Trại Kiên Giam : Chương Sáu

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

Chương Sáu

Đang ngồi uống cà phê ở quán ngay dưới nhà tôi trú ngụ. Nhìn quanh thấy nhiều khách lạ, tôi thấy không yên, đứng dậy định đi ngay ra đường Trương Minh Giảng nơi chợ trời đông đảo để thoát qua bên khu Kiến Thiết. Tôi trả tiền dượm bước đi thì ngay sau lưng tôi có tiếng gọi:

– Anh Nguyễn Chí Thiệp đứng lại, nếu chạy tôi bắn.

Chưa kịp có phản ứng thì đã thấy chung quanh có bốn năm người chĩa K-54 vào tôi. Ngay cổng vào nhà hai tên xuất hiện với hai khẩu AK-47, và sau nhà tôi đi ra hai tên khác với hai khẩu AK-47. Một tên bước đến bên tôi móc còng khóa hai tay tôi về sau lưng, tôi biết hắn là Đỗ Hữu Cảnh, Luật sư.

Chúng dẫn tôi vào phòng khách, đọc lệnh bắt và xét nhà với tội danh là “trốn học tập cải tạo”. Tôi đưa giấy chứng nhận cải tạo tại cơ sở 3 ngày. Cảnh sửa lại “tham gia tổ chức phản cách mạng”. Tôi phản đối rằng không thể bắt tôi với một lý do mơ hồ như vậy, hắn bảo tôi trả lời tại Sở Công An Thành Phố, hắn chỉ làm nhiệm vụ. Tôi thấy không cần phải đối chất thêm vì biết Cộng Sản khi đã bắt người thì không cần oan hay ưng. Tôi chỉ phản đối trên lý lẽ thôi. Còn việc chúng bắt tôi là điều tôi đã nghĩ tới từ lâu nếu tôi không đi thoát được. Chúng khám nhà rất tỉ mỉ. Giường nệm bị tháo bung, chúng nạy cả những viên gạch bông trên sàn nếu thấy có vết tích gì khiến chúng nghi ngờ, những cuốn sách tôi đọc hầu như chúng lật từng trang kể cả sách của Hà Nội xuất bản.

Cảnh ném các sách tôi đọc ra hai bên phân biệt hai loại sách, một bên gồm các bản dịch các tác phẩm “Giai Cấp Mới” của Mildovan Dijlas, “Quần Đảo Ngục Tù” của Solzhenitsyn, “Những Người Con Gái Của Lưu Phu Nhân” của Pearls Buck… và một bên gồm mấy cuốn “Dưới Bóng Cờ Vẻ Vang Của Đảng, Vì Sự Nghiệp Giải Phóng Dân Tộc, Vì Chủ Nghĩa Xã Hội” của Lê Duẫn, “Đại Thắng Mùa Xuân” của Văn Tiến Dũng, “Thuyết Mácxít và Văn Hóa Việt Nam” của Trường Chinh. “Bộ Sử Ký Tư Mã Thiên” do nhà xuất bản Khoa Học Hà Nội xuất bản. Cảnh chỉ những cuốn sách xuất bản ở miền Bắc hỏi tôi:

– À anh cũng đọc sách này à?

– Vâng tôi đọc để tìm hiểu cách mạng.

– Tìm hiểu để chống lại hả? Hắn hỏi tiếp.

– Anh nói gì tôi không hiểu? Tôi đáp.

– À anh không hiểu hay vờ không hiểu?

Tôi không nói gì.

Hắn chỉ qua một ba lô nhà binh hỏi tôi:

– Anh dùng vật dụng quân sự này để làm gì?

Tôi đáp:

– Đồ này bán ngoài chợ trời, thấy rẻ mua để đựng áo quần khi cần di chuyển. Các loại va li được giá tôi đã bán cả rồi.

Hắn hằn học:

– Anh bôi bác chế độ hả, anh nói thế để chỉ là Cách mạng vào anh phải bán hết đồ phải không?

– Đó là ý của anh, không phải tôi bôi bác, tại các anh hỏi, tôi trả lời đúng sự thật.

Xét xong tất cả phòng – tên cán bộ lục xoát nãy giờ hỏi tôi:

– Anh làm Phó tỉnh trưởng ngụy quyền mà tài sản chỉ chừng này thôi sao?

Tôi không trả lời câu hỏi của hắn. Cảnh làm biên bản xét nhà, hắn tịch thu cái xắc nhà binh, mấy cuốn sách gọi là phản động. Khi hắn ghi cái radio cassette là vật tịch thu, tôi phản đối:

– Anh chỉ được tịch thu những cái gì bị cấm sử dụng. Cái radio cassette là vật được sử dụng. Từ ngày 30-4-75 đến nay không có thông cáo nào cấm sử dụng radio, trái lại radio bán đầy chợ trời và cán bộ cũng mua rất nhiều.

Chúng hội ý nhau một lúc, xong bỏ cái radio lại, nhưng tịch thu các cuốn băng nhạc. Hắn nói các cuốn băng cần được kiểm tra, vợ tôi yêu cầu kiểm tra tại chỗ. Nàng nói:

– Nhỡ đem về các ông thu vào đó những gì bất hợp pháp rồi đổ tội cho chồng tôi.

Cảnh đáp:

– Bà cứ yên tâm, chúng tôi không làm chuyện như vậy, việc khám nhà tốn nhiều thì giờ, chúng tôi không có thì giờ kiểm tra tại chỗ.

Tôi yêu cầu ghi biên bản đó là băng nhạc vàng, và bảo vợ tôi không cần phản đối chi tiết đó. Cuối cùng biên bản hắn ghi “Khi bị bắt can phạm và gia đình tỏ ra bình tĩnh và có thái độ ngoan cố”.

Vợ tôi lo sợ và không bằng lòng hai chữ ngoan cố, nàng phản đối, tôi nói: “Họ bắt mình họ muốn ghi gì cũng được”.

Chúng tôi vừa ký vào biên bản, tôi người bị bắt, vợ tôi, chủ nhà, Cảnh, nhân viên Sở Công An Thành Phố và tên đại diện Công an phường – tất cả 4 chữ ký theo thủ tục.

Hắn bảo vợ tôi soạn cho tôi ít quần áo, và cái mùng vào trong túi xách.

Nghe tiếng chân nhảy trên cầu thang, tôi biết là tiếng chân của Vũ, đứa con đầu lòng năm đó 7 tuổi. Vũ đi học từ sáng, mỗi khi về nhà nó thường nhảy từng hai bậc thang từ dưới lên phòng. Tôi đau nhói ở tim, khi nghĩ đến con – Vũ chạy vào phòng thấy tôi bị còng hai tay, nhà đầy công an và đồ vật vất tung – nó trợn mắt kinh ngạc xong chạy lại ôm tôi, nó chỉ nói lên một tiếng Ba, rồi ôm tôi khóc. Hai tay tôi bị còng quặp về sau lưng, tôi không vuốt được tóc Vũ, không sờ được con, chỉ lặng thinh cho nó ôm ngang lưng, tôi cố kìm nước mắt không khóc theo nó. Bề nào tôi cũng cố giữ sự bình tĩnh trước mặt bọn công an. Từ lúc bị bắt đến giờ tôi không cảm thấy lo sợ, chỉ thấy là những điều mình lo lắng lâu nay đã tới, như một cái bóng căng lên, bây giờ bị xì hơi thế thôi, hết còn hồi hộp lo âu, nên tôi bình tĩnh. Nhưng bây giờ trước mặt đứa con trai thương yêu của tôi, con tôi khóc, tôi thật đau lòng, thật xúc động, tôi cảm thấy ngay cái lỗi lầm, ngay cái quyết định sai lầm, bây giờ hậu quả đã hiển nhiên trầm trọng. Tôi phải chịu sự tù đày mà vợ con tôi chắc chắn sẽ phải khổ đau suốt rất nhiều. Lúc tôi quyết định ở lại dường như tôi quên nghĩ đến con, đến tương lai của những đứa nhỏ – nếu tôi đi dù sao thì mấy đứa nhỏ cũng còn được học hành. Bây giờ thì tương lai đen tối đã phủ xuống gia đình tôi. Bọn công an dẫn tôi xuống nhà, vợ tôi đi theo, những người ở cùng trong một khu nhà tôi đứng xem rất đông, có người nói: “Bé Trang đâu, gọi bé Trang về cho anh”. Tôi nói: “Thôi đừng gọi bé Trang”. Tôi biết nếu tôi thấy bé Trang khóc, tôi sẽ không cầm được nước mắt. Tôi không muốn khóc trước mặt bọn cán bộ. Tôi biết nếu tôi nhìn thấy bé Trang, lúc đó tôi sẽ khóc.

Tôi nói với Tuyết:

– Lúc nào đi thăm anh được phải đem bé Trang cho anh thăm ngay nhé.

Bé Trang là con gái út của tôi – năm đó 3 tuổi – Hơn một năm qua suốt ngày trong phòng tôi chơi với nó – mỗi lần có việc cần đi xa vài ngày nói với nó: “Con ở nhà ba đi rồi ba về”, lúc nào bé Trang cũng nói với tôi: “Ba đi về liền nghe. Ba đi đâu ba đi hoài”. Lần ra đi này biết bao giờ ba mới về với bé Trang. Tôi nghĩ thương con vô hạn – Bước ra khỏi nhà, cố nén tất cả xúc động để cho dáng đi của tôi khoan thai, không thảm não trước mặt bọn công an.

Ngồi ở băng sai chiếc xe Toyota Corolla trắng ngà, giữa hai tên công an Tên Công an phường bắt tay giã từ cùng với 4 tên công an võ trang xách AK về Phường 11 cách nhà tôi khoảng 100m. Hai tên công an khác lên một chiếc xe Honda. Tôi nhìn lại mọi người thân quen ở nhà. Những người buôn bán chợ trời trên hè đường đều ngừng lại nhìn theo tôi. Tôi khẽ gật đầu chào khi chiếc xe lăn bánh, mọi người nhìn theo. Lúc đó tên ngồi bên phải tôi đẩy tôi chồm về phía trước, hắn rút ra miếng vải đen bịt mắt tôi lại. Hắn nói “Đây là thủ tục, anh đừng sợ”.

Tôi không thấy sợ. Từ khi trốn lánh đến giờ lúc nào tôi cũng sợ bị bắt, đi ra đường thì lựa những đường hẻm mà băng, ra tới lộ thì sợ công an đón xét giấy, nằm ở nhà nghe tiếng xôn xao dưới nhà là hồi hộp sợ người đến bắt. Bây giờ mới biết tụi công an đến nhà bắt thật êm, và tôi cũng hết còn sợ nữa. Trái lại còn thấy nhẹ nhõm như trút một gánh nặng.

Tôi ước lượng tốc độ và khoảng đường để thử đoán xe chạy về đâu, đường vắng xe chạy nhanh, tôi đoán xe đã chạy tới đường Trần Quốc Toản, sau khi xe chạy một vòng tròn từ đường Hiền Vương ra, sau đó xe chạy quanh co nhiều lần tôi không còn biết phương hướng. Tôi không biết tụi nó sẽ ghép tôi vào tội gì, lúc đến bắt lịnh ghi là trốn học tập cải tạo rồi sửa lại là tham gia tổ chức phản cách mạng, tổ chức nào? Có người móc nối tôi vào tổ chức Phục Quốc, nhưng tôi từ chối vì biết không thể hoạt động ở nội thành – vào bưng để chiến đấu thì không có tổ chức nào có mật khu. Có lần tôi lên Dốc Mơ, để được đưa vào mật khu, không thành, chắc chắn vụ này tụi nó không biết.

Bước ra khỏi xe tên ngồi bên cạnh nhét cái túi hành trang vào tay tôi rồi cầm tay tôi dẫn đi khoảng 50m, bước lên bậc thềm bước vào nhà. Khi tấm vải bịt mặt mở ra tôi chóa mắt vì ánh sáng.

Làm thủ tục nhập trại, Cảnh giao tôi cho một tên công an đứng tuổi, hắn trạc 50, tóc hớt ngắn, trán thấp, mặc sơ mi trắng cháo lòng bỏ ra ngoài cái quân công an màu hỏa hoàng cũng đã cũ, miệng đầy răng vàng. Hắn nói giọng Nam lai giọng Bắc – tôi đoán là tên bộ đội tập kết miền Nam chuyển ngành Công An.

Hắn hỏi lý lịch tôi: Tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh và địa chỉ để một cô gái mặc đồng phục công an viết vào sổ cái. Tôi vừa trả lời vừa liếc nhìn vào trang giấy ghi Lê Đình Thảo ngày nhập trại 24/9 – Ngô Văn Vinh 22/9 – Vĩnh Hầu 22/9 – Hồ Công Lộ 22/9… tôi cố liếc nhanh để tìm xem tên Trần Đình Sào, không thấy.

Tôi phân vân, đáng lẽ mình bị bắt chung với những người trên đây. Thảo là bạn học, Thảo, Sào và tôi chuẩn bị vượt biên bằng đường bộ, Hồ Công Lộ, Luật sư ở Đà Nẵng, cũng là bạn cũ từ lâu lắm tôi không gặp – Ngô Văn Vinh và Vĩnh Hậu nhờ Trần Đình Sào móc nối tôi vào tổ chức nhưng tôi đã từ chối. Sào nói với tôi họ hẹn tôi tại cà phê Ngọc, tôi không đến sao lại bị bắt chung với họ. Còn Sào đâu? Hoàng đâu? Hai người này có bị bắt hay không? Tôi nghĩ thật nhanh, Cảnh và tên trưởng khu giam nói chuyện gì với nhau tôi không để ý, cô gái nữ công an nói như an ủi:

– Chú đừng lo, ở không có lâu đâu.

Thật thì tôi đang lo, còn ở không lâu chắc tôi không tin nổi, vì tôi đã nghĩ là nếu bị bắt không tránh khỏi ở tù lâu.

Nhưng dù sao câu nói của cô gái lúc đó cũng thấy dễ chịu. Thủ tục xét hành trang, số tiền đủ loại vợ tôi nhét vào túi quần cho tôi trước khi tôi rời nhà ra xe được đếm $184 – Tên trưởng trại bảo cô ghi đăng ký $170 – hắn đưa $14 cho tôi nói:

– Giữ phần này để xuống đó mua thuốc hút đỡ buồn. Tôi không hút thuốc nhưng cũng nhận tiền bỏ túi.

Tôi được dẫn xuyên qua hành lang có 3 phòng trống đó là nơi hỏi cung, cuối dãy nhà có một phòng giam, nhìn vào thấy toàn đàn bà. Trời nóng, có người chỉ mặc quần cụt và nịt ngực, người nào cũng cầm chiếc quạt phe phẩy, cuối dãy là một ngả ba, hành lang bên phải dẫn vào hai phòng giam. Rẽ theo hành lang trái, gặp ngay phòng giam thật kín, qua khoảng hở nhỏ trên tấm cửa tôi cũng thấy lúc nhúc những người đàn ông trong ánh sáng lờ mờ, người nào cũng ở trần trụi, tay cầm quạt làm thành một hoạt cảnh như một phim câm vì không ai nói chuyện. Họ sợ tên cán bộ đang dẫn tôi đến trước một cửa sắt. Hắn bảo tôi đứng lại, xong lấy chìa khóa mở một ống khóa Viro to chắc chắn. Bên trong cửa sắt là hai dãy phòng cửa đóng kín, ánh sáng từ hai lỗ trống bằng hai viên gạch trên nóc tường chiếu xuống lờ mờ thành hai vệt sáng dài. Hai ngọn đèn bóng treo lơ lửng từ trên nóc nhà xuống không đong đưa vì trong phòng kín gió. Cả phòng im phăng phắc. Tôi tưởng tượng như được dẫn vào một nhà mồ. Tên công an dẫn tôi, vừa đi hắn vừa đập vào những cửa sắt vừa gắt: “Nhìn gì, muốn còng không thì bảo. Đây là xà lim, hắn mở cửa phòng số 13, bảo tôi đứng ngoài hắn bước vào trong phòng lom khom ở cuối phòng, tôi nghe tiếng xích sắt loảng xoảng. Chưa kịp nghĩ ngợi thì hắn gọi tôi vào – bảo tôi bỏ dép ra, và đưa chân phải cho hắn. Lúc đó tôi mới nhìn thấy hắn lôi ra một thanh sắt to bằng bắp tay dài khoảng gần 1m, giữa có hai vòng sắt và thanh sắt được hàn dính vào một xích sắt dài và xích sắt được gắn chặt vào tường bằng một vòng sắt khác, cọng sắt to bằng ngón tay.

Tôi bị còng một chân. Hắn bảo tôi đứng thẳng dậy, tôi đứng hơi khó vì chưa quen lối còng với thanh sắt nặng. Hắn nói:

– Vào đây phải chấp hành nội quy trại, thành thật khai báo tội lỗi của mình và đồng bọn để nhận được sự khoan hồng của đảng và nhà nước, đảng và nhân dân đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại, khai báo tốt sẽ được viết thư, nhận quà. Không được nói chuyện với phạm nhân khác, nếu bắt gặp tôi sẽ còng chéo hai chân anh lại, không được khua dây xích làm ồn ào – không được đứng ngay cửa nhìn ra ngoài. Anh nghe rõ chưa?

Tôi đáp:

– Rõ.

Hắn nói một thôi thuộc lòng theo đúng nghề nghiệp và việc làm hàng ngày mỗi khi đưa tù vào xà lim, xong đứng nhìn quanh cái phòng chật hẹp khoảng 2m bề sâu và kém 2m bề ngang, dường như muốn xem trong phòng có chỗ nào để tôi có thể thoát ra không.

Hắn bước ra khóa cửa lại lẩm bẩm:

– Xem thử ngoan cố đến độ nào?

Thì ra đây là món đầu tiên tôi phải chịu vì thái độ dửng dưng của tôi khi bị bắt, mà tên Cảnh đã ghi vào biên bản là “thái độbình tĩnh và ngoan cố”. Bọn công an đi bắt người chúng nó muốn nạn nhân phải tỏ ra sợ sệt, chúng nó không chịu thái độ dửng dưng của người bị bắt, thảo nào khi chúng đi bắt một người không có sức kháng cự như tôi cũng võ trang đến tận răng, súng ngắn, súng dài đủ loại cả chục khẩu.

Tôi ngồi xuống cái bục xi măng cao khoảng 2 tấc, chia căn phòng làm 2 phần, cái bục là chỗ cho tù nằm nghỉ, phần nền nhà thấp từ cửa vào, tù gọi đó là phi đạo, cuối phi đạo là cầu tiểu, cái vòi nước cũ khóa không kín nhểu nước tí tách đều đều.

Tôi nhấc thanh sắt xoay chiều dọc để ngồi thoải mái từ trên bục, thanh sắt khá nặng, độ dài của xích sắt giới hạn khoảng cách di chuyển đến nửa căn phòng, không thể ra đến cửa để nhìn ra ngoài những 1ỗ tròn nhỏ trên cửa sắt. Tôi đếm 49 lỗ tròn bằng đầu ngón tay cái, đục thành 7 hàng đều đặn. Bên dưới là một ô nhỏ mỗi bề khoảng 10 cm được đóng lại, qua cửa ô này bên ngoài chuyển cơm vào cho từ trong xà lim.

Tôi đang quan sát chung quanh căn phòng – nghe tiếng gọi bên ngoài.

– Angola, làm việc “em” mới vào đi.

Có tiếng từ người khác:

– Em mới vào bị còng còn sợ để cho em lấy lại bình tĩnh đã.

Tiếng người lúc đầu tiếp theo:

– Đ.M. sợ cái gì, đã chịu chơi bị bắt đừng sợ, hỏi em bên ngoài có gì lạ chưa?

Ở trong xã lim tôi chưa nhân biệt hướng phát ra những tiếng nói của những người ở xà lim khác. Tôi vẫn lặng thinh để tiếp tục nghe và hiểu sinh hoạt ở chung quanh.

Có tiếng gọi:

– Mười ba, mười ba bị bắt về tội gì? Ở đâu? Cho biết tên.

Tôi đáp:

– Tôi phản cách mạng, ở Trương Minh Giảng – tôi tên là Thu ( tôi thấy nói tên mình ra không cần thiết và cũng không có ích lợi gì nên chọn một tên để trả lời những câu hỏi tò mò).

Tiếng người khác hỏi:

– Phản cách mạng, nhưng ở tổ chức nào, bị bắt đông không?

Tôi trả lời:

– Tôi chưa rõ.

Có tiếng một người nói với tôi:

– 13 chọn một cái tên để anh em nói chuyện với nhau, đừng lo sợ gì, anh em ở đây tốt cả, vài ngày rồi quen.

Lúc đó tôi mới để ý, mọi người đều chọn một cái tên gọi riêng để khi gọi nhau bọn cán bộ nghe không biết phòng nào nào chuyện, chúng chỉ đập cánh cửa thình lình đe dọa, nếu chúng bắt được người nào nói chuyện sẽ bị còng kỷ luật. Các tù nhân ở xà lim dùng những tên các quốc gia để gọi nhau như Angola, Nicaragua, Somalia v.v… Tôi cũng bắt đầu nhập vào sinh hoạt chung của họ, tôi nói:

– Gọi tôi là Việt.

Ngày đầu tham dự vào sinh hoạt chung như vậy tạm đủ, nên tôi không tiếp tục trả lời các câu hỏi tiếp theo của họ nữa.

Quan sát quanh phòng giam – trên tường có nhiều vết bẩn do người tù giết muỗi hay rệp, trây kéo máu thành từng vệt. Tôi thấy hơi lo ở trong lòng, muỗi và rệp nhiều chắc là khó ngủ, làm sao giăng được chiếc mùng trong trường hợp 4 bức tường trơn trợt ít nhất là để ngăn muỗi, rệp thì không có cách gì cản chúng được ngoài giải pháp chờ cho chúng bò ra rồi giết từng con. Những người tù ở trước đã khắc tên và ngày ở của họ trên tường và những dấu gạch ghi ngày họ ở.

Tò mò tôi tìm đọc hết, đã có 5 người ở trong xà lim này sau 1975, người ở ít nhất là 27 ngày và người lâu nhất là 4 tháng 23 ngày, người này còn làm cả một bài thơ, lời thơ mạnh và phóng khoáng. Dưới bài thơ khắc tên Huệ Nhật, tôi nghĩ không chừng đó là một nhà sư. Nghĩ đến ở 4 tháng trong xà lim tôi thấy hơi ngán, không biết tôi sẽ ở bao lâu trong này chắc chắn buồn lắm.

Tôi phải làm sao tìm ra cách sống cho thích hợp với hoàn cảnh này, để có thể chịu đựng và sống được với không khí ẩm thấp, thiếu ánh nắng, tôi sợ cho bệnh phổi của tôi có thể tái phát. Như vậy vấn đề giữ sức khỏe để chịu đựng trong những ngày tù dài là một thách thức lớn mà tôi phải cố vượt qua. Đả bị tù Cộng sản hoặc là chết thật sớm cho khỏe thân; đời người ai cũng phải chết, tôi không bao giờ nghĩ là phải tự tìm cái chết dù ở hoàn cảnh nào. Từ ngày Cộng Sản chiếm miền Nam, có nhiều người tự tử chết, có người đã giết tất cả vợ con trước khi tự tử, có lúc tôi cũng nghĩ là chết là giải thoát. Lúc đó tôi mới thấy tự tìm cái chết cho mình không phải dễ và đó là một hình thức can đảm. Tôi không có can đảm để làm chuyện đó. Rồi từ khi nhận được những dấu hiệu cho thấy tình hình đất nước không phải tuyệt vọng, Việt cộng chiếm miền Nam không phải đã kết thức một cuộc chiến tranh, nó chỉ kết thúc một giai đoạn lịch sử và nó khởi đầu một giai đoạn lịch sử mới. Những biến chuyển chính trị mới trên thế giới sẽ có ảnh hưởng mạnh đến tình hình ở Việt Nam, và Cộng sản chắc không thể độc tôn đặt nền cai trị lâu dài trên đất nước. Từ đó tôi bắt đầu hy vọng, và cố phải sống, trong hoàn cảnh tệ hại nhất cũng phải sống, dù không để làm gì, chỉ để nhìn thấy những chuyển vận của lịch sử dân tộc và Cộng sản phải tiêu vong là sung sướng lắm. Tuy tôi đã bị bắt, nhưng tôi đã có nhiều hy vọng là tương lai sẽ biến đối, nên phải sống được cho đến ngày ra khỏi tù. Nếu ra khỏi tù với một thân thể tàn tạ cũng là một sự thua cuộc, và nếu chết trong nhà tù lại càng thua nặng hơn. “Lịch sử thế giới đã chứng minh một nước đã được Cộng sản hóa thì không bao giờ trở ngược lại được”, chú em Luật sư của tôi, và mấy người Luật sư trẻ bạn của chú ấy sau khi đi sinh hoạt ở Hội Trí Thức Yêu Nước về, buồn bã thuật lại lý luận đó với tôi, đồng thời họ lại cam phận. Giới trí thức ở miền Nam đa số bắt đầu xem lý luận đó như là để biện minh cho thái độ chịu đựng và đầu hàng. Dập tắt đóm lửa lương tâm của họ trước những chướng tai gai mắt đang mỗi ngày mỗi gia tăng do chính quyền mới và lớp giai cấp mới chủ nhân ông của xã hội mới đem lại.

Trong những trường hợp đó, tôi đã nhiều lần giải thích cho một số bạn bè thân quen. Tôi nói với họ rằng lối giải thích của Hội Trí Thức Yêu Nước là lối giải thích lịch sử một cách tiêu cực, một cách “chết” dựa trên những hiện tượng quá khứ. Còn lịch sử một nước là những diễn biến sinh động khởi nguồn từ thực tại đời sống của người dân, do đó chưa có nước Cộng sản xoay chuyển trở lai chứ không phải là không có. Dựa vào sự chuyển động trong khối Cộng sản từ các quốc gia Đông Âu đòi độc tập hoạch định chính sách đôi với Liên Xô, từ mâu thuẫn Liên Sô – Trung Quốc, và phong trào “thực dụng” của Đặng Tiểu Bình, từ sách lược mới của Hoa Kỳ và các nước Tư bản với chủ thuyết 4 thế giới của Brezinski – tôi nói với họ là phải hy vọng tình thế đảo ngược – với lòng dân miền Nam nhất là từ những người nông dân, công nhân miền Nam không dễ dàng chấp nhận chế độ xã Hội Chủ Nghĩa, thì phải hy vọng là sẽ có đảo ngược lại.

Sức mạnh của dân tộc là do sự đòan kết của mọi tầng lớp người dân nhưng muốn biến tiềm năng thành một lực lượng phải có một lớp người tiên phong đứng lên, tạo cơ hội để kết hợp. Tầng lớp người đó trong lịch sử dựng nước và giữ nước Việt Nam là lớp sĩ phu; lớp người trí thức luôn luôn hiểu rõ và mạnh đạn nắm trách nhiệm lịch sử, dù không phải lúc nào họ cũng thành công. Nhưng tinh thần yêu nước của lớp sĩ phu nếu nhất thời chưa đánh đuổi được ngoại xâm, thì họ cũng ẩn tàn trong quần chúng để duy trì sức sống của dân tộc. Từ khi tiếp xúc với nền văn minh mới con người trong xã hội bị phân công triệt để theo sự phát triển kinh tế và xã hội theo mô thức Tây phương. Người trí thức được chuyên môn hóa hầu như tách rời nhiệm vu tinh thần của họ đối với đất nước, nên họ dễ thỏa hiệp với ngoại bang cũng như với kẻ thù xâm chiếm đất nước, một trong những lý do họ biện luận là người kỹ thuật phi chính trị.

Phần nữa có một thời mà lịch sử Việt Nam không được giảng dạy tại các trường học, học sinh chỉ cần học lịch sử mẫu quốc, do đó sự gắn bó của trí thức và tổ quốc không được vững chắc.

Tự ý lẩn tránh trách nhiệm đối với lịch sử dân tộc, đương nhiên tầng lớp trí thức mất sự kính trọng của dân chúng; dẫn tới sự khủng hoàng triền miên về lãnh đạo.

Trước l975, miền Nam chiến đấu chống Cộng Sản, nhưng hầu như mọi người giao khoán nhiệm vụ chống Cộng cho người lính tại chiến trường, để người lính trực diện chống Cộng sản – còn người trí thức hoặc né tránh, hoặc thỏa hiệp ngầm với Cộng sản – hoặc tự coi mình như không dính líu tới cuộc chiến. Nói về nhiệm vụ chống Cộng tôi hổ thẹn với cái vốn học hỏi của mình Xuất thân từ một trường huấn luyện cán bộ chính quyền cao cấp mà chúng tôi chỉ được dạy về lý thuyết Cộng sản một cách lờ mờ rồi ra đi làm việc thì làm quen với những khẩu hiệu chiến tranh tâm lý thật nhàm và thật rẻ tiền. Người ta chỉ dạy cho mọi người biết là Cộng sản tàn ác, Cộng sản độc tài, nhưng người ta không nói rõ là chế độ Cộng săn nó làm thay đổi mọi cơ cấu xã hội như thế nào. Trong cuộc cách mạng Xã Hội Chủ Nghĩa thì các định chế xã hội được tố chức làm sao. Trong cách tổ chức đó thì mọi tầng lớp dân chúng phải thiệt hại đến mức nào.

Một Tổng thống tự xưng là chống Cộng nhất như Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thì chính quyền của ông không có cơ quan nghiên cứu chính trị để chống Cộng – Văn phòng phụ tá chính trị chỉ nhằm mục đích triệt hạ các phe phái đối lập (là những thành phần chính trị Quốc gia khác) và tổ chức mua chuộc các Dân biểu Quốc Hội để buôn bán lá phiếu có lợi cho cá nhân ông Tổng thống.

Nằm trong xà lim đầu óc nghĩ miên man hết chuyện này sang chuyện khác. Tôi xấu hổ khi nghĩ đến cái hôm tham dự học tập tại Bộ Nội Vụ cũ để lấy cái giấy cải tạo 3 ngày, tôi cũng làm theo mọi người viết lời buộc tội mình có lỗi với nhân dân vì theo đế quốc Mỹ chống lại cách mạng.

Các xà lim khác bỗng nhiên im lặng, tôi nghe tiếng dép lẹp xẹp của tên cán bộ sáng nay dẫn tôi vào xà lim, rồi tiếng mở khóa cửa chính, và nhiều tiếng lách cách mở ra, và một người tù lao động đưa vào cho tôi một chén cơm và một chén nước muối. Giờ cơm chiều, các phòng khác chỉ mở cửa ô đưa cơm vào; tôi bị còng không đi được đến cửa để nhận cơm nên phải mở cả cửa để mang cơm vào cho tôi.

Từ sáng tôi chưa ăn mà không thấy đói, nhưng tôi muốn ăn cho xong bữa, làm bổn phận đối với cơ thể. Mùi com hẩm lại đầy cả thóc, ngay miếng đầu tiên tôi đã thấy nghẹn và đắng ở cổ không nuốt nổi. Tôi cố gắng ăn ba muỗng cơm, rồi nuốt không trôi tôi bỏ không ăn bữa đó.

Khi cửa sắt được kéo 1ại, và tiếng một người tù ở xà lim nào đó bên ngoài vang lên “Thái lai, thái lai” thì khu xà lim lại bắt đầu ồn ào, người ta kêu nhau, hỏi thăm sức khỏe, hỏi thăm người đi “làm việc” về có gì lạ không? – và tôi nghe một giọng thật ấm trầm hỏi tôi:

– Việt ơi, Việt khỏe không, ăn cơm chưa – ráng mà ăn để giữ sức khỏe, rồi thì quen thôi, phải ở trong này lâu đó, gắng chịu đựng.

Tôi trả lời:

– Ráng ăn mà không nổi.

– Cố nuốt đi, vài ba bữa thì thấy đói, cơm ăn không đủ đâu, đứng bỏ uống lắm.

Tôi hỏi:

– Anh ở xà lim lâu chưa?

– Từ ngày bị bắt đến nay hơn 4 tháng rồi.

Tôi hỏi:

– Hơn 4 tháng, lâu quá vậy.

Người kia đáp:

– Không lâu đâu, số 15 từ ngày bị bắt đến giờ hơn l5 tháng rồi đó – muốn nói chuyện với bên cạnh cứ gõ tường rồi nói, khi nghe thì áp tai vào tường mà nghe. Cứ nói chuyện thoải mái, đừng sợ gì cả…

Bên ngoài có tiếng nói lớn:

– Im lặng nghe báo.

Cả khu xà lim đều yêu lặng tôi cố lắng tai nghe nhưng không nghe thấy gì hết.

Một lúc có tiếng lúc nãy nói lên:

– Điểm báo.

Xong anh ta tường hình tin tức báo chí có hai điểm quan trọng là “Việt cộng bị bác đơn xin vào quỹ Tiền Tệ Quốc Tế”, trong đó có nhắc là Việt cộng đã được gia nhập Ngân hàng Á Châu – và tin thứ hai liên quan đến việc tranh chấp trong nội bộ Trung Quốc sau khi Mao Trạch Đông qua đời.

Sau khi người điểm báo trình bày các chi tiết khu xà lim bắt đầu thảo 1uận, ai cũng sung sướng vì tin tức Hà Nội không được nhận vào Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và họ không tin là Hà Nội được gia nhập Ngân hàng Á châu thay thế vị trí của Việt Nam Cộng Hòa cũ. Tất cả mọi người đều suy luận và diễn dịch tin tức hoàn toàn chủ quan theo ước muốn của họ và theo chiều hướng suy nghĩ bất lợi cho chính quyền Hà Nội. Rất ít người chú trọng đến các tin tức ở Trung Hoa, người ta vẫn theo một nếp suy nghĩ đã thành nếp là nếu đã bị Cộng sản chiếm đóng, thì mô thức Cộng sản Liên Sô vẫn khá hơn Cộng sản Trung Quốc. Phần lớn người ở trong khu xà lim bị bắt từ 1975 chưa biết đến những diễn biến chính trị ở Trung Quốc từ khi Đặng Tiểu Bình xử lý Quốc Vụ Viện vì Chu Ân Lai bị bịnh nặng và khuynh hướng thực dụng của Đặng Tiểu Bình có thể đem lại một hy vọng thay đổi ở Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng đến tình hình chính trị ở Việt Nam. Anh em đang thảo luận thì có tiếng hát: “Ở tận sông Hồng em có biết, quê hương anh có dòng sông, Vàm Cỏ Đông, ôi Vàm Cỏ Đông…” thì mọi người nín bặt, lúc đó tôi nghe tiếng dép của tên trưởng khu đi vào, tiếng rổn rảng tra chìa khóa vào ổ khóa của hắn và tiếng chửi của hắn:

– Đ.M. thằng nào báo động, tao bắt được tao còng chéo cả hai chân cho biết thân.

Vài tiếng cười khúc khích vang lên, làm tên trưởng khu càng tức giận – hắn đi vào đạp cửa rầm rầm vừa chửi rủa tục tĩu.

Ở vài ngày tôi biết được sinh hoạt của khu xà lim này, ở các xà lim bên ngoài có người canh, khi tên cán bộ đi ra ngoài xa, anh sẽ hô lên “đã đến hồi thái lai”, nếu bên trong anh em không nghe tiếng dép của tên cán bộ mà không nghe anh báo, có người sốt ruột thường hỏi “thái lai chưa?”, lúc đó thường là tên cán bộ đứng lại rình bắt người nói chuyện. Trong khi anh em nói chuyện nếu thấy bóng đáng tên cán bộ đi vào anh em sẽ hát lên một câu trong bài hát “Trường Sơn Đông” hay bài “Vàm Cỏ Đông” là mọi người nằm im. Các xà lim đều kín vì xây trong nhà, nên âm thanh vang, đứng bên ngoài chỉ nghe tiếng nói mà không phân biệt được xà lim nào nói nếu không đứng gần. Do đó, ít anh em bị bắt lúc nói chuyện.

Mỗi chiều sau giờ cơm, các phòng tập thể sinh hoạt học tập, họ được phát báo Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân để đọc, một anh trước là chủ báo, ở xà lim số 4 sát vách với tập thể l – nên khi phòng l sinh hoạt, anh áp tai vào tường để nghe, sau đó có mục điểm báo. Khi anh áp tai nghe thì khu xà lim phải giữ im lặng.

Đó là sinh hoạt thường ngày của khu xà lim, trong giờ hành chánh thường là nằm ngủ hay chờ đợi đi làm việc – tức là gọi đi hỏi cung – mỗi ngày được phát hai lần cơm – mỗi lần một chén ăn với nước muối.

Khu xà lim im lặng, tôi nằm suy nghĩ vẫn vơ rồi ngủ lúc nào không biết. Tiếng đập của rầm rầm của tên cán bộ làm tôi thức đậy, hắn đi kiểm soát lần chót và báo giờ giới nghiêm 9 giờ tối, mọi người phải giữ yên lặng – nếu không có báo giới nghiêm chắc tôi không đoán được giờ giấc – vì khu xà lim ban đêm được thắp sáng bởi hai ngọn đèn trên xà nhà, chiếu ánh sáng vào xà lim do lỗ thông hơi trên trần.

Sau thời gian căng thẳng vì sợ bị bắt, đến chung bị bắt dường như trút được cái mối ưu tư, giấc ngủ vừa qua tuy ngắn nhưng thật ngon. Tôi cảm thấy nhẹ nhàng và bình thản. Đáng lẽ ra bị bát, còng một chân vào xà lim tôi phải lo sợ nhiều lắm. Nhưng tôi không thấy cái cảm giác lo sợ đó. Từ lâu lắm rồi tôi đã yên trí là nếu tôi không tìm cách thoát được thì thế nào cũng bị bắt.

Ở với nhau lâu, dường như mọi người cũng hết chuyện để nói, có lúc khu xà lim thật yên tĩnh – năm nghe rõ cả tiếng muỗi vo ve, bị muỗi đốt không khó chịu bằng nghe tiếng muỗi ở bên tai. Thấy bị ngứa ở nhiều nơi trên thân thể, lần tay ở những nơi bị ngứa bắt những con rệp đã cắn no máu đưa lên tường giết, lấy đầu ngón tay kéo một vệt dài, lúc đầu máu trong thân con rệp màu đỏ, một chốc nó biến thành màu đen, nhiều lúc tự nhiên đưa tay lên mũi ngửi cái mùi hôi của rệp. Trò bắt giết và ngửi máu rệp cũng kéo dài được cả tiếng đồng hồ. Thời gian nhiều quá, ngủ không được, phải làm một cái gì đó cho có sự chú tâm; nếu không thì đầu óc nhức buốt vì những mối ân hận, sự lo âu về gia đình. Nghĩ đến ba mẹ và mấy em ở Đà Nẵng không biết sẽ làm ăn sinh sống như thế nào. Chỉ còn hai đứa út đi học vì còn học cấp Hai, những đứa leo lên cấp Ba và Đại Học đều phải nghỉ vì lý do lý lịch có anh là “ngụy quyền”. Việc học hay nghỉ cũng không quan trọng lắm, nhưng việc mấy chú đó phải đi nghĩa vũ thì đau lắm. Làm sao ba mẹ tôi yên lòng tình trạng mấy anh em tôi đứa lớn đi tù, đứa nhỏ lại đi lính bảo vệ chế độ, mà cả hai trường hợp đều có thể bỏ mạng, bỏ mạng môt cách vô ích cho một chế độ đi ngược lại quyền lợi dân tộc như chế độ Cộng sản tồi tệ này.

Vợ và hai con tôi sống ra sao? Trong hoàn cảnh rất khó khăn, không nghề nghiệp, không vốn liếng, nhà cửa. Rồi áp lực phải đi kinh tế mới, một người đàn bà với hai đứa con nhỏ làm sao sống nổi nếu bị cưỡng bức đưa lên những vùng núi non chưa khai phá, nước độc. Những suy nghĩ làm tôi càng ân hận vì quyết định không di tản, cái quyết định ở lại thật ngu xuẩn, chỉ vì nhất thời bức xúc, tức tối những người lãnh đạo đê hèn bỏ chạy trước địch quân mà không chiến đấu. Tâm trạng rối bời phức tạp của tôi những ngày trước khi Saigon sụp đổ là vậy, có lúc tôi nghĩ thà chết còn hơn chạy theo các lãnh tụ đê hèn, những tướng lãnh tham những tồi bại bỏ thuộc cấp mang của cải chạy trốn, tôi cảm thấy nhục khi nghe đài VOA tường thuật lại lời tuyên bố của Thị trưởng Los Angeles ràng “nước Mỹ và nhân dân Mỹ không muốn nhận những người đồng minh hèn hạ, tham nhũng, buôn lậu ma túy”. Đài VOA loan tin một ngân hàng ở Mỹ phải đóng cửa để đếm tiền của ông Trang Sĩ Tấn. Ông Trang Sĩ Tấn nhà giáo, rồi đi làm thẩm phán, rồi Cảnh sát. Ông đã giàu như vậy Tôi cứ nghĩ một người chọn nghề nhà giáo, làm Thẩm phán, ít ra lúc trẻ cũng có chút tâm hồn, hiểu rõ dân chúng Việt Nam đang nghèo đói khổ sở, dân nghèo thì trí thức cũng có trách nhiệm chứ đâu người trí thức nào lúc nghèo thì đứng với dân, lúc làm quan lại trở nên kẻ vơ vét, đối nghịch lại với dân. Tình trạng trí thức như vậy thì đất nước làm sao không suy vong.

Đài VOA và BBC cũng loan tin tướng Đặng Văn Quang không được Mỹ, Canada nhận cho cư trú vì là kẻ buôn lậu ma túy. Lúc đó tôi vô cùng xót xa.

Đại đa số các viên chức, cán bộ, sĩ quan cấp dưới ở tuổi trung niên mang tiếng ở trong một chính quyền tham nhũng mà giờ đây mất nước, bản thân phải đi tù, vợ con đói khổ trước hơn cả mọi người dân.

Người ta, nhất là các đài ngoại quốc chữi chính quyền miền Nam tham nhũng, tôi thấy đau đớn và sĩ nhục vô cùng.Tôi không muốn nhục khi chạy trốn, tôi ở lại nhưng không can đám để tự tìm cái chết thì tôi lại phải chịu một cái khác. Làm thân một người mất nước, mà lại là đàn ông ở lứa tuổi trách nhiệm mất nước như tôi thì đàng nào cũng phải nhục nhã ê chề, nhưng lúc đó tôi chỉ nghĩ đến cá nhân tôi, nên đã quyết định sai lầm – đến khi tôi nghĩ được rằng đáng lẽ tôi phải ra đi, ra đi vì sự sống còn của gia đình và các em nhỏ, vì những đứa con, thì đã muộn. Và càng thấy ân hận hơn nữa khi đã nhận định được là Cộng sản dù nhất thời chiếm miền Nam thì lịch sử đấu tranh của dân tộc vẫn chưa kết thúc, lịch sử đã qua một trang khác, mà ngày 30-4-l975 là thời điểm đánh dấu một đỉnh cao, nói như ngôn từ của Cộng sản, nhưng qua cái đỉnh cao đó thì lịch sử của đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu đi xuống khi họ chuyển từ ngọn cờ Giải Phóng Dân Tộc sang ngọn cờ Xây Dựng Xã Hội Chủ Nghĩa (nói theo thuật ngữ của họ).

Tôi mơ ước bạn bè của tôi và cả những người có trách nhiệm làm mất miền Nam sau khi chạy trốn thoát thân, biết kiểm điểm lại tội lỗi của mình, rút ưu khuyết điếm của cuộc chiến đấu vừa qua, gạt bỏ đi những tàn tích cũ, những thói hư tật xấu do hậu quả của lịch sử một trăm năm bị nô lệ Pháp để làm lại cuộc chiến đấu mới. Người chiến sĩ không phải một lần thua trận là hết – đã là chiến sĩ phải đứng lên chiến đấu sau một lần bị ngã. Phải chiến đầu trở lại. Nếu sau lần ngã rồi nằm im luôn thì không xứng đáng là một chiến sĩ, không xứng đáng là một quân nhân.

Tôi mong Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, các Tướng lãnh đã chạy ra ngoại quốc không nằm hưởng những của cái thu góp – sống cuộc sống xa hoa ngoại quốc. Tôi mong họ tiếp tục tập họp lại những người đã chạy, nhận rõ những lỗi làm của mình với dân với nước — nếu họ không làm được như vậy, họ không xứng đáng mang danh dự là một chiến sĩ. Tôi tin tưởng vào sức sống của dân tộc, vào tinh thân chống Cộng của toàn đàn đang biểu lộ rất nồng nhiệt chỉ thời gian ngắn sau khi Cộng sản chiếm hoàn toàn nước Việt Nam, thật nhạy bén khi họ nhận rõ Xã Hội Chủ Nghĩa không phải là một mô thức cần thiết để xây dựng đất nước, sự từ khước văn hóa Cộng sản ở mọi người dân Việt Nam kể cả những người nông dân trước kia đội gạo nuôi kháng chiến và kể cả tiềm tăng những người đảng viên Cộng sản tâm huyết với sự tồn tại và phát triển của dân tộc và đất nước như chú Bình và theo như lời chú Bình, thành phần này không ít trong hàng ngũ đảng viên Cộng sản họ chỉ chờ thời cơ làm một cuộc chiến đấu mới.

Từ suy nghĩ này đến suy nghĩ khác, tôi đã chìm vào một giấc ngủ chập chờn lúc trời gần sáng, tôi biết sáng vì có tiếng xe chạy ngoài đường sau giờ giới nghiêm. Trong giấc ngủ tôi nằm mơ thấy lại thời thơ ấu an bình khi tôi là một học sinh mới vào những lớp đầu Trung học, nơi tôi có những người bạn học nam cũng như nữ mà suốt đời tôi không quên. Cuối cùng hình ảnh vợ và hai con tôi hiện ra rất rõ trong giấc mơ của tội…

Đến ngày thứ tư ở xà lim tôi mới ăn hết được phần cơm và kể từ đó tôi bắt đầu thấy đoi. Cách sống rồi cũng quen dần, để qua thời giờ khỏi suy nghĩ đến đau đầu, tôi tập thể dục, rồi tắm, cái còng ở chân có làm vướng khó chịu, nhưng xoay xở một lúc cũng quen dần.

Theo lời chỉ dẫn của người tù trước, mỗi ngày tôi đều xoa bóp khắp thân thể, nhất là cái chân phải bị còng để khỏi bị liêt. Phương pháp điều thân, điều túc và ngồi trầm tư kiểu Yoga tôi đã tập từ hơn 10 năm nay giúp ích cho tôi rất nhiều. Chỉ vài ngày là tôi có thể ngủ được mà không còn thao thức – ngủ không giờ giấc, lúc nào ngủ được thì ngủ, thức thì tập, tắm, ngồi trầm tư. Biết ban ngày với hai lần đưa cơm vào khoảng 9 giờ sáng và 4 giờ chiều. Thời gian nghe và điểm báo của khu xà lim tôi không tham dự tích cực vì tin tức đã không có gì mà anh em tù thì bình luận theo chủ quan của họ. Ai cũng muốn và mơ ước chế độ Cộng sạn đổ ngay, để người tù về trong huy hoàng, nhưng không hề nghĩ làm thế lực nào và bằng cách nào để lật đổ chúng. Ai cũng nghĩ là Mỹ sẽ trở lại, nhưng không nghĩ là điều gì khiến Mỹ trở lại và trở lại bằng cách nào. Trong hoàn cảnh tuyệt vọng hình như người ta không dám nghĩ tới thực tế vì thực tế nhiều khi thê thảm và phũ phàng cho thân phận của họ. Họ bám víu vào những hy vọng bọt bèo để làm thứ thuốc an thần mà sống. Tôi cũng mơ ngày Cộng Sản đổ và tôi tin là chế đô Cộng sản không tồn tại vĩnh viễn, nhưng ngày nào sụp đổ hẳn còn lâu và phải tùy vào sức mạnh của toàn dân, sức đề kháng hiện có tiềm tàng nhưng chưa làm sao tập họp được một lực lượng đối kháng mạnh mẽ. Phải làm sao để có tổ chức làm tất cả công chuyện cần thiết để lật đổ Cộng sản khi thời cơ đến thì mới có hy vọng.

Sinh hoạt khu xà lim theo nếp hàng tuấn ít thay đổi. Hai tuần một lần nhận quà vào thứ năm thứ năm tuần còn lại thì tên cán bộ xuống ghi tên mua hộ thuốc lá. Hắn nhớ là đưa tôi giữ l4 đồng để mua thuốc khi đang ký tiền và tư trang khi nhập trại. Tôi không thường hút thuốc, nhưng tôi cũng nhờ hắn mua một gói Bastos xanh và một hộp diêm. Thuốc lá đen lúc đầu cảm thấy đắng, hút một lần không hết một điếu, dụi tắt, lần sau hôi và khai khai. Nhưng chỉ vài ngày sau đã thấy thuốc lá ngon và thật cần khi thấy đầu óc trống rỗng mà không ngủ được. Mỗi tuần vào sáng thứ bảy có chuyển trại, nhiều người chuyển tới lui nhiều lần từ xà lim ở Sở Công An này qua lại Lê Văn Duyệt tức đề lao Gia Định cũ. Ngày chủ nhật không làm việc, những anh em mới đến hoặc chuyển trại tới lại thông tin tức cho nhau. Một số người ở xà lim từ khi bị bắt đến nay đã hơn l6 tháng chưa được ra tập thể. Trong đó tôi biết có thầy Vũ Quốc Thông đang ở số l0. Thầy bị bắt tháng 6-1975 sau hạn trình diện học tập 10 ngày.

Lúc đầu nôn nao chờ đợi để biết mình bị ghép tội gì cụ thể ngoài tội danh chung là phản cách mạng. Cũng để biết thử chúng nó biết mình đến đâu. Sào có bị bắt không, và kế hoạch đi đường bộ của Thảo, Sào và tôi có bể không. Những thắc mắc suy nghĩ của tôi xoay quanh những vấn đề đó. Anh Tống Đình Bắc ở phòng 15 bên cạnh nói cho tôi biết theo kinh nghiệm của anh bị giam ở xà lim từ tháng 5-l975 thì trường hợp mới bị bắt mà “tồn kho” ở xà lim nhiều tháng không được hỏi tới thường là: Công an đã nắm hồ sơ tội trạng của mình, và vụ án không còn bắt thêm người khác – Anh khuyên tôi đừng nôn nóng trông chờ, việc gì đến nó đã đến rồi. Nhiều anh em thiếu kiên nhân vội xin đi làm việc. Bọn Chấp pháp rất rành tâm lý và có thì giờ để nhận xét phạm nhân để áp dụng phương pháp hỏi cung, từ hăm dọa, đánh đập, hứa hẹn, nói chuyện tâm tình để khai thác cung từ. Thời gian tạm giam là vô hạn định. Trừ trường hợp vụ án có nhiều người và cần khai thác để biết thêm thì chúng hỏi cung ngay – Ngoài ra chúng giam thật lâu trước khi hỏi. Người tù bị giam lâu rất dễ sơ hở, phần vì lo sợ, cô đơn và muốn biết số phận mình được định đoạt như thế nào? Kinh nghiệm về vụ án Hồ Con Rùa – vụ án bị bắt nguội.

Anh em người Thái và Nùng bị bắt rất kiên cường không chịu khai, không nhận tội – thời gian kéo dài mấy tháng – không may, trong số anh em có người bị đau ruột thừa được đưa đi bệnh viện Nguyễn văn Học chữa trị Chấp pháp đã nghiên cứu lai lịch người thanh niên đó, cha mẹ mất sớm ở vói bà cô suốt đời sống cô độc. Tên Chấp pháp đã đến tận giường bệnh săn sóc an ủi – Một đàng có âm mưu thuyết phục, một đàng vô tình mắc bẫy. Đến khi hết bịnh nạn nhân “cảm mến chấp pháp”, anh đã nhận mình là người đặt mìn tại Hồ Con Rùa và khai ra tất cả đường dây tổ chức anh biết.

Anh Bắc khuyên tôi thật kiên nhẫn – suy nghĩ kỹ những điều có thể nhận và những điều không nên nhận dù đã làm và khai trước sau như một. Bọn Chấp pháp khai thác từ điểm sơ hở của can phạm để truy phăng dần – Thực tế chúng biết rất ít vì kém khả năng thâu lượm tin, trừ trường hợp tố chức móc nối nhằm công an.

Tôi may mắn đã học được kinh nghiệm của anh Tống Đình Bắc ngay những ngày đầu vào tù.

Càng ngày tôi càng vững tâm và thoải mái sống trong xà lim vì biết tôi sẽ ở lâu đài trong đó. Những hôm đầu thấy dấu khắc tên Huệ Nhật và thời gian ở hơn 4 tháng tôi đã sợ – Bây giờ biết anh Tống Đình Bắc, thầy Vũ Quốc Thông đều đã ở xà lim 15 tháng tôi phải chuẩn bị tư tưởng và sự chịu đựng. Có người đã từng ra ở tập thể cho biết ở xà lim sướng hơn ngoài tập thể. Phòng tập thể thiếu nước, chật chội, đụng chạm nhau, mỗi ngày sinh hoạt học tập, không được “tự do” như ở trong xà lim. Lần đầu tiên tôi được nghe những người tù gọi chốn xà lim là “thiên đường” khi so sánh tương đối giữa xà lim và tập thể. Trung tuần tháng 10 khu xà lim nhiều thay đổi, nhiều phòng được chuyển ra tập thể nhường chỗ cho người mới bị bắt. Có khi chuyển trong ban đêm. Hai mươi sáu phòng xà lim chỉ còn Bạch Mã số 7 bị cùi và tôi ở số l3. Các phòng khác đều là dân mới. Không còn người điểm báo ở phòng số 4, buổi chiều sau bữa ăn khu xà lim yên lặng hơn trước. Tôi đã biết người điểm báo đó là anh Ngô Công Minh, chủ báo Lẽ Sống mới được bổ nhiệm Phụ Tá Bộ trưởng Thông Tin thời cuối của chính phủ Trần Thiện Khiêm. Những người mới đa số thuộc “Mặt Trận Giải Phóng” do ông Trần Trung Đình hiệu trưởng trường Nhân Chủ lãnh đạo. Tổ chức chưa có hoat động cụ thể, bị bể trong giai đoạn kết nạp – số người bị bắt ước tính gần 500; kết nạp ồ ạt không chọn lựa nên kết nạp cả trinh sát chính trị của Sở Công An thành phố.

Hơn 20 năm chống Cộng mà người miền Nam biết rất ít về Cộng sản kể cả viên chức cao cấp của chính quyền. Những tài liệu tuyên truyền ở cấp thấp nhất chỉ đem đến kết luận Cộng sản tàn ác, giết người bừa bãi. Cộng sản là nghèo khó chịu đựng. Hình ảnh tuyên truyền đơn điệu nhàm chán về người Cộng sản mắt ốc nhồi, răng vổ, nón cối, dép râu, áo đen ăn sâu vào đầu óc người dân thành phố miền Nam, đến nỗi nếu có hình ảnh khác đi thì người ta không nghĩ là Cộng sản. Trước l975, các trạm gác cảnh sát chỉ xét những người đi bộ và đi xe đạp, nên Cộng sản tha hồ xâm nhập vào thành phố bằng xe du lịch bóng lộn. Cái thiên kiến đó, vẫn còn cho đến sau tháng 1-1975. Cộng sản biết điều đó nên tuyển dụng hàng chục người thanh niên con của cán bộ tập kết huấn luyện ăn chơi, nhảy đầm, để tóc dài, ăn nói tự do vung vít, đi xe Honda la cà các nơi đông đảo để làm trinh sát chính trị và nhiều tổ chức đối kháng đã kết nạp những tên trinh sát đó, nên chưa hoạt động đã bị bắt. Vào đến tù người ta mới biết ra thì đã muộn, chỉ thêm mâu thuẫn đổ lỗi cho nhau.

Anh em mới vào bị đưa đi làm việc dồn dập, có người mới chỉ một tuần đã được chuyển đi nơi khác và xà lim lại có khách mới. Tôi biết là tổ chức này còn bị bắt nhiều nữa vì công an đang khai thác khẩn cấp những người bị bắt, không để tồn kho như trường hợp của tôi.

Một hôm số l4 trước xà lim tôi đi làm việc về bị còng kiểu “bên trời bẻ kiếm”, tù xà lim đặt cho cách còng một tay quặt sau lưng qua ngang hông và tay kia quặt ngược qua vai – và số 9 bị còng theo thế “vịt quay” – theo thế này dùng ba cái còng, một còng hai chân, một còng hai tay quặt sau lưng, còn cái còng thứ ba nối hai bên còng lại làm cho người bị còng rút ngược về sau ưỡn ngực ra trước. Đó là những thế còng để ép cung – khi hỏi cung Chấp pháp ít đánh hay tra khảo, chúng chỉ dùng hình thức còng để tù nhân chịu đựng không nổi phải nhận khai thêm đồng bọn. Hình thức điều tra này nhẹ nhàng hơn kiểu đánh đập hay quay điện thời cảnh sát Việt Nam Cộng Hòa nhưng hiệu quả hơn. Người bị đánh thì đau đớn hơn, nhưng chịu đánh một lúc thì tê dại người đi không cảm giác, vì thế chịu đựng được lâu hơn và lúc bị đánh đầu óc dồn vào việc tránh né chịu đựng hoặc cắn răng căm thù, nên không thấy khổ sở. Ngược lại với những thế còng chân tay rồi bỏ cho tội nhân nằm yên tĩnh. Người tù thấy khó chịu rồi đau đớn rã rời, ngồi thế nào cũng không yên, cuối cùng phải kêu xin nhận khai.

Anh em khuyến khích l4 và 9 chịu đựng. Nhưng rồi sức người có hạn, kẻ trước người sau số 9 và l4 xin đi làm việc.

Mặt trận Quốc Gia Giải Phóng đã bị bắt sạch. Sau này chuyển trại nhiều nơi, tôi nghe nói anh Trần Trung Đình và Ban Tham Mưu bị giam ở xà lim Chí Hòa, kết quả vụ án ra tòa, Trần Trung Đình và một số người bị án tử hình.

Bên cạnh tôi, số 11 lúc đó là Thăng, một Thú Y sĩ, Ủy viên Trung Ương của Mặt Trận, chức vụ như là Tư lệnh quân đã tố chức được 4 Sư trưởng 4 Sư phó và chứng ăn tổ chức hơn 10 Trung đoàn trưởng. Cách thức tổ chức hệ thống quân sự là tổ chức khung, người nhận Sư trưởng phải tổ chức được 4 Trung đoàn trưởng và 4 Trung đoàn phó – Trung đoàn trưởng phải tổ chức 4 Tiểu đoàn trưởng và 4 Tiểu đoàn phó và cứ thế đến cấp Đại đội trưởng và Đại đội phó. Về chính trị tôi được giải thích qua thuyết Dân Tộc Nhân Bản và Kinh Tế Bình Sản. Đây là mặt trận đối kháng do các chính trị gia Duy Tân tổ chức. Anh em trao đổi tin tức, phần lớn là những tin không có căn cứ được đồn đãi từ bên ngoài; như tin Tướng Khang và Ngoại trưởng Lắm về họp ở Camp David để thi hành Hiệp Định Paris. Tin về các Mặt Trận Phục Quốc như tin Tướng Mã Sanh Nhơn chiếm núi Bà Đen, Tướng Nguyễn Văn Tự chiếm mật khu Lê Hồng Phong ở Phan Rang, Phan Thiết, Tướng Bùi Thế Lân chiếm Thất Sơn, Tướng Dương Hiếu Nghĩa chiếm bờ biển Vĩnh Bình. Các Đại tá cũ đều được anh em nâng lên hàng tướng lãnh, tôi biết những tin tức đó không xác thực, những Đại tá được nếu tên theo tôi biết một số đã chạy ra nước ngoài và một số đã đi trình diện Ngoài Đại tá Dương Hiếu Nghĩa là người có bản lãnh, rất tiếc ông đã đi trình diện và giờ đây chắc đã ở ngoài Bắc. Những Đại tá khác, tôi nghĩ họ không có bản lãnh và ý chí để làm chuyện lớn. Tổ chức đối kháng mới thường mượn tên những nhân vật chế độ cũ để tuyên truyền, để hư trượng thân thế. Đó là một phương thức thông thường nghìn đời trong lịch sử – nhưng nhiều thí dụ lịch sử thành công khi người cầm đầu kháng chiến một mặt mượn danh nghĩa hoặc một nhân vật để làm chuẩn tập hợp, đó là hư, nhưng đồng thời củng cố thực lực để lớn mạnh dần trong đấu tranh. Các tổ chức đối kháng mới từ đây cho tới sau 10 năm tù tôi gặp rất nhiều khuyết điểm là họ chỉ mượn tiếng để hư trương, rồi tổ chức khung, không củng cố được thực lực. Đa số chờ Mỹ đánh đổ Việt Cộng và họ chỉ nắm cơ hội mà thôi.