Phần Mở Đầu
Quyết định không ra đi trước ngày 30-4-75 là một quyết định sai lầm lớn nhất trong đời tôi. Tôi phải trả một cái giá đắt gồm 16 tháng trốn lánh trong lo âu hồi hộp, 12 năm đầy đọa từ nhà tù này đến nhà tù khác, một lần vượt biển và một năm rưỡi ở trại tỵ nạn.
Tôi mất hơn 15 năm, cuối cùng tôi cũng phải tìm đến Mỹ, điều tôi có thể làm được trước khi miền Nam bị Cộng sản xâm chiếm. Vừa đến nơi một người bạn đã cảnh giác tôi – Đừng xem nước Mỹ là một thiên đường – Tôi không hề xem nước Mỹ là một thiên đường – chỉ có ở nước Cộng sản mới có thiên đường vì ở đó có nhiều tầng địa ngục. Tôi đã ở tận cùng các địa ngục đi ra. Tôi không đi tìm một thiên đường, nhưng tôi đã biết là phải chọn giữa một hoàn cảnh cực kỳ xấu và một hoàn cảnh ít xấu hơn, chỉ giản dị thế thôi.
Thực tại cuộc sống đã trả lời điểm tranh luận của các nhà triết học là: vật chất hay tinh thần. – Vật chất là yếu tố cần thiết để tạo ra cuộc sống, nhưng khi vật chất đầy đủ một cách tương đối thì con người cần nhu cầu cao hơn, là sự thỏa mãn tinh thần. Có thể đó là sự khác nhau giữa con người và con vật. Karl Marx đã đem cả đời để đọc để viết, kiến thức của ông bao gồm cả kho tàng triết học Đức, kinh tế học Ăng Lê và xã hội học Pháp, ông đã dùng duy vật biện chứng để truyền bá duy vật sử quan. Những khám phá về thặng dư giá trị một thời tưởng như là kinh điển, tất cả đều là những lầm lẫn của bộ óc được xem là phi thường. Khi con người dùng cái trí, dù cái trí được rèn luyện, được xem là lỗi lạc vẫn bị giới hạn, và khi sự phán đoán dựa trên lý trí nếu càng sai lầm càng tai hại, chỉ có cái tâm là không giới hạn. Có thể đó là sự khác biệt giữa các tôn giáo và Cộng sản chủ nghĩa. Các tôn giáo dùng tình thương để truyền bá giáo điều. Karl Marx và Lenine muốn lập nên một tôn giáo nhưng tôn giáo dùng hận thù làm động lực chính.
Trong một hướng khác của cuộc sống, ở các trại tù Cộng sản (gọi là trại lao động cải tạo), người tù cũng chứng minh được giá trị tinh thần vượt trên giá trị về vật chất bằng chính bản thân họ, không ai tưởng tượng được có những người tù đã sống được đến hơn ba năm trong xà lim tối với một chén cơm nhỏ, chén khoai mì và nước muối mỗi ngày. Sống hay chết của những người tù trong xà lim Kiên Giam trại Xuân Phước (A-20) chỉ giải thích được là ai còn niềm tin vào giá trị tinh thần nào đó mới có thể kéo dài sự sống, ai mất niềm tin thì chết. Niềm tin đó có thể từ tôn giáo, từ một ý thức chính trị là chế độ Cộng sản sẽ sụp đổ và dân tộc Việt Nam sẽ được phục hưng hay niềm tin vào sự yêu thương giữa con người và con người. Đó là những bài học đơn giản, thực nghiệm bằng máu và nước mắt để đả phá cái lý luận cốt lõi của triết học Cộng sản, triết học duy vật.
Nay, lý thuyết Cộng sản đã bị vứt vào sọt rác của lịch sử và chế độ Cộng sản đã sụp đổ. Hệ thống Cộng Sản quốc tế rã ra từng mảnh và lần lần bị xóa bỏ. Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Cộng Sản Đông Âu dễ dàng và nhanh chóng đến nỗi làm cho người ta phải sửng sốt bàng hoàng, những nhà lãnh đạo các cường quốc nhiều khi còn không dấu được sự lúng túng trong việc thay đổi chính sách ngoại giao. Thật đơn giản, chế độ Cộng sản không bị đánh sụp bằng những đạo quân hùng mạnh, với những vũ khí tối tân từ bên ngoài, mà bị đánh sụp bằng những cuộc biểu tình của dân chúng tại nước họ trong đó có cả những người từng là đảng viên Cộng sản. Chế độ Cộng sản chỉ còn là ngắc ngoải tại Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cu Ba và Việt Nam, cái đau đớn của người Việt Nam và trớ trêu của lịch sử dân tộc Việt Nam là chiến trường ác liệt nhất của cuộc chiến tranh ý thức hệ. Người quốc gia dù chỉ được lãnh đạo một cách lờ mờ, vẫn kéo dài cuộc chiến đấu nghiêng ngửa gần 30 năm, để rồi sau khi người chiến sĩ chống Cộng Việt Nam, chiến trường chống Cộng cuối cùng sụp đổ thì kẻ thù chung của nhân loại cũng từ từ bị hủy diệt trong tan rã.
Ngày 30-4-1975 Saigon sụp đổ, tôi nghĩ giải pháp đẹp nhất cho người chiến sĩ tự trọng là tự xử không đầu hàng giặc; tôi hèn, không đủ can đảm để làm một chiến sĩ tự trọng, nên tôi phải kéo lê tấm thân càng ngày càng tàn tạ từ nhà tù này đến nhà tù khác, mỗi ngày phải nuốt nhục cúi đầu. Giải pháp hào hùng nhất cho người chiến sĩ kiên cường sau một lần thất bại là tạm lui, ẩn nhẫn chờ thời, trui rèn tài đức để phục hận, tiêu diệt quân thù đem vinh quang về cho tổ quốc. Tôi không đủ bản lãnh để làm một chiến sĩ kiên cường nên khi ra khỏi nhà tù tôi vội vã bỏ nước ra đi. Lần ra đi không phải để chạy trốn, không phải để tìm cho mình một điều kiện vật chất mà mình thiếu. Mười hai năm tù, thiếu thốn những vật chất tối thiểu, có những lúc thèm ăn một cục muối, một cục đường, một hơi béo. Thèm, từ ngữ diễn tả cảm giác rất sơ đẳng gần như hạ tiện của con người; Tôi đã từng thèm rất nhiều thứ; nhưng rồi cũng quen, đúng quen, sự thỏa hiệp kỳ diệu với hoàn cảnh, để cho con người tù sống, và giải thích được lý do tại sao người tù trong chế độ Cộng Sản có thể sống được trong những điều kiện mà khi kể lại người bình thường rất khó tin, cứ tưởng là người tù khoa trương sự thật.
Thời gian ở tù tôi sống chung với hàng ngàn, hàng ngàn chiến sĩ bất khuất của hàng trăm tổ chức chính trị và vũ trang chống lại chính quyền Cộng sản sau tháng 4-1975. Nhiều lúc phải hổ thẹn trước tư cách của một đứa em nhỏ hay sự bình thản khi nhận lãnh án tù từ 20 năm hay chung thân của một người trước kia là nông dân, là công nhân hay là một binh sĩ, những người không từng được hưởng một ân huệ nào của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa nếu không nói là chính họ là nạn nhân của những bất công trong chế độ đó. Chính là nhờ sự hổ thẹn đó, tự thấy mình có lỗi, cũng từ đó tôi tạo được niềm tin, tin vào tương lai của dân tộc, một dân tộc Việt Nam kỳ diệu, không ai hiểu nổi tại sao tồn tại được. Ngoại nhân không ai hiểu được dân tộc Việt Nam tại sao tồn tại khi chỉ tìm hiểu hoặc tiếp xúc một thành phần xã hội nào đó, nhất là thành phần trí thức và thành phần nắm quyền. Họ không hiểu được sức sống của dân tộc Việt Nam là sức mạnh tiềm tàng trong quảng đại dân chúng. Sức mạnh tiềm tàng đó trong điều kiện lịch sử được kết hợp lại thành một lực lượng có lãnh đạo tốt thì sẽ đánh đuổi được ngoại xâm và xây dựng đất nước phú cường; ngược lại, khi chưa có điều kiện tập hợp thì nó tiềm phục làm sức sống cho dân tộc tồn tại ươm chồi chờ điều kiện trỗi dậy thành rừng gỗ quí. Tôi vội vã ra đi vì tôi nghĩ là trong nước chưa có điều kiện tập hợp. Tôi nghĩ đến những người ra đi trước, làm gì không có chiến sĩ kiên cường khi thất bại tạm lui ẩn nhẫn chờ thời và, sức mạnh của lòng yêu nước thiết tha của con người Việt Nam trong những người Việt Nam hải ngoại. Tôi nghĩ là thời gian gần mười lăm năm, điều kiện vật chất và gia đình được đầy đủ, tương lai con cái được bảo đảm xán lạn, mỗi người Việt Nam lưu vong hải ngoại đều xác định được rõ thế nào là tình yêu nước, và ai cũng mơ ước một ngày về xây dựng quê hương để tự chứng tỏ mình là một chiến sĩ kiên cường, không phải là kẻ trốn chạy, không tổ quốc.
Bây giờ 1990, viết về nhà tù Cộng sản hay tranh luận lý thuyết Cộng sản quá chậm. Tôi chỉ mong ghi lại đây như là một chứng tích của một đời đã qua. Bằng lời lẽ thô thiển mộc mạc, ghi lại để nhớ ơn cha mẹ, vợ, chị, các em và những người thân đã giúp cho tôi có thể sống được và làm kỷ niệm đối với bạn bè đã cùng sống với nhau những ngày gian khổ.