Kỹ Thuật Đà Nẵng thì ra thuê nhà ở vì bà chị tôi đã xin về Sài Gòn làm việc tại Bộ Y Tế...Tôi vẫn còn nhớ những lần làm biếng nấu ăn, một người em con bà dì tôi và tôi rủ nhau đi ăn tối tại quán cơm bình dân  bên cạnh Hội Việt Mỹ trên đường Độc Lập. Cơm giá rẻ, có ba món canh, xào, mặn. Ăn cũng vừa đủ no chứ không có màn “ all you can eat” đâu. Ăn xong tôi đạp xe đạp về lại khu biển Thanh Bình. Tác giả Tràm Cà Mâu có viết một bài trên đặc san này  với  đề tựa “ Mưa Trên Biển Thanh Bình “ . Và khi đọc câu chuyện  tôi vẫn hình dung lại cái cảnh mà chính tôi đã từng trải qua. Thỉnh thoảng trước hay sau khi ăn cơm, tôi ghé vào Hội Việt Mỹ xem các tờ báo Mỹ tặng và trưng bày ở đó, như tờ Thế Giới Tự Do, mà có lúc chúng ta xem xong thì đem ra làm bìa bao sách học cho khỏi dơ hay bị mau hư.

Các hình ảnh một nước Mỹ có tuyết trắng thơ mộng, xinh đẹp, núi non hùng vĩ, cây cối xinh tươi, đường sá rộng thênh thang và các xe “ Hoa Kỳ “ to lớn  đã làm tôi nghĩ về một “ thiên đường “ mà không biết có khi nào mình sẽ đến đó. Làm sao đi Mỹ được nhỉ ? Thời buổi đó chỉ có một ước mơ là học cho giỏi rồi xin du học mà thôi !  Mà đâu có dễ !

Sau khi thi xong Tú tài II tại KT Cao Thắng tôi về Tam Kỳ thăm nhà và dặn một  người bạn cùng lớp là khi đi xem nếu thấy tôi đậu thì đánh điện cho tôi hay. Năm đó là Hè 1970 ! Tôi may mắn là một trong ba học sinh đậu Bình, không có ai ưu hạng. Khi vào lại Sài Gòn, vì có kết quả đậu tốt , ý nghĩ xin du học của tôi bắt đầu nhúm lên và hy vọng. Do đó thỉnh thoảng tôi hay ghé lại Nha Du học, gần Thư viện Quốc Gia để tìm xin các học bổng và dò la tin tức. Một ngày đẹp trời kia khi tôi vừa chạy xe Honda tới thì gặp một anh đó không quen biết trước nhưng cũng cùng một tâm trạng...xin du học. Anh ta hất cằm hỏi tôi “ Bộ muốn xin du học hả ? Muốn đi Ý không ? “ ! Tôi hỏi lại anh ta :”Ý là ở đâu cha ? “. Anh ta nói :”Ý là La Mã, Đức Giáo Hoàng đó “. Tôi nói : “À, nước đó thì tôi biết “ .Thế là anh ta bảo tôi chạy theo anh đến Toà Đại Sứ Ý trên đường Pasteur. Dựng xe Honda và khóa kỹ càng , anh bạn mới này dẫn tôi vào bên trong một cách rành rẽ vì anh ta đã đến đây trước đó rồi.

Tôi vẫn còn  nhớ cho đến bây giờ một người có lẽ là tùy phái bình thường, ngồi ngay ở cửa vô, thấy hai chúng tôi đi vào ông ta hỏi bằng giọng Bắc : “ Các cậu muốn gì ? “ Tôi thưa là cháu muốn xin đi du học qua Ý ! Ông ta xìa cho tôi một cái tập giấy như kiểu notebook bên này và bảo : “ Cậu điền đầy đủ tên tuổi vào đây, rồi trở lại sau một tuần lễ” . Tôi ngạc nhiên nên hỏi : “ Có vậy thôi hả Bác ? “. Ông ta hơi khó chịu trả lời : “ Ờ, đủ rồi, cậu về đi ! nhớ tuần tới trở lại nghe ! “.

Đúng một tuần sau tôi trở lại và cũng chính ông nhân viên đó đưa cho tôi cái  gọi là “ giấy ghi danh “ viết toàn bằng tiếng Ý. Dĩ nhiên tôi không hiểu trên đó viết cái gì. Tôi  đem về nhà đưa cho ông anh rễ là Kỹ sư Canh Nông  biết tiếng Pháp tương đối khá. Nhưng ông ta vẫn không hiểu gì. Không biết bên Nha Du học lúc đó có ai hiểu tiếng Ý không ?

Sau này khi ra trường tại Đại Học Luigi Bocconi ở Milano, một Harvard của Ý Đại Lợi thì các chữ trên đó đâu có gì “ ghê gớm “ đâu. Nó chỉ nói tôi  được ghi tên học tiếng Ý tại Đại học dành cho sinh viên ngoại quốc ở Perugia, một  thành phố nhỏ , nhưng xinh đẹp, nằm không xa Rome về hướng bắc.

Luigi Bocconi ở Milano

Tôi  đem cái tờ  giấy mỏng đó nộp vô Nha Du học và xin đi dạng tự túc. Tú tài Kỹ thuật hạng Bình, xin đi tự túc nên một tuần lễ sau là tôi có tên trên danh sách do  Bộ Giáo Dục ký. Đời  tôi có những cái “ duyên “ đáng nhớ. Gặp anh bạn không hề quen biết trước đó tại Nha Du học cũng là mộ cái duyên lớn  trong đời tôi. Kể từ giây phút đó đời tôi đã đi qua một khúc quanh đáng kể. Những gì xảy ra sau đó, nói theo kiểu người Mỹ thì “ the rest is history ...”.

Thật vậy, kể từ ngày rời Việt Nam vào mùa Hè năm 1971 lên đường xa nhà, xa cha mẹ, anh em, tôi có ngờ đâu nửa thế kỷ sau ngồi tại California để viết về “ kỷ niệm xưa vẫn còn đó ...” cho Đặc San của trường Phan Châu Trinh , nơi 53 năm trước đây tôi rụt rè, lo âu bước vào phòng học của lớp Đệ Lục 4.

Ra nước ngoài hay ở lại Việt Nam sau biến cố đau thương 1975, ai trong chúng ta cũng có những kỷ niệm nối tiếp để chia sẻ với bạn bè. Ngày hội ngộ hôm nay 1 tháng 7 năm  2018 cũng sẽ là một kỷ niệm đáng nhớ vì các cựu học sinh Phan Châu Trinh trước năm 1975  bây giờ ai nấy đã gần “ thất thập cổ lai hy “ !

Thành phố Vườn Cây, Quận Cam, Cali

Vincenzo Vovani

( ĐS Đại hội cựu học sinh PCT toàn thế giới kỳ IV tại California, ngày 1 tháng7 năm 2018  )