Trại Kiên Giam : Chương Hai

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

Chương Hai

Theo quân Bắc Việt, cán bộ các ngành vào tiếp thu các cơ sở ở miền Nam, những người Cộng Sản Tập Kết được ưu tiên vào Nam thăm gia đình. Người ta đã nói nhiều đến sự nghèo đói và dốt nát của cán bộ miền Bắc, nói đến những sự giúp đỡ của bà con miền Nam đối với thân nhân miền Bắc vào thăm. Người Nam nhận họ, người Bắc nhận hàng.

Trước khi vào Nam, các cán bộ phải học tập những điều phải làm, phải nói để bà con miền Nam tin là miền Bắc là ưu việt, là xã hội phát triển tiến bộ. Những buổi sinh hoạt công khai cán bộ cứ theo chỉ thị mà nói, mà vẽ nên cái thịnh vượng của miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa, còn miền Nam chỉ là phồn vinh giả tạo. Từ đó đồng bào miền Nam đã được nghe nói miền Bắc cái gì cũng có dư thừa như tủ lạnh thì chạy đầy đường, kem thì dư quá phải đem phơi khô không hết. Cán bộ miền Bắc làm nhiệm vụ của mình đối với Đảng, đối với nhà nước, nhưng với bà con trong gia đình thì họ thì thầm nhỏ to nói hết sự thật. Họ dặn dò bà con không nên bán đồ đạc trong nhà, nếu có tiền thì mua thêm, nên mua vàng bạc nữ trang cất giấu vì tiền giấy không có giá trị và bị thay đổi thường xuyên, không nên tồn trữ cồng kềnh sẽ bị kiểm tra tịch thu. Phải bám lấy Saigon và tỉnh lỵ, không đi vùng kinh tế mới, nếu buộc phải làm thì trì hoãn. Lời dặn bám Saigon và tỉnh lỵ không đi kinh tế mới là lời dặn có ích cho dân miền Nam.

Trong buổi giao thời, lòng hoang mang lo sợ, nhiều người chuẩn bị rời thành phố về quê, bởi lẽ thay đổi cuộc sống đột ngột, hầu hết cứ tưởng ở Saigon không phương kế sinh nhai, cực khổ gì cũng phải tìm mảnh vườn, đám ruộng làm nếp sống cơ bản. Vả lại, ai cũng nghĩ lệnh của nhà nước Cộng Sản là nghiêm lệnh không thể không thi hành.

Bà con miền Bắc còn dặn không bao giờ tự giác nhận tội, tự giác nhận lãnh công tác như lời tuyên truyền khuyến dụ vì “tự giác là tự sát”. Theo bài học sơ khởi của bà con, cái hạng nhất là thái độ “ù ơ ví dầu” “nước chảy hoa trôi” dù có bị phê bình là tiêu cực, luôn luôn nhất trí, không cãi lại, vì cãi lại là phản động – “nhất trí nhưng cứ mỗi người một ý ”, nhất lý, nhì ù lì, đó là những thái độ sống thích ứng do bà con có kinh nghiệm truyền cho.

Chú Bình đến nhà tôi vào buổi chiều có mưa nhẹ, mới 5 giờ chiều mà mọi nhà đều đóng cửa. Đường Hùng Vương, Thị Nghè một trong những con đường chính từ miền Đông và miền Trung vào Saigon vắng tanh, thỉnh thoảng mới có một xe bộ đội hay công an chạy qua. Chỉ có những con chó đói của những gia đình di tản bỏ lại chạy đi bới những đống rác một cách tuyệt vọng, chỉ thời gian ngắn mà Saigon đã dè sẻn miếng ăn, không vất bừa bãi như trước.

Khi thấy bóng dáng người cán bộ Việt Cộng mặc áo mưa, đội nón cối đi lại trước nhà, ba tôi tái mặt, ông bảo tôi mở cửa sau đi ra khỏi nhà. Mấy hôm nay có nhiều trường hợp bắt bớ, nhất là những tên công an Liên Khu 5 vào Saigon bắt những viên chức phục vụ các tỉnh miền Trung. Tuy tôi đã rời Quảng Nam hơn hai năm nhưng tôi người địa phương ngoài đó, biết đâu không ở trong danh sách truy tìm của họ. Ai cũng biết tính quá khích của Việt Cộng ở các tỉnh miền Trung. Cán bộ Việt Cộng có nhiều quyền sinh sát nên họ tàn sát tùy tiện bừa bãi nhiều trường hợp chỉ là những hiềm thù cá nhân. Trong những ngày đầu tháng 4-1975, các tỉnh miền Trung từ Quảng Nam đến Phú Yên đã tắm máu, nạn nhân là viên chức cấp thấp như xã ấp, cảnh sát không chạy được về Saigon trước khi toàn miền Nam sụp đổ.

Ba tôi ra mở cửa, người khách giới thiệu lý lịch một lúc ông mới nhận ra bà con. Chú Bình là chú họ của tôi. Lúc nhỏ gia đình khá giả, chú được cho vào “vùng tự do” để học ở trường Lê Khiết – Quảng Ngãi. Năm 1954 chú tập kết ra Bắc. Ba tôi tiếp khách một cách lạnh nhạt, ông không thích “những người bên kia” dù là bà con trong thân tộc. Sợ mếch lòng khách, tôi bước ra cố gắng vồn vã chào hỏi. Câu hỏi đầu tiên của chú làm tôi ngạc nhiên:

– Tại sao cháu không đi Mỹ? Về đến Đà Nẵng, gặp chị (mẹ tôi) nói cả gia đình ở lại Saigon. Cháu không đi nước ngoài thật vô lý.

Tôi không biết nói thế nào cho phải. Chú nói tiếp:

– Cháu có biết có nhiều cán bộ đi theo đoàn quân về Nam chỉ muốn mặt trận cầm cự được thời gian để họ kịp ra hồi chánh, rồi chạy đi ngoại quốc không? Thà ra ngoại quốc hốt cứt ngựa còn hơn là ở lại trong nước.

Tôi vẫn dè dặt:

– Đã có hòa bình rồi, ở lại trong nước mà sống như người dân bình thường, họ nỡ giết chết sao?

Chú xẵng giọng:

– Làm sao sống như người bình thường được, Xã Hội Chủ Nghĩa không có người dân nào là dân bình thường cả. Tất cả đều phải ở trong một bộ máy, người bị gạt ra khỏi guồng máy là phản động, phải bị chuyên chính, phải đi cải tạo thôi. Cháu là viên chức cao cấp của chính quyền, sao không hiểu gì chế độ Cộng sản hết.

Bị chê trách kém hiểu biết về Cộng Sản, tôi cảm thấy hơi tự ái nên tôi cãi lại:

– Cháu cũng có biết là Cộng Sản độc tài, tàn ác, vô nhân đạo, nhưng chạy ra ngoại quốc thấy nhục và phiêu lưu quá, vả lại chính sách 10 điểm của Mặt Trận Giải Phóng và Hiệp Định Paris có quy định là không trả thù.

– Cháu đừng nghĩ trả thù chỉ là giết chết – họ sẽ không giết nhưng họ sẽ đưa đi các trại tập trung cải tạo không có ngày về. Chú tưởng người như cháu không nên tin vào sự hứa hẹn trong chính sách hòa hợp hòa giải của chính phủ Lâm Thời Miền Nam Việt Nam – mà chính phủ này có quyền hạn gì đâu – tất cả đều được quyết định từ ngoài Bắc. Cháu có biết là khi tin miền Nam được hoàn toàn giải phóng, dĩ nhiên ngoài Bắc người ta mừng rỡ, nhưng bên cạnh những người vui mừng chiến thắng có những người đã khóc. Những người họ mong chờ miền Nam ra giải phóng cho họ khỏi đời sống tối tăm như trong ngục tù.

Những lời trách móc của chú Bình làm cho tôi cảm thấy sững sờ và càng tăng thêm lo sợ.

Bữa cơm xoàng trong gia đình làm chú xúc động. Thấy mấy em nhỏ vào bữa cơm chào mời lễ phép chú khóc. Ngoài Bắc đã mất những hình ảnh đó từ lâu rồi. Giáo dục miền Bắc chỉ dạy trẻ con trung với Đảng, hiếu với dân, họ muốn vô hiệu hóa gia đình nên chỉ dạy trẻ con tinh thần đấu tranh, đấu tranh từ bản thân đến cha mẹ, anh em. Phần vì chủ trương đường lối, phần vì cuộc sống, cha mẹ không gần gũi con cái trong sinh hoạt của chúng nên trẻ em ngoài Bắc rất mất dạy, chúng không còn biết tôn trọng cha mẹ hay thầy cô giáo. Nhiều đứa trẻ mới 13, 14 tuổi đã biết chọc cô giáo với những lời lẽ tục tĩu. Tình trạng nhà ở chật chội, những gia đình đông đúc sống chui rúc, nên trẻ con suốt ngày đánh lộn, chưởi bới nhau, học hành chỉ là một hình thức không có phẩm chất bao nhiêu.

Chú Bình bảo tôi ngây thơ và hiểu biết về Cộng Sản quá ít khi tôi hỏi về chủ trương một trăm năm trồng người của ông Hồ tạo dựng con người Xã Hội Chủ Nghĩa, để xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội. Chú nói Cách Mạng Xã Hội Chủ Nghĩa là làm cách mạng để thay đổi quan hệ sản xuất trong xã hội, cách mạng văn hóa thay đổi tương quan giữa người và người. Nên phải đả phá nếp sống cũ, thay vào tư tưởng mới, con người hy sinh cá nhân cho tập thể . Tập thể, một chủ thể mơ hồ được gọi là nhân dân, nhưng nhân dân không phải là mọi người mà là Đảng. Vì Đảng là tổ chức tiền phong của giai cấp công, nông dân – thành phần cốt lõi của nhân dân.

Đảng chủ trương phá bỏ luân lý cũ, phá vỡ trật tự xã hội, đưa trẻ con ra ngoài xã hội, nhưng Đảng lại quá tham lam, họ muốn sử dụng đứa trẻ mà không cưu mang nó, bắt gia đình phải nuôi nó, Đảng chỉ dạy cho nó hận thù và những phương pháp đấu tranh. Họ phủ nhận tình thương giữa con người với nhau.

Kết quả là tạo nên những quái thai của thời đại. Chú nói những con người Cộng Sản thế hệ kháng Pháp còn chịu ảnh hưởng của luân lý cũ nhưng họ phải giấu kín cái đức tính đó, còn người Cộng Sản ở thế hệ mới lớn lên sau Hiệp Định Genève, gọi là thế hệ trẻ thì hoàn toàn hư hỏng.

Tôi hỏi: “Sau khi chiếm được miền Nam, chính sách đối với lớp trẻ thế nào?”

Chú Bình: “May ra họ tin vào lớp trẻ dưới 10 tuổi và dĩ nhiên là con cái của gia đình trong sạch, không nằm trong giai cấp bị chuyên chính tức là những gia đình liên hệ tới chế độ cũ và gia đình trí thức, tư sản”.

Tôi thấy nhói ở tim và buốt trong óc. Những tài liệu đọc về Cộng Sản đều đúng, nhưng tôi không tin mấy, vì nó quá tàn nhẫn và dã man đến độ khó tin, nhưng là sự thật. Những đứa em nhỏ, những đứa con của tôi, chắc chắn sẽ không được tiếp tục học lên lớp cao, và sẽ bị khó dễ rất nhiều trong việc đi tìm ngành nghề cho đời sống. Lúc đó tôi mới biết hết hậu quả của một quyết định sai của tôi. Ở lại, không những tôi bị tù đầy, mà gia đình tôi cũng bị trả thù bằng chính sách phân biệt đối xử. Tôi đã nghĩ một cách sai lầm là nếu tôi có bị hoàn cảnh lịch sử bỏ rơi, thì con em tôi còn nhỏ có thể được lớn lên như là một người Việt Nam bình thường. Tôi bắt đầu thấy chính sách trả thù của Cộng Sản còn độc ác hơn là tắm máu.

Chú Bình tiếp: “Ở miền Bắc người ta đều hiểu sai về miền Nam, hệ thống tuyên truyền của Hà Nội đã mô tả xã hội miền Nam cực kỳ xấu xa, lạc hậu và nghèo đói”. Khi được phép vào Nam chú lo lắng không biết lấy gì để đem về làm quà cho bà con – vì chú không có dư dả. Chú thím bàn nhau mãi mới quyết định trích phần tiền nhỏ nhoi để dành mua được 5 khăn tay, 4 hộp sữa nhãn hiệu Liên Sô viện trợ và hai ký muối, 5 khăn tay để làm quà cho 5 người cháu ruột ở Đà Nẵng, 4 hộp sữa và 2 ký muối làm quà cho gia đình anh ruột và gia đình tôi. Khi lên xe đò chú giữ nâng niu món quà, tưởng tượng thân nhân sẽ vô cùng sung sướng. Đường quốc lộ số 1 lồi lõm đầy hố bom Mỹ, xe chạy tung bụi mờ mịt, có đoạn xe phải băng xuống ruộng vì khoảng quốc lộ đã bị bom phá nát không đi được. Qua khỏi Thanh Hóa chú mất cái khăn tay. Đường còn xa, bụi dơ bẩn, không thể nào không dùng một cái khăn. Đầu óc chú cứ phân vân, nếu dùng một cái khăn tay thì một người cháu ở Đà Nẵng không có quà. Chú phấn đấu với bản thân, khi xe ngừng ở Vinh để hành khách rửa mặt giải lao, chú quyết định xé ngang vạt áo sơ-mi làm khăn lau để đảm bảo đủ 5 cái khăn cho 5 đứa cháu. Một quyết định lúc đó đối với chú thật quan trọng, chú phải hy sinh một cái áo “còn tốt” của chú để bảo vệ quà đủ cho người thân ở miền Nam. Xe qua Bến Hải vào đến Quảng Trị, chú Bình thoáng chút nghi ngờ, đường quốc lộ rộng thênh thang, thẳng tắp, rồi thành phố Huế khang trang hiện ra, chú tự hỏi nếu đời sống miền Nam cơ cực làm sao nhà cửa, phố xá, quốc lộ đều to lớn, mới mẻ nói lên một cảnh ngược lại những gì chú được học từ bấy lâu nay. Về đến Đà Nẵng, chú bắt đầu thấy rõ là mình bị lừa gạt. Về đến nhà người anh, chú sững sờ trước một ngôi nhà đồ sộ hai tầng, chú sợ lầm địa chỉ, đi tới, đi lui cả buổi không dám gọi cổng. Cuối cùng chú “đánh liều” bấm chuông cửa. Hơn 20 năm chú còn nhận ra người anh ruột. Cuộc sống của gia đình người anh, một thương gia hạng trung ở Đà Nẵng đã làm chú choáng ngộp, phương tiện vật chất, xe hơi, xe Honda của các cháu, TV, tủ lạnh, quạt máy đầy đủ tiện nghi, tương quan trong gia đình tôn ti trật tự cha con, chồng vợ, anh chị em không khác thời nhỏ chú được dạy và giờ đây chú mới lại tìm thấy. Chú Bình đã khóc ngon lành trước sự kinh ngạc của mọi người. Các món quà lúc đầu chú không dám đưa ra, nhưng cuối cùng để cho mọi người hiểu chú đem ra tất cả để trình bày mà không cần giữ lại 2 lon sữa và 1 kg muối cho gia đình tôi. Mọi người thương chú và cười ra nước mắt. Đồng thời lúc đó gia đình còn phát giác chỉ cho chú một điểm nhỏ của sự lừa bịp có hệ thống: Những lon sữa có nhãn hiệu Liên Sô thật ra là sữa Foremost sản xuất tại miền Nam, người ta đem về Bắc bóc giấy in nhãn hiệu Liên Sô dán vào nhưng chữ F đóng nổi ở dưới đáy hộp không xóa được.

Những ngày còn ở lại Saigon, mỗi chiều chú thường tới nhà tôi để nói chuyện, để trao đổi nhau những ý nghĩ của chúng tôi những người còn trẻ, tuổi tác gần nhau, có chút quan tâm đến đất nước, dù chú và tôi đã ở hai chiến tuyến và hiện chú là kẻ chiến thắng, tôi là người chiến bại.

Tôi lần lượt nêu những thắc mắc của tôi. Chú trả lời theo những sự hiểu biết của chú, có thể chủ quan, nhưng không xa sự thật.

Tôi hỏi chú, dư luận cho là nếu Bác Hồ còn sống thì sau khi chiếm miền Nam, chính sách sẽ cởi mở hơn vì Bác Hồ là người yêu nước và thương dân.

Chú Bình đáp ngay không do dự: “Bác Hồ là người yêu nước, có thể đúng, nhưng phải là nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa. Bác Hồ là người cách mạng rất quá khích, càng về già Bác càng quá khích hơn, Bác tha thiết muốn hoàn thành giải phóng miền Nam. Bác có hai ước mong là chiến thắng miền Nam thống nhất đất nước, và giảng hòa được sự mâu thuẫn giữa Liên Sô và Trung Quốc. Bác chết thì sự ước mong của Bác là được gặp hai vị tiền bối là Karl Marx và Lénine”.

Chú hỏi tôi: “Cháu có biết tại sao Bác Hồ chết không?”

Tôi lắc đầu, chú nói ngay: “Vì Trận Mậu Thân”. Bác Hồ tin tưởng lần đó miền Bắc sẽ chiến thắng nên Bác ra lệnh cho dồn hết lực lượng để Tổng Tấn Công. Kết quả thảm hại, có sư đoàn bị tiêu diệt chỉ còn hơn 30 người chạy được về hậu phương. Được tin thất trận, Bác Hồ đã thổ ra huyết, từ đó Bác yếu dần cho đến chết vào mùa Thu năm 1969.

Sau thất bại Mậu Thân, Bộ Chính Trị họp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm bản phúc trình xin rút quân để hòa đàm, vì ông ta nhận định không thể chiến thắng quân sự ở miền Nam.

Bác Hồ gọi ông Giáp nói: “Tôi đã đọc tham luận của chú. Chú theo tôi chiến đấu đã lâu, nay chú đã mệt mỏi, chú cần được nghỉ ngơi”. Tướng Giáp được lệnh lên nghỉ mát sáu tháng ở Việt Trì, đó là hình thức cải tạo dành cho các nhân vật đầu não.

Tôi vừa ngạc nhiên vừa thích thú, nói chuyện với chú Bình biết được nhiều sự việc quan trọng, nếu những việc chú trình bày có chủ quan không chính xác đến 100% thì ý nghĩa của nó khiến tôi cũng có thể nắm được điểm chủ chốt của xã hội miền Bắc mà không phải tốn nhiều thì giờ tìm hiểu.

Tôi hỏi dò:

– Hình như người ta đồn Tướng Giáp không còn nhiều thực quyền.

– Không những không còn nhiều, mà đã mất hết thực quyền. Tướng Giáp có uy tín nhiều trong quân đội, dư âm của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn, vì người ta mãi khoa trương, nên nếu loại bỏ Tướng Giáp lòng quân và lòng dân sẽ hoang mang. Vả lại họ đang tranh thủ dư luận thế giới ủng hộ, mặt trận ngoại giao của họ rất quan trọng và quyết định chiến thắng. Trong hàng ngũ lãnh đạo miền Bắc, Tướng Giáp được công luận Tây phương biết đến nhiều nhất. Nếu loại bỏ Tướng Giáp, báo chí Tây phương sẽ viết ầm lên – dư luận sẽ bất lợi. Tướng Giáp còn bị tố cáo liên hệ đến một âm mưu chống đảng, có nguy cơ bị tước mất đảng tịch.

Tôi ngạc nhiên hỏi:

– Miền Bắc cũng có âm mưu chống đảng hay sao?

– Chống đảng là một hiện tượng hiếm có trong Xã Hội Chủ Nghĩa. Tướng Đặng Kim Giang và một số sĩ quan cao cấp ở Bộ Quốc Phòng như Tướng Đỗ Đức Kiên Cục Trưởng Tác Chiến, Nguyễn Minh Nghĩa Cục Trưởng Quân Báo, Lê Minh Nghĩa Chánh Văn Phòng Bộ Quốc Phòng, Ung Văn Khiêm, cựu Bộ Trưởng Ngoại Giao bị tố là có âm mưu chống lại đảng.

Ông Khiêm không bị giam vì không có bằng chứng xác thực, nhưng bị hạ tầng công tác và bị cô lập, các Tướng thì giam ở Hỏa Lò.

Những người trên không chủ trương dùng quân sự để thôn tính miền Nam, trái với chủ trương của Bác Hồ và những người lãnh đạo cao cấp như Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trường Chinh. Năm 1972 Mỹ ném bom khốc liệt, miền Bắc hết sức chịu đựng, dân chúng thán oán, chính quyền đã xử tử nhiều người để trấn an dư luận. Nhưng nếu Mỹ tiếp tục ném bom, có lẽ bộ chính trị phải đầu hàng. Nhưng Mỹ ngưng đúng lúc để miền Bắc tồn tại và ngày nay chiến thắng. Ngoài Bác Hồ ra, Trường Chinh là người quá khích. Nếu Trường Chinh làm Tổng Bí Thư hay Bác Hồ còn sống, chắc miền Nam đổ máu nhiều hơn.

Tinh thần quá khích của Bác Hồ thể hiện qua chính sách dùng người. Bác ra chỉ thị “Hồng trước chuyên sau”, “Hồng” tức là lòng trung thành với Đảng, “Chuyên” là khả năng chuyên môn.

Chính sách nhân sự đó làm cho miền Bắc càng khủng hoảng quản lý. Có hai hệ thống đảng, mỗi cơ quan có một đảng ủy, và hệ thống chính quyền – mỗi cơ quan, mỗi cơ sở dầy đặc cán bộ, chưa kể những lủng củng vì tranh chấp lãnh đạo, tranh chấp quyền lực, vì kém khả năng, vì tính cách thư lại, tính cách tập trung, nặng họp hành, trình báo giấy tờ, bộ máy chính quyền cồng kềnh hao tốn tiền của mà không đạt được hiệu năng. Dân thì đói nhưng nhà nước thì lãng phí, nhà nước hô hào tiết kiệm tăng năng suất, công nhân cứ làm việc qua loa hết giờ vì làm nhiều họ vẫn không có lợi, họ vẫn đói.

Bác Hồ cũng thực hiện chính sách nhân sự như các vua chúa thời trước. Chúa Trịnh dùng lính Tam Phủ Thanh Nghệ Tĩnh làm lính tâm phúc thì Bác Hồ cũng dùng người Khu Tư để lãnh đạo, người Bắc nói “Khu Tư lãnh đạo, Khu Năm quản lý”. Lực lượng công an, Bác chỉ thị phải có 50% là người Nghệ Tĩnh.

Qua lần nói chuyện với chú Bình tôi rõ hơn về Hồ Chí Minh, khởi đầu ông là người yêu nước như những người đồng thời với ông, ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng đất nước khỏi ách thực dân Pháp. Khi ông đọc Karl Marx và Lénine, ông tin là con đường cách mạng vô sản có thể đoàn kết toàn dân đuổi Pháp và xây dựng thành công một xã hội công bằng. Ông gia nhập Đảng Cộng Sản Pháp, qua Liên Sô để học ở Trường Huấn Luyện Cán Bộ Quốc Tế Cộng Sản. Ông trở thành người Cộng Sản Quốc Tế mơ một thế giới đại đồng không có cảnh người bóc lột người. Nhưng con người luôn luôn bị giới hạn, giới hạn bởi hoàn cảnh môi trường sống, giới hạn bởi trí óc và lòng ham muốn quyền lực.

Khi trở thành người Cộng Sản Quốc Tế, nhìn Chủ Nghĩa Tư Bản là kẻ thù. Ông không thấy được Chủ Nghĩa Tư Bản không giẫy chết mà có nhiều tiến bộ và biến cải. Các nước tư bản lần lần giải quyết được nhiều vấn đề xã hội, hóa giải những mâu thuẫn đối kháng trầm trọng. Nhất là sau thời Đệ II Thế Chiến, phong trào giải thực buộc các đế quốc phải trao trả thuộc địa, nhiều quốc gia độc lập không cần phải đấu tranh bằng võ trang. Tương quan giữa nước phát triển và nước chậm phát triển được cải tiến nhiều, không còn là mối tương quan bóc lột lộ liễu nữa.

Quan trọng nhất là cuộc Cách Mạng Khoa Học Kỹ Thuật trên thế giới đã thay đổi tất cả bộ mặt của nhân loại làm cho đời sống của người công nhân ở xã hội tư bản được nâng lên, hàng hóa sản xuất cần người tiêu thụ mà khách hàng quan trọng của nhà tư bản không ai khác hơn là chính công nhân của họ.

Sự cách biệt về đời sống của nhân dân và công nhân thu ngắn lại, tương quan giữa chủ và thợ không còn là tương quan đối kháng mà sự hỗ tương lưỡng lợi. Người ta tìm được công thức hợp tác hai bên cùng có lợi.

Trên bình diện các quốc gia cũng vậy, không còn tương quan giữa đế quốc và thuộc địa – mà các quốc gia tiến bộ thấy cần phải giúp cho các quốc gia kém mở mang tiến bộ, trong sự tiến bộ đó, nước phát triển cũng tìm ra nguồn lợi của họ. Từ những thay đổi đó, lý thuyết Cộng Sản trở nên lỗi thời, hết đối tượng đấu tranh, nên chế độ Cộng Sản không phát triển và bành trướng ở các quốc gia kỹ nghệ hóa nên chỉ còn đất dụng võ ở các quốc gia nghèo đói, và các quốc gia chưa được độc lập.

Độc lập dân tộc là ước vọng thiêng liêng nhất của mọi người dân ở nước bị đô hộ. Đảng Cộng Sản Việt Nam của ông Hồ nắm được cơ hội đó tại Việt Nam nên đã thành công bước đầu. Nhưng độc lập dân tộc chỉ là một bước chiến lược. Xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội mới là cứu cánh. Nhưng Xã Hội Chủ Nghĩa đã lỗi thời, nên Đảng Cộng Sản thành công trong việc đánh ngoại xâm, nhưng thất bại trong việc xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội ở miền Bắc. Miền Bắc tồn tại trong nghèo đói vì còn chiêu bài chống ngoại xâm ở miền Nam.

Đến nay, sau khi thắng miền Nam như Lê Duẩn đã nói Đảng Cộng Sản giương cao hai ngọn cờ, ngọn cờ độc lập dân tộc và ngọn cờ xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội. Thực tế ngọn cờ xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội núp bóng ngọn cờ độc lập dân tộc. Chiến thắng quân sự ở miền Nam nói theo từ ngữ là đỉnh cao của ngọn cờ giải phóng thì ngọn cờ xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội chắc chắn sẽ thất bại.

Một hôm khác nói chuyện với chú Bình, tôi hỏi về tình hình các đại học.

Chú hỏi tôi: “Cháu có tưởng tượng một người lao công quyết định giáo án của giáo sư đại học không?”

Tôi lắc đầu không biết.

Chú nói: “Tụi nó (Đảng Cộng Sản) ngồi xổm trên đại học. Vấn đề là mỗi năm giáo chức phải soạn giáo án rồi trình cho Đảng Ủy duyệt xét. Khi duyệt xét giáo án, nếu người giáo viên không có đảng tịch thì phải đứng ngoài. Trong khi Đảng Ủy gồm nhiều thành phần đảng viên trong đại học, trong đó có cả những người lao công quét dọn và những chị bán căng-tin. Chương trình học kém chất lượng, học sinh được tuyển lựa trên lý lịch nhiều hơn trên trình độ học vấn. Do đó “Cái bằng cấp đại học không còn có giá trị”.

Tôi hỏi: “Nếu cần tìm hiểu về miền Bắc, cần đọc sách gì?”

Chú Bình: “Chỉ cần đọc cuốn “Dưới Bóng Cờ Vẻ Vang Của Đảng, vì sự nghiệp cách mạng, vì chủ nghĩa xã hội” do Lê Duẩn viết. Trong hệ thống Cộng Sản, lời phát biểu của Tổng Bí Thư là chỉ thị, trong có những khẩu hiệu, các tác giả khác cứ theo đó mà viết, viết khác không có lợi, nhiều khi còn bị tội phản động”.

Nhân nói về sách vở, tôi hỏi qua về vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Chú nói: “Vụ Nhân Văn Giai Phẩm là cơn ác mộng mà hiện nay không ai dám nhắc tới”. Các tác giả thuộc nhóm Nhân Văn Giai Phẩm chống lại quan điểm lãnh đạo văn nghệ do Trường Chinh và Tố Hữu đề xướng.

Quan điểm của Nhân Văn Giai Phẩm được đa số đảng viên ủng hộ, khi thấy cuộc tranh chấp có nguy cơ làm tan vỡ tổ chức. Bác Hồ chỉ thị cho Trường Chinh dùng hệ thống nhân dân để chống lại. Các tổ dân phố, các hội đoàn nhân dân được đảng viên công an hướng dẫn thảo luận kết tội nhóm Nhân Văn Giai Phẩm là phản đảng và lập kiến nghị lên Bác thu đảng tịch, khai trừ đảng và đưa đi học tập cải tạo.

Bác Hồ không chỉ là thần tượng, Bác là vị Hoàng đế đầy oai quyền, tên của Bác là một từ ngữ úy kị – tiếng Người (viết hoa) chỉ dành riêng cho Bác.

Tôi hỏi: “Vậy bao nhiêu phần trăm dân chúng miền Bắc ủng hộ Đảng Cộng Sản?”

Chú Bình: “Chỉ có đảng viên cấp cao, những người có đặc quyền, đặc lợi thực tâm ủng hộ đảng – còn những người khác chỉ làm nhiệm vụ. Mỗi người đảng viên Cộng Sản thường có hai con người, con người đảng viên phải làm việc, suy nghĩ, nói theo lệnh của tổ chức, và con người thực của họ, họ phải che dấu thật kỹ con người thật, nếu không khi phát hiện một dấu hiệu sai lệch sẽ bị nâng quan điểm là phản động, họ sẽ bị trừng phạt. Trong chế độ Cộng Sản cố len lỏi để khỏi sai phạm, sai phạm phải cố che dấu để khỏi bị phát hiện, bị phát hiện phải chạy chọt cho khỏi bị bắt. Nếu đã bị bắt thì hết phương cứu”.

– Tại sao người ta bất mãn mà không có chống đối tích cực?

– Không chống đối vì sức đối kháng đã bị tiêu diệt. Nghệ thuật cai trị của Cộng Sản là tiêu diệt sức đề kháng của nhân dân. Chính sách công an nhân dân, và nhân hộ khẩu nhằm thi hành mục tiêu đó. Kiểm soát người thật chặt, quản lý phân phối thực phẩm thật kỹ, cột chặt mọi người vào tổ chức đảng, tổ chức chính quyền, nếu bị gạt ra khỏi hai hệ thống đó, người dân sẽ muôn vàn đau khổ. Dân phải sợ và phải bám lấy chính quyền, bám lấy đảng, hình thức cao nhất trong sự chống đối là một câu hỏi mỉa mai kín đáo, một câu chuyện tiếu lâm. Đó là sự chống đối vô hại, nếu đi xa hơn sẽ bị tù.

Nhân tôi đề cập đến tình trạng tham nhũng làm sụp đổ miền Nam. Chú hỏi tôi:

– Cháu nghĩ miền Bắc có tham nhũng không?

Tôi trả lời một cách chung chung:

– Tham nhũng là một tệ hại có bất kỳ trong thời gian nào, chính quyền nào, nhưng cháu nghĩ miền Bắc có phê bình, tự phê, có đảng kiểm soát, chắc tình trạng tham nhũng sẽ ít đi.

Chú Bình:

– Chú không biết định thế nào là tham nhũng nhiều ít, chú kể một câu chuyện, sau đó cháu tự lượng định lấy. Chắc cháu biết thi sĩ Xuân Diệu, ông ta không có công tác gì nhiều, “Cái cần câu cơm” của ông là bài thuyết trình “Đạo Đức Bác Hồ” và “Tiết Kiệm Để Sản Xuất”. Hai bài thuyết trình nối với nhau bởi một đoạn kể chuyện Bác Hồ dạy người cần vụ đặt miếng xà-phòng sau khi tắm lên viên gạch để xà-phòng ráo nước, cứng, lâu hao mòn.

“Một hôm nhà máy phân bón nơi tôi làm việc, được chỉ thị đón nhà thơ Xuân Diệu đến thuyết trình. Đảng cử đồng chí giám đốc và tôi đi đón, trên đường thi sĩ Xuân Diệu nói: “Tôi nói chuyện với nhà máy thì cũng quá trưa, vậy trưa nay nhà máy cho tôi ăn gì nào? Thôi để các đồng chí dễ quyết định, tôi gợi ý các đồng chí nhé, tôi bị bệnh bao tử, các đồng chí cho tôi ăn cơm nếp nhé, mà chẳng lẽ ăn cơm nếp suông, lẽ nào các đồng chí không cho tôi ăn món mặn? Gà nhé? ừ, cơm nếp với gà, mà gà trống thiến thì nhất”. Chúng tôi hứa với thi sĩ về sẽ hội ý với các đồng chí trong ban lãnh đạo nhà máy mới quyết định, nhưng chắc là không trở ngại. Một lúc sau, thi sĩ Xuân Diệu lại lên tiếng: “Có ăn trưa rồi thì phải có uống chứ? Mà ngay lúc tôi nói cũng phải có gì cho tôi giải lao nhé, thôi để tôi gợi ý cho các đồng chí là cho tôi uống bia nhé? Uống nước lã tôi hay đau bụng”. Bia là tiêu chuẩn cao, giám đốc trở lên mới có, cán bộ kỹ thuật như chú chưa có tiêu chuẩn bia, đồng chí giám đốc phải hứa dành phần bia tiêu chuẩn của mình để đãi khách. Thi sĩ mới yên tâm. Sau buổi nói chuyện có ăn và uống, thi sĩ Xuân Diệu nhờ nhà máy đưa về Hà Nội, về đến nhà thi sĩ mời chúng tôi vào nhà, tại phòng khách thi sĩ nói: “Tôi đã làm việc với nhà máy, vậy nhà máy phải có tình gì với tôi chứ; đây các đồng chí xem, cái tủ chè này là nhà máy dệt Nam Định biếu tôi sau buổi nói chuyện đấy, có người đã trả tôi 800 đồng chưa bán, tượng Bác Hồ bằng thạch cao do nhà máy Pin Văn Điển biếu đấy nhé, 200 đồng tôi chưa bán. Nhà máy biếu tôi cái gì nào?”

Đó không phải là hình thức tham nhũng, nhưng nó rất thê thảm. Một xã hội đói khó đến như một viên chức cao cấp, vừa là một thi sĩ nổi tiếng mà phải gạ gẫm từng bữa ăn, món quà – chắc chắn nếu có điều kiện thì vấn đề tham nhũng không thể nào ít đi được.

Sau khi phân tích nhiều khuyết điểm của chế độ, tôi hỏi rằng có thể do chiến tranh, không thể sản xuất được, kinh tế yếu kém, đời sống nhiều khó khăn v.v… Vậy theo ý chú, nếu loại bỏ hết trở lực, liệu chế độ Cộng Sản có thể mang tiến bộ gì cho đất nước, hạnh phúc cho toàn dân không?

Chú đáp: “Đừng mong đợi tụi nó (CS) làm gì cho đất nước. Chú là đảng viên, chú được đi nhiều nơi, chú có suy nghĩ – các khuyết điểm của chế độ Cộng Sản là bản chất không phải là hiện tượng, vậy nên nếu có hy sinh cũng vô ích mà thôi”.

Chú so sánh khu kỹ nghệ Thái Nguyên với khu kỹ nghệ Biên Hòa. Khu kỹ nghệ Biên Hòa máy móc hiện đại, còn khu kỹ nghệ Thái Nguyên thì vất đi. Khu kỹ nghệ Thái Nguyên trang bị máy móc cổ lỗ của Trung Quốc, máy móc từ thời Nhật chiếm Mãn Châu. Khi trang bị máy mới thay máy cũ, Mao Trạch Đông gạ bán cho miền Bắc, sợ mếch lòng đàn anh Bác Hồ phải nhận với giá 800 triệu miền Bắc thời giá năm 1958, Bác Hồ và Chính trị bộ đau lắm, nhưng không dám nói ra, ngoài việc chỉ thị cho báo Nhân Dân viết ca ngợi “Tình hữu nghị không gì lay chuyển nổi” giữa hai nước “núi liền núi, sông liền sông”.

Khu kỹ nghệ Biên Hòa – Thủ Đức cũng không có gì đặc sắc, cũng đủ làm lóa mắt cán bộ kỹ thuật miền Bắc. Đa số các xưởng đều do người Trung Hoa làm chủ, làm theo lối gia công, họ mua sản phẩm bán chế rồi làm ra thành phẩm bán ra thị trường quốc nội. Lối sản xuất như vậy là một hình thức phục vụ cho kỹ nghệ Đài Loan – Hồng Kông – Tân Gia Ba. Nhân công sử dụng đa số là người Việt gốc Hoa.

Máy móc trang bị không phải là máy mới, phần lớn là máy cũ, giúp cho Đài Loan cải tiến kỹ nghệ của họ. Nghĩa là nền kỹ nghệ Đài Loan phát triển cần phải trang bị máy mới, những máy cũ thay vì bỏ phải hao tốn, họ giúp cho người Trung Hoa Chợ Lớn đầu tư đem các máy cũ về trang bị ở Việt Nam. Người Trung Hoa lợi ba bốn mặt. Cụ thể như nhà máy cán sắt Vinacasa của Lý Long Thân, trang bị một lò hai cực cổ lỗ sĩ, các kỹ sư cũng không biết được chế tạo thời kỳ nào – chuyên nấu sắt phế thải, dùng phế liệu để đổi ra sắt cây bán trên thị trường xây dựng.

Lối đầu tư kỹ nghệ như vậy, không giúp ích nhiều cho sự phát triển của quốc gia bản xứ.

Người Trung Hoa nắm hết quyền lợi về kinh tế ở Việt Nam, điều đó ai cũng biết. Không những họ nắm chỉ vì đầu tư vào chính sách kỹ nghệ chế biến, độc quyền thu mua nông sản và phân phối nông sản, làm chủ thị trường thương mại và 18 ngành xuất nhập cảng.

Người Trung Hoa được lãnh đạo bởi một Hội Đồng Ngũ Bang Hoa Kiều (Bang Triều Châu, Hẹ, Quảng Đông, Hải Nam, Phúc Kiến). Hội Đồng Ngũ Bang ấn định các chính sách thương mại, ấn định giá cả thị trường, cử người quan hệ mua chuộc các viên chức chính quyền tới Tổng Thống. Thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, có Mã Tuyên. Thời Nguyễn Văn Thiệu có Lý Long Thân. Vấn đề người Hoa ở Việt Nam là một đề tài lịch sử rất lớn, nước Việt Nam hơn ngàn năm lệ thuộc Trung Hoa mà không bị đồng hóa vì tổ tiên ta có những chính sách uyển chuyển khi giao dịch, biến đổi những điều học được của người Hoa thành một văn hóa riêng biệt. Sau khi lập quốc giành độc lập, luôn luôn đề phòng Bắc xâm, nhưng giao hảo trong thế tương nhượng, chính sách ngoại giao mềm dẻo nhưng nội trị ổn định vững mạnh. Sau mỗi lần chiến thắng, tổ tiên ta thả tù binh, dâng biểu cầu hòa, cầu phong, chịu triều cống để tránh chiến tranh. Dù sau chiến tranh ta chiến thắng cũng làm khổ nhân dân, tốn hao tài nguyên, huống gì Trung Hoa là một nước lớn, mối đe dọa ngàn đời trước và cả về tương lai. Chịu hòa hiếu với chính quyền Trung Hoa, nhưng trong nước thì giữ độc lập và không để cho người Trung Hoa xâm nhập. Khi bị nhà Thanh chiếm đóng, người Hoa tràn xuống các nước Đông Nam Á, họ không di cư lẻ tẻ mà thành đoàn đông đảo, có cả quân lực, họ chiếm nhiều lãnh thổ ở Đông Nam Á như Tân Gia Ba là nước Tàu ở hải ngoại, hơn 30% dân số Mã Lai là người Hoa, dòng vua đang cai trị Thái Lan là người gốc Hoa, nhưng người nhà Minh chiếm cứ lãnh thổ Việt Nam đều bị đồng hóa thành người Minh Hương, kể cả dòng họ Mạc Cửu chiếm vùng Hà Tiên định lập quốc cũng bị Chúa Nguyễn thu phục và đồng hóa. Ngày nay người Minh Hương là người Việt, dù trong cộng đồng đó họ vẫn còn giữ một số nết văn hóa Trung Quốc.

Từ khi nước Việt Nam bị Pháp đô hộ, để được Trung Quốc công nhận quyền cai trị Việt Nam, hiệp ước Pháp-Hoa ký ở Thiên Tân, người Pháp dành cho người Trung Hoa nhiều quyền lợi.

Từ đó, người Trung Hoa ở Việt Nam biến thành một cộng đồng rất mạnh, tuy dân số chưa tới 2 triệu, nhưng họ nắm tất cả quyền lợi kinh tế.

Sau Hiệp Định Genève, người Pháp rời Việt Nam, người Trung Hoa ở miền Bắc được qui định do thỏa ước giữa hai đảng Cộng Sản Trung Hoa và Việt Nam, trong đó có điểm: người Trung Hoa hoạt động trong hàng ngũ Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Người Trung Hoa ở miền Nam khoảng hơn một triệu người được chính quyền Ngô Đình Diệm buộc phải nhập Việt tịch, để đồng hóa họ trong Cộng Đồng Việt Nam, nhưng qua thời gian thi hành quyết định đó không thành công, trái lại còn tăng thêm ưu thế cho người Trung Hoa, vì với quyền lợi nhập Việt tịch họ có quyền chính trị. Điều kiện nhập Việt tịch không làm thay đổi nếp sống của người Trung Hoa ở miền Nam, trong đời sống hàng ngày họ vẫn dùng tiếng Trung Hoa, phong tục tập quán của Trung Hoa, họ có tất cả các cơ sở xã hội riêng biệt, như trường học, bệnh viện, nghĩa trang, hội đoàn thương mại. Nếu có phải làm nghĩa vụ quân dịch thì họ bỏ tiền ra mua, tạo thêm bất công trong quân đội. Ai cũng biết những người quân nhân mặc sắc áo Biệt Động Quân, Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến đang chặt thịt heo quay ở các cửa hàng ở Saigon – Chợ Lớn là những lính kiểng.

Vấn đề người Hoa cũng làm nhức óc chính quyền Cộng Sản. Những ngày mới chiếm Saigon, Việt Cộng đã triệt hạ tức khắc không cho những người Hoa treo cờ Trung Cộng và tiếp theo là những mâu thuẫn về chính trị đưa tới vụ nạn kiều, rồi chiến tranh biên giới, nhưng tất cả đều chưa giải quyết. Mỗi chế độ chính trị ở Việt Nam hay mỗi triều đại, sự lệ thuộc vào ngoại quốc ít hay nhiều là do sự nhận viện trợ nhiều hay ít khi tranh đấu đoạt quyền.

Do đó, sự tranh đấu để tồn tại, nguy cơ từ phương Bắc vẫn là mối lo tâm phúc của người Việt. Nhưng chúng ta đã có kinh nghiệm lịch sử của cha ông để lại, mỗi giai đoạn lịch sử hoàn cảnh đổi thay, phương thức thi hành có thể thay đổi nhưng tựu trung có những điểm chính:

– Củng cố một lực lượng quân sự đủ mạnh để có thể chiến đấu tự vệ, bẻ gẫy tất cả những cuộc chiến xâm lăng từ Trung Hoa đến.

– Một chính sách ngoại giao mềm dẻo, hòa hoãn để tránh chiến tranh.

– Không để người Trung Hoa nắm hết đặc quyền đặc lợi về kinh tế. Người Trung Hoa sinh sống ở Việt Nam được đối xử bình đẳng với người Việt, nhưng họ phải hội nhập vào đời sống, họ phải trở thành người Việt bằng cách nói tiếng Việt, phong tục tập quán giữa người Việt Nam và Trung Hoa không khác biệt, chỉ có tiếng nói là quan trọng, không nên để người Trung Hoa mở trường học quá bậc trung học, cộng đồng người Trung Hoa ở Việt Nam nên lấy kinh nghiệm hội nhập của người Minh Hương.

Đối với người làm chính trị và nắm quyền tại Việt Nam bất cứ thời đại nào, đem đất nước dâng cho Trung Hoa, mang quân Trung Hoa về xâm lấn hay vì quyền lợi riêng dành cho người Trung Hoa đặc quyền về kinh tế là phản quốc.

Một hôm tôi mời chú đi chơi quanh phố chợ Saigon. Chú đã đi gần hết các thủ đô các nước Cộng Sản; Prague thủ đô Tiệp Khắc, nơi hàng hóa tương đối đầy đủ cũng không bằng 1/4 hàng hóa ở chợ Bến Thành. Ở các nước Cộng Sản hàng tiêu thụ rất thiếu và kém phẩm chất. Dân chúng phải sắp hàng chờ đợi cả ngày mới tới phiên được vào mua hàng. ở Mạc Tư Khoa chờ đợi cả hai ba ngày mới mua được đôi giày, nhưng khi được nhận giày thì mang không vừa chân, phải đem bán ra chợ trời với giá rẻ rồi tìm mua một đôi khác vừa chân với giá đắt hơn.

Hàng hóa theo chế độ phân phối nên luôn luôn thiếu hụt, vì yếu tố thời gian trở thành gánh nặng và tính chất bình quân trong phân phối không hợp với nhu cầu – một người không cần lốp xe đạp vẫn được phát phiếu, người cần thì không đủ. Chợ trời là hình thức rất phổ biến tại các nước Xã Hội Chủ Nghĩa.

Tại Liên Xô, người ta có thể mua một máy cày tại chợ trời, nhưng các nông trường bị hỏng máy cày thì phải đợi hàng nhiều năm từ ngày trình báo mới được cung cấp.

Một chủ nhiệm hợp tác xã đứng trước hai sự lựa chọn khi một máy cày bị hỏng:

– Thứ nhất, báo cáo xong chờ phân phối. Thời gian chờ đợi có thể đến hai năm, Hợp tác xã không sản xuất đủ chỉ tiêu, anh ta có thể bị kết án về tội phá hoại nền kinh tế.

– Thứ hai, mau mắn dùng quỹ Hợp tác xã mua một máy cày trên thị trường ở chợ trời giá gấp 4 hay 5 lần giá phân phối, anh sẽ có nguy cơ bị truy tố về tội sử dụng quỹ Hợp tác xã không đúng nguyên tắc. Bề nào cũng có thể bị đi tù.

Chúng tôi vào quán cơm bình dân ăn cơm; khi ăn chú Bình nhìn về bàn một người đàn ông mặc áo Treillis xanh, quần đùi, trước mặt anh ta là một đống vỏ Bia 33 chừng 5 hay 6 chai.

Tôi chợt nhớ không mời chú uống bia. Tôi nói:

– Xin lỗi chú, cháu không uống được bia nên vô tình không mời chú uống bia, chú uống bia nhé?

– Bộ mình cũng có tiêu chuẩn bia sao? Có thì uống chứ.

– Chú nói gì tiêu chuẩn, mình mua uống thì trả tiền chứ tiêu chuẩn gì, chú uống bao nhiêu cũng có, miễn đủ tiền trả.

– Có thật không? Chú hỏi lại.

– Thật, mời chú uống. Tôi gọi Bia 33.

Ngồi ăn uống, chú vẫn như ngẫm nghĩ điều gì, chú hỏi tôi:

– Người đó làm gì mà uống nhiều bia quá vậy?

Nhìn lối ăn mặc của người ngồi bàn đối diện, tôi nói:

– Có lẽ một phu xích lô hay phu ba gác.

Chú vẫn không tin vào lời nói của tôi, nhân lúc người kia nhìn qua, chú chào xong bước qua bàn hỏi:

– Xin lỗi ông bạn nhé, tôi hỏi nếu không phải thì ông bạn thứ lỗi. Ông bạn làm gì mà tiêu chuẩn bia nhiều vậy?

Người kia cười ha hả nói:

– Tiêu chuẩn gì, chắc ông ở miền Bắc vào, tôi làm gì hả, tôi đạp xích lô, tôi có tiền tôi uống, không có tiêu chuẩn gì hết. Trước kia chạy xe khá, tôi uống 10 hay 12 chai, bây giờ làm ăn khó tôi chỉ uống 5 chai.

Chú vẫn chưa tin hỏi tiếp:

– Thực anh làm phu xích lô?

– Không thực thì sao tôi ngồi ung dung như thế này, nếu tôi làm quan quyền chế độ cũ, tư sản này nọ thì đang lo sốt vó, có thì giờ đâu mà thong dong nhàn hạ.

Nói xong, người kia kêu tính tiền, đứng lên, ra lề đường đẩy chiếc xích lô rồi nhảy lên đạp thẳng như để chứng minh cho chú, anh ta là phu xích lô thật.

Ở ngoài Bắc cũng như tất cả các nước Xã Hội Chủ Nghĩa đều qui định tiêu chuẩn và chế độ khẩu phần lương thực, thực phẩm và các vật dụng cần thiết.

Ở nhà ăn tập thể chế độ ăn có 3 cấp; đại táo, tức bếp lớn nấu ăn cho toàn thể nhân viên binh sĩ cấp dưới; tiểu táo, bếp nhỏ, dành cho các cấp chỉ huy, sĩ quan; đặc táo, dành cho cấp cán bộ cao cấp hoặc thủ trưởng cơ quan, mỗi chế độ nhà bếp có tiêu chuẩn lương thực thực phẩm khác nhau về số lượng cũng như về chất lượng. Chữa bệnh cũng có chế độ khác nhau, sĩ quan từ Chuẩn úy lên Thượng úy nằm ở Bệnh viện Quân Đội Nhân Dân 308, có 12 ngày thuốc miễn phí. Từ Đại úy đến Thượng tá nằm bệnh viện Việt Xô, tiêu chuẩn 30 ngày thuốc miễn phí. Đại tá trở lên được chữa trị ở ngoại quốc. Ngoài chiến trường, Trung đoàn trưởng có một Y sĩ và một cần vụ phục dịch, một tư lệnh Sư đoàn có một Bác sĩ và một cần vụ. Đồ dùng cũng phân biệt, binh sĩ, cán bộ cấp dưới mang dép râu (Bắc Việt gọi là dép lốp), cán bộ trung cấp mang sandale. Công an mang sandale nhựa trong – cán bộ trung ương được cấp phát giày và xà-cốt loại da tốt do nước Mông Cổ viện trợ. Marx chủ trương làm cách mạng xóa bỏ giai cấp, nhưng chế độ Cộng Sản lại dựng lên một hệ thống giai cấp thật chặt chẽ và cách biệt ngay giữa đảng viên với nhau, chưa kể giữa đảng viên và người dân được gọi là trong sạch, thành phần bị chuyên chính, tức giai cấp đối nghịch bị tiêu diệt hay làm nô lệ trong các trại tập trung cải tạo.

Giai cấp lãnh đạo ở miền Bắc là một triều đình tập hợp chung quanh vị Hoàng đế là lãnh tụ, cấu kết quyền lợi, dua nịnh lãnh tụ để bảo vệ quyền lợi hiện có và con đường tiến thân.

Người ta ca tụng lãnh tụ một cách lố bịch, lộ liễu, cả cái sai của lãnh tụ cũng được bảo vệ. Trong lối viết quốc ngữ, “Bác Hồ” đã viết sai chữ K thay vì chữ C trong tác phẩm “Đường Kách Mệnh”. Bác dùng chữ F thay cho chữ Ph, thì các chữ đó được coi là đúng. Người ta còn viết cả lý luận cho là ngôn ngữ được sáng tạo do những con người ưu việt, lãnh tụ là con người ưu việt, vậy những gì lãnh tụ viết đều là khuôn mẫu đúng – thật lố bịch.

Ông Hồ làm Kách Mệnh, ông Hồ làm lãnh tụ chính trị thành công, điều đó không ai chối cãi – nhưng lãnh tụ không có nghĩa là cái gì cũng phải giỏi.

Ông Hồ làm thơ, nhưng thơ ông Hồ là loại thơ con cóc. Đọc cuốn “Ngục Trung Nhật Ký” thì ông Hồ chỉ là người “đạo thơ” vô liêm sỉ – những câu Đường Thi nổi tiếng được ông Hồ cóp nhặt lại của những người xưa. Vậy mà khi người ta viết Văn Học Sử, đưa ông Hồ thành thi sĩ vĩ đại nhất, người ta viết sách và dạy học trò “Ngoài Bác Hồ, Tố Hữu là một đại thi hào của nước ta”. Bác Hồ nhất, Tố Hữu nhì, vì Tố Hữu có công làm nhiều thơ ca tụng Bác từ hồi đảng còn trong trứng nước.

Tố Hữu được ông Hồ chọn làm người lãnh đạo văn nghệ. Từ đó Tố Hữu trở thành một cây cổ thụ che lấp cả bầu trời văn học nghệ thuật, những ai đứng ngoài cái bóng đó đều bị chặt, người khôn ngoan biết thu mình dưới bóng thì sống èo uột như cây non không ánh sáng. Người ta chỉ phổ biến thơ con cóc của các “đại thi hào” Xuân Thủy – Lê Đức Thọ – Trường Chinh. Những thi sĩ thật như Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Tế Hanh, Chế Lan Viên phải bẻ cong ngòi bút sáng tác theo đơn đặt hàng để được nhận tiêu chuẩn sống qua ngày. Những người không theo quy luật đó, bị ghép vào tội phản động hay nhẹ hơn là lệch hướng sáng tác thì phải đi cải tạo như Phan Khôi, Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm. Hoặc phải về sống nghèo khổ hơn nơi thôn quê làm ruộng, rẫy như Quang Dũng, Hữu Loan.

Đời sống của giới trí thức khoa bảng cũng buồn thảm, Trần Đức Thảo đi cải tạo, rồi giữ bò ở nông trường Ba Vì, Phạm Huy Thông, Trần Văn Giàu, Ngụy Như Kontum, Nguyễn Mạnh Tường kẻ về hưu, người làm những nhiệm vụ văn hóa giáo dục không quan trọng. Có người vì nhu cầu sống hàng ngày phải đi hầu hạ các công tử con lãnh tụ. Con trai Văn Tiến Dũng, con trai Võ Nguyên Giáp, không hề phải vào quân đội, tụ tập thành băng đảng buôn lậu, ăn chơi đàng điếm ngay tại thủ đô Hà Nội nhiều khi gây nhiệt náo. Công an bó tay vì sợ đụng chạm thế lực. Mỗi băng các công tử lại cần một vài nhà thơ trí thức để ngụy trang làm đẹp. Thỉnh thoảng các công tử lại tổ chức cho các nhà trí thức nói chuyện văn chương, văn nghệ để có tiếng là các cậu hoạt động văn hóa. Còn các nhà trí thức thì dựa vào các cậu để có thêm ly cà phê hay “tô phở chui có người lái” mỗi ngày.

Cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, cuộc chiến đấu yêu nước chống Pháp đã tập trung bao nhiêu tinh hoa của dân tộc ở lại miền bắc. Hầu hết các trí thức khoa bảng, hầu hết các văn nghệ sĩ nổi tiếng thời tiền chiến, những người đã có công tạo dựng nên nền văn chương Việt Nam phong phú, kiến tạo ngôn ngữ Việt Nam thành trong sáng bước nhanh chóng từ giai đoạn Hán văn qua văn chương biền ngẫu và tân văn giản dị. Với nhân lực đó, suốt 24 năm xây dựng xã hội chủ nghĩa không có được một tác phẩm trung bình về giá trị nghệ thuật.

Trong thời gian ngắn ngủi giao lưu Nam Bắc, người Saigon đều biết ông Cù Huy Cận, Thứ trưởng Bộ Văn Hóa, đã khóc sau khi nghe bản “Ngậm Ngùi” thơ của ông, Phạm Duy phổ nhạc. Sau đó thì ông bị kiểm điểm. Nhạc sĩ Văn Cao cũng khóc sau khi đọc tác phẩm của Tạ Tỵ viết về ông – lúc đó người miền Bắc mới thấy nếp sống hài hòa của nhân dân miền Nam, nơi mà họ tưởng là bị nô lệ, cần họ đưa cánh tay gầy guộc ra giải phóng; họ nghe người miền Nam gọi “Bác Hồ” là “Cụ Hồ”, tiếng gọi thông thường cho người lớn tuổi, không như ở miền Bắc, đảng đã chỉ thị cho nhân dân dùng những từ thô bỉ để gọi những người lãnh đạo miền Nam. Đời sống kinh tế miền Nam phong phú, trong chiến tranh có chết chóc, có đổ nát nhưng miền Nam vẫn lớn mạnh về mọi phương diện, trong đó có thân nhân của họ. Không phải chỉ chú Bình mới đem từ miền Bắc những món quà về cho thân nhân rồi mới thấy mình bị lường gạt mà tất cả những người Cộng Sản tập kết từ Nam đều gặp trường hợp đó. Thi sĩ Tế Hanh về làng thấy con cháu sống trong ngôi nhà gạch xây, cứ nằng nặc truy vấn con cháu làm gì cho CIA – truy vấn cho có vẻ người cách mạng thuần thành, nhưng rồi lại khóc như đứa trẻ khi biết mình bị lừa.

30 năm đem nhiệt tâm, tưởng là phục vụ cho nhân dân, rồi thấy mình bị lừa đảo. Thời gian 30 năm ngắn ngủi, nhưng hết cả cuộc đời mình. Cái đau khổ sau cuộc chiến không những chỉ có kẻ chiến bại mà còn đau đớn sâu xa ở những người được mệnh danh là chiến thắng. Tất cả đều là chiến bại – chỉ có một số ít kẻ chiến thắng ở điện Cẩm Linh, ở Trung Nam Hải và bọn tay sai chóp bu ở Hà Nội.

Bao nhiêu năm tương tàn vì cuộc chiến để cuối cùng toàn dân Việt Nam – Nam, Bắc đều là kẻ chiến bại – có cái đau khổ nào lớn hơn. Đất nước có bao giờ nhục nhã lớn như lần này. Tôi hỏi chú Bình tại sao chú là đảng viên, chú bị nhồi nhét bao nhiêu năm lý thuyết Cộng Sản, đời sống thực tế ràng buộc trong guồng máy tổ chức, sao chú vẫn còn giữ được bản chất con người.

Chú nói Đảng muốn một chuyện mà Đảng có làm được hay không là chuyện khác. Những kết quả của Đảng đối với con người chỉ là bề ngoài. Mỗi người sống trong xã hội Cộng Sản thường có hai bản thể, con người của Đảng và con người thật. Một con người của Đảng tức con người bề ngoài, con người giả dối sống theo qui luật đó vì sợ, vì miếng cơm manh áo, vì tiến thân, nhưng con người thật nó tiềm ẩn, phải giấu giếm, con người này chờ cơ hội bộc lộ, khi về miền Nam nhiều cán bộ Cộng Sản đã bộc lộ, nhưng bộc lộ riêng rẽ cá nhân. Nếu có cơ hội các sự bộc lộ đó thành bộc phát mà hệ thống bạo lực của Đảng không đàn áp nổi – thì lúc đó mới biến chuyển.

Những qui tắc luân lý xã hội, con người và gia đình đã ăn sâu vào đời sống người Việt – những người lớn tuổi đều chịu những ảnh hưởng của những giá trị xã hội đó, và nó tồn tại trong mỗi người, Đảng không cướp đi được. Chỉ có lớp trẻ sinh sống lớn lên trong xã hội chủ nghĩa, thế hệ mà Đảng Cộng Sản và Hồ Chí Minh xây dựng mới là thành phần đáng lo ngại. Đảng chỉ dạy cho họ trung với Đảng (Bác Hồ), hiếu với dân (Bác Hồ) và tinh thần đấu tranh, sự hận thù giai cấp. Đây mới là sự suy thoái của dân tộc Việt Nam.

Số người tập kết trở về hầu hết đều nhận ra sự thật đều bất mãn, mỗi người phản ứng một cách, kẻ nóng nảy xin phục viên về với gia đình, kẻ thực tế bám lấy chính quyền nhưng xoay ra thủ lợi, kiếm ăn riêng rẽ bằng mọi hình thức tùy theo vị trí của họ.

“Khôn cũng chết dại cũng chết chỉ biết là sống”, câu ngạn ngữ của đồng bào miền Bắc. Làm việc tích cực quá cũng chết, vì bị thúc đẩy làm việc tích cực hơn, đạt chỉ tiêu hay vượt chỉ tiêu thì năm sau chỉ tiêu cao hơn. Con người trong Xã Hội Chủ Nghĩa bị thúc bách làm việc mãi, hết đợt thi đua này đến đợt thi đua khác. Đảng bắt mọi người phải tiến tới, đạt chỉ tiêu. Nếu không đạt được chỉ tiêu bị kiểm điểm phê bình, hạ công điểm, rút tiêu chuẩn, nếu nặng sẽ nâng lên quan điểm vào tội phá hoại. Đằng nào cũng chết, chỉ có biết là sống, biết cách làm báo cáo cho hay, dù làm láo, biết tranh thủ người nhận báo cáo tức là phải gian dối có hệ thống – phải biết phô trương trình diễn. Đảng cũng chỉ cần có thế, còn thực tế thì dân có đói, có chết cũng mặc.

Cá nhân cũng phải sống như vậy, nhận công tác cũng không thể làm nhiều quá, mà cũng không nên làm ít quá, làm đủ. Một người thợ máy phải biết đầu cơ nghề nghiệp, thỉnh thoảng làm cho máy hỏng và chỉ anh ta mới biết sửa chữa hư hỏng đó thì anh ta sẽ có nhiều lợi, hơn là anh ta duy trì máy chạy tốt mãi.

Đó là xã hội miền Bắc, kinh tế nghèo nàn nhưng phí phạm, uổng dụng, kém hiệu năng; tương quan con người không phải bình đẳng mà có nhiều hệ cấp; con người không thể sống ngay tình, chân thật mà phải lươn lẹo, mánh mung, xảo trá.

Chú Bình có lần đến Bá Linh, chú định vượt qua Tây Bá Linh để về miền Nam, nhưng chú e ngại, không biết miền Nam thế nào. Tài liệu tuyên truyền về miền Nam quá xấu, nên chú không thể bỏ cái xấu để đi đến cái mà người ta nói nó xấu hơn trong khi phải hy sinh nhiều.

Người miền Bắc đã quá mệt mỏi không còn sức đề kháng, chỉ trông vào đồng bào miền Nam. Trước khi trở về Bắc chú nói riêng với tôi: “Nếu có cuộc tranh đấu mới để lật đổ chế độ Cộng Sản, chú sẽ không ngần ngại đứng vào chiến tuyến mới, dù có vợ hai con ở Hà Nội, là đảng viên, có công ăn việc làm và sắp được đi Liên Xô để tiếp tục học cấp Tiến Sĩ”.

Những ngày tiếp xúc với chú, đối với tôi thật ích lợi, chú đã giúp tôi hiểu chế độ Cộng Sản nhanh chóng và tôi dứt khoát chọn một thái độ.

Tôi bị bắt tù cải tạo hơn 12 năm, không liên lạc với chú Bình; năm 1988 tôi được thả, chú Bình qua Nga học rồi trốn luôn bên đó. Ở Hà Nội, thím bị tước đảng tịch, đuổi ra khỏi biên chế và hai người con của chú không được tiếp tục học lên đại học và phải đi nghĩa vụ lao động trên Hòa Bình.