Trung Học Phan Châu Trinh

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active

 

ThanksGiving 2022 sắp đến ...  gợi nhớ lại một ngày cuối tuần của ThanksGiving 2002

NhaThayNguyenDangNgoc 1954EHình HM chụp tại nhà thầy Ngọc tối thứ bảy Nov 30/2002

Cùng với một số đông các anh chị cựu học sinh Phan Châu Trinh , chúng tôi đến thăm Thầy Cô Nguyễn Đăng Ngọc tại nhà ở San Diego.

Hai mươi năm qua nhanh, Thầy Hiệu  trưởng và một số học trò của Thầy nay đã vĩnh viễn ra đi.

Nhân mùa Lễ Tạ Ơn năm nay, xin  thành kính tưởng niệm Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ngọc, và tưởng nhớ các anh chị, các bạn cựu PCT cùng thân hữu sau đây, mà chúng tôi được hội ngộ  hoặc được nghe nhắc đến trong buổi họp mặt, 20 năm trước  :

Sư Tịnh Đức Tôn Thất Toản, các chị Trần thị Ngọc Trai ,Trương thị Phi Ánh, và các anh Trần Huỳnh Châu, Trần Hữu Hội,Tôn Thất Tuấn, Nguyễn Thu Giao, Nguyễn Văn Bé, Trương Văn Thương, Huỳnh Phước Toàn...

ThanksGiving 2002...Họp Mặt tại tư gia Thầy Cô Nguyễn Đăng Ngọc

Ngày Họp Mặt Phan Châu Trinh năm nay, 2002,đặc biệt “ Kỷ niệm  50 năm thành lập của Trường”, nên tự nhủ thế nào cũng phải đi một lần để gặp lại Thầy Cô xưa cùng bằng hữu cũ. Và chúng tôi về Cali với mong ước rộn ràng đó .

Đêm Đại hội, tối 29 tháng 11, 2002 cũng như các buổi Họp mặt khác đã được Thầy Tạ Quốc Bảo nói đến trong một bài tường thuật với đầy đủ chi tiết. Vì thế bài viết nhỏ này, do sự nhắc nhở của người bạn trong “ Một Thời Phan Châu Trinh “, là những giòng ghi vội, về buổi Họp Mặt tại tư gia của Thầy Cô Nguyễn Đăng Ngọc ở San Diego, hôm 30 tháng 11, 2002 – một thứ bảy của cuối tuần Lễ “ Tạ Ơn “ làm buổi Hội ngộ giữa Thầy trò thêm ý nghĩa.

Thứ bảy 30/11/2002 , Tôn Nữ Lệ Ba diễn ngâm Kiều ở Viện Việt Học , Westminster, Cali. Trong phần giới thiệu về nữ nghệ sĩ đến từ Toronto này, Thầy Nguyễn Đăng Ngọc có nói đôi lời. Chen chúc trong đám đông khán giả hôm đó, với rất nhiều cựu học sinh Phan Châu Trinh, cho cảm tưởng như vừa được thấy lại người Thầy học cũ trên bục giảng .

Buổi chiều ở viện Việt Học ra, đang còn lâng lâng với hai câu ngâm Kiều ( “ Thiện căn ở tại lòng ta / Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài “ ) , Liên Hương và chúng tôi vội vàng về nhà sắp xếp các thức để “ đi xa “.

Từ nhà anh chị Trần Huỳnh Châu và Liên Hương đến San Diego mất khoảng hai giờ. Trên đường đi đến buổi Họp Mặt mà trong xe thì được anh Trần Huỳnh Châu cho nghe lại những bài hát quen thuộc, rất hay và đầy gợi nhớ của thập niên 60’s, nên càng nao nức. Thầy Nguyễn Đăng Ngọc là một trong những Thầy Cô ở Trường xưa mà chúng tôi mong mỏi được gặp lại nhất.

Khi chúng tôi đến nơi thì gần như đông đủ và đã có Sư Tịnh Đức Tôn Thất Toản từ Dallas  vừa  mới đến Anaheim lúc 5 giờ chiều, kịp xuống họp mặt. Mới bước vào nhà Thầy Cô Ngọc đã nghe những tiếng cười nói xôn xao, rộn ràng. Các bạn học cũ được gặp Thầy trước , tất cả đều cho biết Thầy còn mạnh, nhưng vẫn không khỏi ngạc nhiên và mừng thấy Thầy chẳng những khỏe mà còn rất phong độ ,không khác gì nhiều hình ảnh Thầy Hiệu trưởng ngày xưa ở Trường, dù nay Thầy ở tuổi đã cao. Cô Ngọc cũng thế, thêm vẻ cởi mở của Cô  làm cho buổi họp  mặt càng vui hơn .

Tối nay cũng có gần hết các con của Thầy Cô : Nguyễn Đăng Yên Trúc, Nguyễn Đăng Khoa, Minh Tâm, Ngọc Châu, Ngọc Anh, anh Thành, rễ của Thầy Cô . ( Ngọc Quỳnh và Ngọc Bích cùng gia đình hiện ở Úc ) , và nghe Thầy Cô đã có đến những  20 cháu nội, ngoại.

Phía học trò thì ngoài  Sư  Tịnh Đức-Tôn Thất Toản , Nguyễn Ngọc Ái, Nguyễn Văn Mót, Nguyễn Tuấn, Võ thị Thanh Tâm, Phan thị Thu Liên, Phan thị Thu Hà... Còn lại hầu hết đều là các anh chị trước một hay nhiều niên khóa. Các chị Võ thị Thương, Nguyễn Diệu Liên Hương..., các anh Trần Ngọc Hội ( hay Trần Hữu Hội , theo nhắc nhở của anh Toàn ), Phan Nhật Nam, Nguyễn Thu Giao, Phan Bái (và chị Phi Ánh, một đàn chị trong nghề nghiệp ), Trần Gia Phụng ( và chị Nguyễn Thị Thường ,)Nguyễn Văn Bé,Huỳnh Tấn Hoàng, Huỳnh Phước Toàn , Trương Văn Thương...và nhiều anh chị khác nữa ...Ngày xưa ở trường, có thể không quen nhưng cũng đã biết, nay gặp lại sau mấy chục năm xa Trường, và ở  nơi quê người, tình thân Phan Châu Trinh vẫn khiến cho tất cả chuyện trò vui và thân mật.

Chị Võ Thị Thương, hồi nào đã nghe tiếng chị học giỏi, hôm nay được chị cho hay năm rồi chị được chọn là “ người immigrant đóng góp nhiều nhất cho Quebec “, một tiểu bang ở Canada nơi chị hiện cư ngụ. Tin vui của chị cũng là một hãnh diện chung cho cựu học sinh Phan Châu Trinh chúng ta. Như muà Hè 2002 vừa qua, các anh Nguyễn Chí Thiệp ( tác giả “ Trại Kiên Giam “ và “ Việt Nam khát vọng dân chủ tự do “ ) và Trần Gia Phụng đã mang lại vinh dự cho Trường khi đoạt giải thưởng văn học của Hội Y sĩ Việt Nam trên toàn thế giới.

Nguyễn Diệu Liên Hương, một trong những cựu học sinh Phan Châu Trinh sốt sắng trong việc tương trợ bằng hữu , và cũng là người bạn hiếu khách với chân tình cởi mở.

Anh Trần Hữu Hội ,( thuộc thế hệ Phan Châu Trinh đầu tiên ), đã rời Trường khi chúng tôi vào học, nhưng vừa gặp anh là nhận ra ngay ! “ Anh Hội-bây giờ “ không khác chi nhiều “ Anh Hội- Mùa hè ly biệt “, với nét thật vui trong tấm ảnh 6x9 nơi tập ảnh bạn bè “ Kỷ Niệm Lưu Bút Ngày Xanh , PCT 1954 “ của một người bạn học cùng lớp với anh ngày xưa, Chị Trần thị Ngọc Trai, mà tôi có dịp được xem gần đây, trước ngày qua Cali họp mặt.

Anh Phan Nhật Nam, nghe tiếng từ lâu rồi “ , ngày ở Phan Châu Trinh anh nghịch nhất lớp ( theo lời anh Trương Công Nghệ, trong tờ Nội San Kỷ niệm 50 năm thành lập trường PCT ở Cali  ). Bây giờ xem chừng anh vẫn vui và nghịch như hồi còn đi học ! . Vừa gặp Sư Tịnh Đức Tôn Thất Toản, tác giả “ Mùa Hè Đỏ Lửa “  đã thân tặng ngay biệt danh “ Bồ tát Bạt tai “ !

Anh Nguyễn Thu Giao , cũng là đàn anh trong nghề nghiệp, nay mới được biết thêm nhà in “ Tương Lai “ ở đường Võ Tánh xưa, đối diện nhà chúng tôi, là Toà soạn của Tờ báo anh từng cọng tác ngày ở Sài Gòn.

Anh Trương Văn Thương, nghe kể hồi ở trường cũng “ nghịch có hạng “, nhưng chẳng hiểu sao có một năm anh lại được bạn bè trong lớp bầu lên làm ...trưởng ban trật tự ! ( cả lớp năm đó dễ thở  ?! ). Anh Thương chắc hẳn còn nhớ “ bài thơ ( nhại )” của vua Lê Thánh Tôn  ?

“Nghi ngút đầu ghềnh toả khói hương

Miếu ai như miếu vợ...thằng Thương ( ! )

Ngọn đèn dầu tắt ......................!!! ( * )

 ( * : theo nguyên văn nhắc nhở của hai bạn cùng lớp với anh Thương là Huỳnh Phước Toàn và Nguyễn Diệu Liên Hương )   

Gặp anh Nguyễn Văn Bé, liên tưởng đến anh Nguyễn Văn Nam, anh của anh Bé, đã mất ở trại “ cải tạo “.

Gặp Nguyễn Văn Mót , nhớ lại bao lần cùng bạn hồi hộp đứng đợi kết quả vấn đáp, ngày chung một phân khoa ở Sài Gòn.

Gặp anh Phan Bái, biết anh hát hay ( qua Thầy Tạ Quốc Bảo ) nhưng tiếc chưa được nghe, tuy đã được thưởng thức những ca khúc trong CD “Những dòng Thơ Nhạc Hoàng Thi “ của anh.

Gặp anh Huỳnh Phước Toàn , biết chị Trần Thị Mai, hiền thê của anh, một thời “ người đẹp Nha Trang “. Tiếc chưa gặp “ ngũ long công chúa “.

Ngoài ra còn được gặp nhiều anh ,chị khác...Một anh lớn ( xin lỗi anh, không biết hết được tên   ), nhắc đến anh Tôn Thất Tuấn, một người bạn cũ của anh ở Trường xưa. Tiếc không có dịp nói chuyện với anh sau đó, nhưng nhắc nhở tình cờ của anh đã gợi cho tôi nhớ lại Trại Hè của  trường Phan Châu Trinh ,cuối niên khóa 1959-60 ở đồi thông Mỹ Thị, và hình ảnh người Hướng đạo hồn nhiên, tươi cười trong trò chơi tập thể của toàn trường hôm đó .

Vài kỷ niệm nhớ về các Thầy Cô, bằng hữu cũ, vài mẫu chuyện ngày xưa, những ai “ nghịch” nhất , ai “phá” nhất trường,  ai nổi tiếng “ học giỏi “... , cũng như được nghe nhắc đến  “những tiếng hát hay ” của trường, gợi nhớ những đêm Liên hoan Tất niên PCT rộn ràng  xa xưa  ... Và thật vui được nghe kể lại ngày ở trường có lần được giúp gỡ hộ vạt áo dài kẹt ở “ sên “ xe đạp ...( Nhân đây nhờ anh chuyển lời cám ơn ân nhân tử tế đó ... )

Các em con của Thầy Cô lẫn trong đám học trò cũ của Thầy, không khí ấm cúng tựa như một buổi Họp Mặt gia đình. Sau bữa ăn tối ( với nhiều món Huế, đặc biệt nồi bún bò thật lớn nóng hổi và hấp dẫn, nghe do chính Nguyễn Đăng Khoa  nấu ), tất cả ngồi ở bàn , bao quanh Thầy Cô và được Thầy kể chuyện ngày xưa : Cô Ngọc chính là “Cô Láng Giềng” của Thầy...Mỗi người thêm vào một câu và Thầy Cô vui vẻ sẵn sàng giải đáp  “ thắc mắc “của đám học trò cũ tò mò !

Ôi chao là vui , không thể nào tưởng tượng có ngày được nghe Thầy Hiệu trưởng nói chuyện cởi mở như thế ! Và rồi cũng không khỏi nhớ lại thuở còn ở Trường, mỗi lần gặp Thầy, chào Thầy xong là tôi cúi đầu im lặng, chân bước như một cái máy. Thầy đi qua khỏi, tôi thấy nhẹ hẳn người ! Ngày đi học chẳng phá nghịch chi để bị để ý, nhưng không hiểu sao tôi rất sợ Thầy, như tất cả các học sinh khác trong trường thuở đó đều sợ Thầy “ hơn sợ cọp “ ( chữ của anh Trương Công Nghệ ). Chắc Thầy có một oai phong nghiêm riêng khiến mọi người phải nễ sợ ! Ngoài ra, ngày ở trường, bạn bè thường bảo nhỏ với nhau là Thầy còn như biết rõ từng người học trò một !

Mấy chục năm qua nhanh, nhưng điều mà có lẽ tất cả các học  sinh còn ghi nhớ mãi là trong thời gian làm Hiệu trưởng, Thầy đã cho những thế hệ PCT chúng tôi những niên học khó quên, trong một quy cũ học đường đúng nghĩa, trật tự tôn nghiêm mà vẫn vô cùng êm đềm.

Xin cầu chúc Thầy được luôn sức mạnh để Thầy bao giờ cũng còn như cái tâm cho học trò Phan Châu Trinh xưa về vây quanh.

Buổi tối Họp mặt nơi nhà Thầy Cô Nguyễn Đăng Ngọc, cũng như những lần họp mặt khác và Đêm Hội Ngộ vừa qua là một kỷ niệm khó quên, một dịp quý cho Thầy trò và bạn hữu  gặp lại nhau để thấy rằng, trong tâm hồn chúng ta , những ngày tháng ở Phan Châu Trinh xưa kia không bao giờ cũ ... 

Thi Vân

Canada, mùa đông 2002

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active

 DaNang xua duong TranHungDao E

Tìm tôi cát trắng Tiên Sa

Mỹ Khê gió lộng, Sơn Chà vượn kêu

Dung dăng có những buổi chiều

Tuổi thơ với những cánh diều đi hoang

Tìm tôi vận động Chi Lăng

Tranh nhau đá bóng tung tăng hết giờ

Nghiêm trang có buổi chào cờ

Thầy đăm chiêu đứng, tôi chờ điểm danh

Sân trường nắng nhẹ vàng hanh

Lòng tôi áo trắng quần xanh rộn ràng

Tìm tôi tô bún Nguyễn Hoàng

Cây me Bưu điện, gốc bàng Gia Long

Ly sinh tố dốc Cầu Vồng

Đạp xe quanh quẩn nỗi lòng nhớ ai

Tìm tôi trước cổng Sao Mai

Bánh mì Thống Nhất, chè khoai Chợ Cồn

Phan Châu Trinh lớp học buồn

Nhớ em Hồng Đức chẳng buồn nhớ tôi

Tìm tôi phố thị nhỏ nhoi

Cà phê Thạch Thảo ai ngồi lặng câm

Nhớ em mái tóc cài trâm

Dáng thơ lụa mỏng âm thầm đợi mong

Hẹn nhau sân cỏ Diên Hồng

Có đêm chiếu bóng thông tin cuối tuần

Tìm tôi giữa Cổ Viện Chàm

Núp pho tượng cổ nhớ huyền sử xưa

Giữa đường lúp xúp cơn mưa

Ghé vào núp bóng sân chùa Hải Châu

Tìm tôi quán cóc bên cầu

Loanh quanh xóm nhỏ phía sau Thanh Bồ

Chiều chiều chuông đổ nhà thờ

Tháp cao tượng Chúa tín đồ có tôi

Một lần bí tích lên ngôi

Có em ngoan đạo giữ đời thiện tâm ...

Tìm tôi ghé bến Bạch Đằng

Tuổi tình nhân đợi trăng vàng bên sông

Thuyền ai lơ lững giữa dòng

Câu hò mái đẩy cánh lòng bâng khuâng...

Tìm tôi bệnh viện Duy Tân

Trung tâm Tiếp Huyết tinh thần thương binh

Tuổi thanh niên rất chí tình

Nghĩa tình huynh đệ, huyết tình quốc gia

Tìm tôi hăm chín tháng ba

Trái tim rã nát, hồn tha ma buồn

Sân Toà Thị Chính mưa tuôn

Đợi khai lý lịch : Kiếp tàn ...tàn quân

Tìm tôi trong trại Hoà Cầm

Ngày chăm lao động, đêm nằm nhớ con

Thương mình, thương vợ còn son

Thương đau vận nước, thương mòn ... ngày ra

Tìm tôi trong cõi người ta

Trong thơ ấu cũ, giữa Đà Nẵng xa

Bây chừ, phố lạ mưa sa

Bụi bay xa lộ, khó mà ...tìm tôi

Vương Ngọc Long

( Kỷ yếu hội ngộ PCT-HĐ, 30 năm xa xứ,  2005 tại Hải ngoại )

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive

 

Thầy Nguyễn Thúc Hào là giáo sư Toán lâu năm ở trường Quốc Học Huế. Vào năm 1944 trở đi Thầy còn dạy ở một vài trường khác : Lycée Việt Anh và hình như cả ở Thiên Hựu. Dáng người thấp bé nhưng cân đối. Mô tả  Thầy, một số học sinh thường nói  Thầy “ nhỏ bé “ chứ không phải là “ lùn “. Đôi mắt sáng, vẻ mặt thông minh, vầng trán cao so với khuôn mặt, ăn mặc lúc nào cũng chững chạc, thầy đã tự nhiên làm cho học sinh kính trọng. Tính tình hoà nhã, trầm lặng, ít nói nhưng vẻ xa cách bên ngoài như che dấu một  tâm hồn tài tử. Nghe đồn Thầy vẽ đẹp, đàn vĩ cầm hay, nhưng riêng tôi chưa được nghe Thầy đàn và thấy Thầy vẽ. Hình như Thầy chẳng có mấy tham vọng chính trị hay địa vị. Sau đảo chánh Nhật ngày 9 tháng 3 năm 1945 và sau lúc Việt Minh lên nắm chính quyền , không thấy Thầy lên tiếng hay tham gia vào một phong trào nào, trong lúc phần đông giáo sư ở Huế đều tỏ thái độ hay có những hoạt động mang ít nhiều màu sắc chính trị. Nếu tôi nhớ không sai thì hình như  Thầy có làm hiệu trưởng Quốc Học một thời gian rất ngắn, từ lúc Thầy Phạm Đình Ái được bổ dụng làm Giám đốc Học Chánh miền Trung cho đến lúc Thầy đi Hà Nội để dạy Đại học hay vì biến cố 19 tháng 12 năm 46, trường đổi ra khu IV.

Dù sao lúc trường Quốc Học ra khu IV ( Hà Tĩnh ) đổi tên là Huỳnh Thúc Kháng, rồi về sau lại kết hợp với trường Quốc Học Vinh ( Nguyễn Công Trứ ) thành trường cấp 3 của Nghệ An, không thấy  Thầy tiếp tục dạy. Thầy đã trở lại quê nhà sống một cuộc sống lặng lẽ.

Mãi vào quảng 1950, trước thời kỳ “ Phóng tay phát động quần chúng cải cách ruộng đất “, cảm thấy cơn sóng gió sắp đến, một nhà trí thức không thể sống kiểu trùm chăn trong một chế độ chuyên chế, Thầy nhận lời mời mở lớp Toán Học Đại cương ở quê nhà, cùng thời kỳ với lớp Dự bị Văn khoa của giáo sư Đặng Thái Mai mở ra ở Thanh Hoá.

Quê  Thầy Hào là làng Xuân Hồ, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, không xa làng Đan Nhiệm quê của cụ Phan Bội Châu, và cũng không xa quê của  Thầy Nguyễn Dương Đôn ở Hưng Nguyên bao nhiêu.

Một rủi ro cho gia đình tôi đã đưa tôi đến quê hương Thầy Nguyễn Thúc Hào, nơi tôi còn giữ một kỷ niệm khó quên, một cảm tình sâu đậm với đại gia đình Thầy, đặc biệt với Cụ thân sinh Thầy, Cụ Nguyễn Thúc Dinh.

Năm ấy tôi đang dạy học tại trường Huỳnh Thúc Kháng đặt tại Bạch Ngọc, Nghệ An. Cuộc sống của một giáo sư cấp ba, di tản xa gia đình đến một vùng tương đối gọi là hậu phương, cơ cực khó lòng nói cho hết. Có thể so sánh với cuộc sống của một sĩ quan miền Nam đi “ học tập “ mà không được gia đình thăm nuôi, ngoại trừ  việc không bị quá câu thúc, ràng buộc. Ở trong một xã hội nông nghiệp khép kín, thiếu thốn, nghèo đói, chúng tôi phải “ lao động “ dưới mọi hình thức sơ đẳng nhất để tồn tại. Ngoài việc soạn bài, chấm bài và những giờ giảng dạy ở lớp chúng tôi phải đi gánh nước, kiếm củi xa đến hai ba và cũng có lúc đến bốn năm cây số để tắm rửa và nấu nướng hàng ngày. Chúng tôi phải nuôi gà, trồng rau, làm hàng xáo ( giã gạo bán ra để kiếm tấm cám )...bù đắp vào tiền lương chỉ đủ sống ở mức rất thấp trong vòng hai ba tuần lễ.

Tuy nhiên trong thiếu thốn nghèo khó chúng tôi không thấy quá buồn phiền, chán nản. Nề nếp, lối sống  của dân chúng đã thay đổi nhiều nhưng chưa đổi thay trong căn bản. Phong tục tập quán còn nhiều nét hiền hoà của truyền thống Việt Nam ngày xưa. Trước lúc xảy ra phong trào phê bình và kiểm thảo giáo chức mà nhiều người gọi là phong trào “ tổng xỉ vả “ trong học đường và phong trào cải cách ruộng đất trong xã hội, học sinh và dân chúng nói chung còn chơn chất. Hơn nữa sự thiếu thốn là một sự thiếu thốn chung. Trừ ra một số ít may mắn còn tích luỹ lại được ít nhiều của cải, dân chúng đại đa số là nông dân cũng cơ cực như chúng tôi. Cảnh nghèo đói chung hình như làm cho cảnh nghèo đói riêng nhẹ nhàng hơn. Học sinh vẫn có tinh thần hiếu học và còn giữ tình cảm thầy trò . Nhiều người bữa đói bữa no, cũng chăm chỉ cần cù và đặc biệt họ hiểu được cái khó khăn của thầy. Chia sẻ gian khổ, có lúc họ đến gánh giúp gánh nước, vác hộ một cành củi nặng...Tình cảm thầy trò khá chân thật không làm cho tôi nhận thấy nghề dạy học  là nghề bạc bẽo như người ta thường nói.

Hơn nữa, sống gần gũi với thiên nhiên nhiều lúc cũng có những giây phút thư thái, mộng mơ, quên đi những khổ cực  thể xác. Những cảnh “ ngàn dâu xanh ngắt một màu”, “ một đàn cò đậu dưới ghềnh chiều hôm “, hay “ cành lê trắng điểm một vài bông hoa “...nhiều khi như vẽ ra trước mắt những bãi dâu mênh mang, những khóm lau bàng bạc giữa dòng sông Lam  xanh biếc  và những cây mận đầy hoa trắng bên một ngọn đồi . Bạch Ngọc lại có những di tích lịch sử  khiến tự nhiên cảm thấy gắn bó với đất nước. Tương truyền cọ một vị Thải tử nhà Lý bị thương trên đường đánh Lão Qua trở về, đã mất ở đó nên ở núi Ghềnh thuộc Bạch Ngọc có đền thờ Ngài. Đền kiến trúc theo kiểu chữ “ Công “, một lối kiến trúc đặc biệt Việt Nam, xây trên một ngọn đồi cao nhìn xuống sông Lam, uy nghi, hùng vĩ. Trước năm 1945 , thời còn nhà Nguyễn, chính phủ Nam Triều hàng năm có đứng ra tổ chức tế lễ.

Nhưng cái lý do chính giúp tôi chịu đựng được mọi gian khổ là sự hy sinh vô bờ bến của nhà tôi. Cực khổ, thiếu thốn nhưng không bao giờ than van, rên rỉ, còn khuyên tôi cố gắng chịu đựng. Chúng tôi lại vừa có đứa con trai đầu lòng, mũm mĩm, ngây thơ. Cưới nhau từ Huế chưa được bao lâu, tưởng cùng nhau đi hưởng “ tuần trăng mật “ thì bị vất vả trong nghèo túng da diết. Nhưng giữa gian khổ, chúng tôi cảm thấy gần gũi, gắn bó với nhau nhiều hơn lúc nào hết, nhất là sau lúc sinh đứa con đầu lòng. Nếu câu nói  “ yêu nhau không phải là nhìn nhau mà nhìn về cùng một hướng : ( St. Exupéry ) là đúng thì chính lúc đó chúng tôi đã nhìn về một hướng : Chịu đựng mọi gian khổ, hy sinh bằng mọi cách cho đứa con đầu lòng  sung sướng. Cuộc sống có một ý nghĩa thật cao cả khi chắt chiu bảo vệ lấy đứa con.

Một buổi sáng, con tôi bấy giờ đã lên ba, chơi tung tăng ở trước sân nhà. Không có xe cộ, không có du đãng, mẹ mìn ...ở một nơi vắng vẻ, xa xôi, chúng tôi tưởng không thể có chuyện gì bất ngờ xảy ra được, ngoài chuyện đứa bé té ngã nên vừa trông chừng con vừa làm việc trong nhà. Chợt nghe có tiếng khóc thét. Tôi vội vã chạy ra. Một con chó nhỏ, rất nhỏ, không lớn hơn con chó mới sinh ra bao nhiêu, lỡ lói, dơ bẩn, đã từ đâu chạy đến, sấn vào cấu cắn con tôi. Có lẽ nó muốn dành miếng bánh con tôi đang cầm trên tay. Con tôi thì ngồi bệt xuống đất, xua hai tay để tự vệ. Càng xua, con chó càng cắn, cắn vào đầu vào tay, vào chân, vào bụng...Khi vừa đến nơi, ẳm con trên tay, con chó đã chạy mất dạng. Tôi không có cách gì giữ nó lại để quan sát. Mấy người láng giềng nghe tiếng khóc la cũng vội vã chạy đến. Rồi chẳng biết vô tình hay hữu ý, sợ rắc rối cho chủ nhà nuôi chó, họ đuổi theo, đánh chết con chó nhỏ.

Bồng con trên tay, lòng tôi tràn ngập lo âu. Cả hai vợ chồng đều cùng chung một niềm buồn bã. Im lặng nhìn nhau rồi chợt oà lên khóc. Con tôi đã bị chó dại cắn. Con tôi ngày mai sống chết ra sao...Chúng ta sẽ ra sao...

Những giọt nước mắt làm vơi đôi chút nỗi đau đớn tuyệt vọng. Tôi trở lại bình tĩnh hơn, nghĩ đến việc đi tìm thuốc chữa bịnh cho con. Biết hy vọng thật ít ỏi, tôi vẫn quyết tâm đi tìm.

Ý nghĩ đầu tiên là kiếm “ Vaccin anti-rabique” , thuốc chủng ngừa bịnh dại mà chính tôi lúc còn nhỏ đã có lần chích tại  nhà thương Huế.

Tôi biết Viện Vi Trùng học bệnh viện Huế đã dời ra Nghệ An và đóng bên kia chợ Rạng – Thanh Chương , cách Bạch Ngọc quảng  25 cây số. Theo lý luận chủ quan  tôi nghĩ viện nhất  định sản xuất và nhất định có thuốc chủng ngừa dại ở đó. Một tay bồng con, một tay lái chiếc xe đạp cũ  kỹ, tôi cố gắng đạp thật nhanh. Sau hơn ba giờ nhọc nhằn, qua hai, ba chuyến đò, ẩn tránh hai ba cuộc báo động vì máy bay Pháp dò tìm để không tập các cơ xưởng rải rác ở nông thôn, tôi đã đến Viện Vi Trùng. Gọi là Viện, nhưng thật ra chỉ là một vài căn nhà tranh đơn sơ với năm sáu nhân viên và bác sĩ quản đốc.  Cũng là bác sĩ Nguyễn Đức Kh…, vị quản đốc từ lúc Viện còn ở Huế. Khi tôi đến nơi thì cả bác sĩ Kh...cùng các nhân viên đều có mặt. Chắc không phải là để chữa chạy cho con tôi nhưng vì chẳng có việc gì làm, họ đến để thỏa mãn tính hiếu kỳ. Bác sĩ Kh...cho tôi biết Viện đã không tiếp tục sản xuất gì nữa, rồi nhìn vào những vết thương của con tôi, ông lắc đầu ái ngại : “ Nếu thật là chó dại thì may ra còn được một tuần lễ “.

Tôi không rõ nỗi đau buồn của một người rớt xuống chín tầng địa ngục như thế nào, nhưng lời nói khách quan của bác sĩ Kh...đã đưa tôi đến chỗ hố tuyệt vọng sâu nhất. Thân xác chẳng còn một chút xúc cảm. Tay bồng con, tay dẫn chiếc xe đạp, tôi thờ thẩn ra đi, chẳng biết đi đâu.

Trở lại bến đò, vẻ mặt tiều tụy. Con tôi chưa bao giờ được đi thuyền, cầm một cành cây khua vào mặt nước, cười đùa ngây thơ. Một vài người khách qua đò chú ý, hỏi thăm. Tôi kể lại câu chuyện. Những lời khuyên , những bài thuốc chữa dại, những lời mách...bỗng dưng đến, tới tấp dồn dập. Có người bảo phải đưa cháu về gấp, quá ba ngày mà đi qua sông để  người bị chó dại cắn thấy bóng mình trong sông thì hết thuốc chữa ; có người thì dẫn những phương thuốc ngoại khoa. Thôi thì đủ những phương thuốc kỳ lạ như lấy hột gấc mài với hùng hoàng, lấy nước mưa đọng ở chân cầu bằng gỗ lim sắc với nấm ở chân cầu để uống...Tôi như kẻ chết đuối vớ được cọng rơm, ghi ghi, chép chép hết, nghĩ rằng những phương thức ấy đều thần diệu có thể cứu sống con tôi. Một người trên chuyến đò ngang lại khuyên tôi đi gặp Cụ Nguyễn Thúc Dinh ở Nam Đàn vì cụ có thuốc chữa bịnh dại rất hay và đã giúp chữa lành nhiều người.

Tôi biết Cụ Nguyễn Thúc Dinh, từng làm Phủ doãn ở Thừa Thiên, là Cụ thân sinh Thầy Hào. Những lời chỉ dẫn chính xác như vậy hẳn phải đúng. Ý nghĩ đó làm cho tôi phấn khởi hẳn lên. Tôi cám ơn Trời Phật đã thương xót con tôi, thương xót chúng tôi.

Qua khỏi bến đò, nghĩ đến chuyện có thuốc và việc phải trở về nhà càng sớm càng tốt cho cơn dại không phát ra sớm như lời người ta đã khuyên, tôi lại cắm cúi ra sức đạp xe. Con đường dài còn lại vào khoảng 30,40 cây số. Cố gắng chắc cũng có thể đến nơi trong đêm. Nhưng từ sáng chưa ăn uống, xúc động và cố gắng quá sức , tôi đã rả rời không thể đạp quá 10 cây số. Dừng lại một cái quán bên đường, mua một ít cơm với thức ăn sơ sài, ăn qua bữa rồi xin chủ quán ngủ lại trên cái chõng tre nhỏ ông ta dùng để bán hàng. May ra trời không lạnh lắm. Tôi cởi chiếc áo ngoài, quàng cho con tôi, tôi giữ chặt nó vào lòng để truyền hơi ấm sang. Ngây thơ, chẳng biết đau đớn và cũng chẳng biết bố mẹ đang lo lắng, con tôi đã ngủ một giấc thật ngon trong vòng tay tôi. Riêng tôi, cứ chập chờn, lúc mệt quá thiếp đi nhưng lúc tỉnh thì chỉ mong cho đêm qua mau.

Sáng hôm sau, lúc trời tờ mờ sáng tôi lại lên đường. Ghé lại quán sách Sông Lam ở huyện lỵ Nam Đàn của anh Nguyễn Thúc Cương, em ruột Thầy Hào, bạn hướng đạo với tôi lúc còn ở Huế, để hỏi đường. Anh chẳng biết nói năng gì về thuốc men, chỉ đường thật chu đáo và nói sẽ tin cho gia đình biết để cụ ông ở nhà.

Tôi tiếp tục xuôi con đường số 8, đi qua huyện lỵ  chừng  4,5  cây số, vượt cánh đồng dài bên tay trái thì đến quê Thầy Hào. Nghĩ đến chuyện đến nhà Thầy Hào, sắp sửa được thuốc để chữa bịnh cho con , lòng tỉnh táo lại, nhân dịp nhìn ngắm quê của một vị thầy khả kính. Làng khá trù phú, có nhiều nhà gạch khang trang. Cây cối xanh tươi, có nhiều vườn trái. Đúng như tên gọi, làng có nhiều hồ, hồ này nối tiếp hồ khác. Và cái tên thơ  đầy thơ mộng. Xuân Hồ hay hồ ở độ Xuân sang cũng khá đúng. Mặt hồ phẳng lặng có một màu ngọc bích quyến rủ. Xung quanh hồ trồng nhiều cây có bóng mát. Một vài nơi hoa mưng màu đỏ nhạt, rụng xuống phủ trên mặt hồ, tạo thành một bức tranh thôn dã tươi thắm. Hồ là gia sản của các gia đình giống như ruộng nương vì trong lối sống xưa “ thứ nhất nuôi cá, thứ nhì gá bạc “, Hồ cũng là chỗ chứa nước để dùng cả quanh năm. Ở cách xa sông đến 7, 8  cây số, người ra không thể hàng ngày đi gánh nước, giếng lại khó đào, nên trừ những nhà giàu có bể chứa nước lớn, phải nhờ vào hồ để tắm giặt, rửa ráy và cả ăn uống nữa. Nhưng vì tù đọng nên nước hồ cũng là nguồn gốc gây nhiều bệnh tật, đặc biệt là những bệnh về đường ruột và choẹt mắt hay mí mắt bị lở.

MienQueHoangDa

Tôi đến nhà Thầy Hào vào lúc đã quá trưa. Thầy đi vắng chỉ có cụ thân sinh ở nhà. Khi bước qua khỏi cái sân lát gạch, đến ở thềm thì Cụ cũng vừa trong nhà đi ra. Cụ cất tiếng hỏi : “ – Anh Ng. đó hả ? “. Tôi quá đổi ngạc nhiên khi nghe Cụ gọi tên. Nhưng nghĩ lại, lúc còn ở Nam Đàn, một người em trai thầy Hào đã có học với tôi, vả lại chắc anh Cương đã tin cho  Cụ biết trước nên không còn bỡ ngỡ. Cụ lại vui vẻ đùa bỡn :

- Hôm nay tôi đoán thế nào cũng có người Huế lại thăm. Mấy khi người Huế mình gặp nhau, thôi cứ vào đây nói chuyện đi

Tôi dẫn cháu đi vào nhà, rụt rè ngồi xuống trên chiếc ghế nhỏ chứ không dám ngồi vào chiếc ghế cụ chỉ tay mời. Tôi sợ sệt, giữ gìn ý tứ, một phần vì kính trọng bậc trưởng lão thân sinh của thầy học, mặt khác vì đến để cầu xin thuốc chữa bịnh cho con. Tôi càng e dè bao nhiêu thì  Cụ lại tỏ ra thân mật bấy nhiêu, đối đãi với tôi như một người bạn đồng lứa, quen biết lâu ngày. Cụ cho tôi uống nước chè tươi, ăn kẹo lạc đường đen. Cụ châm biếm nhẹ nhàng những đổi thay trong nếp sống xã hội ,trong thủ tục hành chánh, sự bê bối của bọn cán bộ cộng sản . Những nhận xét sâu của Cụ tôi không nhớ hết , đại để chỉ nhớ ý chính Cụ nói là cộng sản đã lợi dụng danh nghĩa kháng chiến chống Pháp để củng cố quyền lực và bòn rút của cải dân chúng. Chuyển hướng câu chuyện, cụ hỏi thăm tin tức nhiều gia đình và riêng gia đình chúng tôi ở Huế, rồi lại hỏi đến hoàn cảnh chúng tôi. Tôi thì chỉ nghĩ đến chuyện xin thuốc cho con, với lại xa Huế cũng đã lâu, chẳng có tin tức gì rõ rệt, chỉ lễ phép gọn gàng trả lời những gì tôi biết được. Hình như thấy rõ tâm trạng của tôi, Cụ nhìn vào con tôi và hỏi : “ Có phải anh Ng. đến thăm tôi để xin thuốc chữa bệnh dại cho cháu không ? “. Tôi mừng rỡ thú thật là cũng có phần muốn đến thăm Cụ và Thầy Hào nhưng mục đích chính yếu đúng là đến xin thuốc. Tôi không che dấu được vui mừng, phấn khởi như muốn đưa  hai  tay ra để đón nhận phương thuốc thần diệu và quỳ lạy để cám ơn đức tái sinh của Cụ. Nhưng chưa kịp thực hành ý nghĩ của mình thì nghe Cụ nói : “ – Nói thật với anh, tôi chẳng có thuốc men gì cả  “.

Lại một lần nữa tôi thất vọng và không che dấu được nỗi ủ dột, vẻ buồn hiện ra trên nét mặt. Aí ngại Cụ tiếp : “ – Tôi không có thuốc nhưng nếu anh muốn tôi sẽ đi xin thuốc giúp anh “. Nói xong , Cụ khoác vội chiếc áo ngắn tứ thân, với lấy chiếc ô cầm tay, tất tả đi ra. Tôi ngồi lại chờ đợi, lòng nôn nao hồi hộp. Chừng nửa giờ sau Cụ trở lại, tay phải cầm cái ô làm gậy, tay trái cầm gói thuốc mà tôi còn nhớ rất rõ, gói trong một trang giấy học trò cũ kỹ. Tôi đi ra sân đón Cụ vào nhà. Trao gói thuốc cho tôi Cụ bình tĩnh nói, một thứ bình tĩnh như che dấu một điều gì : “ – Thuốc đây, anh đem về cho cháu uống. Tôi nghe nói thuốc làm bằng thổ huỳnh ( thứ đất màu vàng dùng làm màu quấy với vôi trắng để sơn tường hoặc dùng vào việc tẩm liệm người chết ) pha với xương người chết vì sét đánh nghiền nhỏ. Tôi cũng có thằng cháu bị chó dại cắn, cũng uống thuốc này. Hay lắm, nhưng nó đã chết “.

Tay đỡ lấy gói thuốc, lòng tôi hoang mang vô cùng. Bấy giờ tôi không hiểu lời nói sau cùng của Cụ. Nhưng về sau nghĩ lại mới cảm thấy tấm lòng cảm động thương yêu trong lối nói châm biếm hài hước của một nhà nho. Có lẽ Cụ đã xúc động nghĩ đến người cháu xấu số và cũng nghĩ rằng nếu chó dại cắn thì không có thuốc nào cứu được, nhưng kín đáo nhắn nhủ tôi cứ thử xem, may ra có hiệu quả.

Từ giả Cụ Thượng Dinh, đưa cháu về nhà, chúng tôi bắt đầu sống những ngày chờ đợi phập phồng kinh hãi. Những người bị tùng xẻo, nghe một tiếng trống bị cắt mất một miếng thịt, chắc đau khổ lắm. Vợ chồng chúng tôi cũng ở trong hoàn cảnh đó. Mỗi ngày một qua lại nhìn vào con để xem trong ánh mắt, trong cử chỉ con có gì thay đổi không. Ban đêm nghe tiếng con ậm ừ cứ tưởng chừng như con đã lên cơn dại. Hồn phách thất lạc, rồi thức trắng đêm. Nhưng nếu mối lo âu gia tăng mỗi ngày thì mỗi ngày qua đem lại cho chúng tôi một chút hy vọng. Ba ngày trôi qua, con tôi vẫn uống nước bình thường, không có chút gì sợ hãi khi nhìn vào nước như người ta nói. Một tuần lễ của bác sĩ Kh. tiên đoán cũng đã hết. Rồi đến một tháng, rồi 49 ngày, rồi ba tháng  10 ngày, những mức thời gian đầy huyền bí trong tín ngưỡng cũng qua đi. Dấu vết cắn của con chó đã khô trở thành những vết thẹo đỏ, nổi phồng lên trên làn da. Nhưng con tôi vẫn cười đùa ngây thơ và vẫn khôn lớn bình thường như nhứng đứa trẻ bình thường khác.

Con chó cắn con tôi hẳn không phải chó dại và con tôi đã không chết vì bệnh dại. Thế nhưng đúng 26  năm sau, năm 1976 , sau lúc tốt nghiệp bác sĩ ở trường Y Sài Gòn chẳng bao lâu thì con tôi đã chết trong một trại tù gọi là “ học tập cải tạo “ ở Long Khánh, quản trị bởi một lũ người ngu dốt và man dại. Năm 1984 lúc cải táng con tôi từ đồi Long Khánh, tôi muốn sờ lại những vết thẹo đỏ trên thân con nhưng thịt da đã nát tan, chỉ còn vết thương ở đầu, nhận lãnh từ trại học tập là còn thấy rõ và vẫn mãi mãi ám ảnh tôi.

Tôi đã nhớ đến Thầy Hào, nhớ đến Cụ thân sinh của  Thầy, nhớ đến gia đình Thầy không phải chỉ vì là một người học trò cũ của  Thầy mà vì hoàn cảnh trớ trêu đã đưa tôi đến quê hương  Thầy. Lòng thương nhớ con tự nhiên đã được gắn liền với cuộc gặp gỡ không bao giờ quên ở làng Xuân Hồ năm ấy.

San Diego – Mùa Thu 95

Hoàng Nguyễn

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active

 MoVeTruongCu2R

Có tiếng vọng lòng ta từ thuở ấy

Dĩ vãng về tựa thoáng băng cay

Có những đêm dài thao thức nhớ

Bóng cũ đâu đây thấp thoáng đầy

Dấu ân tình dịu ngọt trái tim ta

Ôi nhung nhớ ! ôi hồn thơm băng phiến

 Tuổi thơ vàng bỡ ngỡ áng mây xa

Phan Châu Trinh ! Chim hót rộn sân trường

Dưới hàng me rực rỡ nắng yêu thương

Đường em đi phượng đầy hoa thắm đỏ

Ngọn gió hiền ru giấc mộng tơ vương

Phan Châu Trinh, con đường xưa thân ái

Nắng tơ vàng, em thêu áo lụa màu

Trời trong xanh  êm đềm qua kẽ lá

Mây vẫn hồng lưu luyến phút bên nhau

Phan Châu Trinh, reo thầm muôn nốt nhạc

Âm thanh tình xao xuyến bật lời ca

Em ngúng nguẩy, nguýt lườm nheo mắt háy

Bâng khuâng nào khe khẽ trút hồn ta

Phan Châu Trinh – em áo lụa kiêu sa

Trong vòng tay ấp ủ khối tình ngà

Em khép nép bài thơ nghiêng nón lá

Sóng mắt tình ngơ ngẩn giấc mơ xa

Sân trường đó ngày xưa em cắp sách

Tiếng em cười rào rạt nắng thủy tinh

Em lúng liếng, hoa cài đuôi tóc bím

Len lén nhìn, ai cứ mãi làm thinh

Ôi trường xưa ! Tiếng tên em thầm lắng

Gọi ta về như vệt nắng chiều hoang

Ôi hàng cây ! bên sân trường thanh vắng

Ôi xa lạ ! Con phố rộng thênh thang

Ôi hồn ta đó ! hồn ta lắng đọng

Chiếc lá sầu rơi nhẹ lối bâng khuâng

Lòng ta bỗng xôn xao hàng sóng nhỏ

Trũng hồn sâu theo nỗi nhớ triều dâng

Ta muốn nghe từng hơi thở trìu mến

Muốn nâng niu từng ngọn cỏ sân trường

Xin thăm hỏi bảng vôi và ghế trống

Để nghe lòng vang nhẹ tiếng thân thương

Ta đứng đó chôn nỗi buồn câm nín

Giọt mưa chiều ướt sũng  thấm hồn đau

Trời xanh xao u trầm khung ký ức

Phan Châu Trinh ! Giờ nầy em ở đâu ?

Sân trường đó xin hẹn ngày trở lại

Chút quỳnh hương xin giữ hộ trong tay

Trên băng ghế , bài thơ còn dang dở

Đợi ta về , vuốt nhẹ tóc em bay ...

 

Vương Ngọc Long

( “ ĐS Kỷ niệm 55 thành lập Trung Học Phan Châu Trinh ,Đà Nẵng. Hải ngoại  2007 ”  )

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active

 NangXuanTuong PMH R

Từ trái sang, sau lưng Cô PMH là Lê Quang Hùng

Hàng quỳ phía trước : Phan Đặng Thanh Tú.... thứ 4 là " Ấp trưởng " Ng.Văn Thành, người làm heo sụt kí

Cuối năm 2002, tôi cùng với ma maison và tiểu gia đình con gái lớn Ngân Hà về Huế làm lễ Tiên thọ cho ba tôi. Nhà tôi từ lúc bỏ nước đi tìm tự do vào đầu năm 80 nay mới chịu trở về thăm cố hương.

Thăm Huế quê nàng, nhất là thăm xứ “ cá gộ “, quê chàng. Và hơn hết, theo lời anh ấy, thăm quê hương thứ hai của chàng. Đúng vậy, Đà Nẵng của cả hai chúng tôi là quê nhà yêu dấu. Chúng tôi vào đời gây dựng sự nghiệp ngay lúc ra trường. Và bao nhiêu năm ở đó là bấy nhiêu tình nghĩa chất ngất.

Lần về này với Kỹ Thuật Đà Nẵng, chúng tôi hạnh phúc vì được gặp mặt gần 400 anh chị em cựu học sinh và giáo sư. Lão Hồ cảm động không bút nào tả xiết. Bỏ Đà Nẵng mà chạy dài từ cái đêm mất xứ Quảng. Tất tưởi ra đi không lời giả biệt biểu làm sao hơn 27 năm sau gặp lại anh ấy không rưng rưng lệ. Phần tôi thì không cần nói đến trước lúc qua xứ người đoàn tụ với cha con Vượt Tuyến, và ngay cả lúc chưa bỏ nước mà đi, tôi đã nhiều lần tìm về thăm Đà Nẵng. Ơi xứ Quảng làm sao phai nhoà được trong tim tôi những lưu luyến trìu mến với Người.

Cuối năm 2002 ấy chúng tôi đã tổ chức được một tiệc nhỏ hội ngộ với một số thầy trò Phan Châu Trinh , gặp dịp cả ĐN đang nô nức liên hoan mừng ngày Nhà Giáo. Chính vào tối hôm đó, Bích Ngọc, một nhân vật Lục 5 đã “ bắt cóc “ được cô giáo Hướng dẫn của lớp em ấy. BN đã đăng đàn và tâm sự rằng : “ nghe cô về nhiều lần nhưng chúng em không hề được gặp mặt cô, cô không biết là gần 40 năm trước cô từng là bà mẹ trẻ của Lục 5. Cô là giáo sư cố vấn cô có biết không ? vậy mà cô đành đoạn không nhớ, không biết tới bầy con bơ vơ của cô nhiều năm qua...Lần này cô phải cho chúng em gặp mặt ! “ Tôi xúc động vô cùng, nghĩ thầm sao đầu óc mình tệ hại đến thế, sao mình có thể quên được  ! Nhưng sáng sớm hôm sau chúng tôi đã phải rời Đà Nẵng, thì làm sao đây... ? BN liền có cách giải quyết . Các em sẽ kêu gọi lập tức năm mười bạn tối nay đến khách sạn Bạch Đằng thăm cô.

Tiệc tàn lúc 9 giờ tối. Khi về Bạch Đằng chúng tôi đang chén tạc chén thù bằng cà phê với các bạn giáo sư KTĐN, thì đàn con Lục 5 của cô MH kéo tới. Bầy trẻ ngây thơ ngày xưa nay không thấy đâu, chỉ thấy hiện ra trước mắt mình mươi vị trung niên , mặt mũi lạ hoắt, râu ria ngổ ngáo. Dĩ nhiên tôi nhận ra hơn một người. Đó là Bích Ngọc vừa quen lại tối hôm nay và Phan Đặng Thanh Tố, cậu bé mặc sơ mi Quốc văn của PMH dạo ấy. Tôi ngẩn ra ngắm các em , và ngậm ngùi thương. Sau bao biến cố từ 75, học trò bé bỏng của tôi giờ trông trên nét mặt ai cũng in hằn dấu tích khắc khổ. Các em xúm quanh tôi, dành nhau nhắc gợi kỷ niệm ngày xưa của Lục 5. Thuở ấy, tôi vừa từ giả đám học trò Đồng Khánh dễ thương của mình. Về Phan Châu Trinh, tôi thường được “ đứng tim “ với bầy “ nhứt quỷ nhì ma “ ...của ngôi trường nam sinh lẫy lừng nhứt xứ Quảng này. Chỉ trừ có Lục 5 .

Thuở ấy tôi 25 tuổi, tên học trò lớn nhất mới 15 , như chị cả và em út. Quốc văn các lớp đệ nhất cấp hệ số 3 , tôi dạy ba buổi, mỗi buổi 2 tiếng đồng hồ. Tôi lại là giáo sư cố vấn nữa. Tất cả những điểm ấy gom lại khiến cô trò chúng tôi thương quý nhau.

Trước lúc chia tay, Tộc trưởng Phạm Đắc Hùng đã mau mắn trao tặng cho tôi 3 tấm hình cỡ    18x24cm. Trong đó có cái chụp cô giáo Hướng dẫn đứng giữa một bầy tiểu yêu. Tôi mặt mũi non choẹt, tóc uốn kiểu Jacky và body xộc xệch, chắc là đang thời kỳ nuôi em bé. Bầy trẻ lau chau bu quanh cô, ngó sao mà dễ thươmg quá. Các em đại diện cả lớp Lục 5 ký tên vào bức hình quý giá này. Tôi cảm động hơn nữa khi cầm trong tay bài báo của mình viết cho tờ ABC của Lục 5. Nghe nói, từ ngày rời trường, hằng năm các em đã hội họp lại với nhau và trân trọng đọc bài “ điểm danh “ của cô PTMH. Tựa đề là :

                     “ Còn nhớ không ...”

Không biết bữa nào đây khi niên học đã hết. Lễ phát phần thưởng tưng bừng cũng đã qua. Sân trường lặng ngắt như tờ. Chỉ có nắng đuổi gió và cát im lìm ngái ngủ. Khi đó các em còn nhớ không ?

...Còn nhớ những kỷ niệm vui buồn đầy đặn của những tháng ngày mài đủng quần kaki xanh trên ghế nhà trường không ? Riêng phần tôi, tôi chắc rằng mình sẽ khó mà quên được các em . Phải rồi ! Riêng nhớ về Lục 5 mà thôi. Nhớ rất nhiều em ạ. Nói như thế có người sẽ rủa thầm , cô xạo ghê. A ! Ai mà nghĩ thế tôi mà biết được sẽ cho 2 zéro liền nghe !

Thôi để tôi nhắc lại đây ít vụn vặt kỷ niệm cho các em nhớ nhé. Nhớ về tôi. Chắc chắn đó là mục đích trước tiên và sau đó là nhớ về lớp mình, nhất là nhớ đến từng tế bào trong cơ thể Lục 5 Phan Châu Trinh.

Chiều đó là chiều thứ ba. Đáng lẽ ra chiều nay tôi dạy 2 giờ Sử Địa ở Thất 5 ; nhưng vì lịnh trên ban xuống, từ đây sẽ phụ trách chương trình Quốc Văn ở Lục 5.” Một chút buồn len lấn trong tâm tư vào ngõ hai con mắt “. Tôi bùi ngùi nhớ hơn trăm nhóc con Đệ thất vừa làm quen được hơn tháng rưỡi trong mấy giờ Sử Địa. Chừ lại phải chia tay. Cũng như trước đó vừa từ chức “ bà bầu “ đã ngơ ngẩn rời xa hai lớp các anh chị Nhị B1 và Nhị  A1. Đã biết rằng đời là bể khổ, là một cuộc “ thương hải biến vi tang điền “mà ! Đọc ngang đây có cậu nào bị sãy cắn không ? Chắc có hí, vì cô xổ nho quá làm có người phải mất công tra tự điển Hán Việt bắt mệt đi. Được rồi, chừ tôi chỉ dùng thuần tuý văn chương nôm na quốc ngữ mà thôi. Cười huề cả làng nghe.

Chiều đó. Tôi đến với Lục 5 nhưng không kiếm đâu ra 1 chiến sĩ nào nữa ; thì ra thầy Tổng Bê loan báo mai mới có giờ, vì học sinh Lục 5 thầy đã cho về rồi ! Thế là chiều hôm sau tôi mới “ chộ “ các em . Ôi , giây phút diện kiến ban đầu mới cảm động làm sao . Trên lầu cao mà trước đây tôi vẫn ao ước lên “ chơi” là dinh cơ của dân Lục 5, oai ghê gớm là dân ...” đồng bào thượng “! Vừa bước vào cửa lớp tôi bỗng choáng người vì một tiếng hô dõng dạc của một vị chức sắc Lục 5: Đứng ! rào rào mấy chục chiến sĩ một loạt nghiêm như lính ! Chà, dàn chào kỹ ghê ! Tôi nghĩ thầm và suýt phì cười.

...Rồi sau đó chúng mình làm quen nhau thật vui vẻ, phải không các em ? Và tôi nhớ không lầm ,qua tuần lễ thứ hai 100% lớp Lục 5 bằng lòng nhịn quà, cứ 2 tuần mỗi người đóng góp  10$ làm báo chơi ! ...Tháng ngày vùn vụt qua mau vì “ bóng câu qua cửa dễ cầm mãi ru “! Chúng ta đã đếm được 11 tuần lễ. Gần đến ngày trọng đại rồi – để mổ heo ! Trong chúng mình ai mà không biết rõ – “ Cái vốn heo “ đó hí, sáng kiến của Ấp trưởng Nguyễn Văn Thành mà. Từ tuần thứ 1 đến tuần thứ 11 này , con heo mỗi ngày một nặng thêm . Ôm nó đã thấy trĩu cả cánh tay, và ai cũng ham vuốt ve chú heo dễ thương ấy. Và tôi không lầm rằng heo đã bị móc ruột đến 4,5 lần là ít ! Cái “ cửa sau “ của lão Trư Bát Giới Lục 5 được đút cho ăn no nê, tôi tính phỏng chừng dễ lên đến 7 ngàn rồi ! Sau khi kiểm chứng sổ sách của các đội trưởng tôi chắc rằng vốn liếng non lắm cũng trên 6 ngàn . Mỗi giờ Quốc văn , tôi ...mạo muội lấy bớt 5 phút đồng hồ để thu thuế. Thế mà có khi cũng phải hét khan cổ vì không ít vị muốn lấn thêm ít phút để phá như quỷ sứ nhà trời. Cũng vì cái tật ồn ào dễ ghét nói mấy không chịu nghe của các em mà có lần tôi bị Triều đình khiển trách ...vừa vừa !

Tôi còn nhớ Lục 5 chia làm nhiều băng khác nhau. Băng hàng đầu có Tuấn Bắc, giọng lãnh lót như chuông. Có Phú thi sĩ tụng kinh, rổi Kim Thanh Hùng đều là dân học có hạng cả. Quên kể chàng Ngọc hay gan. Rôi cu cậu Cung Thế Hồng Đức, Huề có đôi mắt ghét nhau. Và Dũng họ Lê, thêm Du Phước Lợi nữa. Đặc biệt băng này có thêm một lính mới tò te, là chàng Bắc Kỳ Kim Hải, con người luôn luôn mơ màng trong giấc điệp. Có lần vì quá mơ màng nên chàng ta đã đút đầu vào hộc bàn đánh một giấc ngon lành. Vì thế cứ đến giờ Cổ-Kim hoà điệu chú chàng phải dời đô lên đây.

Đến băng thứ hai với nhiều nhân vật li kì. Tăng Trung Kim San, lúc tôi mới đến San đã lấy cảm tình bằng một bài luận đầu lớp. Văn chương thật dễ thương và trong sáng. Người kế đến là Phan Bá làm thơ nhanh và tài lắm. Trần Văn Tần, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Đức Chương cũng làm tạm tạm. Qua Trần Hưng Thạnh, nhà tỷ phú của Lục 5. Trong thời kỳ lão Trư bị móc ruột, Thạnh đã hào phóng ủng hộ 250$ làm lé mắt cả lớp Lục 5 mình. Băng này còn phải kể đến là Nguyễn Ngọc Hồng , có cha là tài xế xe nhỏ. Người học trò có nhiều đức tính của nhân vật tiểu thuyết. Hồng đóng cho quỹ heo làm báo, bằng tiền bán cà rem ngày chúa nhật ! Cảm động quá phải không các em ? Đến Nguyễn Văn Sướng , giọng Hà Nội thật tuyệt. Tôi có thói xấu là hễ kêu đọc giảng văn bao giờ tôi cũng chọn giọng Bắc. Kết quả một hôm sau một loạt ba tên Bắc kỳ đọc bài, chàng Tôn Thất Thăng dân Huế chay cũng cái đà đó mà xổ giọng Hà Nội êm ru bà rù, làm cả lớp mình được một bữa cười bể bụng.

Nếu kê khai dân nghịch tặc Lục 5 thì không làm sao có đủ giấy cho tôi giới thiệu đức tính quý báu của họ. Ốc tiêu mà phá dữ là những chàng trai : Nguyễn Đăng Diên, Phan Quang Trúc, Bùi Văn Thành, Nguyễn Hữu Hồng, Lê Vĩnh Lạc, Mai Quang Thiện. Tay tổ phải kể tên những Jingo sau, Lê Quang Hùng, Nguyễn Hữu Trưởng, Ngô Đức Hải và nhiều nhiều nữa .

Những dân đóng góp công sức cho đặc san ABC là Phan Quốc Hiệp, bạn nối khố của ông đạo Ổi Trương Chính, Huỳnh Bá Long, Nguyễn Hữu Hùng và Lê Thanh, những tay viết chữ đẹp dễ nễ.

Phân loại nhà lành, đặt đâu ngồi đó thì có : Nguyễn Hưng Long, Phạm Quyệt, Phù Trung Sơn, Trần Văn Thánh, Võ Quang Lợi, Phạm Lạc, Thanh Tâm, Đồng Sĩ Tiến, Huỳnh Tấn Phúc, Trần Công An, Lê Văn Mạnh, Trần Văn Thảo.

Nếu cứ đưa tên ra không, các em sẽ bảo cô lẩm cẩm, điểm danh hoài mà không biết chán sao . Nên đến đây tôi không kêu tên nữa. Nhưng dù sao cũng phải chiếm thêm nhiều giấy của ABC là chàng Ấp trưởng Lục 5. Chàng Thành con nhà giàu xinê Chợ Cồn phải không  các em ? Vì coi tiền như rác nên Thành ta đã để heo sút ký. Điều đó đã làm cho cả lớp mình buồn tưởng chết được. Khi mổ heo ra mà sao trong bụng heo chỉ tòan chứa bạc cắt không hà !!! Những tờ giấy Quang Trung, Lê Văn Duyệt mất hút đâu cả. Sau đó thầy trò chúng mình đành rầu rĩ chấp thuận “ làm lại cuộc đời ! “ , bằng cách kêu gọi lòng hảo tâm của các nhà mạnh thường quân Lục                            5. Danh sách quý hoá này có : Phạm Đặng Thanh Tố, người sơ mi Quốc Văn kỳ nhì. Còn có Thiện, Kim, Ngọc Hồng...Trong 10 phút đồng hồ hôm ấy vốn liếng chúng ta đã lấy lại suýt soát hơn 3 ngàn đồng tiền “ không cánh mà bay “ “. Dĩ nhiên Thành Ấp trưởng chịu bồi thường 1 ngàn !

Sau khi kể xong chuyện mổ heo tôi bỗng cảm thấy cụt hứng. Té ra cái chuyện tiền bạc nó cũng ảnh hưởng ghê gớm đến tinh thần của mình ác thiệt ! Thế nên tôi đành dừng lại đây với một cảm tình luôn đầy ắp dành cho các em Lục 5 thương yêu của tôi.

Phan Thị Mộng Hoàng

Cuối năm 2003, tôi từ Huế trở vào Đà Nẵng sau hôm mừng kỷ niệm 100 năm của trường Jeanne D’ Arc, (tôi vốn là dân học trò nội trú trường bà xơ luôn mấy năm Tiểu học và trung học ). Lần này vào thăm xứ Quảng nhắm mấy mục tiêu, họp mặt Lục 5 và thăm đêm 14 âm lịch phố cổ Hội An . Đêm này Faifoo sẽ sống lại thời thành phố chan hoà ánh trăng và đèn lồng thắp sáng muôn màu huyền ảo.

Tôi cùng Diệu Châu, một cô bạn thân Đồng Khánh, đi bằng xe lửa vào. Đón chúng tôi có bốn em Lục 5, với hoa tươi trân trọng trên tay. Đó là Tố, Thiện, Hữu Hồng và Hùng. Các em dành nhau “ bao trọn gói “ cho cô giáo  chủ nhiệm năm xưa ngay từ giây phút đầu tiên bước chân xuống khỏi tàu cho tới lúc tôi từ giả Đà Nẵng. Lần này ghé về đây , Lục 5 độc quyền giữ cô giáo. Tôi không liên lạc với bất cứ em PCT nào ngoài lớp Lục 5 . Những lần trước tôi thích lưu trú tại nhà vợ chồng Trí - Lan của 10 B2 hay tổ ấm của Phạm Quang Vinh bên Kỹ Thuật. Các em ùa tới khi tàu lửa dừng, tôi chưa kịp ngơ ngác tìm thì đã được họ bao quanh. Tôi cười mĩm chi với mọi người và nói chuyện với bàn tay  che kín miệng. Sỡ dĩ thế là vì tôi sợ xấu. Ai đời khi ở Huế, tôi ghé tiệm đánh imeo về Mỹ...chiều hôm đó trời Huế mưa lây rây, gió mát, thành phố thời thiếu nữ của tôi đẹp ủ dột thơ mộng làm sao. Ở quê hương Vi tính và điện thư gửi đi chậm hơn rùa bò. Tôi vừa nhẩn nha đánh máy vừa ngắm cảnh trời mưa, trước mặt là một túi ổi to thơm và dòn tan. Tôi vừa nhắm ổi vừa gõ máy vừa say mê nhìn mưa bay. Bỗng “ cốp rộp “ một âm thanh vang rền bên tai...cái răng cửa của tôi bay theo gió rơi xuống gầm bàn ! Than ôi, cuộc đời bỗng tối ám mùa đông ! Tôi hết ham cười toét miệng , hết ham ba hoa chích chòe vì sợ lỗ hổng đen ngòm hiện ra dọa thiên hạ ! Từ một tuần qua, quen che mồm nên nay tiếp tục kỳ cục như thế. Trò tộc trưởng lấy làm lạ, thắc mắc hỏi tôi có chuyện chi không vui , em thấy năm ngoái cô khác với chừ ? Tôi quay đi nói nhỏ tại cô ...sún răng ! Đắc Hùng an ủi, cô cứ tự nhiên cô càng tỏ ra che dấu người ta càng chú ý. Hơn nữa ở đây chuyện sún hay có hăng rết  cũng là chuyện thường tình !

Từ đó tôi tha hồ cho gió chui qua khe hổng của hàm răng ! Rời “ ga “, chúng tôi lên taxi đến một quán giải khát có kèm nhậu ! Ở đây thiên hạ quen kiểu vui vẻ cụng ly cụng chai bất cứ thời khắc nào. Thời gian mở rộng và tình người lai láng.

Chiều hôm đó chúng tôi đến một qúan ăn lịch sự để họp mặt với Lục 5 đang hiện diện ở Đà Nẵng, khoảng 20 em, vì chưa Tết , nên số lớn các em khác còn đi làm xa chưa về. Căn phòng bày trí với hoa tươi chúc mừng cô giáo xưa trở về cùng dòng chữ bay bướm gắn trên tường. Một bàn dài trang trọng bày ly tách, chén dĩa . Các em Lục 5 nghiêm trang đứng xếp hàng dọc hai bên. Tất cả im lặng nhìn mình. Tôi không nghe tiếng hô nghiêm như thuở nào và học trò bé bỏng giờ đây vụt hóa nên người lớn chững chac. Tôi bàng hoàng nhớ đến ngày còn là cô giáo trẻ, ngập ngừng đến với học sinh Phan Châu Trinh. Trong suốt 8 niên khóa từ 67 đến ngày mất Đà Nẵng 1975, tôi đã hướng dẫn môn Quốc Văn đủ các lớp Thất, Lục, Ngũ, Tam, Nhị. Thoạt mới về thì dạy Sử địa các lớp Đệ thất, kiêm môn Công dân ở Đệ tứ. Tôi đã đến khắp mọi xó xỉnh, đã lang thang lên lầu cánh trái cánh phải, ngự trị khắp các phòng dãy giữa rồi bên tả, bên hữu. Từ lúc mới về, đứng trên bục gỗ dài thượt trước tấm bảng  sơn đen, rồi bảng chuyển qua màu xanh lá cây của hi vọng. Vài tháng làm việc ở Thư viện, thúc đẩy học trò đọc sách, đọc truyện. Bất cứ ở lớp nào, tôi cũng bày trò viết lách làm báo. Cô giáo trẻ dạy học trò con trai , các em giả vờ hiền ngoan khi bị răn đe, thoắt cái phá phách như quỷ sứ lúc mình làm hoà vui vẻ. Ôi trường Phan Châu Trinh dấu yêu, hồn tôi đã khắc ghi bao kỷ niệm với Người. Tám năm êm đềm ấy vụt biến mất sau mùa hè ác nghiệt 75. Tôi trở thành người ” mất dạy , bất lương, thân sơ thất sở...” khi đau đớn lìa bỏ Đà Nẵng trong cái đêm kinh hoàng 29 tháng 3 trên chuyến xà lang dập dềnh chờ được vớt lên tàu lớn Mỹ. Và sau đó là những tháng năm u buồn tủi nhục khi trôi dạt vào miền Nam. Phải rời trường, xa lớp...Tôi nghiệm thấy chỉ duy nhất khi sống trong xã hội học đường, thân quen với bạn bè đồng nghiệp , trìu mến giữa tình thầy trò. Ở đó tình cảm mình được an toàn, không hề lo sợ bị gạt gẫm, bị đe dọa. Nhất là sau 75, cuộc đổi đời đến chóng mặt, luôn luôn con người mình phải co lại, hốt hoảng như con chim sợ cành cong. Nhưng thỉnh thoảng tình cờ gặp lại bạn bè cũ, gặp lại học trò xưa, mình như được hoàn hồn, vui mừng nhắc nhở chuyện ngày qua. Thì ra tình cảm với PCT từ lúc nào đã tràn ngập cuộc đời mình.

Sau buổi tiệc với Lục 5, tôi vừa vui vừa ốt dột, lý do các em không cho tôi được trả tiền hôm đó. Vậy là như những lần trước, tôi liền trở ngón lăng ba vi bộ, đề nghị dùng tiền của cô giáo làm quỹ giúp bạn bè nghèo. Nhớ khi ra đi, Gs Nguyễn Đỗ Thu bên Houston đã gởi cho tôi số tiền 200$ tuỳ ý để tôi gặp đâu ứng phó tới đó giúp học trò PCT nghèo. Tôi góp vào luôn. Và các em Lục 5 hoan hỷ lập ngay một danh sách tặng quà Tết cho bạn bè thiếu may mắn. Các em nói ,sau 75 thì ai cũng xơ rơ xác rác cô ơi ! Nhưng nay thì không còn cảnh chết đói nữa , anh em nhiều người mở mặt mở mày, ăn nên làm ra. Lớp đã thường xuyên gây quỹ bảo trợ cho bạn nào lỡ gặp hoàn cảnh ngặt nghèo bi đát ...

Sau buổi tiệc, một số các em xin phép về vì bận việc. Còn lại thầy trò chúng tôi chuyển tới một phòng nhạc sống gần đó . “ Hát cho nhau nghe ‘. Ở đây có dàn nhạc bỏ túi, có nhạc sĩ chơi piano, violon và cô ca sĩ đứng tuổi hát còn hay lắm. Đặc biệt là chơi và hát toàn nhạc Vàng ,(có thời người ta gọi là Nhạc cấm phải hát chui, nghe chui và còn kêu là nhạc đồi trụy ! ). Tôi được một bữa thưởng thức no nê những bài ca tiền chiến và những bản nhạc trữ tình nhắc gợi đến tình cảm của các người lính trước 75 ! Các em học sinh và bạn Diệu Châu nổi hứng thay nhau lên cầm micro làm ca sĩ. Còn tôi, chỉ biết nói vài lời bày tỏ nỗi xúc động của mình. Cuối ngày vui đó 5,6 chiếc gắn máy chở đôi , và thầy trò chúng tôi còn ghé vào một quán cháo khuya để làm cho ấm bụng. Lần về này trò Trần Văn Tân mời cô giáoo và cô bạn tạm trú tại khách sạn Tân mà TVT là chủ nhân.

Chúng tôi chỉ ở Đà Nẵng 2 đêm 3 ngày vì còn “ tranh thủ “ vào Hội An thăm đêm trăng 14, thường lệ Phố cổ lúc ấy sẽ tắt hết ánh điện văn minh để sống lại đêm đèn lồng huy hoàng thơ mộng. Chiều hôm ấy  chúng tôi cùng quá giang taxi với cha con của trò “ Ngân đen “ vừa từ Mỹ về thăm Đà Nẵng dịp này. Thay vì phải ở lại qua đêm, chúng tôi quay trở lại Đà Nẵng ngay trong khuya ấy. Đêm Phố Cổ chìm đắm trong ánh đèn lồng lập lòe hư ảo. Chúng tôi lang thang dọc theo bờ sông Thu Bồn tối câm, nổi bật chiếc thuyền khổng lồ dập dềnh một chỗ trên sông nước mơ màng. Tôi đứng không muốn rời chân ven sông để lắng nghe tiếng đàn ca, xênh phách vang lên từ trên lầu thuyền vọng xuống. Tiếng hát hò đối đáp từng lúc nghe vui tai và nao nức cả lòng trí tôi. Đất nước mình giờ thôi chiến tranh tương tàn Nam Bắc. Người dân được sống trong cảnh hoà bình. Tôi chợt lặng lẽ buồn, vì quanh tôi vẫn còn đầy dẫy những con người nghèo hèn, đang sống một đời tăm tối, khác chi đêm Faifo tắt điện và sông nước buồn hiu lặng lẽ trôi.

Sáng cuối cùng ở Đà Nẵng, thầy trò Lục 5 ngồi quanh chiếc bàn gỗ đen mun của ngôi quán thanh lịch, phỏng theo kiểu cố đô bài trí nên thơ, khuôn viên rộng thoáng có những nhà tứ giác mái lợp ngói liệt với cột kèo bằng gỗ đen bóng, núp dưới nhấp nhô những cây cau cao vút và bóng dừa xanh rũ bóng êm đềm. Những tiếp viên là các thiếu nữ líu lo giọng Quảng, trên đầu các cô gái xinh tươi chông chênh chiếc nón bài thơ ngộ nghĩnh, mà số vành nón tôi đếm khoảng 15 vành, như thế là không theo đúng chất Huế con gái của tôi ngày xưa ! Tại đây tính chất “ bà la sát “ của tôi khi làm cô giáo PCT có lúc nổi dậy. Tôi đã bất mãn trước cung cách “ mất dạy “ của mấy tên con trai hầu bàn. Nghe nói đều tuyển chọn từ các sinh viên cho làm giờ part time. Các cậu bồi này khinh khỉnh, hỗn láo, trơ mắt dòm khách từ gần đó rồi xì xào bình phẩm , nghe lọt tai giọng Quảng khê nằng nặc. Tôi đã mời người quản lý lên cho mình góp ý rằng “ khách phải được niềm nỡ và trân trọng tiếp đãi, có thể lần sau quán mới kết nạp thêm khách tìm tới...” người đối diện , hiền lành nghe tôi khiển trách thẳng thừng, là một cựu PCT ! Lần sau nhé, xin lỗi, quán tre trúc nên thơ này, tôi sẽ không bao giờ hẻo lánh nữa  !

Chuyến tàu lửa quay ra Huế, có mấy em Lục 5 tất tả chạy đến đưa tiễn cô giáo. Phạm Đắc Hùng nhờ tôi chuyển về Mỹ ít tiền cho cậu con trai đang theo học bên ấy theo chương trình trao đổi sinh viên học giỏi. Hữu Hồng cúp núp tìm mua tặng tôi món quà quê hương, là những lọ tương ớt Hội An , bán ở Chợ Hàn. Tương cay vì làm từ ớt tươi, đỏ, ngọt ngào, thấm đượm hương vị làm sao. Về nhà mỗi lần ăn bún khô khoèo thêm chút tương này lại làm tôi nhớ da diết xứ Quảng của mình. Ra thấu Huế, sáng chiều nào tôi cũng nghe phone bầy học trò Lục 5 réo rắt kể lể. Tôi buồn cười vì nghe các em kể lại, sau khi tàu khuất “ ga”, một bầy 20 bạn Lục 5 khác mới trở tới, họ sắp hàng kéo nhau trên sân “ ga “ với tấm bảng to “ cô giáo PTMH “ ! Rồi đến chuyện các bạn họ được tuyển chọn nhận quà Tết như em Thanh, hành nghề cắt tóc, có đứa con trai lớn bị thương tật và thất nghiệp gần đây, do té từ trên đàn giáo cao tít mà thiếu an toàn. Em Ngọc Hồng, nay ở trong UBND Phường nhưng vẫn nghèo rớt mùng tơi và chạy xích lô.

Khi tôi về lại nhà ở San Jose độ vài tuần lễ thì điện thư từ Đà Nẵng tới tấp gởi sang báo tin một bạn Lục 5 là Lê Quang Hùng đang lâm trọng bệnh .Cậu học trò này tôi nhớ năm trước khi về thăm Đà Nẵng với nhà tôi, vào tối trước hôm từ giả thành phố ĐN, em ấy đã có mặt cùng các bạn lớp mình thăm cô giáo. Tôi nghe kể rằng, trước đó khi nghe bạn bè báo tin giữa tháng 11, 2002 sẽ có cô giáo hướng dẫn ngày xưa về thăm ĐN. LQH liền dẹp tiệm chiếc xe đạp thồ vốn là phương tiện “ câu cơm “ hàng ngày để nuôi bầy con nheo nhóc, dẹp cày dẹp cuốc vào một xó để hối hả chuyến xe đò, lặn lội từ cao nguyên Đắc Lắc về xứ Quảng mong cho được hội ngộ với tôi. Và em ấy chỉ vừa gặp mặt cô giáo 15 phút cùng với các bạn . Rôi sáng mai lại phải bết bát quay trở về Đắc Lắc tiếp tục lao động cực nhọc nuôi bầy con. Vợ LQH nghe nói cũng giúp chồng gánh đỡ “ giang sơn “ của họ bằng gánh cháo khổ, chỉ ngồi bán lê la ở góc chợ thị trấn. Từ hồi sau 75 hai vợ chồng dắt dìu nhau đi kinh  tế mới vùng cao nguyên. Cả nhà ăn đói mặc rách , thêm vùng sương lam chướng khí, những đứa con ra đời thi nhau ốm đau quặt quẹo. Tất cả đều thất học !  Trong 5 đứa có một bé câm điếc, và một đứa quanh năm bị động kinh .

Chuyến thăm Đà Nẵng của tôi đầu năm 2004, LQH nghe tin các bạn báo cho biết, cũng nôn nao muốn trở về họp mặt, nhưng từ mấy tháng nay “ cậu bé “ Lục 5 này đau ốm rề rề. Và các bạn đã chia quà Tết của chúng tôi cho em ấy.

Rồi nay tôi nghe tin dữ, LQH bị đau gan nặng . Thế là cô trò chúng tôi vội vàng kêu nhau gom góp tiền bạc giúp. Cũng vào dịp này Chương còm dân Lục  5 chính hiệu con nai vàng,  đã xông ra hú gọi trên diễn đàn PCT. Chương còm đích danh là Nguyễn Đức Chương, hội trưởng Hội Ái hữu PCT ở Cali này . Tôi theo dõi email của các em Lục 5 trong và ngoài nước, các em kẻ ít người nhiều đã chung sức góp tiền cứu bạn. Ví dụ bạn Xích- lô-man Ngọc Hồng giúp một ngày chạy xe. Bạn hair-man Thanh cũng đóng một ngày công  hớt tóc thiên hạ v..v...Nhưng số trời đã định sau thời gian ngắn được đưa về chữa trị taị bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM, bác sĩ tuyên bố LQH bị ung thư gan ở giai đoạn cuối. Tình trạng nằm chữa bệnh tại đây vô cùng hồi hộp. Ngày nào không tiền, không có thuốc, không ai ( BS hay y tá ) thèm lai vãng. Tiền quyên góp mấy ngàn đô la vèo vèo như lá rụng cuối thu...Trên điến thư tôi đã sốt ruột nói nhỏ với mấy em Lục 5 , tình trạng nguy ngập, phải liệu cơm gắp mắm , lo khuyên bảo thân nhân đưa LQH trở lại nhà ở Đắc Lắc, vì tài chánh eo hẹp làm sao đương nổi với “ máy chém “ tàn nhẫn vô nhân đạo của các ngài lương y ác mẫu của nhà thương nhà nhớ thành phố Bác !  Cuối cùng LQH đã kịp về lại nhà vui sống được thêm vài ngày dưới mái nhà tranh cùng vợ con. Nghe các bạn Lục 5 của LQH báo cáo : Cô ơi, túp lều nay không còn đêm đêm nhìn thấy trăng sao, vì tụi em đã “ bố trí “ chia công tác, đứa lo chuyện lợp nhà, đứa lo tiếp tế gạo cho bầy cháu tội nghiệp có cơm ăn no đủ (  từ khi về lại nhà ở bên này cô trò Lục 5 chúng tôi thi đua imeo i xèo, các em Lục 5 ở Sài Gòn lên Darlac thăm, đã chứng kiến cảnh ăn uống cực khổ, cảnh sống nheo nhóc, và nhất là việc các cháu mù chữ ! ) tụi em đã lo cho bầy cháu ghi tên đi học, giúp vốn vợ LQH làm nồi cháo ngon hơn ,để bán kiếm nhiều tiền hơn nuôi các cháu như cái tàu há mồm, như cái máy xay gạo...Tụi em chắc chắn giờ đây bạn ấy đã mĩm cười nơi chín suối !

Lê Quang Hùng cậu học trò Lục 5 tội nghiệp của tôi giờ này đã mồ yên mã đẹp và bầy con của em ấy đã được đến trường. Cô dâu PCT Lục  5 của tôi nay là quả phụ thì yên tâm vì đã có chút vốn liếng buôn bán nuôi con. Bởi vì đơn vị  gia đình Lục 5 PCT của cô trò chúng tôi đã có chương trìng giúp dài hạn và thường xuyên cho gia đình bạn LQH.

Giữa tháng 4/ 2005

Phan Mộng Hoàn

( Kỷ yếu Hội ngộ Phan Châu Trinh-Hồng Đức, 30 năm xa xứ,  2005 tại Hải ngoại )