Chương Mười Chín
Tôi có ý định vượt biên từ khi ở trong tù, ra khỏi tù, ý định đó không thay đổi và trở thành một nhu cầu cần phải đi sớm chừng nào hay chừng đó.
Trước khi đi, tôi đến thăm Đoàn Viết Hoạt, anh được thả ra từ Chí Hòa sau tôi hai ngày. Gần 13 năm anh bị giam ở các nhà giam tại Sài Gòn, may mắn không phải đi thụ hình tại các trại lao động cải tạo. Tôi mến Hoạt từ khi mới gặp trong khu xà lim Sở Công An Thành Phố, trong lúc đa số trí thức Sài Gòn bị ru ngủ trong lý luận “một nước đã bị cộng sản hóa thì không đảo ngược lại được.”, thì Hoạt rất lạc quan, lần đầu tiên tôi nghe một người nói với tôi rằng cộng sản tạm thời thắng lợi về quân sự, nhưng sẽ thất bại trong chính trị và tình cảm dân tộc và con người. Trong lúc các bạn tù tiêu phí thì giờ bằng cờ tướng, học tử vi, kể chuyện kiếm hiệp hay tưởng nhớ quá khứ huy hoàng ăn chơi trụy lạc và ước mơ phép lạ Hoa Kỳ đến để tiêu diệt cộng sản, Hoạt làm việc, anh chia sẻ những điều hiểu biết cho những người tù trẻ tuổi, giúp họ nung đúc ý chí, rèn luyện phẩm cách, anh phân tích những điểm sai lầm phản tự nhiên của thuyết Marxism để truyền niềm tin là chế độ cộng sản không thể tồn tại, cho những người tù trẻ tuổi. Hoạt là một nhà giáo, từng du học ngoại quốc, anh quan tâm đến việc xây dựng một ý thức mới trong lớp người mới để phục vụ cho đất nước mai sau; tôi thấy anh thành công trong việc nhen lên một niềm tin cho các người trẻ và nhiều bạn tù trẻ tin nơi anh.
Hoạt nói với tôi: “Chế độ cộng sản sụp đổ là điều chắc chắn, vấn đề cần suy nghĩ là sau cộng sản là cái gì cho đất nước Việt Nam”, lời nói của Hoạt không quá sớm đối với những ai chịu khó nghiên cứu tất cả những diễn biến quan trọng xảy ra trên thế giới từ sau năm 1975. Cộng sản thường dùng thuật ngữ “thời kỳ sau Việt Nam” với ý chủ quan là khối cộng sản quốc tế lớn mạnh, nhưng ngược lại thực tế sau Việt Nam là thời kỳ suy thoái, khối cộng sản đi dần đến chỗ tan vỡ. Dù sau Việt Nam, cộng sản xích hóa thêm các nước Angola, Afghanistan, Ethiopia, Nicaragua, nhưng Liên Sô bị sa lầy trong chiến lược mới của Hoa Kỳ. Thế giới chuyển từ thế tranh chấp lưỡng cực của Cộng sản và Tư bản, đã hình thành hai trung tâm Tây Âu và Nhật Bản vững mạnh cả kinh tế lẫn chính trị. Trung Quốc tuy chậm tiến về kinh tế nhưng đóng vai trò một siêu cường và Hoa Kỳ đã đẩy mạnh tham vọng đó của Trung Quốc làm cho khối cộng sản càng chia rẽ trầm trọng hơn, sự chia rẽ không hàn gắn được.
Sự thống nhất của khối 7 quốc gia phát triển chia xẻ trách nhiệm với Hoa Kỳ và toàn khối Tây phương và Nhật Bản đã tấn công ào ạt về kinh tế, tạo nhu cầu tiêu thụ trong khối Cộng sản, làm cho dân chúng muốn có đầy đủ sản phẩm tối thiểu cho đời sống, không còn an phận chịu sự đè nén chèn ép của chính quyền Cộng sản. Sự phát triển khoa học và phổ biến các dụng cụ và phương tiện truyền thông làm cho thế giới thu hẹp lại. Các nước Cộng sản không thể giam hãm mãi con người và tư tưởng của dân chúng sau bức màn sắt. Những nhận thức và hiểu biết mới về con người, làm cho tư duy thuần lý, giáo điều và các cấu trúc chính trị, kinh tế trên hệ tư tưởng đó trở nên lỗi thời. Đó là nguyên nhân sự cáo chung của chủ nghĩa Cộng sản. Cộng sản chỉ còn lại hình thức tổ chức, ở nơi nào dân chúng và chính đảng viên Cộng sản đứng lên đấu tranh xóa bỏ tổ chức thì chế độ Cộng sản sẽ tiêu diệt hoàn toàn.
Tiến bộ vượt bực về khoa học kỹ thuật thúc đẩy sự tiến bộ về kinh tế xã hội. Cuộc cách mạng về điện tử đã thay đổi bộ mặt thế giới, những nước kém tài nguyên thiên nhiên như Nhật Bản có thể xây dựng sự tiến bộ kinh tế đưa đất nước thành một trung tâm kinh tế thế giới mà nhiều khu vực mạnh hơn cả Hoa Kỳ. Sự phát triển kinh tế của Nhật Bản cùng các nước khác như Đại Hàn, Tân Gia Ba làm cho quan niệm phát triển kinh tế kiểu xây dựng kỹ nghệ nặng của thời Lénine, Staline không còn là phương thức tối ưu. Sự tương quan giữa nước giàu và nghèo không còn tương quan bóc lột như Karl Marx định nghĩa, mà trở thành tương quan hợp tác, nước nghèo và nhỏ nếu có chính sách phát triển đứng đắn sẽ thừa hưởng được kiến thức, kinh nghiệm và sự trợ giúp của các nước giàu để nhanh chóng mở mang. Điều này đã chứng minh chính sách cô lập kiểu Cộng Sản Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông, và tham vọng phát triển kỹ nghệ nặng của Cộng Sản Việt Nam hoàn toàn lỗi thời và trở thành một sự trì trệ. Xu thế chung của thời hiện đại là tạo sự hòa bình ổn định để phát triển kinh tế và xây dựng tự do dân chủ. Chính trị và kinh tế là hai mặt của một vấn đề xã hội. So sánh hai xã hội tư bản và Cộng sản qua quá trình phát triển, người ta đã thấy rõ không thể phát triển được kinh tế khi toàn thể con người trong xã hội bị câu thúc mất tự do bởi một tập đoàn quản lý kém tài năng và lạc hậu.
Ngày nay, các nước Cộng sản đã thấy rõ điều đó, nhưng vẫn còn cố níu kéo quyền lợi bằng một mơ ước là cải cách quản lý kinh tế theo kiểu thị trường để lấy được ưu thế của tính linh động nhưng vẫn muốn giữ độc quyền chính trị. Nhưng điều này chỉ là một mơ ước vì không thể có cải cách kinh tế mà không thay đổi chính trị – có chăng chỉ là một giải pháp tạm thời khi dân chúng nước đó chưa tập trung được sức mạnh bởi vì họ mới trải qua một giai đoạn phân tán trong chế độ độc tài.
Tóm lại, từ khi chiếm hoàn toàn nước Việt Nam, chế độ Cộng sản đã mất ưu thế của chiêu bài giải phóng dân tộc, từ khi nắm toàn bộ chính quyền họ phô diễn toàn thể thế yếu kém và lạc hậu chứng tỏ không cần thiết và không xứng đáng để lãnh đạo nước Việt Nam. Nhưng để loại bỏ, chúng ta chưa có một đối lực đáng kể. Những người quốc gia cũ, sau sự thất bại đã trở nên phân tán hơn trước, những lực lượng đối kháng nổi lên thường xuyên nhưng chỉ là những tập hợp nhỏ bị chính quyền Cộng sản tiêu trừ từ trong trứng nước. Chúng ta không thể trông cậy vào một giải pháp quân sự để lật đổ chính quyền Cộng sản vì kinh nghiệm thất bại của những tổ chức đối kháng cho thấy khó có thể có một tập hợp lớn, cũng như từ những thất bại của phong trào đối kháng phục quốc làm cho người dân hết tin tưởng trở nên thái độ phi chính trị rất tai hại. Ngoài ra, chúng ta cũng có kinh nghiệm không thể một nước đơn độc chống Cộng sản mà phải trông cậy vào đồng minh – Thất bại quân sự ở Việt Nam 1975, Hoa Kỳ và Tây Phương đã thay đổi chiến lược không sử dụng giải pháp quân sự. Hiện nay, Hoa Kỳ và Tây phương đang sử dụng ưu thế về kinh tế để buộc các quốc gia Cộng sản thay đổi chính trị, tôn trọng nhân quyền và thực thi dân chủ. Dù mỗi nước có một sắc thái riêng nhưng những nét chính cũng phải nằm trong trào lưu chung đó.
Nội bộ đảng Cộng Sản Việt Nam cũng phân hóa trầm trọng, đảng không còn là khối thống nhất, những cán bộ đảng viên hiểu biết, sống trong thái bình họ có điều kiện suy nghĩ, đối chiếu thực tế với lý thuyết để thấy con đường họ đi theo là sai lầm và phản lại tổ quốc. Cuộc vận động chính trị trong tương lai còn có thể tập hợp đông đảo những người này. Chúng ta dễ dàng phân biệt hai thành phần con người Cộng sản trong số những người muốn có thay đổi, một thành phần còn tin tưởng ít nhiều vào đường lối Cộng sản, họ nghĩ là chế độ còn cứu vãn được với những thay đổi cần thiết và một phần đã nhận thức được rằng con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa là một lỗi lầm cần phải loại bỏ càng sớm càng tốt.
Chúng ta có thể phát khởi một cuộc vận động cho dân chủ toàn dân nhắm vào các mục tiêu:
1- Đòi hỏi tự do và độc lập của các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật.
2- Đòi hỏi một nền giáo dục bình đẳng cho mọi người dân không phân biệt đối xử, đãi ngộ, nội dung chương trình giáo dục phải tôn trọng tính khoa học, sự tự do, tôn trọng giá trị lịch sử và con người. Giáo dục là đào tạo con người cho đất nước, giáo dục không phải là một hệ thống đào tạo đảng viên.
3- Đòi hỏi tự do tôn giáo.
4- Đòi hỏi một nền kinh tế thị trường linh động, tôn trọng tài sản và công sức lao động của mọi người.
5- Đòi hỏi để tư nhân tham dự vào việc quản lý và phát triển kinh tế và xã hội. Một chính quyền phải gọn nhẹ, ít tiêu hao công sức tức là sự đóng góp của toàn dân, ít can thiệp vào đời sống xã hội vì chính quyền càng can thiệp thì càng giảm bớt tính dân chủ và tự do.
6- Đòi hỏi chính quyền phải có một hệ thống tư pháp độc lập, đứng ngoài sự điều khiển của đảng chính trị, tôn trọng dân quyền và nhân quyền.
7- Chính quyền phải do dân bầu cử trực tiếp, đưa tới sự công nhận chế độ đa đảng. Chính đảng là một tập thể chính trị không thể nhân danh bất kỳ lý do gì để độc quyền cai trị đất nước.
8- Đòi hỏi thả hết cả tù cải tạo và tù nhân chính trị của tổ chức đối kháng đi dần đến sự công nhận đối lập. Những cuộc vận động có thể bị Cộng sản đàn áp, nhưng kinh nghiệm cho thấy ngày nay các nước Cộng sản không thể che đậy hoàn toàn những cuộc đàn áp mà không bị khám phá và lên án. Nhân cơ hội Cộng sản đang có những cởi mở cần thiết để an lòng dân, chúng ta cần đẩy mạnh sự đấu tranh hợp pháp cho đến lúc trở thành phong trào mà Cộng sản không còn kiểm soát được.
Trong tương lai, giai đoạn xây dựng đất nước – vấn đề giáo dục vô cùng quan trọng, giáo dục không những chỉ đào tạo cho nhu cầu phát triển kinh tế, giáo dục để tạo ra một con người mới, mẫu người Việt Nam tiêu biểu, thay thế cho hình ảnh sĩ phu bị mất. Chúng ta không cần thiết phải có một mẫu người toàn vẹn như người quân tử trong Nho giáo. Mẫu người mới là con người biết quân bình quyền lợi cá nhân với quyền lợi xã hội, một con người có lòng yêu nước và thương người. Hơn 20 năm chiến tranh và thời gian Cộng sản cai trị đã làm thay đổi tận gốc rễ xã hội Việt Nam, chính sách giáo dục thù hận và đời sống kinh tế khó khăn biến con người trở thành chi li bần tiện. Hệ thống giáo dục gia đình và học đường sụp đổ. Giá trị đạo lý cổ truyền, thuần phong mỹ tục biến mất. Chính sách giáo dục tương lai phải được định rõ ràng để mục đích phục hồi lại giá trị đạo lý. Chúng ta xây dựng một xã hội trong đó quân bình giữa vật chất và tinh thần để nâng cao giá trị con người lên, triệt để bỏ chủ trương dùng bạo lực để câu thúc con người, con người phải được quan niệm bình đẳng với nhau, có bình đẳng mới có dân chủ, vì dân chủ không phải là sự ban phát của người này với người khác, của người cầm quyền với dân chúng. Bình đẳng để không có sự thôn tính, không có quan niệm người này chinh phục người khác, buộc người khác nghe theo luận cứ và sự điều khiển của mình. Chưa có bình đẳng, còn muốn chinh phục thì chưa có sự đoàn kết.
Rõ ràng là chúng ta bắt đầu chống Cộng sản trên thế mạnh. Cộng sản không yêu nước, họ yêu nước tức là yêu xã hội chủ nghĩa thì không thích hợp với Việt Nam. Trước kia ta sợ rằng người quốc gia không có tinh thần cách mạng bằng Cộng sản, người Cộng sản họ dám hy sinh đi làm cách mạng, chịu đựng gian khổ, ngày nay ngược lại, khi nắm chính quyền, người Cộng sản còn phô bày bao nhiêu xấu xa hơn người phe quốc gia. Trước kia có người xấu kẻ tốt, còn xã hội Cộng sản chỉ phát triển tính xấu – ai còn nhân tính phải che dấu và chỉ phát triển được khi bạo lực Cộng sản không còn câu thúc nữa. Trước kia chúng ta nghĩ đến Cộng sản là một cái gì đó bí mật ghê gớm lắm, bây giờ ta đã hiểu rõ Cộng sản từ lý thuyết đến tổ chức, phương thức làm việc của họ. Tóm lại, trước kia chúng ta vừa chống cộng, vừa ghét, vừa sợ nhưng có một chút khâm phục. Bây giờ, nếu không khinh thường Cộng sản thì ta cũng đã dứt khoát là cần phải loại trừ chế độ Cộng sản khỏi đất nước, khỏi xã hội loài người và việc đó, chúng ta tin tưởng là sẽ làm được. Có nhiều động lực để kết hợp thành một lực lượng chống Cộng – trước kia chúng ta chỉ có hai động lực chính là lòng căm thù của những người từng là nạn nhân hay là gia đình của nạn nhân Cộng sản và những người vì quyền lợi – Những người vì quyền lợi chống Cộng thì lập trường không bền vững và không dám hy sinh. Trước kia lòng yêu nước và tình thương con người và lý tưởng công bằng bị Cộng sản tương tranh và họ ở thế hấp dẫn hơn. Ngày nay, chúng ta hoàn toàn thuận lợi ở những giá trị tinh thần này. Chỉ có những giá trị tinh thần này mới là động lực của toàn dân. Sức mạnh tinh thần cộng thêm phương tiện vật chất và kỹ thuật tổ chức là những yếu tố tất thắng của người quốc gia – Sức mạnh tinh thần đã có; chỉ còn hai yếu tố sau, như vậy, vấn đề chống Cộng ngày hôm nay sớm muộn tùy thuộc vào khả năng kết hợp thành tổ chức và sự huy động phương tiện, phương tiện có thể từ chính của chúng ta có được hay cả sự giúp đỡ của đồng minh.
Kinh nghiệm của Cộng sản giúp chúng ta thấy được chế độ Cộng sản được xây dựng trên hận thù, kích thích lòng thù hận, để đem lại sức mạnh và sự thắng lợi, nhưng hận thù vừa không hợp với tình tự con người và tình tự dân tộc. Dùng hận thù phải có kỹ thuật kích thích lòng hận thù và phải có đối tượng phát tiết – khi hết đối tượng hận thù thì tổ chức cũng lung lay hay tan rã. Chúng ta không ngăn cản động lực thù hận của những người là nạn nhân của Cộng sản, nhưng trên toàn lý tưởng của cuộc đấu tranh giải trừ Cộng sản không xem hận thù là yếu tố chính, vì chúng ta giải trừ Cộng xong phải nghĩ đến xây dựng một đất nước hòa bình và thịnh vượng. Đất nước chúng ta đã không may mắn bị kéo lùi, thua xa các dân tộc trên thế giới, kể cả những quốc gia cựu thuộc địa trong vùng Đông Nam Á trước kia còn kém Việt Nam. Hận thù chỉ dùng được trong giai đoạn đấu tranh mà không sử dụng được trong giai đoạn xây dựng đất nước.
Chúng ta không xem hận thù là yếu tố chính thì chúng ta giải quyết được vấn đề con người của chế độ Cộng sản. Chúng ta nhằm triệt tiêu lý thuyết Cộng sản và giải trừ tổ chức Cộng sản là chính; khi lý thuyết và tổ chức Cộng sản không còn thì con người Cộng sản không còn nguy hiểm nữa. Trong cuộc đấu tranh, chúng ta còn phải tiêu diệt những người Cộng sản bảo thủ lạc hậu, nhưng những người Cộng sản đã biết từ bỏ lý thuyết và tổ chức thì họ có thể đứng vào hàng ngũ của người đấu tranh chung của cả dân tộc Việt Nam. Những người này hiện nay trong hàng ngũ Cộng Sản Việt Nam không hiếm – họ cũng đang chờ đợi cơ hội.
Trước kia, chúng ta chống Cộng sản trong tình thế lúng túng về mặt tư tưởng, không chứng minh được rõ ràng đó là cuộc chiến tranh ý thức hệ – nên sự giúp đỡ của đồng minh, đồng thời với lý lịch của những người lãnh đạo ít nhiều đều có quan hệ đến thực dân Pháp trở thành là một nhược điểm, bị lâm vào thế kẹt của trận chiến tư tưởng của Cộng sản đặt ra. Họ ngụy trang cuộc chiến tranh thôn tính của Cộng sản quốc tế dưới hình thức cuộc chiến yêu nước và giải phóng dân tộc. Do đó, cuộc chiến đấu giữa hai bên, người lính chiến Cộng sản họ được giáo dục hận thù và đấu tranh không khoan nhượng, họ nhìn chúng ta là một kẻ địch cần tiêu diệt. Tệ hại hơn là dưới mắt của họ chúng ta là tay sai ngoại bang. Nền giáo dục của chúng ta dạy cho con người tình thương với nhau và trách nhiệm đối với tổ quốc và xã hội. Sau mỗi trận chiến nếu thắng thế, người Cộng sản thường tiêu diệt tất cả địch thủ và kể cả người dân trong vùng chiến tranh. Sau mỗi lần chiến thắng, người chiến sĩ Cộng Hòa luôn luôn ray rứt khi nhìn xác chết đối thủ và nghĩ đó là người cùng nòi giống Việt Nam. Thời gian tù đầy, ngậm đắng nuốt cay, nhiều người tù tự kiểm lại ưu khuyết điểm, rút kinh nghiệm, tự hứa là nếu có dịp sẽ lại tiêu diệt kẻ thù không thương tiếc, họ muốn học lấy bài học mà kẻ địch đã dậy cho họ. Đó là một phản ứng rất tự nhiên, hợp lý vì nó hợp với tính của con người trong xã hội luôn luôn tranh đấu để sống còn. Con người nhất thời bao giờ cũng có những phản ứng cực đoan, thái quá, nhưng rồi những hành động không thích hợp dần dần sẽ bị đào thải theo thời gian, đó là sự điều chỉnh tự nhiên của xã hội và lịch sử.
Sau Cộng sản, chúng ta phải xây dựng Việt Nam như thế nào? Đâu có thể quay trở lại thời kỳ dân chủ hỗn loạn không chính sách như trước năm 1975. Những người có quan tâm đối với đất nước cần suy nghĩ. Điều này không phải là quá sớm.
Từ sau đệ nhị thế chiến, nhiều quốc gia thu hồi độc lập, nhiều quốc gia mới hình thành, tìm một mô thức để xây dựng một nước cựu thuộc địa là một vấn đề khó khăn. Nhiều nhà lãnh đạo quá cấp tiến, phản ứng ngược lại quá khứ lệ thuộc các đế quốc Tây phương, ôm ngay lấy lý thuyết Cộng sản như là một lá bài cứu nước và dựng nước. Kết quả nhiều nước đã biến thành bãi chiến trường của cuộc chiến tranh ý thức hệ, đưa xã hội lùi xa hơn thời nô lệ, nhiều nước may mắn không có chiến tranh thì đường lối xây dựng xã hội chủ nghĩa đưa đến chỗ bế tắc. Lịch sử đã minh chứng rõ rệt, chế độ Cộng sản không thể phát triển ở những nước kỹ nghệ hóa như Karl Marx tiên đoán. Khẩu hiệu lếu láo của của các lý thuyết gia Cộng Sản Việt Nam về việc “xây dựng xã hội chủ nghĩa không qua con đường phát triển tư bản chủ nghĩa.” Lúc đầu mới chiến thắng tạm thời về quân sự ở miền Nam, họ muốn làm thành công để đưa ra một mô thức mới, để thực hiện tham vọng ấu trĩ và điên cuồng là Việt Nam Cộng Sản là “cường quốc về chính trị”. Kết quả là sau hơn 10 năm đẩy mạnh xây dựng qua ba cuộc cách mạng (cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng tư tưởng, cách mạng khoa học kỹ thuật) nước Việt Nam tiến đến nước nghèo nhất thế giới. Khối Cộng sản tan rã, cục diện thế giới biến đổi từ cuộc tranh chấp lưỡng cực sang một tình trạng sắp xếp đa cực. Hoa Kỳ cực thịnh về chính trị vì phong trào dân chủ hóa tại các nước mới giải trừ chủ nghĩa Cộng sản nhìn về đây như là một mẫu mực về dân chủ và kỳ vọng sự trợ giúp tư bản kỹ thuật. Nhưng theo bản chất của nền kinh tế phát triển trên sự sản xuất chiến cụ, Hoa Kỳ gặp phải tình trạng suy thoái kinh tế khi thế giới đi vào kỷ nguyên hòa bình giảm thiểu cuộc chạy đua vũ trang.
Nhật Bản đang là một cường quốc kinh tế, cán cân mậu dịch chênh lệch giữa Mỹ và Nhật Bản đã đến lúc buộc người Mỹ phải đối phó, người Nhật gặp lại sự cạnh tranh khác từ nước Đại Hàn đang lên mà tính chất sản phẩm không khác với hàng hóa của Nhật là bao nhiêu. Nhật Bản phải quay lại tìm thị trường ở Đông Nam Á. Trung Quốc đang phát triển chậm chạp vì muốn níu kéo lại cỗ xe già chính trị Cộng sản để giữ thế ổn định nội bộ. Tuy nhiên, hàng hóa Trung Quốc cũng đang tìm thị trường tiêu thụ, họ cũng đang tìm mọi cách tràn xuống phía Nam, nếu chưa thể qua cửa ngõ Việt Nam thì họ phải xuyên thẳng đường xuống Lào và Miến Điện. Khmer Đỏ đóng vai trò con ngựa thành Troie của Trung Quốc đang bị lên án, nhưng vẫn là một lực lượng mạnh và là con bài để giải quyết vấn đề Cambodia.
Thị Trường Chung Châu Âu sẽ thống nhất tiền tệ. Nước Đức sẽ đi đến thống nhất và cường thịnh, ngoài việc ảnh hưởng vào Đông Âu và Liên Sô, các cựu đế quốc Anh, Pháp, Hòa Lan cũng sẽ tìm lại ảnh hưởng tại các cựu thuộc địa. Người Pháp vẫn còn ấm ức về cuộc thua trận và bị đẩy khỏi Đông Dương. Trước đây, Pháp từng tiếp tay cho Việt Cộng để phá người Mỹ và miền Nam Việt Nam. Chiến tranh Đông Dương kết thúc, Pháp bị Việt Cộng lừa lọc, họ càng cay cú. Họ đang hy vọng gây dựng lại ảnh hưởng để khai thác lại những quyền lợi cũ tại ba nước Đông Dương qua ảnh hưởng văn hóa còn sâu sắc và sự tiếp tay của thành phần tay sai cũ hay những người được họ huấn luyện trước đây đã trốn chạy qua Pháp cư trú sau chiến cuộc Đông Dương kết thúc năm 1975.
Trong khi đó, các nước Đông Nam Á đang phát triển kinh tế mạnh mẽ, muốn có thị trường tiêu thụ và sự ổn định chính trị tại khu vực.
Việt Cộng đang suy sụp trầm trọng đến độ tan rã, điều mong muốn gần nhất của chúng là được Hoa Kỳ giải tỏa lệnh cấm vận để kế hoạch thu hút đầu tư có kết quả và sự mong mỏi được Hoa Kỳ và Tây Phương giúp đỡ kỹ thuật và tài chánh, chúng biết là chỉ có Hoa Kỳ mới giúp đỡ cho Việt Cộng thoát khỏi cơn nguy khốn. Việt Cộng cũng biết là muốn Hoa Kỳ bỏ lệnh cấm vận và bang giao phải có sự thay đổi chính trị triệt để và phải giải quyết vấn đề Cambodia.
Cambodia là một vấn đề khó giải quyết của Cộng Sản Việt Nam. Đây là một chiến trường mà Việt Cộng và Liên Xô bị sa lầy.
Khởi đầu, Việt Cộng có thể đã xúi giục Khmer Đỏ làm cuộc cách mạng đến quá trớn để lấy cớ tiến quân làm sứ mạng quốc tế đánh bè lũ diệt chủng Pol Pot. Đánh chiếm Cambodia, lúc đầu Việt Cộng có hai cái lợi lớn.
Về phương diện quân sự, chiếm Cambodia để phòng thủ miền Nam Việt Nam. Về phương diện chính trị, tạo thành một tình thế mới cho chính trường Đông Dương, trong đó, Việt Cộng là một yếu tố chính để thương thuyết, hiệp định Paris về Việt Nam và sự xâm lăng miền Nam trở thành quá khứ. Hơn mười năm xâm chiếm Cambodia, Việt Cộng đã đưa hàng triệu người Việt Nam qua khai thác và cư trú tại đây, nhất là giải quyết công ăn chuyện làm cho hàng triệu người và hàng trăm ngàn binh sĩ được duy trì khỏi phải giải ngũ sau chiến thắng quân sự ở miền Nam ngày 30-4-75. Nhưng những yếu tố thuận lợi đó, càng ngày càng trở thành bất thuận lợi, sự xâm lăng Cambodia thành một nguyên cớ để Hoa Kỳ và Tây Phương bao vây chính trị và cô lập kinh tế, một mâu thuẫn không dàn xếp được với quan thầy cũ là Trung Quốc. Thế chính trị và quân sự chủ động lúc đầu trở thành bị động, duy trì đạo quân đông đảo và một chính phủ bù nhìn bấp bênh ở Nam Vang trở thành một gánh nặng mà cả Hà Nội và Mạc Tư Khoa không kham nổi. Tình thế mắc phải đối với Việt Cộng hiện tại là nếu không giải quyết vấn đề Cambodia thì Hà Nội tiếp tục bị cô lập kinh tế đi dần đến chỗ phá sản toàn bộ kéo theo sự mất ảnh hưởng ở cả Ai Lao là nơi Việt Cộng đã đặt được ảnh hưởng từ xã ấp. Nếu giải quyết vấn đề Cambodia, Việt Cộng không có thể kiểm soát được hành lang biên giới để bảo vệ miền Nam Việt Nam, các lực lượng chống đối Việt Nam có thể nhờ vào đất Cao Miên để mở mặt trận quân sự, sử dụng chiến tranh du kích, liên lạc với bên ngoài mỡ hành lang xâm nhập nội địa Việt Nam. Giải quyết vấn đề Cambodia làm sao bảo đảm an toàn cho những người Việt Nam được Việt Cộng đem gài cấy vào sống tại nông thôn Cambodia. Làm sao bảo đảm rằng số người này có thể ở lại mà không thể bị người Cambodia tàn sát. Khó khăn của Việt Cộng là nếu công khai đặt vấn đề này để thương thuyết tức là công nhận chính sách xâm lăng và thực dân của mình, còn nếu bỏ rơi hay âm thầm rút lui thì tạo một cuộc hỗn loạn không kiểm soát được. Do đó, vấn đề Cambodia đối với Việt Cộng là tình thế tấn thối lưỡng nan; Việt Cộng chỉ còn tìm cách kéo dài thời gian để tìm yếu tố mới. Yếu tố có thể chỉ là sự thắng thế của giới bảo thủ trong đảng Cộng Sản Liên Sô để thế giới trở lại thời kỳ đối đầu. Nhưng đây sẽ là một sự trông chờ trong ảo mộng vì đặc điểm của các chế độ độc tài là một khi không còn kiểm soát được kỷ luật xã hội thì các sinh hoạt chính trị chỉ tiến tới mà không kéo lùi được. Con đường dân chủ hóa các nước Cộng Sản Châu Âu kể cả Liên Sô không thể quay lại, đúng như thuật ngữ họ đã sử dụng trước đây là “tình thế không đảo ngược được”. Thuận lợi còn lại của chế độ Cộng Sản Việt Nam hiện nay chỉ có thể có là, trên bình diện quốc tế, thực tâm Hoa Kỳ không muốn loại bỏ chính quyền Cộng Sản Việt Nam vì vẫn xem đây là một lực lượng có thể kềm hãm con đường tiến của Trung Cộng về phía Nam và các nước Đông Nam Á cũng xem là lá chắn giúp họ hết mối họa Trung Quốc. Do đó, nếu có một sự thay đổi chính trị, kinh tế đến một mức độ nào đó mà Hoa Kỳ có thể chấp nhận được trong ý hai bên thuận mua vừa bán.
Tình thế đa cực của thế giới hiện nay, Đông Dương và khu vực Đông Nam Á chịu nhiều ảnh hưởng của các trung tâm quyền lực thế giới kể trên, trong đó dù có ưu thế đến đâu, Hoa Kỳ cũng không thể độc quyền quyết định.
Bình diện của người Việt Nam thì chính quyền Việt Cộng chưa lo sợ các lực lượng đối kháng của người Quốc gia. Trong hơn 10 năm qua, hàng ngũ quốc gia thua trận chưa hình thành được một lực lượng đối kháng đáng kể. Trong nội bộ Cộng sản, tình trạng nội bộ rối ren, nhưng sự tranh chấp bên trên chỉ mới là cuộc tranh chấp quyền lãnh đạo; một số lớn đảng viên Cộng sản muốn có sự thay đổi, nhưng vẫn muốn sự thay đổi vừa phải để họ tồn tại và duy trì được quyền lực. Đảng Cộng Sản Việt Nam không còn “sợi chỉ hồng xuyên suốt” vì lý tưởng mà chỉ còn sự liên kết vì quyền lợi. Trong hoàn cảnh kinh tế đổ nát, nhân dân càng nghèo đói, nhưng đảng viên các cấp vẫn còn nhiều người đặc quyền đặc lợi. Số người muốn bỏ hẳn đi tổ chức Cộng sản vì yêu nước, vì lương tâm vẫn còn rời rạc.
Trong tình thế đó, Việt Cộng còn kéo dài sự cai trị dù chúng đang ngắc ngoải và tiếp tục ngoan cố trên việc thương thuyết với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tư tưởng Cộng sản đã lỗi thời, chế độ Cộng sản sẽ bị đào thải trên khắp thế giới, xu hướng dân chủ hóa không thể nào bị chặn đứng. Tình thế Việt Nam sớm muộn gì cũng được giải quyết bằng hai cách, hoặc là chính quyền Cộng sản chủ động thay đổi, dân chủ hóa chính trị, từ bỏ độc quyền, độc tôn chấp nhận kinh tế thị trường dẫn đến tình trạng thay đổi ôn hòa; hoặc các nhà lãnh đạo Cộng sản tiếp tục ngoan cố thì không tránh khỏi cuộc cách mạng đổ máu để xóa sạch chế độ bạo tàn này. Cả hai cuộc cách mạng tùy thuộc vào nhiều yếu tố – vấn đề là làm thế nào để kết hợp được một lực lượng chính trị của người Việt Nam không Cộng sản càng sớm càng tốt. Đối lực chính trị này cần thiết trong việc giải quyết vấn đề chính trị Việt Nam và Đông Dương trong cả hai trường hợp ôn hòa hay sắt máu. Sau khi Cộng sản sụp đổ, Việt Nam đứng trước hai khó khăn chính là một nền kinh tế lạc hậu và một xã hội băng hoại hơn bao giờ hết. Hậu quả của một cuộc chiến tranh lâu dài bao giờ cũng đưa đến sự suy thoái về các giá trị xã hội, nền tảng luân lý sụp đổ.
Nhưng tình trạng Việt Nam hiện tại khác biệt với những hoàn cảnh hậu chiến khác trong lịch sử. Sự giao lưu giữa nền văn hóa dựa trên giáo lý Khổng Mạnh cũ một phần bị phá sản và nền văn hóa có tính thực tiễn và cá nhân chủ nghĩa của Tây Phương chưa hình thành được một hệ thống giá trị tương đối ổn định cho xã hội. Sau thời gian bị Cộng sản cai trị, sự tàn phá lại càng nặng nề. Những bài học hận thù, đấu tranh không khoan nhượng được phổ biến trong điều kiện nền kinh tế suy kiệt, làm xã hội Việt Nam biến chuyển dễ sợ. Những tính xấu của con người như lòng tham lam, thủ đoạn vặt vãnh, xảo trá, mánh mung, tính ti tiện được phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng. Con cái không còn kính trọng cha mẹ vì đảng dậy cho con cái bài học đấu tranh, và thực tế là cha mẹ không còn khả năng để lo toan đời sống kinh tế cho gia đình. Vợ chồng không còn sự tương kính nhau vì đa số đàn ông, trước là cột trụ gia đình nay trở thành mất chỗ đứng trong xã hội, sự ly dị và tan vỡ gia đình, sự thoát ly của con cái ra khỏi gia đình đều được luật pháp nhà nước khuyến khích. Tại trường học, học trò không còn kính trọng thầy giáo, tổ chức hội đoàn của học trò, gián tiếp bảo vệ những hành động xấu của học trò mà không bị thầy, cô giáo quở trách. Chính sách thang điểm thi cử, biện biệt, khiến những thành phần ưu đãi không cần học và thành phần bị biền biệt mất cố gắng. Thực tế của đời sống khó khăn, người thầy giáo không giúp nhiều cho học trò để giữ được sự tôn trọng tối thiểu. Làm sao học trò tôn trọng thầy cô giáo khi thầy cô giáo vừa dậy vừa bán cà rem hay bánh kẹo lẻ cho học trò ngay trong lớp học để làm kế độ nhật.
Đại học là nơi đào tạo con người cho sự phát triển xã hội cũng gặp bế tắc vì chính sách dành ưu đãi cho con em đảng viên, họ được thâu nhận dựa trên lý lịch cha mẹ và gia đình hơn là trên khả năng học vấn, vào trường không cần học cũng được chấm đậu – chính sách và thực tế này làm cho đất nước càng ngày càng thiếu những người có tài năng. Chính quyền Việt Cộng có người trung thành nhưng tham lam và kém cỏi không thể thi hành kết quả bất cứ một kế hoạch nào. Tình trạng này sẽ di lụy mãi lâu dài về sau kể cả thời kỳ hậu Cộng sản. Do đó, cần nghĩ ngay đến một kế hoạch và tập trung phương tiện mở mang tức khắc những trường đại học kiểu cộng đồng, vừa đào tạo chuyên viên ngắn hạn vừa chuyển tiếp đào tạo nhân sự dài hạn vừa giúp đỡ cho rất đông đảo thanh niên bị dang dở việc học trong thời kỳ Cộng sản cai trị có cơ hội học lại. Chương trình này vừa giải quyết cùng lúc các vấn đề chính trị, xã hội và kinh tế, đồng thời phải xây dựng lại các giá trị tinh thần văn hóa dân tộc và con người có lý tưởng.
Tóm lại, hai tác dụng, một phần chủ trương tàn phá xã hội của chế độ Cộng sản và một phần thực tế tình trạng kinh tế nghèo đói, cả hai tác động với nhau làm cho xã hội Việt Nam đi xuống không thể tưởng tượng được. Những điều đó, mọi người đều có thể thấy được, nhưng thấy rõ hơn hết là những người từ bên ngoài xã hội đi đến. Những người trong nhà tù mới bước ra hay những người từ ngoại quốc đi về, sẽ choáng váng và ngầy ngật về sự thay đổi chung quanh mình, kể cả những người thân thích; và sẽ có cảm giác như người say sóng và bỗng nhiên thấy cô đơn hơn bao giờ hết.
Suy nghĩ về một xã hội tương lai cho Việt Nam sau Cộng sản không phải là việc của một người. Dĩ nhiên đó là nhiệm vụ của những người lãnh đạo trong tương lai – nhưng thiết nghĩ mọi người dân có quan tâm và suy nghĩ cũng cần nên đóng góp những ý kiến để tham khảo, để gợi ý, để cho mọi người chuẩn bị. Mọi sự chuẩn bị đều cần thiết vì trong lịch sử của miền Nam Việt Nam, đã có nhiều người khi thời cơ đến họ nắm chính quyền nhưng không hề chuẩn bị trước là sẽ làm những gì nên đã có một thời đất nước bị thí nghiệm rối tung lên, có người gọi đó là đánh võ rừng – và những người lãnh đạo nhờ thời cơ nhưng thiếu chuẩn bị đó trở thành những người múa rối, làm một thứ hề chính trị, rồi kết quả là ngoài sự phục vụ cho lòng tham lam, họ không làm được một điều gì ích lợi, ngoài sự phá hoại.
Trong muôn vàn khó khăn về mọi mặt, trong tương lai sau thời Cộng sản, Việt Nam phải phục hưng những truyền thống văn hóa tốt đẹp cổ truyền, hội nhập với những tư tưởng mới, từ bên ngoài đưa vào chính sách, những lực lượng của người Việt Nam ra đi khắp nơi trên thế giới hấp thụ được để xây dựng một mạch sống cho dân tộc, giá trị tinh thần đó làm nền tảng cho những kế hoạch phát triển kinh tế tự túc tự cường, để có thể từ việc nuôi sống một số dân quá đông đảo trên mảnh đất chật hẹp, đến việc xây dựng tiến bộ dần dần, thu ngắn cách biệt với các quốc gia trong vùng và những nước tiến bộ khác trên thế giới. Chúng ta đã chậm tiến, thời gian Cộng sản cai trị đã làm đất nước lùi lại quá xa.
Chúng ta cần phát triển lòng yêu nước, không phải là tính cực đoan, xem đất nước chúng ta cái gì cũng nhất, nhưng lòng tự hào về một dân tộc đã có khả năng tồn tại qua bao biến cố lịch sử trước bao nhiêu âm mưu thôn tính từ người Hán ở phương Bắc, từ phương tiện vật chất Tây phương và từ chính sách nô dịch quốc tế của Cộng sản. Dân tộc Việt Nam xứng đáng để tồn tại, lòng tự hào về tinh thần nhân bản tôn trọng con người, lịch sử Việt Nam đã chứng minh chế độ nô lệ đã được bãi bỏ ở Việt Nam từ thời nhà Lý vào thế kỷ XI, trong khi các nước Tây Phương mới bãi bỏ chế độ nô lệ trong vòng 200 năm nay; tính dân chủ và bình đẳng trong xã hội – xây dựng lại lòng yêu nước và sự tự hào dân tộc không những để bảo vệ được sự độc lập và tồn tại của Việt Nam trước bao nhiêu âm mưu thôn tính có thể có. Nguy cơ chính bao giờ người Việt Nam cũng nghĩ phải cảnh giác là từ nước Trung Hoa ở phương Bắc. Lòng yêu nước và tự hào dân tộc còn là mối dây tinh thần để giữ liên hệ giữa người Việt Nam trong nước và khối người Việt ra đi đang ở nước ngoài không bị tan loãng khi hội nhập vào xã hội họ đang sống. Trong biến cố của lịch sử, sự bỏ nước ra đi hàng triệu người là một mối đau thương, nhưng chính khối người này lại trở thành một sức mạnh, một vốn liếng lớn của đất nước về cả nhân sự và tài chánh, trong sự không may, nảy sinh ra may mắn mới.
Lòng yêu nước còn động lực phát triển kinh tế, hỗ trợ cho các chính sách kinh tế về sau này, cụ thể là tinh thần sử dụng hàng nội hóa của người trong nước, và “hàng hóa nước nhà” của người Việt hải ngoại, sự chấp nhận các chính sách tiết kiệm cần thiết trong giai đoạn đầu ổn định đời sống xã hội và đặt nền móng cho chương trình phát triển. Phải có một chính sách giáo dục cụ thể, ngoài việc đào tạo nên mẫu người có giá trị tinh thần cao, biết yêu nước, thương người, có tinh thần trách nhiệm với xã hội, chúng ta phải loại bỏ sự ảnh hưởng của tính ích kỷ cá nhân chỉ biết ca tụng hạnh phúc nhục thể và quyền lợi cá nhân.
Phải đào tạo con người thực tiễn, bỏ tính lè phè, ưa tranh luận không ích lợi, phát huy tinh thần làm việc khoa học có kế hoạch, biết tôn trọng và quí thì giờ, không lẫn lộn giữa làm và thụ hưởng.
Về phương diện kinh tế, chúng ta đã biết được ưu và khuyết điểm của hai nền kinh tế thị trường và kinh tế chỉ huy, chế độ Cộng sản đã trả lời là sự chỉ huy kinh tế cứng nhắc không thể thành công được, ưu điểm của nền kinh tế thị trường là tính linh động. Chính phủ không thể đứng ra trực tiếp kinh doanh và cạnh tranh với tư nhân. Các xí nghiệp quốc doanh không phát triển được các ưu điểm về lý thuyết mà chỉ là một nơi để nhân viên và cán bộ lạm dụng; phải tận dụng những ưu thế của chế độ kinh tế tự do và sáng kiến của tư nhân.
Vai trò của chính quyền trong kinh tế là trách nhiệm hỗ trợ và tạo điều kiện và sự thoải mái cho tư doanh phát triển đất nước, chính quyền xây dựng mọi hệ thống hạ tầng cơ sở, về giao thông, bến tàu để cho tư nhân khai thác các phương tiện chuyển vận để đạt được yếu tố thời gian vì đặc điểm sinh hoạt kinh tế hiện nay là sự tranh thủ thì giờ. Sử dụng đúng thì giờ mới thành công, kinh nghiệm của chế độ Cộng sản, một trong những thất bại của họ là sự trì chậm do hệ thống chính quyền quan liêu thư lại. Do đó, một hệ thống hành chánh càng gọn nhẹ càng tốt, chính quyền càng ít can thiệp vào đời sống của người dân thì mọi việc càng được giải quyết nhanh chóng. Chính quyền chỉ giữ gìn trật tự xã hội đúng theo các sự qui định của luật pháp được ban hành một cách dân chủ.
Phát huy tính cần cù lao động cho mọi người thấy giá trị của lợi tức thu hoạch từ sức lao động vừa hợp với đạo lý vừa đóng góp vào sự xây dựng. Làm cho dân chúng từ bỏ lần lần càng sớm càng tốt tinh thần đầu cơ trục lợi của tình trạng kinh tế thị trường không ổn định và tính mánh mung láu cá của tình trạng kinh tế xã hội Cộng sản. Vừa phải đào tạo tay nghề, sử dụng khéo léo kỹ thuật của đôi bàn tay, vì lực lượng lao động của Việt Nam trước kia chỉ có cần cù nhưng kém huấn luyện, dân ta chưa có trình độ kỹ thuật cao, mà trình độ mỹ thuật trong tiểu công nghệ so với các dân tộc quanh vùng hẳn còn kém.
Việt Cộng quá tham lam khi áp dụng chính sách kỹ nghệ hóa đất nước theo kiểu Staline thực hiện ở Nga thời kỳ thập kỷ 1920 đến thời Đệ Nhị Thế Chiến. Lúc đó tương đối thích hợp vì các nước Tây phương đều tăng cường phát triển kỹ nghệ nặng. Vả lại điều kiện của Liên Sô là một quốc gia lớn, tài nguyên phong phú và có nền móng phát triển kỹ nghệ của thời trước chính biến tháng 10 để lại.
Trong khi xây dựng kinh tế cho Việt Nam, ngoài khó khăn của một nước bị tàn phá sau cuộc chiến lâu dài, Việt Nam thiếu hẳn ba yếu tố chính là tài nguyên, kỹ thuật và tài chánh. Ngày nay, cục diện thế giới đã thay đổi rất nhiều. Sau gương Nhật Bản, nước không có tài nguyên mà tiến bộ thành nước phát triển nhất thế giới; Đại Hàn, Đài Loan, Tân Gia Ba, Hongkong cũng trở thành những nước phát triển quan trọng. Điều này đã đánh dỗ lý luận và chủ trương phát triển kinh tế của Cộng sản chủ nghĩa. Karl Marx và Lénine lý luận đơn giản giao dịch giữa hai người, kẻ có lợi thì người kia có hại, hai giai cấp chủ nhân bóc lột (có lợi) thì công nhân có hại (bị bóc lột) và tương quan giữa hai quốc gia nước có lợi (đế quốc) nước bị bóc lột (thuốc địa). Thời đại phù hợp với lý luận đó đã qua. Ngày nay, người ta đã chứng minh được tương quan lưỡng lợi giữa hai người, hay nhóm người hay kể cả các quốc gia với nhau.
Quan niệm sai nên chính sách phát triển sai lầm. Các nước Cộng sản buông bức màn sắt không những về chính trị mà cả về kinh tế, làm cho họ tiếp tục nghèo nàn lạc hậu. Điều đó, những nhà lãnh đạo Cộng sản đã thấy, Mao Trạch Đông đã nói với Nixon vào năm 1972: “Tôi sẽ thay tất cả chiếc cầy và con trâu bằng những máy cày.” Họ thấy, nhưng vì quyền lợi riêng, quyền lợi của đảng, và những khó khăn từ bên ngoài tấn công vào cũng như những khó khăn từ bên trong, khiến họ không xoay xở được bằng một sự thay đổi có mức độ như họ muốn. Họ biết rõ là nếu có thay đổi thì sự thay đổi đó sẽ kéo theo sự đổ vỡ toàn thể không kiểm soát được và chế độ Cộng sản bị tiêu diệt, nên họ không dám tự ý thay đổi.
Trường hợp Việt Nam, trong tương lai, con đường lâu dài ai cũng mong muốn kỹ nghệ hóa đất nước phú cường nhưng con đường phát triển đó chưa nhất thời làm được. Chúng ta phải học hỏi kinh nghiệm của Đại Hàn, Đài Loan, phát triển theo khuynh hướng vừa kỹ nghệ nặng vừa kỹ nghệ nhẹ trong chiều hướng tận dụng nhân công vì khéo léo tay nghề vừa nhân công rẻ là ưu điểm duy nhất của nước kém mở mang trong sự cạnh tranh quốc tế. Ngoài ra, quản lý là một phần quan trọng quyết định sự thành bại của các kế hoạch phát triển.
Phải có chính sách huy động tiết kiệm để người dân đóng góp trực tiếp vào vốn liếng tài chánh, nhất là khối lượng tiết kiệm của người Việt Nam ở nước ngoài. Trong sự cạnh tranh của nền kinh tế thế giới hiện tại, chúng ta rất khó trông cậy vào khối lượng ngoại viện. Sự sử dụng tín dụng quốc tế cũng phải cẩn thận để khỏi lâm vào tình trạng nền sản xuất không đủ trả tiền lời tín dụng. Phải tranh thủ ngoại tệ bằng xuất cảng, nhất thời đối với Việt Nam là rất khó khăn, vì trong nước chưa đủ dùng và sản phẩm xuất cảng kém về mọi mặt trong vấn đề cạnh tranh ở thị trường. Chúng ta lại đi sau các nước Á châu khác dựa vào ưu điểm nhân công rẻ. Nhưng dù sao, vấn đề trọng yếu vẫn phải đạt được là thu hồi ngoại tệ để tăng cường thêm đầu tư mới. Một điểm rất tế nhị là vai trò kinh tế của người Hoa ở Việt Nam. Trước kia, người Hoa và Việt gốc Hoa chi phối hoàn toàn kinh tế của miền Nam Việt Nam. Sau khi chiếm miền Nam, chính sách bài ngoại và chủ trương đánh tư sản cải tạo công thương nghiệp của Việt Cộng làm cho một số đông người Hoa ra đi. Hoạt động kinh tế hầu như ngưng lại, vì hầu hết các sản phẩm kỹ nghệ, thủ công nghiệp tại miền Nam do người Hoa và gốc Hoa sản xuất. Thời gần đây, vì cần có hàng hóa tiêu thụ, Việt Cộng nới lỏng sự kiểm soát kinh tế, sinh hoạt của người Hoa ở Chợ Lớn lại phục hồi trở lại. Người Hoa có tay nghề cao hơn người Việt, kinh nghiệm làm ăn dồi dào, chịu khó hơn, họ không lấn cấn về vấn đề chính trị, họ giỏi mua chuộc cán bộ chính quyền, nên họ phục hồi kinh tế nhanh hơn người Việt.
Với người Hoa đã ra đi, ở nước ngoài họ cũng làm ăn lớn hơn người Việt vì có nhiều vốn. Trong lúc giao thời, nếu Việt Cộng có những thay đổi chính trị quan trọng để sinh hoạt kinh tế khởi sắc trở lại, thì người Hoa lại nắm cơ hội nhanh chóng hơn người Việt Nam. Ngoài ra, người Hoa còn được sự yểm trợ tài chánh, hoặc sự cộng tác kinh tế của các trung tâm kinh tế của người Hoa trên thế giới như Hongkong, Singapore, Taiwan, ngày nay còn ở Thailand, Indonesia, Hoa Kỳ, Canada, Malaysia, các nước Tây Âu và Úc.
Do đó, nếu không có một chính sách kinh tế thích hợp, người Hoa trở lại làm chủ nền kinh tế của Việt Nam trong tương lai. Ngoài ra, còn phải kể đến ảnh hưởng kinh tế của người Nhật, Đại Hàn – chúng ta không chủ trương bài ngoại và ái quốc cực đoan, nhưng cần phải thấy trước những khó khăn để hoạch định chính sách kinh tế có thể lôi cuốn đầu tư mà vẫn bảo vệ được quyền lợi của đại đa số người Việt Nam nghèo khổ.
Vấn đề đất đai cũng là một điểm tế nhị trong tương lai. Hai miền Nam-Bắc Việt Nam đều trải qua các cuộc cải cách ruộng đất. Miền Bắc phải trả giá cho cuộc cải cách đó bằng sinh mạng của cả triệu người, miền Nam đã trả giá bằng số tiền lớn trong chương trình ruộng cho người cầy tức là sự đóng góp của toàn dân qua chính sách thuế khóa.
Từ đó, trên nguyên tắc hiện nay, Việt Nam không có tư hữu đất đai với diện tích lớn. Nước Việt Nam rất hẹp, dân đông, mật độ dân cư cao hơn Trung Hoa là nước đông dân nhất thế giới. Do đó, chúng ta không nên quan niệm quyền tư hữu đất đai lớn. Chính sách tập trung nông nghiệp, tổ chức nông trường, sản xuất quốc doanh của Việt Cộng đã thất bại. Ngày nay, kỹ nghệ sản xuất nông nghiệp tiến bộ, nhiều nước không có nhiều đất đai canh tác như Nhật Bản, Đài Loan đã chứng tỏ sự thành công trên sự sử dụng kỹ thuật tân tiến và thâm canh để tự túc nông phẩm, cho ta kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho tương lai. Đất đai là vốn liếng chung của toàn dân và sử dụng đất đai phải được thể hiện qua việc đóng thuế.
Ngoài đất đai bảo đảm cho quyền cư trú và quyền canh tác của nông dân trong giới hạn luật pháp qui định, mọi đất đai dùng trong kỹ nghệ phải qua quyền hạn của chính phủ bằng hình thức thuê mướn, giai đoạn đầu khuyến khích đầu tư cho mướn giá hạ; khi kinh tế phát triển, sau thời gian do kế hoạch phát triển ấn định, giá thuế đất phải được nâng cao. Tiền thuê đất đóng góp vào ngân sách làm giảm nghĩa vụ đóng thuế của toàn dân, phù hợp với quan niệm đất đai là tài sản chung mà người dân đã nhiều lần đóng góp máu, xương và mồ hôi mới có được.
Một số lớn người Việt Nam đi ra nước ngoài định cư ở các quốc gia như Hoa Kỳ, Úc và Gia Nã Đại, là những đất nước rộng, người thưa – chế độ tư hữu về đất đai được công nhận rộng rãi, nếu chúng ta không có quan niệm ngay về đất đai cho trường hợp Việt Nam về sau – thì trong thời gian đầu tiên, nhiều người giầu có, sẽ làm chủ những khoảnh đất lớn, đó là một tình trạng đầu cơ trên xương máu của người dân rất bất công.
Tóm lại, trách nhiệm của những người cầm quyền trong tương lai rất nặng nề và tế nhị, vừa phải phục hồi lại đất nước vừa phải xây dựng cho đất nước, nên phải có những kế hoạch đứng đắn, bảo đảm cho mọi người dân tự do đóng góp trong một đường hướng mạnh mẽ là con đường tiến tới, để nhanh chóng thoát khỏi nghèo đói lạc hậu và tiến kịp với đà tiến chung – mà chiến tranh và chế độ Cộng sản đã làm trì chậm hơn nửa thế kỷ.
Những người đã ra đi khỏi nước là vốn liếng quí giá, trong tương lai chỉ cần sự đóng góp một phần của những khối óc khoa học kỹ thuật được đào luyện ở nước ngoài cũng đủ chất xám cần thiết cho việc xây dựng tương lai cho đất nước.
Về phương diện chính trị, con đường phải chọn rõ ràng là định chế dân chủ thực sự. Người dân phải làm chủ đất nước qua hình thức tự do lựa chọn chính trị lãnh đạo trong những cuộc bầu cử có định kỳ do hiến pháp và luật pháp qui định. Nguyên tắc tự do, chấp nhận qui luật đa số dù không hoàn hảo nhưng không có thể thức nào khác hơn.
Thiểu số cũng được tôn trọng là những ý kiến hay tổ chức đối lập. Có đối lập mới có dân chủ thực sự. Chế độ Cộng sản thất bại vì thủ tiêu đối lập.
Vị trí địa lý và lịch sử của Việt Nam là nơi đặc biệt tiếp thu nhiều nền văn hóa cũng như đã trải qua nhiều định chế chính trị. Trong tương lai, điều này trở thành một yếu tố chính yếu, khi thực tế, trong cuộc ra đi lớn lao hơn 10 năm qua, người Việt Nam ở khắp mọi nơi trên thế giới, nên sự ảnh hưởng ngược lại, Việt Nam sẽ là nơi hội tụ của nhiều nguồn tư tưởng chính trị, và nơi phản ảnh của nhiều kinh nghiệm chính trị khác nhau. Do đó, phải tổ chức đất nước như thế nào để những kinh nghiệm đó thành một hội nhập hài hòa mà không trở thành những mâu thuẫn xâu xé.
Trong hoàn cảnh đó, mọi tư tưởng độc tôn sẽ trở nên lỗi thời sẽ bị loại bỏ ngay. Sự tôn trọng nhiều nguồn tư tưởng chính trị và những nhóm nhỏ, lúc đầu không tránh được tình trạng manh mún, nhưng khó có con đường lựa chọn nào khác hơn. Chúng ta phải chấp nhận để sinh hoạt chính trị được tự do, công khai và dân chủ. Chúng ta phải tin vào sự lựa chọn của dân chúng, vì dân chúng Việt Nam là khối dân đã trưởng thành và có kinh nghiệm.
Sau thời Cộng sản, có nhiều vấn đề cần được suy nghĩ một cách khách quan, bình tĩnh, không thiên kiến, không mặc cảm. Phải có cái nhìn nghiêm túc đúng đắn trong tương lai.
Cộng sản hoàn toàn sai, bị lịch sử dân tộc và nhân dân đào thải, nhưng không phải những gì của ta trước thời Cộng sản là hoàn toàn đúng. Chúng ta có nhiều khuyết điểm, nên Cộng sản mới tạm thời thắng chúng ta. Nếu ta hoàn toàn đúng thì ta đã không thua cuộc chiến vừa qua. Với vấn đề phân rẽ địa phương, chúng ta đã biết nó có nguyên do từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh, đến thời nhà Nguyễn, thời Pháp, các chính quyền Cộng Hòa, chính quyền Cộng sản, đều vì quyền lợi chủ trương sự chia rẽ. Tiêu biểu là cách dùng người do liên hệ đến sinh quán của lãnh đạo hay địa phương của phe nhóm đương nhiên sẽ có phản ứng ngược lại của các địa phương khác. Ngày nay, Cộng sản chủ trương đưa rất nhiều người sinh quán miền Bắc vĩ tuyến 17 vào nắm quyền cai trị tại miền Nam, chính sách này tất nhiên sẽ đưa đến một sự chống đối ngấm ngầm của những người sinh quán ở miền Nam vĩ tuyến 17. Hậu quả nhất thời sau khi Cộng sản cáo chung sẽ rất trầm trọng. Nếu chính quyền có trách nhiệm trong tương lai không có cái nhìn và chính sách tế nhị, thì sự phân chia địa phương sẽ trầm trọng hơn lên. Chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng, những vết thương do lịch sử để lại không nên khơi lại; nên để cho nó lành dần. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc thống nhất từ phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết từ Nam đến Bắc, dị biệt nếu có chỉ là nhỏ. Không nên vì quyền lợi phe nhóm, vì xúc cảm nhất thời mà làm cho những việc nhỏ biến thành trầm trọng.
Thứ đến là vấn đề chính đảng. Chúng ta đã biết là cũng vì vấn đề lịch sử mà các đảng quốc gia không thể có tầm vóc hoạt động toàn quốc, không đủ sức thuyết phục một đa số cử tri toàn quốc. Đảng Cộng sản là chính đảng lớn nhất nước, mạnh nhất nước, đã nắm chính quyền toàn quốc thì đã phô bày ra bao nhiêu nhược điểm, đã không xây dựng được đất nước, họ trở thành một đảng phá hoại, một đảng cướp lớn nhất. Từ đó, sau thời Cộng sản, phản ứng của người dân tất nhiên là họ không thích các hình thức đảng phái, hội đoàn. Đây cũng là một phản ứng và cảm xúc nhất thời có tính tiêu cực. Chúng ta cũng biết rằng sinh hoạt dân chủ rất cần thiết; một xã hội trưởng thành, lành mạnh, ổn cố là một xã hội có những chính đảng ổn định, những hội đoàn lành mạnh. Chính trị dân chủ đi đôi với sinh hoạt chính đảng và hội đoàn vững mạnh, phổ thông. Có dân chủ khi người dân ý thức tham gia sinh hoạt chính trị, đóng góp sinh hoạt xã hội – tham gia ứng cử, bầu cử, phát biểu ý kiến dưới mọi hình thức bỏ phiếu, viết báo, diễn thuyết, biểu tình v.v… Do đó, nhiệm vụ của những người làm chính trị, người nắm chính quyền, các đảng phái là phải kiện toàn các chính đảng từ lý thuyết, đường lối, phương thức hành động và tổ chức để lấy lại niềm tin của dân chúng, khuyến khích dân chúng tham gia chính trị, gia nhập chính đảng, hội đoàn. Chính đảng và hội đoàn phải nhận trách nhiệm xây dựng dân chủ cho đất nước, trước tiên phải có hoạt động dân chủ từ trong đảng phái, hội đoàn mình. Hoạt động công khai và công nhận kết quả bầu cử theo đa số. Bỏ tập quán mỗi khi không được bầu đa số thì tách ra làm hệ phái mới, lập hội đoàn mới. Phải làm cho chính đảng, hội đoàn là nơi dân chúng tin cậy, không phải là những tổ chức làm cho dân sợ, dân ghét.
Quan trọng nhất là vấn đề tôn giáo. Cộng sản chủ trương tiêu diệt tình cảm cá nhân, phá bỏ quan hệ gia đình, vượt trên ranh giới quốc gia và bài xích tôn giáo. Phản ứng tự nhiên của con người sau chế độ Cộng sản là cá nhân chủ nghĩa sẽ mạnh hơn, hạnh phúc gia đình sẽ được chú trọng hơn; biên giới các quốc gia sẽ được vạch lại giữa các dân tộc có văn hóa, truyền thống lịch sử khác nhau và tôn giáo sẽ được người ta sùng tín hơn. Nhưng có điều đáng cho ta suy nghĩ là cũng chính vì cái phản ứng tự nhiên đó sẽ đưa tới tinh thần cực đoan hơn. Ví như tinh thần quốc gia rất tốt nhưng tinh thần quốc gia cực đoan sẽ dễ đưa đến mâu thuẫn giữa các quốc gia, các chủng tộc và tạo nên chiến tranh.
Con người có đức tin vào tôn giáo rất tốt, giáo lý nào cũng dạy con người làm lành lánh dữ, giúp người và giúp đời. Cộng sản phê phán sự mê tín và nhầm lẫn mê tín và tôn giáo, nên triệt hạ tôn giáo. Cộng sản muốn con người nuôi thù hận để đấu tranh với nhau không khoan nhượng nên bài xích tôn giáo, xem tôn giáo là thuốc phiện, là lợi khí để người cầm quyền làm cho con người mất ý chí tranh đấu. Nhưng những người lãnh tụ Cộng sản từ Karl Marx, Engels, đến Lénine, Mao Trạch Đông không hiểu tôn giáo là một phương thức giải thoát cho tâm hồn con người. Nếu không tin vào những sự cứu rỗi hay giải thoát cho cuộc đời sau thì lòng tin vào tôn giáo cũng giải thoát cho con người khỏi những áp lực đời sống hiện tại. Con người sẽ khổ sở như thế nào khi không có một niềm tin để hướng tới. Có những lúc con người thật sự sợ hãi, thật cô đơn, lúc đó lòng tin vào tôn giáo rất cần thiết. Con người sẽ ra sao khi không có niềm tin, khi biết mình chết là hết. Chết nghĩa là một bóng đen bao trùm xuống rồi hết.
Chính Cộng sản mâu thuẫn khi buộc con người hy sinh hiện tại cho tương lai, nhưng không phải tương lai cho họ mà cho con cháu. Lý luận này mới nghe thì lý tưởng, nhưng thật ra là không tưởng. Cộng sản dựa trên duy vật mà đòi đảng viên phải có tinh thần phục vụ cao, đòi hỏi hy sinh, trong khi sự hy sinh đó không cho bản thân họ nên thật mâu thuẫn. Xã hội Cộng sản đầy rẫy bất công, tham nhũng, áp bức chính là hệ luận của những luận cứ của lý thuyết Cộng sản. Con người không có niềm tin nào cho tương lai của họ nên họ thực tế chỉ biết lo cho hiện tại. Xã hội gồm toàn những người thực tế, chỉ biết lo toan cho mình và đấu tranh không khoan nhượng với người khác, nên xã hội đó trở nên xấu xa. Xã hội Cộng sản làm sao tồn tại được.
Tôn giáo ít ra giúp cho con người giải thoát khỏi những hệ lụy gay gắt và áp lực của đời sống. Có tôn giáo là điều rất tốt cho con người. Tôn giáo bổ túc cho những định chế xã hội khác làm cho đời sống con người dễ chịu hơn.
Tin vào tôn giáo nào cũng tốt. Nhưng nếu chỉ tin vào độc nhất tôn giáo của mình cũng là một hình thức độc tài. Lịch sử con người đã xảy ra rất nhiều lần chiến tranh tôn giáo cũng chỉ vì hình thức độc tài đó: bó buộc người khác tin giống như mình. Do đó, một điều để suy nghĩ là sau thời Cộng sản, làm thế nào đừng có những hình thức độc tài khác. Mỗi người có quyền tin theo ý riêng mình nhưng phải tôn trọng đức tin của người khác.
Xã hội Việt Nam được duy trì và phát triển trong tinh thần hội nhập ba tôn giáo chính: Nho, Thích và Lão. Đến thế kỷ 16, đạo Gia Tô bắt đầu được truyền bá.
Sau những lần trầm và thăng, Gia Tô giáo cũng có ảnh hưởng vững chắc trong xã hội Việt Nam.
Đa số trong các giáo hội Gia Tô giáo là Thiên Chúa giáo La Mã, phần còn lại là Tin Lành và các giáo hội Cơ Đốc.
Hòa Hảo và Cao Đài phát xuất từ tín ngưỡng thờ Trời, Đất, Phật, Thánh, Tiên và Tổ Tiên. Hai tôn giáo này, ngoài truyền bá đức tin còn là hai tổ chức chính trị quân sự chống ngoại xâm và chống Cộng sản. Trong vòng nửa thế kỷ tuy ngắn ngủi, nhưng Cao Đài và Hòa Hảo đã có số lượng tín đồ rất đáng kể nhưng đặc biệt là chưa phổ quát toàn quốc.
Lịch sử tôn giáo Việt Nam gắn liền với lịch sử chính trị của đất nước.
Phật giáo là quốc giáo thời Lý, Trần, nhưng qua thời gian đã hội nhập trở thành một tôn giáo riêng cho dân tộc. Phật giáo bàng bạc trong đời sống. Mỗi làng đều có một hay nhiều chùa. Nhưng chùa vừa thờ Phật, vừa thờ các Thánh Thần. Giáo hội Phật giáo mới được thành lập khởi đầu bằng Giáo Hội Tăng Già Trung Việt, Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt và Hội Phật Học Nam Việt. Đa số người Việt Nam thờ Phật, kính tăng; nhưng số người đi lễ chùa, qui y, có pháp danh, gia nhập và sinh hoạt giáo hội không phải là đa số người thờ Phật.
Thời xưa, người dân có trình độ học vấn kém. Các vị sư sãi là thành phần hiếm hoi những người có học tại các địa phương. Mỗi làng, nhà chùa được xem là một trung tâm văn hóa của làng, sư sãi có ảnh hưởng hướng dẫn đời sống dân chúng.
Đất nước thường bị ngoại xâm, chùa chiền còn là trung tâm sinh hoạt của những tổ chức kháng chiến.
Thời Pháp thuộc, Phật giáo và chùa chiền cũng nằm trong trường hợp đó. Các tăng sĩ thường đứng về phía đa số dân chúng chống ngoại xâm và chống cường hào ác bá.
Tuy nhiên, ngay cả thời Pháp thuộc cũng không có chính sách đàn áp Phật giáo. Chính quyền thực dân và Nguyễn Triều tay sai có đánh vào ngôi chùa, có bắt sư sãi cũng chỉ vì lý do nhà sư tham gia các tổ chức cách mạng và chùa chiền đó là nơi hoạt động cách mạng. Các chùa và sư bị đánh bị bắt không vì lý do tín ngưỡng.
Chính quyền Ngô Đình Diệm nâng đỡ đặc biệt để phát triển giáo hội Thiên Chúa Giáo La Mã nhưng cũng không có chính sách đàn áp hay tiêu diệt Phật giáo.
So sánh giữa Thiên Chúa giáo và Phật giáo dưới thời Pháp thuộc và các chính quyền Cộng Hòa Miền Nam thì một bên được ưu đãi và một bên không có ưu thế. Nhưng lẽ thông thường, những người có quyền thế và được ưu đãi thường hay có lạm dụng và quá trớn. Những quá trớn của Giám Mục Ngô Đình Thục và những người tay sai trong chính quyền Ngô Đình Diệm đưa đến cuộc đấu tranh của Phật giáo năm 1963. Tiếp theo đó, những cuộc đấu tranh đòi dân chủ của Phật giáo nguyên tắc là đúng đắn, vì các chính quyền miền Nam Việt Nam từ năm 1954 đến 1975 là những chính quyền dân chủ nửa vời. Muốn có dân chủ phải có đấu tranh. Không phải chỉ riêng một Phật giáo đấu tranh đòi dân chủ, mà ngay từ cuộc đấu tranh năm 1963, ngoài Phật giáo còn có các tôn giáo khác (ngoài Thiên Chúa giáo) và các tổ chức chính trị đã bị chính quyền Ngô Đình Diệm loại trừ.
Có nhiều người cho rằng vì các vụ đấu tranh của Phật giáo làm cho miền Nam suy yếu và mất về tay Cộng sản. Kết luận như vậy không đúng. Ngày nay chúng ta đã thấy dùng độc tài để chống lại tổ chức độc tài Cộng sản là một cách giải quyết không đúng. Chỉ có dân chủ thực sự mới thắng Cộng sản. Nhưng chúng ta có thể nói chắc là Cộng sản đã lợi dụng được nhiều trong những cuộc đấu tranh chính trị tại miền Nam trước ngày 30-4-1975. Có rất nhiều cán bộ Cộng sản đã len lỏi vào hàng ngũ lãnh đạo của Phật giáo để sách động và thủ lợi. Những người này đã lộ diện sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Có dư luận cho rằng những tu sĩ Phật giáo là cán bộ Cộng sản. Điều đó không đúng. Cộng sản đã bắt giam giữ tù đày hầu hết những người lãnh đạo Phật giáo và nhiều người đã chết trong tù và nhiều người đến nay còn bị giam giữ.
Chúng ta không thể trách được rằng Phật giáo không kiểm soát được giáo hội để cán bộ Cộng sản xâm nhập. Chính quyền Ngô Đình Diệm, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu dày đặc an ninh, mật vụ, cảnh sát mà Vũ Ngọc Nhạ, Huỳnh Văn Trọng, Đinh Xáng, Phạm Ngọc Thảo còn len lỏi vào được và đều nắm những chức vụ quan trọng, chưa kể rất nhiều nhân viên tình báo không nổi tiếng khác.
Phật giáo ảnh hưởng sâu sắc trong văn hóa dân tộc, nhưng không phải dân tộc chỉ có một nguồn tư tưởng Phật giáo. Những tư tưởng xem Phật giáo là dân tộc, dân tộc là Phật giáo, hay những chủ trương đưa đất nước trở về thời Lý-Trần trong đó Phật giáo là quốc giáo là những tư tưởng quá khích, đã không thực hiện được mà chỉ gây hiềm khích chia rẽ. Những tư tưởng đó mới xem như là ủng hộ Phật giáo nhưng thực ra là có hại. Qua kinh nghiệm độc tôn của Cộng sản thất bại, mọi chủ trương độc tôn khác đều không thực hiện được và đều lạc hậu.
Có nhiều người giở lại lịch sử để tìm lý luận chống Thiên Chúa giáo. Chính Việt Cộng cũng đã làm điều đó. Họ đồng hóa Thiên Chúa giáo và ngoại xâm. Thực sự lịch sử giáo hội Thiên Chúa Giáo La Mã truyền đạo cùng với những quân đội Tây phương chiếm thuộc địa. Giáo Hội Thiên Chúa Giáo Việt Nam cũng nằm trong trường hợp đó. Lịch sử giáo hội Thiên Chúa giáo khởi đầu bị triều đình nhà Nguyễn và đa số dân chúng không chấp nhận và loại trừ.
Từ thời Pháp thuộc, giáo hội được bảo vệ và được ưu đãi nên phát triển rất nhanh. Hai mươi bốn năm ở miền Nam, giáo hội Thiên Chúa giáo cũng nhận được tất cả ưu thế của chính quyền. Do đó, vị trí Thiên Chúa giáo trong dân tộc như địa vị cô dâu, nhưng cô dâu lại nắm hết quyền lợi trong gia đình chồng trong khi những người anh em chồng thì nghèo đói. Do đó, giáo hội Thiên Chúa giáo và chính quyền miền Nam bị đa số dân chúng chống đối là một điều tự nhiên.
Nhưng tư tưởng bác ái của Kitô giáo rất phù hợp với văn hóa Việt Nam nên nếu phát triển một cách hài hòa và bình đẳng, giáo hội sẽ không gặp sự chống đối quyết liệt. Ngày nay, cộng đồng Thiên Chúa giáo là một cộng đồng lớn mạnh vững chắc trong xã hội Việt Nam. Mọi âm mưu triệt phá giáo hội là điều không tưởng; nhưng ngược lại, cũng giống như mọi tôn giáo khác, âm mưu độc tôn tôn giáo, chỉ xem giáo hội mình là duy nhất và ước muốn biến tôn giáo mình thành quốc giáo cũng là điều không thể có được. Trong nhà tù Cộng sản, rất nhiều tu sĩ của các tôn giáo đều bị giam chung với nhau không phân biệt; họ sống rất hài hòa với nhau và đều nhìn thấy kẻ thù chung là chủ nghĩa Cộng sản vô thần. Không ai trong những tu sĩ ở tù xem tôn giáo mình là duy nhất, và không ai còn khích bác tôn giáo bạn, xem những hoạt động của tôn giáo bạn là nguyên do đưa đến sự thất bại của miền Nam trước Cộng sản.
Có một số người theo cung cách cũ của xã hội miền Nam trước 30-4-75 muốn gây sự khích bác chống đối nhau giữa các tôn giáo như là một phương thức để tạo chỗ đứng cho cá nhân họ. Gây xích mích chia rẽ giữa các tôn giáo là sách lược của Cộng sản và những nhà lãnh đạo độc tài của miền Nam cũ. Những người này chỉ biết quyền lợi cá nhân và phe nhóm, không nghĩ đến quyền lợi chung của dân tộc.
Ai cũng biết thời đại sau Cộng sản, con người đã chán ghét độc tài và bạo lực. Ai cũng hiểu là thời đại ngày nay không thể tiêu diệt một tổ chức, loại bỏ một tư tưởng dù là của thiểu số nhỏ. Tình trạng thực tế ở Việt Nam, các tổ chức tôn giáo đều có số lượng tín đồ lớn, đều có tổ chức sâu rộng. Không có lực lượng nào tiêu diệt được; không có tổ chức nào có thể thôn tính nhau. Trong tình thế này, chủ trương độc tôn là ấu trĩ và là ảo tưởng.
Do đó, chúng ta cần tránh những tư tưởng tôn giáo cực đoan, phải cảnh giác ngay với những thành phần chủ trương cực đoan trong giáo hội. Cộng sản có thể cho cán bộ xâm nhập vào các đoàn thể chính trị, tôn giáo. Những cán bộ này có lúc họ sẽ chống Cộng hơn ai hết, đòi bắn, đòi giết Cộng sản hết mình để làm cho các tổ chức trở thành đơn độc, ấu trĩ, vì ngày nay cả thế giới không ai tán thành chủ trương bắn giết tiêu diệt đẫm máu. Người ta đã thấy kinh nghiệm chế độ Cộng sản có thể hóa giải mà không tiêu diệt.
Những cán bộ Cộng sản xâm nhập vào các tôn giáo sẽ tỏ ra là tín hữu trung kiên nhất, hô hào phổ biến những hành động quá trớn để làm giảm uy tín của các tôn giáo.
Tình trạng các tổ chức chính trị quốc gia còn yếu kém, các tổ chức tôn giáo ảnh hưởng sâu rộng; chính quyền Cộng sản Việt Nam đang e ngại các tôn giáo hơn là lo sợ các tổ chức chính trị. Họ sẽ nhắm vào các tôn giáo để phá hoại và khích bác tạo sự chia rẽ lẫn nhau.