Trung Học Phan Châu Trinh

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive

 

TTLAN

 

Thầy Tôn Thất Lan với Tôi có Cái Duyên tiền định:

Cái Duyên thứ nhất: Tôi và Lan trải qua 7 năm Trung Học tại trường Quốc Học. Mọi sinh hoạt văn nghệ đều có mặt Lan : Anh vừa hát hay vừa đàn Mandoline giỏi. Mọi buổi hòa nhạc của trường đều có sự hiện diện của Anh với cây đàn Mandoline nhỏ nhắn, xinh xắn. Tiếng đàn réo rắc, điêu luyện.

Cái Duyên thứ hai: cùng chọn nghề giáo tại trường Đại Học Sư Phạm Huế, mặc dầu Anh học Anh văn, Tôi học Toán nhưng chúng tôi vẫn gặp nhau đều đặn, vẫn nghe giọng nói vừa châm biếm vừa kiêu kỳ của họ Hoàng Phái.

Cái Duyên thứ ba: Hai chúng tôi lại cùng dạy dưới một mái trường thân yêu Phan Chu Trinh. Nhưng giấc mộng đứt đoạn giữa đường, phấn trắng tan vào hư vô. Từ một nơi xa tổ quốc hàng vạn dặm, Tôi vẫn nhớ đến những người bạn cũ, trong đó có Lan, vẫn nhớ đến trường xưa, trong lòng như có chút gì trống vắng, thiêu thiếu, u hoài và xót xa.

Phấn trắng mơ màng trong giấc ngủ
Xếp trang vở cũ lòng bâng khuâng
Thu đến xa rồi ngôi trường cũ
Tiếng trống trong lòng khóc nỉ non

 

GS. Nguyễn Ngọc Thanh

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive

 Kỷ Niệm một thời Cò bay… trong sân trường PCT

thayHuuDuan
Lời tự giới thiệu: Tôi vốn là “Cò hương Vỹ Dạ” vì quê tôi là vùng Nội lách Sông Hương. Tôi vào nghề giáo ở trường Nguyễn Tri Phương Huế. 4 năm nhưng cứ bỏ lớp bay ra sân trong các duyên nghiệp “Hiệu đoàn - Sinh hoạt học đường - Giáo dục mới - Trại Hè học sinh” nên cũng từng bay đi nhiều nơi: Cổ Lủy, Túy Vân, Bạch Mã, Vũng Tàu, Châu Đốc, Hà Tiên.

Tháng 1/1961, Tôi bay vào “Miền gió cát sông Hàn” nhận việc “chăm nom học trò” trong vai Cò TGT trường Phan Châu Trinh với giấc mơ “bụi phấn sân trường”. Mơ một lớp học vui tươi trật tự và từ nay “không vắng mặt một ai”- một sân trường cỏ xanh, bóng mát, có pho tượng mô hình truyền thống, có tiện nghi cho tuổi trẻ vui chơi và rèn luyện. Ước mơ tuy đơn giản mà khó thành vì những sóng nước gập ghềnh của thời thế.

Đoạn đời “bụi phấn sân trường” trải dài qua 5 thời Hiệu trưởng và 1 năm Cò xử lý việc trường “không được ủy nhiệm”. Kết thúc “bỏ trường mà đi” vào quân đội VNCH.

Rồi đoạn đời 9 năm “bay tới bay lui” từ lớp ngày qua Ty, Sở về trường đêm PCT và kết cuộc “mất dạy” đi “tù lao cải” 6 năm khi quốc nạn can qua 1975.

15 năm hai đoạn đường biết bao sự việc, biến cố xảy ra giữa sân trường.

Giờ đây ghi lại những kỷ niệm nhớ nhớ quên quên về thân hữu, bạn bè, về học trò trong “nghĩa tình trường xưa lớp cũ”; gặp những ai đã mất thì như một lời tưởng niệm; gặp những người còn mạnh thì xin cứ đọc để có một phút vui buồn.

Kỷ niệm về “giữ yên những lớp học” giữa buổi, có nam giáo sư vắng mặt vì quân vụ, nữ giáo sư vắng mặt vì nghỉ hộ sản, mà thời khoá biểu chưa điều chỉnh kịp vì thiếu giáo sư.

“Về! Về! Thầy cho về!” âm thanh vang lên phá tan không khí trang nghiêm của trường học- kèm theo vài em xách cặp đứng gần cửa sổ chực nhảy qua, đã từng làm tôi phẫn nộ; đập roi mây xuống bàn, lên cửa, đe dọa sẽ quất nặng những trò làm trái ý:

- Về sao được! Giờ sau còn học 2 tiếng nữa!” Đáp như vậy vì tôi nghĩ, cho ra chơi đợi giờ sau học lại, nhà trường chưa có “nhà chơi, sân nghỉ”, học sinh lang thang ra đường rong chơi 1 giờ, giữa thời buổi xe cộ xô bồ, lỡ xảy ra tai nạn trách nhiệm về ai? Vì vậy phải giữ lại trong lớp để “họ học, họ làm” để họ khỏi “nhàn cư vi phá phách”. Và phải trông coi kiểm soát và phê điểm thưởng phạt - nên được họ tặng cho biệt danh “giáo sư hổ loan”.

- Trường hợp lớp cho về thì cũng giữ trật tự, không làm ồn trở ngại lớp khác đang học. Vì vậy phải lên lớp dặn dò, canh chừng họ sắp hàng ra lớp, xuống lầu, lấy xe đúng chỗ - thự tự vì “họ” hay vất bay sang khung khác, khiến khó kiểm soát an toàn. Ra cổng phải dắt xe chứ không được phóng đại ra đường dễ bị tai nạn…

Bấy nhiêu công việc cứ lặp đi lặp lại, nên cứ thấy Cò “tả xung hữu đột” đến nổi họ đổi tên “Cò Đờ Gôn” - “Cò ken nơ đi” xuất hiện trên nhiều trận tuyến.

- Giải quyết cái việc của giới “thứ 3” trong thời buổi biến động chính trị - tôn giáo - chiến cuộc ảnh hưởng học đường thật khó khăn và tế nhị làm tôi nhớ đến những tấm lòng thiện tâm, thiện chí đóng góp và chia xẻ của bạn bè đồng nghiệp trong mọi vai trò…

Thầy Giám thị Đinh Tránh, người Xuân Thái, Duy Xuyên Quảng Nam, lớn tuổi, kinh nghiệm, khiêm cần, xử việc đầu đuôi tình nghĩa và đã sống cùng cạnh với tôi suốt chặng đường 15 năm và được phước duyên lúc tuổi già ngồi trong ngôi nhà, gần trường PCT nhìn ra đường thấy hình bóng “lũ phá phách” xưa.

Thầy Giám thị Nguyễn Kế, người Quảng Bình, lo hồ sơ học vụ, thí vụ kỹ lưỡng tuyệt vời làm việc không mệt mỏi, ít nói, nhưng luôn có nụ cười hóm hỉnh trên môi, dù ở nhiệm vụ chuyên môn nhưng vẫn giúp “chăm nom học trò” khi cần. Phước báu thầy đã để lại cho đời, cho trường PCT những hậu duệ tuyệt vời Nguyễn Thống, Nguyễn Chương. 

Thầy Bửu Diêu, người Huế một trưởng văn phòng tín cẩn. Thầy làm gạch nối cho tôi “người chăm học trò” và phụ huynh học sinh, nhất là hội PHHS để giúp tôi thi hành kỷ luật học đường có hiệu quả hơn.

Bà Nguyễn Khoa Dánh, người Huế, 1 chuyên viên về thời khoá biểu, suốt ngày suốt buổi cặm cụi trên sa bàn với những mảnh bìa ghi ký hiệu môn học, tên giáo chức (bà thường gọi là tài nguyên) và kim găm. Đó là đầu mối của sự ổn định trường lớp và nhất là lớp học vui buồn tiến thoái là tùy trên tài nguyên - mà tài nguyên trị giá không đồng đều về chất lượng, về thời gian, về hoàn cảnh và nhất là về chất lượng tâm tính, chuyên môn…, vì vậy công việc đòi hỏi bà phải cẩn trọng và không thiên vị; nên “người làm dâu trăm mối” này thật khó mà dung hợp. Trong trường hợp 5,7 tài nguyên đi quân vụ, 3 hay 5 tài nguyên nghỉ hộ sản, mỗi niên khoá xảy ra vài lần như vậy… nên bà phải điều chỉnh đến quên ăn mất ngủ, phờ phạc cả người để giúp cho “tướng ngoài mặt trận” như chúng tôi ổn định tình thình với chiến thuật, chiến lược mới…

Thầy Cung Thế Mỹ, nguyên giáo chức dạy môn Pháp văn và Toán, về dạy ở trường đã lâu, ngày ấy được điều ra phụ với tôi đối phó với “giặc thứ 3” nhiều lần. Và từ năm 1969 về sau rất nổi tiếng thay thế cô Đặng Thị Liệu làm “tướng cầm roi” bên trường Nữ trung học Hồng Đức.

thaycungthemy

Thầy Cung Thế Mỹ

Thầy Nguyễn Đỗ Thuận, phụ trách kế toán của trường. Thầy đánh máy rất nhanh, thầy đã thiện nguyện giúp tôi thực hiện những bảng thông báo, kêu gọi học sinh tham gia công tác xã hội, Lễ hội, Thể thao, Du ngoạn, nhất là các bảng kế hoạch tổ chức lễ hội, đại hội thể thao… trên giấy sáo để in thành nhiều bản phổ biến rộng rãi… Chúng tôi đã làm việc với nhau thâu đêm để kịp ra thông báo kêu gọi “mỗi học sinh 1 vắt cơm cho đồng bào bị nạn bão lụt 11/1969” hoặc bảng kế hoạch lễ hội truyền thống 1966 kỷ niệm 40 năm ngày giỗ cụ Phan (1926-1966) với chi tiết: rước kiệu, diễn hành, triễn lãm lịch sử truyền thống, sáng kiến, sáng chế của thầy trò, dụng cụ trợ thính, trợ thị học đường… trình diễn Thi ca nhạc kịch…

Bác Nguyện Văn Thôi, người Tống thơ văn và nhân viên bảo trì và hào soạn tuyệt vời của trường PCT. Thử hồi tưởng lại hình ảnh với chiếc xe đạp cũ mỗi ngày đi đến hàng trăm địa chỉ: Tòa Thị Chính, các Ty Sở liên hệ, các tư thục trung học, hội PHHS, nhất là đến nhà của mấy chục giáo chức để thông báo, giao thời khoá biểu giảng dạy… việc gì  cũng phải kịp thời mới thấy cái nhọc nhằn gian lao của bác.

Về mặt bảo trì, bác không quản ngại ngày đêm đến mở cửa, mở máy, dọn dẹp phòng ốc cho giáo chức hội họp, trực gác… Về hào soạn, bác đã lo những bữa cơm chung, bữa tiệc cuối năm, cuối hè cho giáo chức với những món hào vị khó quên do bác nấu. Những lúc trường đứng ra tổ chức “Trại Hè học sinh xuất sắc miền Nam” thì bác là “cái đinh” lo việc ăn uống cho toàn trại và đó là yếu tố đã gắn chặt tôi với trường PCT, với Trại Hè học sinh miền Nam…

Tôi nhớ bác Thôi cùng tôi có những quyết định cấp thời: đổi những bữa ăn do học sinh đi chợ Lăng Cô, tự nấu trong trại Hè 1971 thành bữa ăn mang theo đi du ngoạn khi trại phải thay đổi chương trình vì bão tố thay vì cắm trại bãi biển Lăng Cô thì đi du ngoại Lăng tẩm Huế. Vì vậy tôi và bác Thôi phải mang gạo, dầu ăn, rau quả ra chợ Đông Ba thương lượng với một số cửa hàng cơm, hàng thịt để đổi thành cơm, thành chè. Chúng tôi phải thương lượng với 3 hàng thịt, 5 hàng cơm, 5 gánh chè để trong vòng 3 tiếng đồng hồ có đủ 150 gói bọc đồ chua, rau, 150 bọc chè đậu váng, đậu xanh kịp lúc 12 giờ trưa đem lên lăng Minh Mạng cho trại Hè đang dừng bước.

Tôi nhớ bác Thôi với lòng từ tâm, không quản ngại nguy hiểm đã cùng tôi dùng loa giải thích năn nỉ xin với đám đông bạo động đang vây quanh bệnh viện Đà Nẵng để vào liệm và chôn 15 xác chết vô thừa nhận vì thân nhân không dám ra mặt ở sân bệnh viện trong trong biến cố 24 tháng 8 năm 1964 đang ở trong tình trạng ươn sình dễ ảnh hưởng đến vệ sinh chung. Chúng tôi đã dùng rượu để rửa và sắp từng bộ phận của từng xác, lăn tay để chứng lý lịch cho từng xác rồi gói họ trong những tấm vải thô và bỏ vào những hòm ván mỏng của kho nhà xác bệnh viện mà chúng tôi tự ý lấy đại, chứ không biết xin phép ai? (mà cũng không ai dám cho phép). Chúng tôi phải làm việc trong nhiều giờ giữa tử khí và chỉ biết thầm thỉ cầu nguyện theo tinh thần tín ngưỡng nhân gian… Bác Thôi đã ra đi trước 75 và phước thay có mọi thành phần thân hữu tiễn chân: giáo chức, học sinh, đạo hữu và hơn 50 vị sư, ni hộ niệm…

Nói đến các bác Lao công. Tôi nhớ đến bác Nguyễn Văn Nam, thấm môi chút rượu thì làm việc bất kể giờ giấc; quét dọn, lau bảng đen, sắp bàn ghế ngay ngắn cho buổi học sớm hôm sau - vì lớp Anh văn hội Việt Mỹ, lớp đêm PCT học tới 10 giờ đêm…

Bác Tô Thau, bác Phan Văn Luân có nhà ở trong trường, Bác Tô Thau có trách nhiệm giữ chìa khoá cổng ra vào, nhà kho, phòng Thí ngiệm… nên bác phải theo luật trường không cho kẻ gian lợi dụng. Bởi vậy bác thường khiêng những chiếc xe vất bừa bãi về phòng Giám thị cho tôi định đoạt. Lấy phấn, giấy trong kho, dụng cụ trong phòng Thí nghiệm cũng phải tìm bác Thôi mở cửa. Vì trường, vì vì trật tự chung, đôi khi bác có chút cường điệu làm cho một số học sinh, giáo chức phiền lòng. Riêng tôi thấy bác ấy làm việc rất nghiêm túc và tình nghĩa. Tôi còn nhớ bác ấy là người đầu tiên đến thăm tôi khi tôi vừa đi tù “lao cải” về.

- Với phụ huynh học sinh, tôi làm cái việc “chăm nom học trò” con em của họ một thời gian dài. Đã tiếp xúc rất nhiều giới phụ huynh, trực tiếp thảo luận, giải quyết nhiều trường hợp đặc biệt. Tôi đã học được 1 điều: phụ huynh chân thành hợp tác với nhà trường, thảo luận rốt ráo, thì có thể giải quyết mọi lệch lạc cả hai phiá, tìm ra con đường sáng cho con em, tạo môi trường thuận lợi cho con em học hành, sinh hoạt tốt đẹp thì nhất định tạo được những hậu duệ hữu ích thành đạt.

Trong ý nghĩ ấy, tôi nhớ đến những bậc phụ huynh lão thành của trường PCT:

- Cố Mục sư Đoàn Văn Khánh, Cụ Đông Hải Phạm Hữu Khánh, Có Bác Sĩ Thái Can, Cố Bác Sĩ Đinh Văn Tùng, Dược sĩ Tôn Thất Dung. Các vị cựu Thị trưởng: Đại tá Lê Chí Cường, Đại tá Nguyễn Ngọc Khôi. Các vị Giám đốc Nha - Sở, Trưởng Ty, Trưởng phòng: Nguyễn Rô, Đoàn Bân, Võ Văn Triêm, Thái Trữ, Trịnh Nghiêm, Nguyễn Thân, Nguyễn Dậu… Các vị cố thân hào nhân sĩ: Trần Gia Thoại, Nguyễn Thái… Các vị cố, cựu chủ nhân cơ sở Văn hoá, xã hội, thương mãi: Vương Duy Quỳnh, Trần Phúc Lũy, Bửu Chúc, Vĩnh Cơ, Tân Việt, Sông Việt, Sông Đà, Diệp Hải Dung… Họ đến với hội PHHS trong nhiều vai trò xã hội khác nhau, nhưng khi làm việc Hội, họ là những phụ huynh tận tụy hợp tác lo việc học hành sinh hoạt của con em trong môi trường yên lành. Họ đã lưu lại cho xã hội những hậu duệ hữu ích.

- Với quý vị giáo chức, kỷ niệm hai đoạn đường 15 năm, quá nhiều để nhớ để quên…

Trước hết, xin cám ơn thầy Nguyễn Đăng Ngọc, vị Hiệu trưởng ở giai đoạn đầu của đoạn đường “bụi phấn sân trường”, đã giúp nhiều từ miếng ăn, thức uống, chỗ ở cho Cò tôi trước khi gia đình vào Đà Nẵng. Thầy đã hướng dẫn Cò tôi thực hiện niềm mơ ước… xin chia sẻ niềm vui với thầy khi trường có lớp 12 và ngậm ngùi khi thầy đổi đi nơi khác vào năm 1962.

thaynguyendangngoc

thầy Nguyễn Đăng Ngọc,

Thứ nhì, xin cám ơn thầy Thái Doãn Ngà, vị Hiệu trưởng ít nói mà tình nghĩa, về trường PCT cùng với Cò tôi từ trường Bộ Binh Thủ Đức, cho Cò làm phụ tá và dẫn đường cho Cò bay tới bay lui suốt 9 năm trong nhiều “khung trời” lớp ngày, lớp đêm, ty, sở.

thaythaidoannga

thầy Thái Doãn Ngà

Thứ ba, xin cám ơn quý vị giáo chức giúp đỡ Cò tôi “chăm nom học trò” trong nhiều tình huống khác nhau. Quan niệm tuổi trẻ ở giai đoạn “Học sinh Trung học” là trau dồi kiến thức nhân bản, tình tự dân tộc, khoa học khai phóng cho vững vàng, đừng để chính trị, tôn giáo, phe phái lung lạc, lũng đoạn… đã giúp chúng ta giữ yên trường học trong môi trường lành mạnh, tách rời khỏi ảnh hưởng đấu tranh phe phái.

Trong tâm tình ấy, tôi thầm ca ngợi thiện tâm thiện chí của các giáo chức:

* Các cố giáo chức lão thành đức cao, lòng độ lượng đã bảo bọc bao dung cho trường PCT chúng ta như thầy Bùi Tấn, thầy Trần Tấn, cô Trần Ngọc Liễn…

* Các thầy Nguyễn Lương Hiền, Nguyễn Bá Việt, Đỗ Viết Lê, Nguyễn Ngọc Thanh, Trần Đại Tăng, Ngô Hào… cẩn trọng tế nhị trong SHHĐ; nhất là trong việc chọn và hướng dẫn các ban đại diện học sinh trong lớp.

* Các thầy Bùi Đình Nhuận, Lê Long Viên, Đinh Văn Hiền, Lê Khắc Khoan, Dương Đức Phương… đã tận tình, công tâm khi hướng dẫn học sinh sinh hoạt thể dục thể thao.

* Thầy Trần Đình Quân với vẻ bề ngoài lạnh lùng nhưng lý tưởng và cảm tình sâu lắng. Thầy Tôn Thất Lan với nụ cười hài hước nhưng kỹ thuật điều khiển ca hát rất cao. Thầy Hoàng Bích Sơn cần cù, giáo khoa và kỹ thuật hòa âm, sáng tác đáng bậc đàn anh. Cô Nguyễn Thị Kim Thành điều khiển ca múa với những vũ điệu khó quên đã hướng dẫn sinh hoạt văn nghệ PCT vang “tiếng hát học trò xứ Quảng”. Thầy Đoàn Văn Toàn hiệu là Đỗ Toàn có chút phóng khoáng nhưng rất nghiêm túc trong điêu khắc, tạc tượng, người đã phụ trách mô hình kỹ thuật để dựng pho tượng cụ Phan Châu Trinh năm 1966.

* Thầy Đặng Như Đức vui vẻ hiền hòa dễ gây cảm tình. Cô Đặng Thị Liệu tinh thần công tác xã hội đã trở thành đức tính tự nhiên. Thầy Lê Quang Mai, tình người chan chứa không thể thiếu mặt trong mọi công tác cứu trợ thiên tai, chiến họa, một thời ở xứ gió cát sông Hàn. Tôi nhớ thầy Mai qua những lúc xông pha can ngăn người ta đốt phá nhà cửa, sát hại lẫn nhau và đem xác nạn nhân về bệnh viện trong biến cố 24/8/1964 và những lúc bất chấp mưa gió bão bùng nguy hiểm cùng tôi đi xe về Quân trấn ĐN, ở Sư đoàn 2 đến giải cứu gần 2 ngàn dân tị nạn ở bãi biển Sơn Chà về trường Tiểu học Hùng Vương xứ đạo Vinh Sơn Nam Thọ trong vụ bão Iria 15/9/1964…

Trường tôi PCT đã có một thời được những người giáo chức như trên hướng dẫn học trò làm công tác xã hội.

…Và còn quá nhiều bạn bè tình nghĩa đến và đi qua sân trường PCT theo thời gian.

* Có người chỉ một vài niên khoá nhưng “bụi phấn lớp học, gió cát sân trường” lưu dấu trong lòng… như các thầy cô Phạm Thị Bội Hoàn, Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Bùi Thị Bích Hà, Tôn Nữ Từ Diệm, Nguyễn Trung Hối, Trần Trừu, Bửu Thiếc, Hoàng Thế Diệm, Trần Xuân Giảng, Tạ Ngọc Minh, Tôn Thất Tạ…

* Có bạn từ sân trường vào quân trường, ra mặt trận rồi trở về sân trường:

- Lo việc trường, việc bạn như việc nhà: Trương Văn Hậu nhặt từng vỏ đạn dồn đống đúc tượng…, chân ướt chân ráo đến miền đất lạ đã lo gửi quà về giúp bạn… Quan tâm bạn bè, chia xẻ lúc buồn lúc vui như Trần Xuân Mai.

* Có bạn lúc già yếu, ốm đau, hoạn nạn vẫn nhìn qua cửa sổ nhớ bạn bè xưa, học trò cũ: Trần Công Kiểm, Lý Châu, Dương Quang Tiến…

* Có những bạn, nguyên học trò cũ, lớp xưa PCT trở lại trường trong vai nhà giáo tận tụy việc trường bất cứ nơi đâu: Trần Gia Phụng, Nhật Ngân.

* Có bạn sau 75 ở lại quê hương làm cầu nối góp tin bạn cũ, trường xưa. Trần Hoan Trinh bằng lời thơ huyền thoại, Dương Ngọc Tạo bằng giọng nói trịnh trọng từ số 7 D NTL, BT SG để bạn bè ở xa còn gặp được: Vĩnh Vinh, Dương Công Hầu, Hoàng Vũ, Lê Thị Như Hoa, Hoàng Thị Mộng Liên, Ngô Anh Tuấn, Lê Quang Ngộ, Ngô Hào, Nguyễn Bá Việt, Nguyễn Tòng, Trần Gia Định, Tăng Kim Lân, Tôn Thất Lan, Nguyễn Thị Anh… hiện ở Sài Gòn. Nguyễn Văn Kính và Cô Quỳnh, Lê Long Viên, Tôn Nữ Nộn Ngân, Trần Công Bê, Trần Trọng Huấn, Hoàng Bích Sơn, Trần Văn Hiến, Nguyễn Văn Đáo, Tôn Nữ Mỹ Hà, Huỳnh Ân, Hoàng Đình Hoạt, Dương Văn Khoa, Trần Thị Mua, Trần Văn Thông, Nguyễn Văn Thiên, Tôn Thất Chơn Tu, Phan Thanh Gia Lai, Huỳnh Khải… hiện còn ở Đà Nẵng.

RendezvousQuanHue

     Hình chụp tại Quán Huế Rendez Vous CA ngày 1.9.07

Với học trò, 15 năm ấy hàng hàng lớp lớp qua sân trường. Nội lớp ra nhẩm tính con số vạn cầm chắc, làm sao nhớ!? Hẹn dịp nào còn mạnh còn nhớ, sẽ nói chuyện: phạt đứng, phạt quỳ, phạt viết, xách tai, quất roi…

Chuyện những ai gây rối sân trường, chuyện những trưởng lớp, trưởng trường gương mẫu, óc lãnh đạo sớm phát… Chuyện trưởng ban, trưởng nhóm tài ba, chuyện những chuyến công tác xã hội đầy kỷ niệm hãi hùng có, kỳ thú có… Chuyện trại Hè, lễ hội rước kiệu, diễn hành, triển lãm, Văn nghệ phát thưởng… mà bắt đầu từ hồi Cò tôi mới bay đến sân trường 1961 đã chứng kiến đội trống nhạc Nữ sinh “đem chuông đánh xứ người” tận đại hội Thanh Niên Thị Nghè miệt Sài Gòn với Bạch Nga, Thị Quyên, Thị Nữ và mấy tay Nữ họ Thái trường PCT… Rồi học trò PCT ban đồi Mỹ Khê xây trại tỵ nạn cho đồng bào 1965 và toán Áo trắng học trò LV, CT, TT, CN ủy lạo, khích lệ đoàn “Ong biển” tiến hành công tác cho mau xong… Và lứa học trò ra trường năm 1974 với những học trò tình nghĩa trong “Dấu chân xưa NLC” và hậu duệ Lê Văn Chính (Bắc Cali), Nguyễn Đức Chương (Nam Cali) đứng ra kêu gọi bạn bè cựu học sinh 2 trường PCT- Nữ Trung học khắp nơi … tổ chức “tưởng thầy nhớ bạn 30 năm xa trường, xa xứ” thành công tốt đẹp vào ngày 29 tháng 5 năm 2005.

Chuyện còn dài, Cò tôi xin hẹn dịp sau kể tiếp.

Trần Hữu Duận

(Trích từ Kỷ Yếu PCT 2007)

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active

  

 Đọc Tiếng chim ngoài cửa lớp của nhà thơ Trần Hoan Trinh tức giáo sư Trần Đại Tăng, bỗng chập chờn một thuở Phan Châu Trinh – Đà Nẵng. Tôi đến trường trung học Phan Châu Trinh trước anh một năm: 1957, cũng tháng chín, mùa tựu trường nhè nhẹ sương thu… Năm mươi năm qua sao mà rõ ràng quá đỗi: nhớ về ngày xưa, tôi như em bé được mẹ nắm tay ngày tựu trường năm ấy; Thanh Tịnh bảo: “Hôm nay tôi đi học”.

Trên chuyến tàu tốc hành Huế-Đà Nẵng, mẹ tôi nắm chặt tay tôi khi tàu chui qua hầm Sen tối mò vì biết tôi sợ, nhất là lòng đang lo lắng cho đoạn rẽ cuộc đời, bâng khuâng vừa rời xa những ngày áo trắng. Mẹ thì thầm bên tai “ngày mai con thành người lớn”.

Ngày mai, 7-10-1957, mẹ nắm tay tôi dẫn đi từ nhà dì tôi đường Hoàng Diệu để đến nhận việc tại trường Trung học Phan Châu trinh. Hôm nay… Tôi đi dạy! Và sau đó nhiều lần nữa tôi vẫn trẻ thơ bên mẹ dù đã vào đời. Mỗi lần nhớ, lại cảm động đến buồn cười. Những ngày sau đó đi chấm thi ở các tỉnh xa vẫn được mẹ “dẫn đi”.

Lần chấm thi Trung học đệ nhất cấp tại trường Tran Quốc Tuấn, Quảng Ngãi, hai giáo sư nhận nhiệm vụ, giáo sư Nguyễn Trung Hối và tôi. Trong toa tàu hầu như toàn cả thí sinh, tôi được mẹ đặc biệt chăm chút. Thí sinh nhìn tôi như một người bạn đồng cảnh lều chỏng may mắn. Hôm sau vào phòng thi, các cậu thấy “cô bé” là giám thị, rụt cổ lắc đầu.

Tôi rụt rè bước vào phòng Hiệu trưởng. Thầy Nguyễn Đăng Ngọc nhìn tôi trong áo lụa trắng học trò, tóc dài mượt đen được làm gọn đằng sau bằng chiếc kẹp đồi mồi màu nâu. Thầy hiền từ cho phép tôi ngồi chiếc ghế trước bàn Hiệu trưởng. Hơi mỉm cười, thầy bảo:

-Cô giáo trẻ quá!

Không nhìn thấy sự lo lắng của tôi, thầy tiếp:

-Học trò ở đây từ các vùng mới tiếp thu …nên học chậm, lớn lắm, dạn dĩ, nghịch ngợm, sợ cô giáo trẻ không điều khiển nổi. Cô N. N trước đây khóc đó!

Sợ ông Hiệu trưởng nghi ngờ khả năng, tôi bối rối tìm cách bênh vực quyết định của mình. Ong hiệu trưỏng còn trẻ như các thầy tôi nhưng tôi không xưng “con” như ở trường mà làm cho mình “lớn” hơn một chút, tôi lễ phép thưa:

-Thưa ông cho cháu dạy thử, quả thực không được thì…

Thầy Ngọc nhìn sự vụ lệnh bổ nhiệm của Nha Giáo dục và hồ sơ của tôi trước mặt. Thầy ôn tồn bảo:
-Có cách chi …Cô phải có bề ngoài người lớn hơn một chút nữa.

Nhìn thấy sự ngạc nhiên trong mắt tôi, thầy tiếp:

-Ví dụ như cô đừng để tóc kẹp …học trò quá, trẻ quá không được.

Biết “khuyết điểm” vì dáng dấp học trò của mình, tôi vẫn quả quyết:

-Cháu sẽ cố gắng, xin ông cho cháu dạy thử. Cháu tin là có thể dạy được.

Thầy Ngọc nhìn tôi, hiền từ mỉm cười cho quyết định:

-Chị chuẩn bị, mùa tựu trường năm nay chị trở lại nhận việc. Tôi sẽ gởi thời khóa biẻu về sau. Chị dạy Anh, Pháp văn và Việt văn đều được phải không?

Tôi mừng rỡ cám ơn và chạy vội ra cửa báo tin cho mẹ.

Để trở thành giáo sư trường Trung học Phan Châu Trinh năm ấy, tôi phải hy sinh mái tóc dài, uốn ngắn cho thành “người lớn”. Bạn bè tôi tiếc nuối dùm tôi. Bạn T.Đ.Q học sau tôi một năm nhưng cùng sinh hoạt báo chí và văn nghệ ở trường, lúc đạp xe ngược chiều gặp tôi giữa cầuTràng Tiền đã đưa hai tay lên trời la lớn:

-Trời ơi, răng rứa?

Sau năm năm thành lập, trường trung học Phan Châu Trinh vẫn còn trống trải lắm. Sân trường nắng chang chang. Vài cây phượng vỹ mới trồng nhỏ xíu như không có, thèm một bóng mát. Bước vào cổng là một sân cát vàng và khô. Cát cứ bám vào chân mỗi lần xuống xe đạp, đẩy xe vào và nhắc xe lên ba bốn bực cấp, dựng xe trước phòng giám thị. Năm ấy thầy Diêu là Tổng giám thị; bà Chín vừa là giáo sư Nữ công vừa là giám thị. Tôi còn nhớ em Trần Đình Thanh Lam, con trai của bà, bắt đầu vào Lycée Đà Nẵng thì phải? Nhớ bà Chín tôi còn nhớ bác sĩ Trần Đình Nam có ngôi nhà đầy hoa, nhất là hoa lan mà các chị Kim Đính, An Hà Châu và tôi ngưỡng mộ …Cô Lệ An cũng là một giáo sư Nữ công lâu năm của trường … Tôi đang nhớ quá nhiều đây. Có lẽ vào măm ấy tôi là cô giáo trẻ nhất nên được sự thương yêu và chăm sóc của tất cả nữ giáo sư đương thời: chị Liệu dạy Anh văn; chị An Hà Châu dạy Việt văn và Sử địa; chị Kim Đính dạy Vạn vật, cùng ở Huế nên chúng tôi thường có những chuyến đi về Huế- Đà Nẵng cùng nhau. Những lần tàu qua hầm Sen, tôi cũng được chị nắm tay để khỏi sợ bóng tối … Có thể nói, lúc đó 90% giáo sư Phan Châu Trinh là dân Huế nên những ngày cuối tuần bến xe An Lợi tấp nập thầy cô tìm một vé xe trở về Huế sớm nhất.

Cùng dạy môn Văn, tôi biết anh Quế, giáo sư kỳ cựu, kinh nghiệm; anh Hối, anh Đáo…Anh Am, anh Hào dạy Anh văn; anh Tăng dạy Toán, anh Tòng dạy Toán và Vạn vật, anh vào trường Phan Châu Trinh trước tôi; anh Nhân gầy, cao … Trong tất cả các bạn cùng dạy những năm ấy, có lẽ cùng đường đi về dạy học, lại có biết từ ngày ở Quốc Học, nên anh Đặng Minh Trai là giáo sư tôi được dịp trò chuyện nhiều nhất. Chúng tôi bàn chuyện dạy, chuyện báo chí, sách vở và nhớ có lần lạm bàn về một nữ sinh có bút hiệu là Mai Trinh. Nhớ có lần phải cầu cứu anh xuống xe đạp, đi bộ với tôi một đoạn đường, vì các học sinh trường Bán Công cứ nghịch ngợm đi theo lải nhải “my English teacher”…Rồi tôi rời trường Phan Châu Trinh vào Nam, mất liên lạc. Sau đó lưu lạc xứ người, tôi được tin buồn anh không còn nữa…thương tiếc một người bạn hiền lành…

Một thoáng nhớ buồn cười trở về ký ức: suốt ba niên học ở trường Phan Châu Trinh, tôi dành hết thì giờ cho học sinh, yêu mến, tâm sự, sinh hoạt ngoại khóa, đạp xe lên đồi xuống dốc với các lớp của T.N. Tuý, N.D.L. Hương, P.N. Lâm …cắm trại bên dòng sông Thu Bồn … Tôi đã nói hết với học sinh tôi ngày ấy. Làm sao tôi quên được những ngày tập văn nghệ cho các em: vở kịch “Bến nước Ngũ Bồ” với Kim Long, Lê Thị Phú, Liệu… Với các em, tôi nhiều lời là thế mà sao với các nam đồng nghiệp tôi lại quá ít nói năng, có nhiều bạn trong ba năm dạy học đã không một lần trò chuyện. Năm 2001, anh Nguyễn Trung Hối đến Toronto tham dự Ngày Hội Huế chúng tôi tổ chức, nhắc lại những ngày ở trường Phan Châu Trinh, tôi phải xin lỗi mãi vì cái “nhút nhát kỳ cục” của cô giáo trẻ người Huế ngày ấy.

Thời khóa biểu của nhà trường thay đổi hằng năm. Có năm tôi dạy cả Anh văn và Công dân. Tôi gặp hầu hết các lớp của trường những năm ấy, lứa học trò đầu đời dạy học, tôi nhớ mãi hoài…

Sau bao năm rời xa trường, tôi “người lớn” đã lâu, con cái đùm đề, bỗng một hôm có một quân nhân tìn đến thăm tôi giữa giờ giảng dạy ở trường T.V Sài Gòn: Em Di đã làm tôi cảm động đến sửng sốt, cũng như hôm tôi gặp em N. P. Minh sau ngày em ở trại cải tạo về. Lần tôi nhận được thư của Trịnh Thái Cơ, nước mắt tôi đã làm nhòe dòng thư “Nhớ cô, em chọn nghề dạy học, em đang ở Gò Công…” Sau biến cố năm 1975, tôi nhìn ra em Kim Long, mặt buồn xo đang đứng đợi mua gạo ở phường Đakao, sau ngày đi cải tạo về … Tôi dừng xe đạp, bước xuống gọi, Long ngơ ngác, đưa tay sửa kính cận, nheo mắt hỏi
-Xin lỗi, chị là ai?

Biết ra tôi, cô trò đều khóc, Trưóc mắt tôi lúc nầy còn như đang nhìn thấy một em trưởng lớp cao lêu nghêu Cao Ngọc Trãn. Lớp tôi là giáo sư chính thì em Huỳnh Ngọc Lạc, một trưởng lớp nhỏ con, hiền lành, các bạn nói gì cũng cười…

Những ngày xa xứ, gặp lại một số học sinh trường Phan Châu Trinh, may mắn chúng tôi còn tìm lại được những ngày xưa thân ái: T. N. Tuý, N. D. L. Hương, Thu Liên, Thu Hà, Trần Ngọc Yến, Lê Bạch Nga, Huỳnh Thị Thương + anh Tuyến (tôi không gặp anh Tuyến trong lớp học ngày ấy thì phải?) nhưng dù sao cũng là những người Phan Châu Trinh để còn được nhắc đến những ngày xưa… Có một ngày nghe Thượng Tọa Thích Tịnh Đức thuyết pháp, để vui mừng biết đó là em T. T. Toản, học sinh của trường Phan Châu Trinh ngày nào… Những điểm son của nghề dạy học, tôi trân quý mãi hoài … Cho nên trường Phan Châu Trinh dù chỉ còn là hoài niệm, hoài niệm êm ái của đời tôi!

Xin được xin lỗi anh Trần Đại Tăng, vị giáo sư đã cùng tôi hai niên khóa ở trường Phan Chau Trinh mà không một lần trò chuyện. Cám ơn nhà thơ Trần Hoan Trinh với Tiếng chim ngoài cửa lớp đầy vơi tâm sự của người thầy bên bục giảng, nhất là bục giảng của trường Trung học PHAN CHÂU TRINH ĐÀ NẴNG đã cho tôi một tìm về trọn vẹn thương yêu.

Bài Viết Của YLA Lê Khác Ngọc Quỳnh  

Canada, chớm thu năm 2002

( bản nguyên tác của người viết )

 

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active

 5oVH2BW

 

Rb7b0f54aec1e439e13b6238a8688ad18

Ngày tôi vào học lớp đệ thất, niên khoá 1955-1956, trường Phan Châu Trinh còn rất nhỏ và chưa ổn định. 
Trường chỉ có 6 phòng học và một văn phòng, như một cái đình trong khu đất trũng và hẹp. Sáu phòng học dành cho hai lớp đệ tứ, hai lớp đệ ngũ và hai lớp đệ lục. Bốn lớp đệ thất chúng tôi phải học nhờ ở trường Nữ Tiểu học.

Khu trường Nữ trước kia là trường Nữ và trường Nam Tiểu học cùng với Ty Tiểu học của thành phố. Niên khoá này (1955-56) trường Nam Tiểu học được dời về khu bịnh viện cũ, đối diện với trường Phan Châu Trinh. Gần cuối niên khoá, tức mãi qua năm 1956, chúng tôi mới được về học tại 4 phòng học mới tiếp nhận từ "Ecole francaise" cũ, bây giờ là nhà Hiệu trưởng và các Giám thị.

Ngày ấy ,so với các trường trung học chính của mỗi tỉnh, thì trường Phan Châu Trinh của Đà Nẵng vẫn là một trường nhỏ. Những người có trách nhiệm chọn khu đất xây trường học đã không có cái nhìn cho sự phát triển về tương lai của trường cũng như của thành phố.

Hiệu trưởng bấy giờ là thầy Huỳnh văn Gi. Tên của thầy là một cách viết và đọc ngoại lệ của quốc ngữ. Niên khoá sau thầy Gi đổi về trường Quốc Học, Huế, và thầy Nguyễn Đăng Ngọc từ trường Quốc Học vào thay thế.

Trong các hiệu trưởng của trường, có lẽ thầy Nguyễn Đăng Ngọc gắn bó với sự phát triển của trường lâu nhất , và Thầy Ngọc cũng là vị hiệu trưởng gắn bó với tình cảm của học sinh Phan Châu Trinh nhiều hơn cả.

Các thầy , cô cũng thay đổi nhiều lần trong niên khoá . Thầy Oanh dạy Việt văn, cô Như Nguyện Pháp văn, cô Trà dạy Đức dục,thầy Bửu Thiết Anh Văn, chỉ dạy chúng tôi vài tháng rồi lần lượt trở về Huế.

Thầy Huỳnh Thố dạy Toán, chuyển về Sài Gòn để chuẩn bị đi du học. Thầy Nguyễn Đôn thay thế, đến hết niên khoá thầy Đôn lại trở về Sài Gòn tiếp tục học Y Khoa. Thầy Đôn dáng cao, mãnh khảnh, nhanh nhẹn và là một giáo sư rất vui tính. Những bài toán của thầy thật là khó, điểm thầy thường cho với nhiều số không sau dấu phẩy (0,00001.. .), rồi sau đó rất vui vẻ dùng thuốc tẩy để bôi sổ điểm cho cả lớp khi học trò năn nỉ ! Cả 4 lớp đệ thất không có ai giải nổi các bài toán của thầy Đôn. Sau tôi mới tìm ra rằng, với bài toán nhiều câu hỏi, thầy Đôn đã cắt đi các câu hỏi đầu để chỉ cho câu hỏi cuối ! Bỏ các câu hỏi trung gian, bài toán thường cũng sẽ trở thành một bài toán khó. Ai giải đúng bài toán sẽ được thầy cho điểm 19,9999 !

Thầy Nguyễn Lượng dạy Lý Hoá vài tháng, khoảng tháng 10 ( hay tháng 11 gì đó) thì được chính phủ Cọng Hoà trao cho một chức dân biểu, đại diện cho một đơn vị nào đó ở Quảng Nam.

Chỉ có cô Tôn Nữ Từ Diệm là dạy hết niên khoá. Các thầy, các cô thay đổi liên tục nên hầu như cô Diệm được giao phụ trách mọi môn trong khi chờ đợi có người đến thay, từ Vạn vật, Công dân, Lý hoá, Việt văn.. . môn nào cô Diệm cũng đều có dạy qua, " thập bát võ nghị" cô đánh tuốt !!! Đến cuối niên khoá cô Diệm lại nghỉ, vào Sài Gòn học khoá 4 trường Quốc gia Hành chánh.

Ngoài các Thầy , Cô từ Huế vô, lúc đó trường còn có các Thầy, Cô từ Bắc di cư vào. Và Đà Nẵng cũng như trường Phan Châu Trinh là nơi dừng chân tạm thời của các Thầy, Cô.

Các Thầy Hào, Toản, Bảo ngụ chung với nhau ở căn phòng trên đường Pasteur. Thầy Hào dạy Anh Văn, đẹp trai, ăn mặc rất bảnh và nói chuyện vô cùng hấp dẫn. Tình sử bấy giờ của nàng công chúa Margareth lãng mạng và chàng đại tá hào hoa Peter Townsend là câu chuyện mà thầy Hào kể nhiều lần cho học sinh các lớp thầy phụ trách. Bằng một giọng Hà Nội thanh lịch, nói rõ và rất nhanh lúc nào thầy cũng bắt đầu câu chuyện " Chúng ta biết rằng công chúa Margareth là người thế nào.." rồi thầy kể những giai thoại về nàng công chúa sầu mộng ,em gái của Nữ hoàng Anh quốc, và sau đó "Chúng ta biết rằng đại tá Peter Townsend là người thế nào.. .Đại tá Peter Townsend là anh hùng trong Không lực Hoàng gia Anh ..v..v và v..v.."

Các bạn tôi và tôi thường diễn trò bắt chước Thầy Hào kể chuyện, nhưng không ai có thể nói được nhanh, trơn tru không vấp váp như Thầy!..Mãi năm 1969, tôi mới được dịp gặp lại Thầy Hào ở Sài Gòn, lúc đó Thầy đang học năm cuối cùng ở Đại học Dược khoa.

Cũng là người Bắc nhưng Thầy Mậu ở đơn độc trong một phòng ở đường Quang Trung. Với thầy Mậu, môn Vẽ trở thành môn học chính! Chúng tôi tốn thì giờ cho môn Vẽ nhiều hơn các môn khác. Dù mỗi tuần chỉ có một giờ học Vẽ, nhưng luôn luôn có bài tập Vẽ phải làm ở nhà, không trang trí theo lối kỹ hà thì cũng luật phối cảnh, chân trời nằm trên, chân trời nằm ngang, chân trời nằm dưới ! Học Vẽ với Thầy Mậu phải chuẩn bị giá vẽ, giấy "croquis", bút chì đen số 2 , hộp màu chì, hộp màu nước, kẹp giấy .. ., lơ mơ không thuộc bài ,không đủ dụng cụ để đi vẽ ngoài trời là lãnh "zéro" ! Con số "zéro" của Thầy Mậu trong quyển vở rất là lớn. Thầy Mậu hát rất hay và có dáng dấp đặc biệt "nghệ sĩ". Tiếc rằng cuối năm Thầy lại rời trường để về học Vẽ ở trường Mỹ thuật Gia Định.

Các cô Nguyễn thị Hiển và cô Nguyễn thị Ngọ là hai chị em chú bác. Hai Cô di cư vào Nam, còn gia đình vẫn ở lại Hà Nội. Cô Hiển kể rằng lúc vào Đà Nẵng không có thân nhân, các Cô đến gặp ông Thị trưởng nhờ giúp đỡ nên được tạm thời ở ngay trong toà Thị chính với gia đình ông Thị trưởng , sau đó mới tìm được nhà trọ ở đường Hùng Vương.

Cô Ngọ dạy Việt văn, tuy là người Hà Nội nhưng cô có giòng nói khó nghe. Chúng tôi khổ vì môn chính tả, với giọng đọc của cô chúng tôi tha hồ bị nhiều lỗi ! Rõ ràng là đọc cuốn "Vàng và máu" của Thế Lữ, có đoạn tả về núi Văn Dú. Biết là núi Văn Dú, nhưng khi nghe cô Ngọ đọc là "Văn Rú" thì chúng tôi viết theo "Văn Rú", đến khi chấm bài nó lại là "Văn Dú", viết "Văn Rú" là sai !

Cô Hiển phụ trách môn Pháp văn, giọng nói Hà Nội của cô rất hay và rõ , nhưng cô lại không nghe được giọng Quảng Nam ! Tôi được cô chọn như là " thông dịch viên" của cô về giọng Quảng. Một hôm trên đường về, ở đường Đông Kinh Nghĩa Thục, trước sân vận động, cô hỏi tôi tại sao ở Đà Nẵng người ta bán gỗ mà lại gánh bằng thúng ? Tôi ngạc nhiên đáp chẳng ai bán gỗ mà bỏ trong thúng cả. Cô chỉ tôi người đàn bà gánh hàng đi trước. Ngay lúc đó người bán hàng rao : "Gộ không.. ." Thì ra, nhiều người Quảng Nam đọc "Gạo" thành "Gộ" và khi rao giọng kéo lên cao nên có thể cô Hiển nghe "gô." thành "gỗ" ?

Gắn bó với trường từ khi mới thành lập đến cuối đời chắc chỉ có các Thầy Trần Tấn, Bùi Tấn và Trần Ngọc Quế.

Thầy Trần Ngọc Quế dạy Việt văn. Tôi còn giữ mãi một kỷ niệm vui nhỏ trong giờ Việt văn, khi Thầy giảng Kiều. Thầy có vẻ vui thú pha chút tinh nghịch , hóm hỉnh khi đọc câu :

"Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng"

Đọc xong, Thầy lấy ngón tay đẩy cái kính cận thị lên một chút, nhìn chúng tôi một lúc rồi mới đọc tiếp các câu cuối ! .. Thầy đã mất trong trại tập trung của Cọng Sản…..

Thầy Trần Tấn dạy Pháp văn các lớp lớn , hồi đệ thất tôi chưa được Thầy dạy. Tôi không nhớ do đâu tôi tình cờ, may mắn có một cái chìa khoá để "mè nheo" Thầy. Lâu lâu hỏi Thầy :

"Thưa Thầy, tiếng Pháp dịch thế nào câu "coi như không có sự gì xảy ra…" hoặc rõ hơn một chút thì..." "à, là coi như không có chuyện gì xảy ra.. ." thì sẽ nhận được cái cười bẽn lẽn của Thầy với câu nói :"Cái thèn".. . Sau đó nếu thấy Thầy rãnh rỗi và vui vẻ có thể tiến tới một bước dụ Thầy đi ăn bò khô ở quán bò khô bên cạnh rạp Đại Nam. Thầy Trần Tấn cận thị rất nặng. Bị gọi lên đọc bài nếu không thuộc bài thì có trò hô "absent",( giọng nói của tôi Thầy quen nên không dám hô "absent" vì sợ Thầy biết !). Lớp tôi có Lê văn Nuối thay "chiêu" absent bằng cách viết cả bài "récitation" đem dán bên cạnh bàn Thầy, lên trả bài cứ nhìn đó mà đọc !

Năm đệ thất, chúng tôi chưa được Thầy Bùi Tấn dạy Toán, nhưng đã học sách của Thầy cùng viết với các Thầy Đinh Quy và Lê Nguyên Diệm. Thời gian này Thầy Bùi Tấn tạm rời Phan Châu Trinh đi làm Hiệu trưởng trường Trần Cao Vân ở Tam Kỳ mới được mở. Và khi có thầy nào được chính phủ bổ nhiệm thay thế thì Thầy Bùi Tấn lại trở về với trường Phan Châu Trinh.

Ngoài môn Toán, Thầy Bùi Tấn còn dạy môn Hán Văn cho những học sinh chọn cổ ngữ thay thế cho Anh văn, sinh ngữ hai.

Về giờ giấc, Thầy Bùi Tấn đã chính xác như một máy điện toán ! Suốt cả năm , bao giờ kẻng vào học thì Thầy đã bước đến cửa lớp. Giảng bài xong, Thầy đóng lại cặp sách thì kẻng báo hết giờ, như một công thức, không bao giờ sai khác.

Mùa Hè năm đệ tứ, chúng tôi chuẩn bị đi thi, bài học cuối cùng chấm dứt trước nửa giờ để Thầy dặn dò về chuyện thi cử, và năm phút sau cùng để chúc chúng tôi thi kết quả tốt, và lúc đó Thầy nở nụ cười đầu tiên trong năm. Khi Thầy Bùi Tấn cười, không bỏ lỡ cơ hội, Nguyễn văn Bé, người bạn hay đùa phá vội nói :" Thưa Thầy , năm nay tụi chúng em thi đậu hết vì ….. Thầy cười" Thầy quay đi để dấu cái cười nhẹ nhàng thứ hai.. .Hiền hoà mà nghiêm, đó là đặc điểm của Thầy Bùi Tấn. Học trò có lẽ chẳng ai dám quấy phá trong giờ Thầy dạy, nhưng cũng không ai là không thương mến và tôn kính Thầy…...

Nguyễn Chí Thiệp