
We have 168 guests and no members online
Trường Phan Châu Trinh các năm học trước mới chỉ có đến lớp Đệ Tứ ( lớp 9 ). Học xong Đệ tứ, đậu xong bằng Trung học Đệ nhất cấp, muốn học lên nữa, học sinh phải khăn gói ra Huế, hoặc vào Nha Trang, Sài Gòn. Năm tôi đến , niên khóa 1958-1959, trường mới được phép mở Đệ nhị cấp . Ba lớp : 1 Đệ tam A, 1 Đệ tam B, 1 Đệ tam C ( tức lớp 10 ABC ).
Tôi được phân công dạy tại cả ba lớp đó, vừa Toán ,vừa Lý Hoá. Riêng lớp Đệ tam B , đệ nhất lục cá nguyệt , tôi chỉ dạy môn Hình học, môn Đại số thầy Bùi Tấn dạy. Đến Đệ nhị lục cá nguyệt , tôi mới dạy hoàn toàn. Tôi được trường giao làm Giáo sư hướng dẫn lớp Đệ tam B ( Khoa học Toán ), lớp lớn nhất, lớp đầu đàn của trường.
Cơ ngơi trường PCT lúc đó còn rất nhỏ, gồm một dãy sáu phòng, vừa làm phòng học ,vừa làm văn phòng, mặt nhìn ra đường Lê Lợi.
Khuôn viên trường rộng bao la, trải dài từ đường Thống Nhất đến cạnh hông trường tư thục Phan Thanh Giản. Sân trường còn đổ cát, chỗ cao, chỗ thấp, bao quanh bằng một hàng rào kẽm gai quân đội thấp lè tè, đứng bên ngoài nhìn được hết mọi sinh hoạt bên trong.
Cây cối còn lèo tèo, bé khẳng khiu, phất phơ eỏ lả trước gió. Hè vừa rồi, tám phòng học gồm bốn trệt, bốn lầu được hoàn thành thêm, đứng vuông góc với dãy nhà cũ, lưng quay về phía đường Thống Nhất. Hai cơ ngơi cũ và mới lúc đó còn rời nhau, chưa nối kết vào nhau như bây giờ.
Ba lớp đệ nhị cấp đầu tiên được ưu tiên vào học tại 3 phòng trên lầu của dãy nhà mới , theo thứ tự Đệ tam A, Đệ tam B, rồi Đệ tam C. Vào trong lớp dạy còn nghe thơm mùi vôi mới, mùi gạch ngói mới, mùi bàn ghế mới...
Tôi muốn kể nhiều đến lớp Đệ tam B, lớp tôi dạy Toán và phụ trách giáo sư hướng dẫn hai năm liên tiếp. Đây là lớp dạy nhớ đời của tôi. Đây là lớp dạy để đời của tôi. Đây là lớp tôi vừa dạy vừa học. Đây là lớp tôi vừa là thầy vừa là bạn. Đây là lớp qui tụ tất cả gì là tinh hoa, là trí tuệ của Quảng Nam – Đà Nẵng lúc bấy giờ, của miền đất được mệnh danh là Ngũ Phụng Tề Phi.
Trong cuộc đời dạy học của mình, trong suốt 40 năm ở PCT, tôi đã gặp nhiều em học sinh giỏi, thật là giỏi, giỏi đến xuất chúng, giỏi đến độ mình là thầy dạy nó nhưng lắm khi cũng phải phục lăn ra, không thốt được nên lời !
Ngồi suy nghĩ lại, tôi phải công nhận là chưa hề gặp một lớp học sinh nào giỏi đều như thế. Vừa học giỏi, vừa thông minh, vừa tài hoa,vừa nghệ sĩ, vừa tình cảm. Hát hay, đàn hay, viết văn hay, làm thơ hay, vẽ rất đẹp, chơi thể thao cũng giỏi. Lớp khoảng 50 học sinh, toàn nam , chỉ có 2 nữ. Tôi còn nhớ :
Nguyễn Hữu Hùng, Lê Tự Hỷ, Tôn Thất Hải, Tôn Thất Tuấn, Võ Thị Thương, Phan Thị Xuân Nguyệt, Mai Chánh Trí, Phan Nhật Nam, Nguyễn Văn Minh , Võ Ý, Nguyễn Thanh Thừa, Đỗ Viết Tịnh, Nguyễn Bá Trạc ,Trương Công Nghệ,Phạm Văn Đồng, Hồ Công Lộ,Phan Bái, Bùi Ngọc Tô,Nguyễn Thu Giao, Võ Văn Hải,Chế Văn Thức,Đặng Ngọc Khiết, Vĩnh Lai, Ngô Văn Mạnh, Tôn Thất Chơn Tu, Giang Lý Đương, Lương Văn Thuận, Đỗ Hữu Toàn, Nguyễn Trác Diễm, Phan Bá Sáu...
Trưởng lớp là Võ Ý, đẹp trai, ăn nói nhỏ nhẹ. Trưởng ban báo chí là Đỗ Viết Tịnh, thơ hay vẽ đẹp. Trưởng ban văn nghệ là Đỗ Hữu Toàn, biệt hiệu Đỗ Toàn, guitar điêu luyện, hát rất hay. Viết văn có Phan Nhật Nam, Nguyễn Bá Trạc, Nguyễn Thu Giao, Đỗ Toàn. Làm thơ có Võ Ý, Đỗ Viết Tịnh, Tôn thất Chơn Tu (Chu Tân ).
Em nào cũng nghệ sĩ tài hoa đầy mình. Thầy trò tuổi sàn sàn nhau ( có mấy em lớn tuổi hơn tôi nữa ) nên rất dễ cảm thông nhau. Với chức năng là giáo sư cố vấn hai năm liên tiếp, nhất là vì mến thương các em , tôi hiểu kỹ từng em một. Từ cái hay đến cái dỡ. Từ cái học đến cái chơi. Và như tôi được biết thì các em cũng đã dành cho tôi một tình cảm ưu ái đặc biệt...
Lúc mới bắt đầu đi dạy, tôi còn rất trẻ. Có lần bác cai trường Nguyễn Văn Thôi đóng cổng không cho tôi vào trường theo cửa dành cho các thầy cô, chỉ tay bảo tôi đi vào bằng cổng nhỏ dành cho học sinh. Khi thầy Nguyễn Kế, lúc đó là nhân viên văn phòng phụ trách học vụ, trao thời khóa biểu cho tôi, thầy đùa bảo : “ Trẻ như thế này mà dạy lớp lớn thế à, học sinh nó xỏ mũi kéo đi đó, có sợ không ? “.
Giờ đầu tiên bước chân vào dạy ở lớp này cũng chính là giờ dạy đầu tiên trong cuộc đời dạy học của tôi. Mở cuốn sổ điểm danh mà hai tay cứ run run, nghe thoáng đâu đây từ cuối lớp : “ Trẻ thế này à ? “, “ Trông thư sinh quá ! “.
Bài dạy đầu tiên đáng lẽ phải kéo dài 50 phút, thế mà tôi dạy đâu chỉ 15 phút là hết bài ! Bối rối, không biết nói gì nữa, bèn lấy cuốn sổ gọi tên, gọi tên từng em một, bảo là để biết mặt, nhưng sao thấy em nào khuôn mặt cũng giống nhau hết cả ! Hết giờ, kiểng đánh, đi như chạy về phòng Hội đồng giáo sư, nghe tim còn đập liên hồi !
Bây giờ ngồi nhớ lại, tôi vẫn công nhận đúng đây là lớp có nhiều học sinh giỏi. Thuở ấy, mỗi lần giảng lý thuyết xong, tôi đều cho học sinh làm ngay một hai bài toán chạy, để kiểm tra trình độ tiếp thu của các em. Mới đọc đề vừa dứt, đã thấy các em ào ào đem bài lên nộp. Các em ngồi cuối, các em ngồi giữa bàn trèo lên hẳn qua đầu các bạn mình để tranh nộp bài cho mau. Lớp học bao giờ cũng linh họat, vui nhộn và thân ái...
Lớp Đệ tam B Phan Châu Trinh ( niên khóa 1958-1959)
Một sáng thứ hai, bước chân vào lớp, tôi gắt gặp nhiều nụ cười hóm hĩnh trên môi các em. Nhiều cặp mắt nhìn tôi lạ lạ . Trên mặt các bàn học, tôi thấy có đến hơn mươi tờ nguyệt san Phổ Thông của nhà văn Nguyễn Vỹ, đang ở trạng thái mở. Có mấy em đang chăm chú xem gì trong đó một cách say sưa thích thú.
Tôi cầm một tờ lên xem. Tờ báo đăng bài thơ “ Thoáng buồn “ của tôi, chiếm cả một trang giấy. Chà , bọn này tài thật, tôi đã biết gì đâu. Đến dạy ở trườngnày, tôi đâu có cho ai biết tôi làm thơ đâu. Chỉ có vài thầy, trước đây là bạn cùng lớp, mới biết mà thôi. Làm sao bọn chúng biết được biệt hiệu của mình ? Nghĩ như vậy nhưng trong lòng cũng thấy hãnh diện, vui vui.
Đến giờ học cuối sáng hôm đó ( tôi dạy giờ đầu và giờ cuối của sáng Thứ hai ), vừa bước chân vào lớp, mới ra hiệu cho các em ngồi xuống, tôi nhận được một món quà tặng thật bất ngờ, do Nguyễn Bá Trạc, từ cuối lớp đem lên : Trong giờ ra chơi, các em đã cùng nhau họa bài “ Thoáng buồn “ đó, mỗi người hai câu, riêng Nguyễn Bá Trạc ba câu kết.
Các em ký tên ngay đầu câu mình là tác giả một cách trang trọng. Bài thơ họa đậm đà, bay bướm, rất dễ thương. Tôi còn giữ kỹ bài thơ họa đó cho đến hôm nay. Tiếc rằng sau 30 năm lấy ra xem lại thì một số câu đã bị phai đi hoặc bị mọt ăn mòn.
Tôi ghi ra đây cả hai bài, bài của tôi và bài họa của các em, xem như một kỷ niệm đẹp. Vâng, một kỷ niệm rất đẹp và không thể nào quên của tôi.
Thoáng buồn
Thơ Trần Hoan Trinh
Nắng rưng rưng đọng bờ mi tơ liễu
Gió bàng hoàng thổi nhẹ áng mây xanh
Chiều hôm nay tơ trắng ngập kinh thành
Aó hồ thủy và mắt mầu ngọc bích
Tôi gặp em đi dáng buồn cô tịch
Gót u trầm vương vướng áo tơ bay
Nghe nhẹ nhẹ như tình yêu thoáng đượm
Nắng chảy lung linh dập dìu cánh bướm
Bước ngại ngùng ngường ngượng buổi sơ giao
Tóc rũ bờ vai trâm giắt hoa cài
Lời yên lặng trên bờ môi rung động
Em bâng khuâng giữa hồn chiều im bóng
Nhìn mây xanh bay phủ lối kinh thành
Mắt hồ thu rực rỡ nét tinh anh
Nhưng bỗng chốc lại u sầu vời vợi
Non nước hoa gươm đượm màu đen tối
Em nghiêng mình nhẹ nhẹ đón tơ bay
Nhớ thương ơi ! Mới gặp gỡ hôm nay
Đã nghẹn nghẹn như đang đưa tiễn
Đôi mắt tìm nhau nét buồn lưu luyến
Tim run run và lời cũng run run
Chiều dần nghiêng trong sắc nắng phai dần
Hồn lạc lõng vào một thời sơ thủy
Mắt hoàng hôn xanh như mầu thiên lý
Phấn hương chìm trên nếp má say mê
Mến yêu ơi ! Sao chưa hẹn chưa thề
Mới sư ngộ đã thấy lòng hoang vắng
Thoáng gặp mà thôi rồi xa vương vấn
Em lặng buồn ta cũng lặng ưu tư
Chớm yêu nhau lòng đã sợ tạ từ
Mơ mộng ngọc vẫn sợ thành ảo mộng
Em đứng miên man hoàng hôn gió lộng
Cả trời chiều gờn gợn nét hoang sơ
Ngơ ngác tìm mây lời vẫn lặng lờ
Em khe khẻ đưa tay cài lại tóc
Trong im lặng đã nghe hồn rưng rức
Lời run ta thầm nhủ thoáng buồn thôi !
Mến thương ơi ! Buồn tím bốn phương trời !
Bài họa : Bài thơ mùa Hè
Trang tặng tác giả “ Thoáng buồn “
Đại diện hội thơ III B : N Bá Trạc
Đặng Ngọc Khiết : Chiều hôm ấy gặp em bên bờ liễu
Liễu tơ xanh vẫn kém mắt em xanh
Bùi Ngọc Tô : Đêm hoa đăng sóng nhạc vỡ kinh thành
Duyên ướm nụ, mộng đúc màu ngọc bích
Nguyễn Trác Diễm : Nhớ bóng em anh sầu trong cô tịch
Tim tái tê theo cánh phượng úa bay
Lê Tự Hỷ : Vui gặp nhau chưa mấy độ thu nay
Mà đã khóc buồn mùa hoa thắm đượm
Phan Nhật Nam : Trong mãnh vườn hoa dập dìu cánh bướm
Bay vờn hoa như muốn mãi hoan giao
Võ Ý : Mái tóc xanh bướm kẹp với hoa cài
Hồn trong trắng môi hồng ôi sống động
Tôn Thất Hải : Đêm dần xuống tím buồn mình một bóng
Nghe u sầu tàn tạ khắp kinh thành
Hồ Công Lộ : Giờ biệt ly buồn lắm phải chăng anh ?
Buồn luyến tiếc tình dâng lên vời vợi
Tôn Thất Tuấn : Bóng cô tịch chìm dần trong u tối
Vài cánh chim lạc lõng lững lờ bay
Võ Văn Hải : Đôi môi kề em khẽ : nhớ hôm nay !
Mi ướt lệ em tôi sầu đưa tiễn
Đỗ Viết Tịnh : Phượng không rơi vì phượng còn quyến luyến
Thương tình gầy, gió đến phượng run run
Nguyễn Thu Giao: Trong chiều nghiêng hồn ngây ngất lịm dần
Cao vời vợi trời xanh khơi động thủy
Võ Thị Thương : Gió nâng nhẹ tiếng buồn vào thiên lý
Hỏi lòng đây tiên cảnh hoặc bến mê
Nguyễn Hữu Hùng: Đôi bờ vai buông rũ mái tóc thề
Mắt hoàng ngọc u sầu trong chiều vắng
Nguyễn Văn Minh : Nắng nhạt dần dâng lên niềm vương vấn
Vương trong lòng bao nhiêu nỗi ưu tư
Nguyễn Thanh Thừa: Hè về đây mang theo ý giã từ
Đâu còn nữa những ngày vui hoa mộng
Xuân Nguyệt : Hoa mầu thắm rung mình trong gió lộng
Lòng ngập ngừng mơ lại thuở ban sơ
Trương Công Nghệ : Ve than van bỗng dứt tiếng lặng lờ
Mầu nắng tắt thôi mơn man mái tóc
Nguyễn Bá Trạc : Thoáng trúc ty phượng hồn buồn rưng rức
Gợi ý sầu cách biệt tự đây thôi
Nét sơn xuyên lảng đảng gợn mây trời...
Hoạ nguyên vận bài “ Thoáng buồn “ của T. Hoan Trinh
Giờ ra chơi Thứ Hai 20/4/59
Sài Gòn, 2002
Trần Hoan Trinh
( * ) Chú thích của Ban Biên Tập : Bài này trích trong hồi ký Một đời thầy một đời thơ của Trần Hoan Trinh, tựa đề do BBT đặt. Bài thơ họa của lớp Đệ tam B niên khóa 1958-1959 ) đã được đánh máy lại và tác giả các câu thơ họa ký tên trước tên mình, để tặng thầy Trần Đại Tăng, tức thi sĩ Trần Hoan Trinh .
( ĐS Kỷ Niệm Trường Xưa, Santa Ana, California ngày 05 tháng 07,2009 )
Một trong những cái vui để lại kỷ niệm dễ thương và khó quên của ngày nhỏ đi học, là việc viết “ Lưu Bút “.
Không hiểu Lưu Bút được bắt nguồn từ thời nào? Có lẽ đã lâu, lâu lắm rồi , qua bao nhiêu thế hệ học trò, và đã trở thành như một truyền thống riêng biệt của giới trẻ cắp sách , mỗi độ Hè về trước khi chia tay .
Ngày ở tiểu học thì nhỏ dại quá , nên Lưu Bút hình như chỉ dành cho học sinh trung học . Những năm từ Đệ Thất đến Đệ Tứ, lứa tuổi thích mơ mộng , và âu lo thi cử ở giai đoạn này chỉ là man mác . Khi lớn lên một chút, phần vì “ ngây thơ “ ngày nhỏ cũng bớt đi (?) , thêm mấy năm Đệ Nhị , Đệ Nhất với hai kỳ thi Tú tài quan trọng canh cánh bên mình . Thế nên, Lưu Bút thường như chỉ “thịnh hành” và phổ thông cho lứa tuổi học trò Đệ nhất cấp.
Suốt thời gian bảy năm ở Phan Châu Trinh , Đệ Tứ ( niên khóa 1960-61), là mùa Hè duy nhất lớp tôi có viết Lưu Bút. Năm học gần hết, sắp lên Đệ Tam , mỗi người chọn một ban , rồi đây sẽ không còn chung lớp nữa. Có thể vì vậy , nên ai cũng mong “ có vài dòng “ trao đổi với các bạn để giữ lại một chút kỷ niệm .
Hơn nữa, năm học này bằng hữu trong lớp đặc biệt rất thân nhau. Qua ba năm chung học , sau bao nhiêu lần cùng đi du ngoạn đi trại với lớp, với trường bạn bè càng trở nên thân hơn. Rồi tự nhiên cách biệt giữa ” con trai - con gái ” xóa đi trong tình bằng hữu hồn nhiên trong sáng .(Hồi đệ thất học trò con gái học riêng). Cũng từ năm học này, có những tình bạn khắn khít từ ngày ở trường, kéo dài mãi cho đến lúc ra đời .
Còn nhớ mấy ngày cuối năm Đệ Tứ , những tờ giấy “ pelure “ mỏng manh thật đẹp đủ màu , xanh lạt tím lạt , hay hồng phấn ... với những tấm ảnh nhỏ được trao qua ,trao lại trong giờ học, giữa bạn hữu. Hầu hết con gái cũng như một số con trai trong lớp đều cùng hăng hái “ viết Lưu Bút “ ! Những giờ học cuối, không khí thật vui tươi , dù ngày chia tay không còn xa , khiến thầy Trần Ngọc Quế đã có vài nhận xét vô cùng hóm hỉnh và nhất là thầy Lý Châu, giáo sư hướng dẫn lớp , cũng phải để ý với lời “ khuyến cáo “ :
- “ Gần ngày thi rồi, sao cứ “ thương “ với “ nhớ “ nhiều quá ! “
Chuyện lớp Đệ tứ 2 rộn ràng viết lưu bút tuy là việc “ thuần túy nội bộ “, nhưng vô tình đã lan ra ngoài giới hạn của lớp !
Một hôm sau giờ ra chơi , vào học trờ lại thấy trên bàn tờ “ quảng cáo “ :” Nhận viết Lưu Bút thuê “ !.
Thôi thì đủ hết :
- “ chữ viết rồng bay phượng múa ! “
- “ tình cảm lâm ly , ảo não, vô cùng thắm thiết ! ”
-“ giao hàng cấp tốc ! .” v..v...và v..v...
Lại cũng không quên :
- “giá đặc biệt” cho nữ sinh lớp Đệ tứ 2 !
“ Ban biên tập “ với một dãy tên khá dài , toàn là những người lớp trên . Chắc mấy anh lớn PCT vui vui này muốn “ chọc quê “ đàn em ?!
* * *
Rồi như bao mùa Hè khác ở Trường cũ Phan Châu Trinh , Hè năm Đệ Tứ cũng êm đềm qua nhanh...
Đến nay, hơn sáu chục năm đã trôi qua, mỗi khi hồi tưởng những ngày còn đi học, thì tập Lưu Bút của mùa Hè năm ấy, lại trở về êm đềm trong trí nhớ, cùng với hình ảnh của các bạn học thuở nhỏ, nhất là những người bạn sau đây, đã “ có đôi dòng ” cho tôi :
Hoàng Thu Hồng : Lưu bút của Thu Hồng đầy ắp chân tình thương mến nhất mà tôi nhận được.
Từ trường Trưng Vương Sài Gòn ra, Thu Hồng vào Phan Châu Trinh năm Đệ Tứ . Tuy chỉ một năm duy nhất học chung, nhưng Thu Hồng là người bạn để lại cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên .
Hôm đầu tiên vào lớp, Thu Hồng vừa chịu tang Mẹ, trên đầu còn khăn tang trắng . Vẻ buồn của bạn làm tôi xúc động . Một tình thương tự nhiên đến, cảm tưởng như có điều gì được định sẵn, như cái “ duyên của một tiền kiếp nào ?.
Một hôm tình cờ coi tập ghi bài của Thu Hồng và đọc được mấy câu :
”... Cả con đường sao mọc lúc ta đi
Cả chiều sương mây phủ lối ta về
Khắp vũ trụ bỗng vô cùng thương nhớ ...”
( Đinh Hùng ? )
Vui mừng biết bạn thích thơ. Đây là một trong những điều tôi yêu thích ở Thu Hồng , cũng như thương mến bản tánh hồn nhiên và tình cảm chân thật của bạn .
Nhớ một chiều gần Tết cùng Thu Liên , Duyệt và Thu Hồng đi coi phim “ Một thời để yêu và Một thời để chết “ (Le temps d’aimer et Le temps de mourir ). Chuyện phim buồn làm tất cả cảm động, riêng Thu Hồng thì sướt mướt.
Thuở đó, đi chụp ảnh cũng là sở thích chung của Thu Hồng và tôi . Một lần , hai đứa đi chụp ảnh với Phạm thị Duyệt , nhưng Thu Hồng và Duyệt mỗi người lại chọn một tiệm ảnh ! Theo ý kiến của “ đa số “, tự nhiên tôi bị đặt trong thế là người phải quyết định , không thể làm vui lòng cả hai người bạn cùng một lúc được ! Đã cùng đi với Thu Hồng rồi , và đây là lần đầu với Duyệt, nên tôi chiều theo ý Duyệt . Thu Hồng cũng đi, tuy hơi miễn cưỡng .
Hôm coi ảnh thử để chọn, trong hình thấy Duyệt và tôi cười vui, còn Thu Hồng với một vẻ “ nghiêm trang ” thật tức cười !.Tôi vẫn muốn có tấm hình đó, nghĩ để giữ như một kỷ niệm. Nhưng Thu Hồng nhất định không chịu ; kết quả là chẳng có ảnh chung . Ra về tôi hơi buồn . Hôm sau trên bàn học, chỗ tôi ngồi, có một nhánh hoa khế tím nhỏ và vài giòng của Thu Hồng đại ý : “hẹn lần tới “.
Nhưng rồi một ngày đẹp trời ngẫu hứng cho tất cả tình cờ cùng thích đi chụp ảnh không phải dễ, thêm mùa thi lại gần kề ... Và “ lần tới “ đã không bao giờ còn có nữa !.
Bên cạnh những sở thích như nhau, Thu Hồng với tôi cũng có vài khác biệt , song điều này không làm giảm chút gì tình thân giữa đôi bạn .
Năm này, tụi tôi hay học chung, mà thì giờ nói chuyện bâng quơ thường nhiều hơn giờ học ! Thu Hồng rất thích hát, ( dù không hát hay ) , ngay cả khi đang làm toán cũng “ nghêu ngao “ ! Ngày ấy, hơi “ phiền “ cái “ tật” lơ đãng trong khi học của bạn . Nhiều lần tôi nhắc nhở, nhưng chẳng “ thuyết phục “ được ! Có lẽ đây là một trong vài thói quen của Thu Hồng , mà đã là thói quen thì hình như khó bỏ ? ( như thói quen hễ thấy hoa gì nhỏ là cũng thích rức từng cánh li ti để “ bói “: il m’aime un peu, beaucoup, ... ! . Trò chơi này , vô tình bao lần đem lại cho Thu Hồng của tôi những vui, buồn không duyên cớ ! )
Bản tánh cởi mở, Thu Hồng đối xử với các bạn con trai trong lớp tự nhiên cũng như bạn gái. Thường tươi cười vui vẻ, nhưng đôi khi chợt có lúc thật buồn và than “ cô đơn “.( Vì mất mẹ , Thu Hồng sống với gia đình người chị , và tình thương của người chị, tôi nghĩ, có lẽ không đủ ấm áp cho trái tim côi ?. Thương bạn, song ngày đó, tôi chẳng biết nói chi để an ủi. Nhiều năm sau, khi đã lớn, mỗi lần nhớ Thu Hồng mới thấy xót xa cho bạn. Phải chăng “ cô đơn “ nhiều lúc không hẳn là không có người bên cạnh, mà là cảm giác trống trải như chẳng có ai hiểu mình ? )
Ngô thị Kim Oanh : Người bạn vui tính, hểu hảo mà tôi thương mến nhiều, dù với tôi, bạn hay có “ thú thương đau “ . Suốt mấy năm chung lớp không biết bao phen tôi bị bạn chọc phá rất “tận tụy” !
Ngay lần đầu rủ tôi lại nhà chơi, Kim Oanh , đã “ đưa lầm “ địa chỉ nhà của Phan thị Hoa ! Sáng thứ hai gặp nhau, chưa kịp hỏi đã thấy Kim Oanh gập cả người mà cười thích chí !
Nhớ nhiều buổi tan trường, cùng về trên đường Thống Nhất, Kim Oanh luôn luôn tìm cách phỉnh gạt, chọc phá tôi không ngừng !. Tánh vui của bạn như chuyền sang người khác, nên thật khó mà hờn giận được Kim Oanh, dù chỉ 5 phút !
Tuy hay đùa giỡn bên ngoài, Kim Oanh cũng là người tình cảm. Lưu bút của bạn nhắc nhiều đến trại Hè toàn trường , cuối niên khóa 1959-60 , và đêm trăng nơi đồi thông Mỹ Thị . Khuya hôm đó, hai đứa nằm bên nhau, thì thầm nói chuyện , và tôi tin Kim Oanh, cũng như tôi, đã bồi hồi cảm thấy niềm vui ấm áp trong tình bạn .
( Đồi thông Mỹ Thị, nơi để lại bao kỷ niệm êm đềm khó quên... Nhớ dưới chân đồi có con lạch mà hai ngày trại ở đây bọn tôi đã xuống lấy nước. Con lạch nhỏ đó, hơn nửa thế kỷ sau, qua email của Nguyễn Hữu Lân, người bạn học cùng lớp , mới hay thuở xưa từng mang tên “ sông Cổ Cò” :
“ ...Ngày trước đó là thủy lộ duy nhất cho thương thuyền đại dương của Hoà Lan, Nhật Bản, Tàu...qua cửa sông Hàn, theo sông Cổ Cò vào Hội An trao đổi hàng hóa, tạo nên Phố Hội. Cả thế kỷ sung mãn Đàng Trong thời Chúa Nguyễn ... Thế rồi sông bị lấp dần. Phố Hội thất thế vì thương thuyền không vào được...”Tourane“ bị Pháp chiếm thành nhượng bộ, Hội An bị bỏ quên...”
Thì ra hai ngày trại Hè PCT nơi đây, bằng hữu và tôi đã lê chân “ dẫm lên lịch sử ” mà nào có hay ! )
Khoảng thời gian đầu , khi Vương Ngọc Hà vừa lập trang Web “Một Thời Phan Châu Trinh “, Kim Oanh gởi cho coi lại tập Lưu Bút của Hè Đệ Tứ 1961, sau hơn bốn chục năm rời trường . Cảm động khi thấy Kim Oanh còn cất giữ ngay cả mấy cái “ notes “ cùng vài hình vẽ nhỏ tôi gởi bạn từ hồi xa xưa. Bạn cũng không quên cho lại tấm ảnh , ngày tôi vừa lên 16 . Thật ít có người bạn nào còn giữ hình ảnh của mình sau mấy chục năm dài xa cách ... Hôm nhận được, nếu có Kim Oanh bên cạnh, chắc tôi chỉ ôm ghì bạn vào lòng mà chẳng nói được “ cám ơn “ !
“ Mai sau dầu có bao giờ
Đốt lò hương cũ so tơ phiếm này “ ( ND )
( Trong tập LB Đệ tứ 2 của NTKO )
Đinh Văn Thìn : Cũng là một người bạn hay nghịch phá , song đầy thân thiện như Kim Oanh . Suốt mấy trang Lưu bút dài mà hơn phân nửa nhắc lại vụ “ cặp đôi “ tôi với một bạn học trong lớp , hồi Đệ Ngũ , và “ lấy làm tiếc ...”. Tuy chỉ một lần, rồi sau cả lớp đã quên bẳng và ngay chính người bị phá cũng thấy đó là “ chuyện năm ngoái “ !.
Vài năm sau ở Sài Gòn , một chiều đi học về nghe có “ người bạn Phan Châu Trinh mới ở Mỹ về, ghé thăm “. Chẳng thể đoán được ai ! Thì ra đó là Đinh Văn Thìn.
Bất ngờ và vui mừng khi gặp lại người bạn học cũ . Được biết xong trung học, Thìn chọn binh chủng Không Quân, và được gởi qua Mỹ học, vừa trở lại nước nhà sau khi tốt nghiệp .
Nghe Thìn vui thích kể về thời gian học lái máy bay, “biết đâu sẽ được đọc một cuốn tương tự như “ Đời Phi Công ? “ tôi hỏi ,và Thìn vui vẻ trả lời, trong tiếng cười ròn rã :”Thật tiếc tôi không có tài như ông Nguyễn Xuân Vinh , lại chẳng may mắn được một cô Phượng nào cho nguồn cảm hứng ! “.
Còn nhớ một Đinh Văn Thìn cao lớn khoẻ mạnh, hồn nhiên, đầy vẻ yêu đời, nói cười sang sảng , vui chuyện với bằng hữu buổi chiều hôm đó .
Chỉ vài tuần ngắn ngủi sau, đọc báo thấy cáo phó “Phi công Đinh Văn Thìn đã hy sinh vì công vụ “, không thể ngờ được ! Chỉ biết cầu mong có sự trùng hợp tên...Cho đến một ngày, bàng hoàng nhận được vài giòng của người bạn học khác, Phạm Ngọc Chấn, rất thân với Thìn, đang du học ở Canada, gởi về cho hay : “máy bay rớt, kéo Thìn đi theo ! ``.
Thế hệ của chúng tôi, một thế hệ tuổi trẻ lớn lên trong thời đất nước chiến tranh , ngoài Đinh Văn Thìn còn có bao người bạn khác, như Lê Khả Trính, Huỳnh Ngọc Tài, Lê Đình Hải, Huỳnh Lô ... đã hy sinh lúc vừa mới bước vào ngưỡng cửa cuộc đời.
Phạm thị Duyệt : Qua trang Lưu Bút hiền hoà , Duyệt nhắc nhở hết lại cho tôi bao lần cùng du ngoạn hay đi trại với lớp, với trường : Kỳ Lam, Lăng Cô, Mỹ Thị, Mỹ Khê...và nhất là kỷ niệm , tuy nhỏ nhưng khó quên , của riêng hai đứa tụi tôi, hồi năm Đệ lục , 1958 , trong lần du ngoạn ở Tiên Sa cùng với cả lớp .
( Tiên Sa : một bãi biển thơ mộng rất dễ thương và sạch nhất của Đà Nẵng xưa. Rãi rác trên bờ biển nhiều tảng đá thật đẹp. Những tảng đá đen tuyền này, có lẽ đã ở đây từ bao trăm năm, hay có thể từ ngàn năm trước ?, và chắc đã được sóng vỗ lên hàng triệu ,hàng muôn ức lần, nên bóng láng . )
Hôm ấy, chẳng hiểu sao Duyệt và tôi cứ thích trèo lên những tảng đá vô cùng trơn trợt này để chụp ảnh, thay vì đứng bên cạnh . Hai đứa níu tay giúp nhau, mấy lần cố gắng bước lên, nhưng có lẽ vì cười quá nên cứ trợt chân xuống ! Cuối cùng cũng lên được , để vui mừng có tấm ảnh !
( Du ngoạn Tiên Sa, Đà Nẵng1958 . Ảnh của PTD )
Hơn bốn mươi năm sau , từ Paris, Duyệt gởi cho lại vài hình ảnh thuở đi học, trong đó có tấm ảnh đen trắng nhỏ tí nơi bãi biển Tiên Sa , gợi tôi nhớ thật nhiều ngày vui xưa... Trong một ảnh khác, gần như đầy đủ cả lớp, ở lần du ngoạn Mỹ Khê, năm Đệ tứ . Nhớ hôm ấy vào một ngày trời lộng gió và âm u ( tháng 10/1960 ) mà lại phải đạp xe ngược chiều gió . Mệt nhiều, nhưng vẫn vui nhiều. Một ảnh khác nữa , cũng ở lần du ngoạn này, Duyệt cùng Thu Liên, Thu Hồng, Lê Văn Chơn và Lê Tự Rô, tươi cười ngồi bên nhau trên đồi cát ở bãi biển Mỹ Khê . Năm người bạn học vô tư ngày nhỏ nay Duyệt và Lê Tự Rô đã ra đi , ba người bạn còn lại, mỗi người một nơi ...
( Trên đồi cát bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng tháng 10/1960 . Ảnh của PTD)
Đặng Kim Hùng : Người bạn luôn luôn tươi cười và khi nào cũng đặc biệt hoà nhã với bạn hữu . Trang Lưu Bút phản ảnh tính cởi mở dễ thương của người viết.
Đặng Kim Hùng nhớ đủ hết tất cả những người bạn có mặt ở lần họp mặt bằng hữu nơi nhà tôi, đầu mùa hè năm Đệ Tứ , và kể lại không sót một người nào ! Lưu bút dài với lời lẽ hồn nhiên của bạn nhắc nhở cho tôi nhiều chi tiết thật vui của buổi họp mặt nhỏ ấy, mà chính tôi đã không còn nhớ được hết.
( Gần nửa thế kỷ qua đi, một người bạn cùng lớp khác, trong lần nói chuyện qua điện thoại , tình cờ có nhắc lại cho : ở họp mặt đó, người bạn hồn nhiên luôn luôn vui tươi Đặng Kim Hùng đã hát bài “Đò Chiều “, ( một ca khúc buồn ?) để ...giúp vui ! :
“... Một ngày nào trên bến cô liêu
Xóm bên sông tiêu điều
Buồn hắt hiu muôn chiều …” )
Sau khi đã rời Phan Châu Trinh, một chiều chủ nhật vừa ở phòng học của thầy Trương Bá Trước ra, đang đứng trên lề đường Đinh Tiên Hoàng, Đa Kao, Sài Gòn, bỗng nghe tiếng ai gọi thật lớn: “ TH ! TH ! “. Nhìn lên thì thấy trên một xe nhà binh lố nhố những sĩ quan Thủ Đức đang chạy ngang qua, và Đặng Kim Hùng vừa nhô đầu ra ,vừa gọi .
Nhận ra bạn học cũ, tôi cũng mừng quá. Đến gần ngã tư đèn đỏ thấy xe chạy chậm chậm lại , tôi vội đi theo một quảng, nhưng chưa kịp chào, hay hỏi chi thì đèn chuyển sang xanh và xe vụt mất ! Xe chạy một quảng xa rồi, nhìn theo vẫn còn thấy bóng Đặng Kim Hùng nhô đầu ra và bàn tay bạn vẩy vẩy ...
Rồi chỉ thời gian ngắn sau , vào một ngày gần Giáng Sinh ở Sài Gòn xưa, gặp Lê Văn Chơn, một người bạn cùng lớp thân thiết với Đặng Kim Hùng ở PCT, cho hay Hùng vừa mất trong thời gian còn ở quân trường Thủ Đức .
(Phần mộ của Đặng Kim Hùng,an táng dưới chân núi Hoà Sơn cách Đà Nẵng 12km ngày 14/8/2003. Ảnh của LVC )
* * *
Tập Lưu bút mùa Hè năm Đệ Tứ , dấu tích của những ngày tháng êm đềm, được nâng niu gìn giữ mãi với trân quý đặc biệt , cho đến ngày di tản tháng 4/75, ra đi vội vàng trong hốt hoảng, không kịp mang theo được . Tôi đã để lại đàng sau kỷ niệm dễ thương của một phần đời vui tươi và êm ái ...
Tôi không phải là người sống trong dĩ vãng, chỉ nghĩ đến những ngày “ tuyết năm xưa “, Les neiges d’Antan , nhưng tình cảm tốt đẹp của những ngày trước mà không tàn phai theo năm tháng cũng thật là rất quý. Cám ơn những người bạn cũ đã gìn giữ bao kỷ niệm êm đềm của Trường xưa và đã cho tôi nhớ lại những ngày vui qua, khi bước vào tuổi lớn .
Tháng năm lặng lẽ đều đều lướt nhanh, tất cả những gì rồi cũng xa rời chúng ta, song những tình cảm tốt đẹp, trong sáng ấy vẫn còn theo ta mãi mãi , hay ít nhất cũng đến những ngày cuối của cuộc đời ...
Phan Thu Hà
( PCT 1957-64 )
Niên khóa 1958-59, phòng học của lớp Đệ lục 2 Phan Châu Trinh, ở trên lầu , gần cuối dãy. Nhớ một hôm tan trường, vội vàng ra về, để quên tập. Sau phải trở lại lấy, và khám phá ra phòng học, tưởng là “ giang sơn “ riêng của Đệ lục 2 ban mai, cũng là phòng học của Đệ Tam B, buổi chiều.
Hơn một lần để quên tập, sao tôi vẫn nhớ lần này hơn cả ? Có phải như câu nói của một người bạn cùng trường cũ, mấy chục năm sau : “ Không có sự việc, sự vật nào vô nghĩa, cho dù vật nhỏ nhoi, việc tầm thường nhất. Nhưng chỉ đối với những người lưu tâm tới nó, mới nhận được tác động cụ thể của nó mà thôi “.
Phải rồi, phòng học này cũng là nơi Đoàn thị Tường Vi, người bạn thân đầu đời, bao lần ở giờ ra chơi, đã thập thò nơi cửa lớp đứng đợi tôi, ngay cả khi còn giáo sư. Các thầy cô khác hình như chẳng để ý, ngoại trừ Cô Liễng (bà Trần Ngọc Liễng ). Một hôm Cô hỏi, thì Tường Vi thưa : “ em đợi H “. Nhiều lần quá, mãi rồi Cô thấy quen, không hỏi nữa ! Một ngẫu nhiên êm ái là Tường Vi và tôi, dù khác lớp , vừa gặp nhau là trở thành đôi bạn nhỏ thân thiết, khắn khít không rời.
Ngoài những giờ ra chơi ở trường, chủ nhật hay ngày lễ, Tường Vi thường lại vào những lúc tôi trông đợi nhất. Hai đứa qua bao nhiêu giờ, bao nhiêu ngày quấn quýt bên nhau.
Vui nhất là những lần ”tập đi xe đạp”. Dù Hè Đệ thất đã tập, song tôi vẫn chưa rành. Trong khi Tường Vi vừa đi được cả xe đạp “đầm“ lẫn xe đàn ông người lớn. Một chân quàng qua thanh ngang, bạn vòng qua, vèo lại trong sân nhà tôi. Đứng nhìn Tường Vi, nhanh nhẹn y hệt một con sóc nhỏ, tôi phục lắm, trong khi mình cứ lên xe là té xoành xoạch ! Hai khuỷu tay và đầu gối của tôi, ngày đó, đầy “ thương tích “. Những vết xước, có khi rớm máu, khá đau , được thoa dịu bằng những cái thổi nhẹ thật mát, với xuýt xoa ân cần của người bạn nhỏ dễ thương, khiến tôi quên đau ngay, để không bỏ cuộc.
Cuối tuần nào đẹp trời , tụi tôi đều nghĩ ra một trò chơi riêng. Thường thường là nơi khoảng sân nhỏ, dưới gốc cây bên hiên nhà tôi. Khi thì chơi “ nấu ăn “, nấu xôi, nấu chè ... với mấy cái nồi tí hon, thô sơ bằng đất . Rồi sau cùng nhau vui thích thưởng thức “công trình”... Có khi “ tập may áo” với mấy mãnh vải hoa kiếm được đâu đó, cho con búp bê nhỏ. Rồi tắm cho nó và thay áo mới trước khi ru ngủ , tưởng tượng như thể đang chăm một em bé ! ( Ngày xưa đồ chơi của trẻ con rất đơn sơ , nhưng bọn tôi vẫn thấy vui và cảm thấy “đầy đủ” với số đồ chơi giới hạn mình có ).
Chủ nhật nào trời mưa, không ra ngoài chơi được, hai đứa bên nhau, nằm “nghe mưa rơi lộp độp trên mái nhà ”, hân hoan xem đó như một “khám phá“ mới ! Có khi cùng đọc truyện của các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn. Bắt đầu từ Khái Hưng , qua “ Ông Đồ Bể “ , cùng say mê “ Tiêu Sơn Tráng sĩ “... Hay tìm đến Nhất Linh , qua “ Đôi Bạn “ , và từng có một chút “thắc mắc “ : “ Dũng và Trúc , hay... Dũng và Loan chính là “ Đôi bạn “ theo nhà văn Nhất Linh ? .
Và cả hai đều vô cùng ngưỡng mộ Vua Quang Trung, qua bài học Sử :
” ...Ngày mùng 5 Tết , Nguyễn Huệ tiến quân vào thành Thăng Long, aó giáp vàng còn hoen thuốc súng ...” . Hình ảnh thật đẹp và biết bao oai phong này, hơn tất cả nhân vật lịch sử nào của Việt Nam , lại như biểu tượng của một đấng nam nhi hào hùng lý tưởng, qua nhận thức của... tuổi 13 !
Hồi ấy cũng là thời gian cây vợt bóng bàn trẻ tuổi Lê Văn Tiết đem lại vinh dự cho Việt Nam Cọng Hoà , lúc đoạt giải vô địch bóng bàn tổ chức tại Pháp , sau khi oanh liệt hạ tay vợt người Nhật- đương kim vô địch thế giới thời điểm đó .
Một ngày vui mừng và hãnh diện khó quên của đất nước, của người dân miền Nam và nhất lả của thế hệ tuổi trẻ Việt Nam, trong số có Tường Vi và tôi. Bấy giờ chưa có truyền hình, tất cả tin tức chỉ qua truyền thanh hay báo chí mà thôi. Tuy nhiên, bất cứ hình ảnh hay tin tức nào về “ thần tượng “ Lê Văn Tiết mà Tường Vi cắt giữ lại được ở những tờ báo trong nước đều thích thú đem lại cho tôi xem . Và những gì tôi biết , qua người cậu , một “ fan “ trung thành của Lê Văn Tiết, qua mấy tờ tạp chí thể thao, báo quân đội v..v... tôi cũng nôn nao trông đợi lúc gặp Tường Vi, để vui mừng chia sẻ ngay với bạn .
Còn nhớ một chủ nhật trời mưa, Tường Vi vẫn lại chơi với tôi, như thường lệ. Hôm ấy, hai đứa đang chơi “croix-zéro“, bỗng tình cờ nghe được bài hát “ Đường Lên Sơn Cước “ , lần đầu tiên, ở trên đài phát thanh Saigon , từ cái “ radio “ nhỏ của gia đình. Cả hai liền ngừng chơi , lắng tai theo dõi một tiếng hát nào thật hay, thật vô cùng ấm áp . Và tôi yêu thích ngay lời ca cũng như nhạc điệu của ca khúc này. Vài câu hát như còn văng vẳng bên tai tôi , cả mấy ngày sau :
“ ...Tôi mơ bóng dáng yêu kiều
Xa trong rừng núi, trời sương khói mờ
Sầu vương vấn trên đường tơ...”
Chủ nhật tiếp đến, không hiểu Tường Vi tìm được ở đâu và chép lại nguyên lời của toàn bài hát, rồi đem đến cho tôi như một “surprise“. Tựa bao lần khác, Tường Vi như thể “ đọc “ được những gì trong ý nghĩ của tôi ...
Đôi bạn nhỏ qua bao ngày vui êm đềm, ấm cúng trong tình bạn . Quả đúng với câu “ tâm đầu ý hợp “.
Nhưng, chỉ mấy tháng sau, năm học hãy còn chưa hết, Tường Vi đột ngột ra đi ! Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nhận nỗi đau khi mất người thân. Cái chết của bạn nhỏ ám ảnh tôi mãi.
Tình bạn, dẫu chỉ một thời gian ngắn, đã để lại cho tôi biết bao thương nhớ. Những ngày tháng tiếp đó , nhiều hôm đi ngủ tôi đều mơ thấy Tường Vi . Tưởng chừng như bạn nhỏ hãy còn sống và vẫn đến với tôi, rồi bao lần như một, tỉnh giấc trong thổn thức... Mẹ tôi thấy vậy đã lo lắng, ,an ủi và khuyên nhủ tôi : thương Tường Vi thì cầu nguyện cho bạn , vì “ thương nhớ khắc khoải chỉ làm người ra đi bận tâm, linh hồn khó siêu thoát “. Tôi nghe lời mẹ , cố gắng nguôi ngoai dần, sau một thời gian .
Hôm Cô Liễng hay tin Tường Vi mất, Cô ôm tôi : “Oh ! les deux petites inséparables qui se séparent...“ ( “ Hai nhỏ không rời nhau mà xa nhau... “) . Cô làm tôi muốn khóc !
Hơn sáu chục năm đã trôi qua, nhưng gương mặt hồn nhiên láu lỉnh dễ thương, với mấy nốt tàn nhang li ti hai bên sống mũi, cùng tiếng nói nhanh , thật vui của bạn nhỏ, vẫn đằm thắm và hãy còn rõ như in nơi ký ức của tôi .
Mỗi lần nghĩ, nhớ đến người bạn thân đầu đời là tự nhiên hình ảnh của Cô Liễng , cô giáo dạy Pháp Văn ngày xa xưa , lại cùng một lúc nao nao hiện ra trong hồn tôi. Như gần đây, một hôm bất ngờ nhận được email báo tin Lễ Cầu An đầu năm của Chùa Khánh Anh bên Paris. ( Có thể một người bạn Phan Châu Trinh nào đó hay lễ chùa này , đã tiện tay ghi địa chỉ email của tôi vào danh sách đệ tử nhận thông báo ? ) Biết Cô Liễng đã qua đời và tro cốt của Cô được ký tự nơi đây, một niềm xúc động , chen lẫn trong tín ngưỡng, nhớ thương và bâng khuâng nơi hồn tôi...
Tôi tin linh hồn con người vẫn còn tồn tại sau cái chết , cũng như tin tưởng tình cảm là sự hổ tương. Và Tường Vi , dẫu đang ở thế giới xa xôi nào đó, vẫn nghĩ và nhớ đến tôi, như tôi vẫn hằng thương nhớ bạn.
Tường Vi ơi, rồi đây sẽ có ngày tụi mình gặp lại nhau , hi vọng ở một nơi cũng êm đềm như “ thiên đường Phan Châu Trinh “ thuở xưa...
Hảo Thanh
( PCT 1957-64 )
Khi lớn lên bắt đầu cắp sách đến trường, tôi học vỡ lòng tại một trường làng ở gần đình Thành Mỹ, quận Tam Kỳ. Cô giáo là bà chị con ông bác của tôi là cụ V.N.C. Nhưng rồi thay vì “ xuống “Quán Rường, theo học trường tiểu học của xã Kỳ Mỹ lúc bấy giờ, tôi lại về ở với ông bà ngoại ở làng Kim Đới , xã Kỳ Anh và rồi đậu bằng “ thành chung “ ở đó. Nghe nói có bằng “ thành chung “ chắc quý vị tưởng tôi già lắm. Bằng thành chung thì vào thời Pháp thuộc kia. Nói cho vui vậy chứ tôi đậu bằng tiểu học vào năm chót của thời Đệ nhất Cộng Hoà, tức là hè năm 1963.
Sau đó tôi thi đậu vào lớp Đệ thất của trường Trần Cao Vân ( T C V ), Tam Kỳ, cho niên khóa 1963-64 . Vào thời kỳ đó, thi vào đệ thất ( tức lớp 6 bây giờ ) cũng chua cay lắm chứ không phải dễ.
Các bạn tôi đứa nào không học vững về Toán và các môn khác thì rớt như chơi, vì sĩ số học sinh được nhận vào có giới hạn . Đã có một vài nơi tổ chức luyện thi vào đệ thất lúc bấy giờ.
Thi rớt thì ra học trường tư, xem không có “ oai “ gì cả mà cha mẹ lại phải trả học phí. Lúc ấy các thầy, cô dạy trường công thì phải tốt nghiệp sư phạm , nên trên nguyên tắc họ phải dạy giỏi hơn mấy ông thầy ở trường tư, dạy giờ, đôi khi họ học chưa xong cử nhân, hoặc chỉ có vài chứng chỉ.
Khi tôi vào trường Trần Cao Vân, ôi sao tôi thấy nó nguy nga và to lớn làm sao. Tôi còn nhớ lúc đó, có một ông thầy trước khi giảng bài, ông khuyên chúng tôi nên cố gắng học hành vì “ các em phải hiểu rằng các em được may mắn học trong một trường ốc khang trang, có hai lớp cửa sổ “. Lúc ấy tôi nhìn ra cửa sổ và thấy ông thầy nói đúng ghê, quả là tôi đang ở trong một lớp học đầy đủ tiện nghi, phòng học có thêm một lớp cửa sổ bằng kính, ngoài cửa sổ lá sách bằng gỗ, khác xa với các trường làng nhà quê !
Năm sau tôi chuyển ra Đà Nẵng, sống với chị tôi, lúc ấy vừa được bổ về làm việc tại nhà thương chính của thành phố trên đường Hùng Vương. Từ trường công này chuyển qua trường công khác không có gì trở ngại cho lắm. Thế là tôi vào học lớp Đệ lục 4 cho niên khóa 1964-65 của trường Phan Châu Trinh ( PCT ).
Chị tôi thuê một căn nhà trên đường Nguyễn Hoàng trong một con hẽm nhỏ, đi kế bên nhà Bà Đệ bán nem tré, mà ở Đà Nẵng ai cũng biết. Lúc đó đối diện nhà Bà Đệ người ta chưa xây nhà thương đa khoa. Đó chỉ là một khoảng đất trống nếu tôi nhớ không lầm.
Từ nhà đến trường PCT, tôi đi bộ mỗi buổi sáng trên đường Nguyễn Hoàng, đi qua nhà thờ Cao Đài Tam Kỳ Phổ Độ, qua đường Cô Giang, rồi qua trường Nam Tiểu học, băng qua đường thì vào đến trường PCT.
Lớp Đệ lục 4 của tôi năm đó được sắp xếp ở giữa dãy nhà chính, nằm gần cột cờ của trường . Tôi còn nhớ cái cảm tưởng đi trong một hành lang dài và rộng thênh thang để đến lớp học. Tôi ngồi ở cuối lớp và gần kề cửa ra vào. Trai gái lúc đó còn học chung với nhau, chưa có trường Hồng Đức cho nữ sinh. Phòng học thì rộng rãi với một tấm bảng đen rộng và dài, so với cái bảng đen nhỏ xíu lúc tôi còn học ở Tiểu học. Có hai người thầy mà tôi còn nhớ tên là thầy T.N.Q và thầy T.Q.B.
Thầy Q. thì nay không còn nữa , nhưng thầy T.Q.B thì hiện ở La Verne, California. Tôi còn nhớ thầy T.Q.B sao giỏi Anh văn đến thế ? Ông cầm quyển English For Today mà đọc lưu loát, lại pha chút giọng Anh hay Mỹ gì đó đối với chúng tôi lúc ấy làm tôi bái phục khả năng Anh ngữ của thầy quá trời. Tôi còn nhớ ông đi chiếc vespa thì phải, chạy đậu ngang trước văn phòng, rồi đi thẳng vào phòng giáo sư nằm ở dãy nhà bên trái của trường. Cái hình ảnh đó đẹp vô cùng lúc ấy đối với bọn học trò chúng tôi.
Mỗi khi thay đổi môn học, các thầy, cô thay nhau về lớp mình. Học trò thì yêu kính thầy, thầy thì dạy hết lòng và có nhiều tư cách của một nhà mô phạm. Đời sống của giáo sư tương đối đầy đủ và có địa vị trong xã hội. So với thời nay nền giáo dục dưới chế độ C.S, chuyện viết ra trên kể như tiểu thuyết, nhưng đó là sự thật.
Tôi học ở PCT một năm, thì năm sau lại chuyển qua trường khác, tuy đã là học sinh của PCT thì ở Đà Nẵng tương đối là “ ngon nhất “ rồi. Nhưng ba mẹ tôi thấy tôi có năng khiếu về kỹ thuật vì lúc nhỏ tôi hay tự chế đồ chơi cho chính mình, vì làm gì có nhiều đồ chơi như con trẻ bây giờ, nên khuyến khích tôi thi vào trường Kỹ Thuật Đà Nẵng ( KTĐN ).
Khi đến thăm trường KTĐN, tôi thích qúa. Trường mới xây được có mấy năm nên trông còn mới, với một lối kiến trúc tân kỳ. Trường có văn phòng rộng rãi, có nhiều dãy lầu cho các lớp học ngăn nắp, có nhà xưởng đủ các ngàh nghề với máy móc tối tân. Ở giữa trường có cả một sân bóng rỗ cho học sinh chơi, lúc đó không biết tại sao tôi không học chơi môn thể thao này, chắc là không mua nổi trái banh bóng rổ chăng ? Trường lại có thêm một ông Mỹ làm cố vấn, lo giúp đỡ cho trường lúc ban đầu.
Tôi trúng tuyển kỳ thi vào lớp Đệ ngũ trường KTĐN với hạng ba và được cấp học bổng cho một năm. Lúc đó tôi còn nhớ số tiền học bổng này đã giúp tôi sống gần cả năm mà không cần xin tiền ba mẹ. Vừa chuyển qua KTĐN thì tôi lại đi ở trọ vì chị tôi đã xin về Sài Gòn làm việc tại Bộ Y Tế. Tôi trọ tại nhà một người quen, gần trường KTĐN. Lúc đó người Mỹ đã vào Đà Nẵng rất đông. Bà chủ nhà năm đó có nuôi thêm mấy người Phi Luật Tân qua làm việc cho hãng RMK.
Đến giờ ăn, tôi được phép ngồi chung bàn với mấy anh Phi làm công này, nhưng vốn liếng Anh văn của tôi lúc đó chỉ có mấy câu, nên cũng không trao đổi gì với nhau được nhiều. Năm sau tôi lại dời đến nhà một người quen khác nằm trong vùng đất gần sát biển Thanh Bình . Đi đường Khải Định, chạy ra biển đến cuối đường, quẹo trái thì vào khu này. Tôi còn nhớ ở đầu hẻm có căn nhà khang trang của thầy T.T.D.K, lúc trước làm hiệu trưởng trường TCV. Sau ngày đảo chính 1-11-1963, thầy về dạy ở trường PCT.
Khu đất này, tôi nhớ vào những năm đó, ai đến trước thì cắm đại, chiếm đất, xây nhà , rồi biến thành nhà đất của mình. Đa số là dân từ vùng quê bị CS chiếm đóng chạy về đây tìm cách sinh sống. Sau này có lẽ chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cũng hợp thức hóa cho các vị được may mắn này.
Cuối đường Khải Định, trước khi ra biển Thanh Bình, tôi còn nhớ có một quán bán nước ngọt, nước đá chanh nằm bên tay phải, trước khi quẹo qua các con đường khác vào khu nhà lúc ấy cho Mỹ thuê rất nhiều, Tại quán này tôi và chú em V.K.G, con một ông chú, đã nhiều lần ngồi uống nước đá chanh bên nhau, nhìn xe cộ qua lại , bụi bậm thì bay lung tung, vì con đường chưa được tráng nhựa.
Ở trọ tại Đà Nẵng, có lúc tôi phải đi ăn cơm tại quán cơm học sinh nằm trên đường Độc Lập, gần bên Hội Việt Mỹ. Quán cơm này tương đối sạch sẽ và món ăn chỉ có vài món đơn giản gồm một canh, một xào và cơm trắng. Giá thì rất rẻ, chỉ kẹt cái là phải đạp xe từ biển Thanh Bình đến đây, tương đối xa.
Nhờ có việc phải đến đây ăn mà tôi có nhiều dịp ghé qua Hội Việt Mỹ để đọc báo, nhất là tìm cho được tờ Thế Giới Tự Do. Cũng trong tờ báo đẹp này mà tôi được biết phi hành gia John Glenn Jr. bay vòng quanh trái đất. Ôi hình ảnh của phi hành gia này làm tôi ngưỡng mộ nước Mỹ quá trời, lại thêm những hình ảnh đẹp đẽ của nước Mỹ làm tôi thấy đây là thiên đường của nhân loại. Trong khu vực biển Thanh Bình nầy tôi đã ở cả thảy ba chỗ khác nhau trong vòng ba năm . Mỗi lần đi học về, buổi chiều đi bộ dọc theo bờ biển nhìn thấy các tàu chiến của Mỹ đổ neo đậu ngoài xa. Ban đêm các con tàu nầy lấp lánh ánh sáng trông rất đẹp mắt và cảm thấy an tâm cho cuộc chiến gìn giữ tự do lúc bấy giờ. Có lẽ đây là những con tàu thuộc Đệ thất hạm đội của Mỹ.
Lúc ấy tôi chưa biết nhiều về những mưu lược của chính sách do Hoa Kỳ đang bày vẽ ra cho dân Việt Nam. Vì vậy tôi cứ tưởng rằng sức mạnh quân sự như thế thì làm sao nghĩ đến phản bội và bỏ chạy được.
Vì là học sinh kỹ thuật nên chúng tôi phải mang theo bảng vẽ cho môn kỹ nghệ hóa. Tấm bảng tương đối to, đi bộ thì mang theo trên tay cũng nhọc nhằn lắm , chưa kể còn phải mang theo các sách vở khác. Hôm nào đi xe đạp, thì tôi để cái bảng vẽ trên ghi-đông, hai tay kẹp bảng vẽ ở hai đầu.
Trời mưa là cả một cực hình cho đám “ áo xanh “ chúng tôi những hôm nào có kỹ nghệ họa. Tôi còn nhớ những hôm có văn nghệ để kỷ niệm những ngày lễ lớn, trường KTĐN tổ chức trên một sân khấu tương đối khang trang , nằm ngay dưới lầu của các lớp học.
Năm Mậu Thân 1968, tôi về Tam Kỳ ăn Tết với gia đình và đã chứng kiến nhiều cảnh đau thương do cuộc tấn công của Cộng Sản vào thành phố, tuy rằng cường độ không như ở Đà Nẵng, Sài Gòn hay những nơi khác lúc đó. Tôi đã nhìn thấy các nhà thường dân bị liệng lựu đạn , hay pháo kích gây ra cảnh chết chóc,thật thê lương cho đồng bào vô tội.
Muà Thu năm 1968 tôi rời miền Trung vào Sài Gòn học tại trường Kỹ Thuật Cao Thắng. Lại một lần nữa chuyển từ trường công này qua trường công khác. Đây là ngôi trường thứ tư và cũng là ngôi trường chót của tôi trong những năm còn ở trung học.
Tại đây tôi lại có dịp học môn kỹ nghệ họa với một giáo sư mà trước kia đã từng dạy ở trường Kỹ Thuật Đà Nẵng. Toán thì tôi học với thầy P.T.D, người có khuyết tật , đi xiên vẹo một bên nhưng thầy chạy xe gắn máy cũng như ai.
Cũng tại trường Cao Thắng này, tôi đã lần đầu tiên nếm mùi cay lựu đạn do các cuộc biểu tình của các cậu học sinh tranh đấu lúc bấy giờ tạo ra.
Dĩ nhiên tôi đứng bên lề của các nhóm phản chiến này và chỉ muốn được yên để học hành. Lúc ấy tôi đã biết rằng những việc xáo trộn ở hậu phương kiểu đó chỉ làm tổn hại đến cuộc chiến đấu chung của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, mà kết quả như chúng ta đã nhìn thấy ngày hôm nay.
Tuy không thể nào nhớ hết nổi những kỷ niệm về bốn ngôi trường mà tôi đã “ mài đũng quần “ ở đó , nhưng mỗi lần nhắc đến Trần Cao Vân, Phan Châu Trinh, Kỹ Thuật Đà Nẵng hay Cao Thắng Sài Gòn tôi vẫn bùi ngùi nhớ về Thầy, Cô , bạn cũ dù mỗi nơi tôi chỉ “ dừng lại “ có một vài năm. Bạn bè có lẽ ít ai còn nhớ đến tôi, chỉ trừ một số nhỏ. Nhưng tôi tự hào nơi “ mô ” tôi cũng có bạn, và đó chính là niềm vui cho tôi mỗi lần nghĩ về thời trung học của mình.
Garden Grove, California muà Xuân Kỷ Sửu 2009
Võ Phú Viên
( ĐS Kỷ niệm Trường Xưa, ngày 05 tháng 07, 2009 tại Santa Ana, California )
Từ thế kỷ 18 thành phố Đà Nẵng thay thế Hội An giữ vai trò quan trọng, là cửa ngõ giao thông về ngoại thương, phát triển kinh tế của miền Trung. Những thương thuyền ngoại quốc, từ các nước Âu Châu, Mỹ hay các quốc gia Á Châu như Trung Hoa, Nhật, Ấn Độ, Macau, Singapore, Manila...từng lui tới cảng Đà Nẵng qua nhiều giai đoạn khác nhau. Về địa danh Đà Nẵng theo nhà văn Trần Gia Phụng và nhà văn Võ Văn Dật, có nhiều danh xưng Hàn Cảng, Hiện Cảng...Nhưng nhiều người thường gọi là : Hàn, Tourane, và Đà Nẵng.
Năm 1847 vì nhu cầu bành trướng thế lực ở Viễn Đông , và là điểm khởi đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược Trung tá Rigault de Genouilly tới bắn phá Đà Nẵng. Thực dân Pháp chiếm Việt Nam là tham vọng thực dân đế quếc. Nhiều tài liệu cho rằng vấn đề truyền giáo, cấm đạo gây đến việc bế môn toả cảng của vua chúa nhà Nguyễn chỉ là một cái cớ để Pháp xâm lăng từ năm 1817 bọn thực dân Pháp từ bỏ bang giao bằng ngôn ngữ, thay thế bằng vũ lực là tàu đồng, súng đại bác với đoàn quân Viễn chinh thiện chiến. Với thảm kịch giám mục người Tây Ban Nha bị tử hình, nên Pháp lôi kéo được liên quân Tây Ban Nha tham chiến tại Việt Nam. Năm 1859 mở đầu những trang sử đau buồn cho dân tộc Việt Nam kéo dài gần một thế kỷ.
Đà Nẵng cũng là địa danh góp mặt với đầy đủ vẻ bi hùng trong lịch sử, từ thương mãi đến ngoại giao, đã biến thành chiến trường đầu tiên máu lửa. Đà Nẵng bị 66 năm làm nhượng địa, giao trọn quyền cho thực dân Pháp ( 1888 – 1950 ). Ngày 11 tháng 3 năm 1945, vua Bảo Đại tuyên bố chế độ bảo hộ và thuộc địa của Pháp cáo chung. Hoà ước 1884 vô giá trị, cho đến ngày 20. 7. 1945 Nhật long trọng trao trả các thành phố nhượng địa mà họ đã chiếm lại của người Pháp, từ đó danh từ Đà Nẵng chính thức thay thế tên gọi Tourane dưới thời thuộc địa.
Đệ nhị thế chiến đã làm thay đổi lịch sử thế giới và Việt Nam. Năm 1948 giải pháp Bảo Đại được đưa ra để giải quyết bàn cờ chính trị. Ngày 08. 03. 1948 tại điện Élysée ( Paris ), tổng thống Vincent Auriol và quốc trưởng Bảo Đại ký hiệp định trao trả độc lập cho Việt Nam ( triều đại nhà Nguyễn 1802-1945 chấm dứt sau 143 năm ). Hai năm sau chính phủ Pháp chính thức trao trả Đà Nẵng vào ngày 03. 01.1950. Từ năm 1950 Đà Nẵng thuộc về Việt Nam. Một năm sau tôi ra đời tại thung lũng Quế Sơn và trưởng thành ở Hội An, Đà Nẵng. Dù sinh ra và lớn lên ở đâu, tất cả hình ảnh đẹp quyến rũ của quê mẹ không bao giờ xóa mờ trong tôi. Ba mươi năm cuộc đời viễn xứ, biết chúng ta là mây bay ngàn đời trên trời tha phương, nhưng trong tim vẫn còn vang vọng tiếng quê hương.
Thời ở Đà Nẵng, phần lớn thế hệ chúng tôi đi học, nếu có giờ rảnh thích rong chơi tắm biển, xem ciné, ít chú ý đến biến cố địa danh, lịch sử của quân dân Việt Nam chống Tây. Kiến thức về lịch sử, địa lý rất hạn hẹp vì chỉ học những giờ Sử Đia ở trường mà thôi. Những thập niên qua với tinh thần tìm hiểu quá khúc của đồng hương Xứ Quảng, phát hành Đặc san xuân, hàng năm Đại hội liên Trường, ngày giỗ cụ Phan Châu Trinh do Hội ái hữu cựu học sinh THPCT ĐN tổ chức, và liên lạc được khá nhiều bạn một thời Phan Châu Trinh khắp nơi trên thế giới, đã làm cho tôi hồi tưởng lại những kỷ niệm về Quảng Nam Đà Nẵng, về mái trường xưa không ít.
Nhìn lại thời thuộc địa, người Pháp không thực sự muốn khai hóa dân tộc Việt Nam, giới hạn phát triển các trường Trung và Đại học. Suốt thời gian bị nhượng địa cho Pháp, Đà Nẵng chỉ có các trường tiểu học dành cho Pháp gọi là École Francaise và hai trường cho Nam ( École des Garcons ) và Nữ ( École des Filles ). Tỉnh Quảng Nam đông dân nhất miền Trung không có trường trung học, những thế hệ trước phải ra học ở Huế hay Hà Nội.
Sau khi Đà Nẵng được trao trả “ độc lập “, do đề nghị của chính phủ Đà Nẵng, ông Bửu Đài thị trưởng và ông Giám đốc Nha học chánh Trung Việt, ngày 7. 8. 1952 Thủ hiến Trung Việt ông Lê Quang Thiết, ký công văn số 3214-VP-SV cho phép mở lớp Đệ thất ( lớp 6 ) đầu tiên, khai giảng 15.9.1952 cho niên học ( 1952- 1953 ), 50 học sinh tạm thời học chung ở trường Nam tiểu học. Niên khóa ( 1953-1954 ) số lớp tăng lên gồm 3 lớp đệ thất và 2 lớp đệ lục, tất cả khoảng 300 học sinh.
Ngày 06.05.1954 quyền tổng trưởng bộ Quốc Gia Giáo Dục và Thanh Niên ban hành nghị định số 95 GD-NĐ, thành lập các trường trung học công lập đầu tiên miền Trung như : TH Đào Duy Từ ( Đồng Hới ), TH Nguyễn Hoàng ( Quảng Trị ), TH Trần Qúy Cáp ( Hội An ),TH Võ Tánh ( Nha Trang ), TH Duy Tân ( Phan Rang) , TH Phan Bội Châu ( Phan Thiết ), TH Phan Châu Trinh ( Đà Nẵng ), theo cách thức tổ chức giống như các trường Quốc Học Huế, Chu Văn An Hà Nội, Pétrus Ký Sài Gòn.
Khi thành lập trường trung học công lập đầu tiên tại Đà Nẵng, cố gíao sư Bùi Tấn đã đề nghị tên trường là một trong ba danh nhân : Phan Châu Trinh, Trần Cao Vân, Thái Phiên và Hội Đông giáo sư đa số chọn là Phan Châu Trinh ( niên khóa 1954-1955 ). Mỗi năm số lượng lớp học tăng, phải xây trường mới. Đó là khu đất đối diện trường Nam tiểu học, vốn là một vũng sình lầy, nằm trong phạm vi của bốn đoạn đường Lê Lợi song song với Duy Tân, đường Nguyễn Hoàng song song với đường Thống Nhất.
Ngày 19.05.1961 Bộ trưởng Quốc Gia Gíao Dục Trần Hữu Thế ký nghị định số 768-GD/PC/ND chính thức mở rộng các trường trung học đệ nhất cấp và đệ nhị cấp. Niên khóa 1958 – 1959 là năm đầu tiên trường Phan Châu Trinh có thêm lớp đệ tam ( lớp 10 ) gồm đủ các ban A-B-C; ( A khoa học thực nghiệm, B Toán Lý, C văn chương và sinh ngữ ) học đến lớp đệ nhị thi tú tài phần I, phải ra Huế học tiếp thi tú tài toàn phần.
Ngày 11.9.1962, Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Nguyễn Quang Trình ký nghị định số 1448-GD/PC/NĐ chấp nhận các trường trung học dệ nhất cấp thành đệ nhị cấp trong đó có trường trung học Phan Châu Trinh. Bản nhạc Phan Châu Trinh hành khúc được giáo sư Hoàng Bích Sơn sáng tác. Năm 1966 giáo sư Đoàn Văn Toàn dạy vẽ, dựng cốt và tạc tượng cụ Phan Châu Trinh tại số 5 Đống Đa Đà Nẵng. Do học sinh đóng góp phế liệu bằng đồng, bà Châu Liên con gái cụ Phan và nhà văn Nguyễn Văn Xuân góp ý sửa chửa, đến hoàn thành kinh phí 37,000 theo thời giá trả cho thợ đúc đồng. Ngày 24. 3. 1966 tượng được khánh thành và dựng trước cột cờ sân trường. Đó cũng là húy nhật thứ 40 cụ Phan Châu Trinh.
Trường Phan Châu Trinh có cả nam và nữ. Riêng lớp chúng tôi không có nữ sinh. Sau này trường nữ Hồng Đức mở ra, thì trường Phan Châu Trinh vắng bóng hồng, dù phượng vĩ còn nở đỏ ở sân trường. Những hiệu trưởng của trường theo thứ tự từ 1952 đến tháng 3 năm 1975 : Lê Khắc Giai, Trương Cảnh Ngôn, Bùi Tấn, Huỳnh Văn Gi, Nguyễn Đăng Ngọc, Ngô Văn Chương,Châu Trọng Ngô,Đặng Ngọc Tuấn, Trần Vinh Anh, Thái Doãn Ngà, Huỳnh Mai Trác. Học sinh Phan Châu trinh mỗi sáng thứ hai phải mặc đồng phục ( ngày thường quần xanh áo trắng ,mang giày không được phép mang dép ).
Đà Nẵng một thời vang bóng. Do càng ngày càng phát triển, thành phố càng ngày càng đông dân hơn. Nhiều trường trung học công được thành lập : Thanh Khê, Đông Giang, Nguyễn Trường Tộ, Quốc Gia Nghĩa Tử, Nữ trung học Hồng Đức, Văn Hóa Quân Đội, Kỹ Thuật. Ngoài ra còn có nhiều trường trung,tiểu học tư thục như Bồ Đề, Sao Mai,Thánh Tâm,Phan Thanh Giản, Tây Hồ,Bán Công,Nguyễn Công Trứ, Pascal, Thọ Nhơn...Nhờ sự vận động nhiều năm của các vị nhân sĩ Đà Nẵng, muà xuân năm 1974, Viện Đại Học Cộng Đồng được thành lập ( chương trình học như của Hoa Kỳ ).
Trường Phan Châu Trinh không ngừng phát triển, từ nhà trệt những năm sau xây thêm lầu, có thư viện, phòng thí nghiệm, thính đường sinh hoạt văn hóa, sân bóng rổ. Trường trở nên đồ sộ, có uy tín lớn, đào tạo nhiều nhân tài hữu ích cho quốc gia và xã hội. Tính đến ngày 29. 3. 1975 trường Phan Châu Trinh có 68 lớp gồm 42 lớp đệ nhất cấp và 26 lớp đệ nhị cấp.
Học sinh xuất thân từ trường xưa dù trong nước hay ở phương trời nào không thể quên hành khúc “Phan Châu Trinh người chiến sĩ quốc gia bất diệt...cùng phá xích xiềng giành lấy nhân quyền...Là học sinh Phan Châu Trinh ta tiến bước theo chân người, giữ vững dân quyền....” Ngày nay, ở trong nước, học sinh hiện đang học trường PCT có còn hát hành khúc này không ?
Đà Nẵng thành phố bên Sông Hàn, gần biển xinh đẹp thơ mộng nằm giữa vùng kế cận ba di sản văn hóa thế giới : cố đô Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn. Chính vị trí này đã làm nổi rõ vai trò quan trọng. Đà Nẵng trải qua 703 năm ( 1306 – 2009 ) gắn liền với các thời kỳ lịch sử. Ngày nay về thăm Đà Nẵng chắc chắn chúng ta phải ngỡ ngàng trước nhiều đổi thay. Những con đường xưa bị đổi tên, nhiều dinh thự khu nghỉ mát dành cho những giai cấp mới tư bản đỏ sau 1975. Trong khi lịch sử Đà Nẵng cùng với lịch sử Việt Nam thay đổi, may mắn thay tên trường Phan Châu Trinh vẫn trường tồn với thời gian. Xin ơn trên ban phước lành cho tất cả cựu giáo sư và học sinh Phan Châu Trinh có lòng với quê hương, luôn vững niềm tin và sức khỏe để làm những việc có ý nghĩa cho quê hương và dân tộc…
Nguyễn Qúy Đại ( Germany )
( “ ĐS Kỷ niệm Trường xưa. Santa Ana , Cali 2009 “ )