Trung Học Phan Châu Trinh

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive

 

Trước khi vào chuyện kể về chuyến đi thăm, tôi xin nói vể thân thế và sự nghiệp của Cụ Phan Châu Trinh.

Cụ Phan Châu Trinh sinh ngày 8 tháng 5 năm  1872 tại làng Tây Lộc, phủ Tam Kỳ huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Ông sinh ra khi đất nước có ngoại xâm, khi lên 8 tuổi do cái buồn vì mẹ mất nên việc học hành của ông có sự hạn chế .

Năm 1887 cái tang thứ hai trong đời là cha ông hy sinh khi họat động phong trào Nghĩa Hội ở Quảng Nam. Từ đó lòng thù hận quân xâm lược đang dày xéo nước ta và ý chí yêu nước của ông vun lên. Năm 10  tuổi nhờ sự giúp đỡ của người anh, ông mới bắt đầu vào trường học lại . Mặc dầu vậy nhưng tầm nhìn và tình yêu nước của ông rất xa so với các bè bạn cùng tuổi .

Phan Châu Trinh là người thành lập phong trào Duy Tân ở đầu thế kỷ 20, nhưng phong trào kết cuộc không thành, Cụ bị bắt giam tại Hà Nội và giải về Huế, rồi bị đày đi Côn Lôn . Khi  ở Pháp Cụ chịu sống cuộc đời cơ cực để nuôi con ăn học, và bị bắt khi hoạt động  và bị giam ở ngục Santé. Khi ra tù năm 1910 trở về sau này, Cụ tiếp tục hoạt động cho phong trào Duy Tân ở trong nước cũng như ở Pháp.

Năm 1923 từ Pháp về Việt Nam, Cụ bị bịnh và mất tại Sài Gòn ngày 24 tháng 3 năm  1926.

Phan Châu Trinh là người thông minh, dũng cảm hăng hái nóng nảy , nghiêm trang và Cụ là người  nhiều tình cảm đối với gia đình . Cụ thể như việc Cụ đã cứu  người em bị sập bẩy heo rừng khi đi lánh nạn. Mọi người nói không thể nào cứu em ông được vì hầm bẩy rất sâu , ông liền nói với những người đi theo ông lấy dây thắt lưng ( lúc đó  thắt lưng bằng dây vải ) cột ông lại và thả ông xuống dưới hầm đó. Tiếp theo dặn họ kéo em gái lên trước, từ dưới hầm sâu và kéo ông lên sau .

Tình yêu đất nước , đồng bào của Cụ cũng rất sâu. Cụ nói khi nào đồng bào còn đau khổ, còn ngoại xâm thì lúc đó Cụ ăn không ngon, ngủ không yên  . PCT ChiSi

Bây giờ tôi xin kể về chuyến đi thăm quê hương Cụ Phan Châu Trinh.

Trong dịp về thăm quê nội tôi ở làng Tây Lộc  ( nay là Tam Lộc ) Tiên Phước ; tôi và gia đình có dịp đi thăm nhà của Cụ Phan Châu Trinh, nơi Cụ ở thuở thiếu thời . Hiện tại còn di tích trong đó có những hình ảnh  về cuộc đời hoạt động  vì nước của Cụ cũng như những kỷ vật lúc Cụ còn sống . Hiện tại cháu Cụ là ông Phan Tự Cư trông coi đền thờ của Cụ Phan Châu Trinh.

Từ Đà Nẵng thuê xe của công ty du lịch Đà Nẵng, đưa chúng tôi từ Đà Nẵng đi Tam Kỳ. Từ Tam Kỳ có hai đường đi đến làng Tây Lộc ( Tam Lộc ).

Một là từ Tam Kỳ đi lên quận Tiên Phước và từ quận đi ra làng Tam Lộc khoảng hơn một tiếng đồng hồ vì đường có sõi đá và đất nên xe chạy rất chậm .

Thứ hai là từ ngã ba Trường Xuân , Tam Kỳ, chúng ta có thể đi thẳng đến làng Tây Lộc cũng gần một tiếng đồng hồ . Nên nhớ là đi lúc trời tốt không có mưa, chớ khi có mưa thì sự di chuyển xe rất khó khăn, trong khi đi qúi vị sẽ nhìn thấy tấm bảng khắc chữ Tam Lộc. Đến nơi phải xin phép cháu của Cụ Phan Châu Trinh là ông Phan Tư Cự, ông ta sẽ mở cửa đền thờ cho vào xem. Do ông Phan Tư Cự biết gia đình tôi nên ông mở cửa cho vào xem , những ai không quen phải xin phép chính quyền địa phương mới được vào tham quan.

Từ Tiên Phước chúng tôi cũng đi Tiên Lãnh ( Tiên Thanh ) để thăm nhà Cụ Huỳnh Thúc Kháng. Khách ở xa có thể ngủ qua đêm ở nhà Cụ Huỳnh Thúc Kháng, có phòng riêng dành cho khách ngủ qua đêm, Cháu Cụ Huỳnh Thúc Kháng là ông Huỳnh Hồng đang trông coi đền thờ.

Khi tôi đến nhà Cụ Huỳnh Thúc Kháng thì thấy có tấm bia khắc trước ngõ vào là nhà lưu niệm Cụ Huỳnh Thúc Kháng, nhưng ở nhà Cụ Phan Châu Trinh thì không có. Ước mong Thầy Cô và học trò trường Phan Châu Trinh làm một tấm bia để trước nhà Cụ Phan Châu Trinh thì sẽ thấy đẹp hơn , và hơn thế nữa để đáp ơn Cụ Phan Châu Trinh đối với chúng ta .

Tiên Phước, quê hương của Cụ , có dòng sông Tiên nước chảy ngược nên thơ như cảnh êm đềm của đồng quê , chứa chan bao tình người. Tôi xa Tiên Phước từ năm 1963 sau trận lũ lụt năm Thìn,  mặc dù xa quê nhưng mỗi lần nghỉ hè tôi cũng ghé về thăm quê nội, quê ngoại .

Quí vị cũng như tôi sẽ được đi thăm từng nhà, người dân quê ở đây rất chất phác và thành thật. Họ sẽ mời quí vị ra xem cánh đồng gặt hái, họ sẽ bắt cá đem kho , nấu canh mời quí vị ăn, cũng như họ sẽ dẫn quí vị ra vườn của họ để có dịp thưởng thức những quả trái cây tươi thơm, chín ngọt trên cành . Người dân địa phương đối đãi gia đình chúng tôi rất nồng hậu và tử tế.

Tiên Phước là nơi sản xuất ra tiêu, cau, trà...và gần Tiên Phước có mỏ vàng. Hàng năm thường xuyên có nhiều người đi đến đó để đải vàng . Gần Tiên Phước có vùng Trà My sản xuất quế, có bài hát ca ngợi cô gái Trà My.

Bây giờ xa quê, xa Tiên Phước , xa Tây Lộc, quê hương Cụ Phan Châu Trinh , nhưng tôi vẫn luôn luôn nhớ đến Tiên Phước, vì nơi ấy tôi đã sinh ra , hễ có dịp là tôi về thăm , để được nhìn thấy nụ cười tươi vui , tấm lòng chân thật của người Tiên Phước .

Mong mọi người dù xa quê hương nhưng vẫn giữ được tấm lòng Việt Nam đoàn kết , thương yêu giúp đỡ lẫn nhau , để xứng đáng là con cháu,  học trò Phan Châu Trinh.

ChandundPCT 01R

Lê Xuân Lợi, Mississauga, Ont, Canada

( Cựu học sinh  Phan Châu  Trinh  và Kỹ Thuật Đà Nẵng  )

( Kỷ Yếu Hội Ngộ PCT- Hồng Đức, 30 năm xa xứ tại Hải ngoại 2005 )

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive

  Trường Trung Học Phan Châu Trinh Lúc Ban Ðầu

Tác giả

Thành phố Đànẵng năm 1952. 

Vào năm nầy, tôi đã bò lên được lớp Nhứt  tại Trường Nam Tiểu Học Đànẵng. Lúc đó, tôi còn nhớ tên cũ của Trường nầy là: Ecole Franco Vietnamiene de Tourane. Tại trường Nam Tiểu Học nầy, có ba lớp Nhứt - Lớp Nhứt A do thầy Bàn dạy. Ông thầy nầy quá dữ, hễ học trò nam không thuộc bài là bị roi quất vào mông. Lớp Nhứt B do thầy Hy dạy và lớp Nhứt C do cô Nhạn dạy. Ngoài Trường nầy ra, thì trên Chợ Mới có 2 lớp Nhứt. Trường Tư thục Hải châu do thầy Thể sáng lập, có 2 lớp Nhứt; và các Trường Tư Thục khác, ít nhất cũng có thêm 3 lớp Nhứt nữa. Như vậy, tại thành phố Đànẵng lúc bấy giờ, ta có tổng số Lớp Nhứt là 10 lớp. Mỗi lớp trung bình 50 học sinh, thành ra ta có khoảng 500HS. Vì lý do hoàn cảnh, thời cuộc và gia đình lúc bấy giờ, cò thể có khoảng 200 hs không thể tiếp tục lên bậc trung học Đệ nhất cấp tại thành phố Đànẵng. Còn 300 học sinh sẵn sàng lên Trung học, vào lớp Đệ thất (bây giờ gọi là lớp 6). Như vậy, ở Đànẵng, nếu là Trường công – như Trung Học Phan Châu Trinh thì lúc nầy cần phải có: 300 chia cho 50 = 6 lớp Đệ thất… Nếu đặt lại câu hỏi - Trường TH/PCT/ĐN đã có đủ số lớp ấy chưa? Thưa: Chưa

Lớp Đệ Thất đầu tiên

Nghe thầy Nguyễn Hữu Thứ kể lại, khi thầy được bổ nhiệm vào làm việc tại phố Đànẵng, thầy thấy thành phố nầy tương đối lớn, có khả năng sầm uất… thì thầy bỗng ngạc nhiên cho nền giáo dục ở đây kém phát triển. Thầy Thứ bèn liên lạc với ông Thị trưởng Đànẵng, tên là Bảo Toàn, đề nghị cho mở một lớp Đệ Thất  (bậc Trung học) nằm tạm trong Trường Nam Tiểu học (Ecole Franco Vietnamiene de Tourane). Như trên, ta đã thấy tổng số khoảng 300 học sinh tại thành phố Đànẵng để thi concour vào lớp Đệ thất, PCT chỉ lấy khoảng 60 tên là cùng. Như vậy, ai đậu vào PCT lúc bấy giờ là may mắn lắm, và tôi cũng là một trong số 60 tên may mắn đó. Còn  240hs thi hỏng vào trường công, đành ra về, lo làm ăn giúp gia đình hoặc phải ghi danh học trường Tư Thục trong thành phố. Đây là một lớp Đệ Thất đầu tiên của Trường Trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng, niên khóa 1952 – 1953, do thầy Giai kiêm luôn Hiệu trưởng,

Lớp Đệ Lục năm thứ hai

Qua niên khóa 1953 – 1954, lớp Đệ thất năm ngoái được lên Đệ Lục (lớp 7). PCT tuyển thêm một lớp Đệ Thất khác, Như vậy hai lớp Đệ Thất và Đệ Lục đều cùng nằm tạm trong Trường Nam Tiểu Học nầy. Nhưng lần nầy thì hai lớp nằm kề bên vách của nhà máy Nhà Đèn (tức nhà máy Điện), tha hồ nghe tiếng máy chạy ồn ào suốt ngày. Học sinh như tụi tôi thì không sao, chỉ tôi cho các cô giáo cố giảng cho to giọng, cho học sinh nghe và hiểu thì cũng đủ khan cổ. Tôi còn nhớ, tội nhất là Cô Hường, người Bắc… Ngoài ra, tôi còn nhớ: Giáo sư bên Trường Nam Tiểu học (chưa qua Trường PCT mới):

Thầy Nguyễn Hữu Thứ dạy Pháp văn

Thầy Võ Văn Sum dạy Vật Lý                                                                         

Thầy Nguyễn Văn Lượng dạy Hóa

Thầy Bửu Thiết dạy Toán

Thầy  Nguyễn Ngọc Quế dạy Việt Văn

Thầy Lê Trọng Nguyễn dạy Nhạc

Cô Nguyễn Thị Hường dạy Sử

Còn nhiều Cô Thây nữa mà tôi quên tên. 

Niên khóa 1954 – 1955. Trường TH PHAN CHÂU TRINH xây cất trên khu đất mới.

Sau cuộc nghỉ hè, hai lớp Đệ Thất và Đệ Lục bên Trường Nam Tiểu Học nay lên Đệ Lục và Đệ Ngũ và được dời qua Trường mới với cái tên huy hoàng hãnh diện là Trường Trung Học Phan Châu Trinh, được xây trên bãi cát trắng, trước Bệnh viện đường Lê Lợi.

Qua Trường mới nầy, chúng tôi thấy mọi sự đều đổi mới. Trước tiên, chúng tôi thấy thầy Trần Tấn (đã chết), giáo sư ra quyển sách Toán là Hiệu trưởng của nhà trường. Sau đó, chúng tôi thấy có nhiều Cô Thầy mới. Cả thầy lẫn trò, ai ai cũng vui mừng và hãnh diện như được dạy hoặc được học dưới mái trường nầy, đó là ngôi trường mang tên một nhà Cách mạng lừng danh của đất Quảng.

Cây Me gần Trường Phan Châu Trinh

Trường Nữ Trung học Hồng Đức được xây trên khu đất mà trước kia, đó là khu đất Nghĩa trang của người Pháp thì phải. Bên cạnh hàng rào của Nghĩa trang giáp với đường Lê Lợi, có hai cây Me - rất là tuyệt vời đối với nam học sinh PCT.

Vì, hai cây Me đó, khi mùa trái của nó thì đám học sinh thích leo trèo như tôi chẳng hạn, đi học rất sơm, tới đó, trèo lên cây Me tha hồ hái trái Me non, đem vào trường, chia cho bạn bè, kể cả nữ sinh, chấm muối ớt ăn thì tuyệt vời… Tôi bảo đảm, các anh, các chị đã từng ăn Me của khu Nghĩa trang đó, chắc khó quên một thời học sinh Phan Châu Trinh của khu trường mới…

Đội Bóng đá của Trường Phan Châu Trinh

Ngay từ thuở ban sơ - chỉ mới có hai lớp, Trường PCT đã có đội bóng đá không ai chỉ huy. Tôi nhớ lúc Đệ Thất, Đệ Lục, chúng tôi – đội bóng đá gồm có  các anh Thiện, Tú, Mau và Bang (ở VN), Cử (đã chết trong tù cải tạo), Khởi, Tình và một số tên anh khác nữa, mà tôi đã quên…

Khi qua Trường mới, đội bóng PCT được lựa chọn và bổ sung, cho nên đội bóng nầy đã gây nhiều chiến thắng đối với các Trường Phan Thanh Giản, Tây Hồ,Sao  Mai, Nguyễn Công Trứ và Blaise Pascal taị thành phố Đànẵng.

Sở dĩ đội bóng đá PCT gây nhiều thành tích chiến thắng là do nhà trường tọa lạc gần Sân vận động Chi Lăng, cho nên chiều nào học sinh cũng ghé sân vận động chơi đá banh, nên đá giỏi, chạy dai sức và có kinh nghiệm.

Kết luận

Cố gắng ghi lại hình ảnh thuở xưa của Mái Trường thân yêu, với mục đích để chia xẻ với các anh chị em cựu học sinh PCT và để nhớ các Thầy, các Cô đã dạy dỗ chúng ta nên người trí thức và đạo đức qua hình ảnh nhà Cách mang Phan Châu Trinh.

Vô Tình

Cựu học sinh PCT niên khoa 1952 – 1956

(Lúc nầy chưa có lớp Đệ Tam, Đệ Nhị và Đệ Nhất)

( ĐS Kỷ niệm 55 năm thành lập Trung Học Phan Châu trinh, Đà Nẵng, Hải ngoại 2007 )

 

PCT Bongda1

 Đội Bóng tròn của Trường Phan Châu Trinh,
có nhiều trang WEB đăng hình này và ghi là Đội Bóng Rổ PCT là không đúng.

 

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive

 danangxua truongphanchautrinh

Học trò xứ Quảng nổi tiếng thông minh. Trí thông minh này biểu lộ rất rõ rệt trên lãnh vực văn chương . Đa số nhà văn, nhà thơ Việt Nam xuất thân từ Quảng Nam. Giỏi văn tức là yêu tiếng Việt. “ Yêu tiếng nước tôi “ thăng hoa thành lòng yêu nước. Lịch sử Việt Nam là lịch sử của những sát phạt đẫm máu và bất tận do thực dân quốc tế, đặc biệt là thực dân Tàu , chủ mưu.

Thêm vào đó Quảng Nam là quê hương của “ Chó ăn đá, gà ăn sỏi “ . Đào tìm cơm áo cho bản thân và cho gia đình là cả một vấn nạn lớn lao và dài thăm thẳm . Vấn nạn vừa kể đi kèm với những phiền muộn xoáy tim óc trước thân phận ảm đạm của Việt Nam trên dòng sử đã làm cho người học trò Quảng Nam không hài lòng đối với bất kỳ loại hiện tại nào . Đó là tâm lý bất mãn hiện sinh. Biến thái của bất mãn hiện sinh là tính thích hài hước và ưa quậy phá. Nói một cách chung nhất , tánh khí của người học trò Quảng Nam có thể được diễn tả bằng bài toán cộng như sau :

Tính thích hài hước, ưa quậy phá + Tư chất thông minh + lòng yêu nước thiết tha + tâm lý bất mãn hiện sinh .

Với tính khí đặc biệt như vừa kể , học trò Quảng Nam khi bước chân vào ngưỡng cửa trường Trung Học Phan Châu Trinh phải qua một cuộc thi tuyển nhiều chông gai. Sau đó, phải khép mình trong khuôn khổ kỷ luật nghiêm minh của nhà trường . Cuộc chung sống này chẳng khác nào cuộc hội ngộ giữa nắng hè hực nóng với băng giá của mùa đông tê cóng. Từ đó, đời sống của người học sinh trường Phan Châu Trinh không thể không đối diện với vô vàn “ lúng túng “. Lúng túng không có nghĩa là bối rối khi không thể tìm ra đáp số cho một trở ngại trong đời sống . Lúng túng ở đây là tình huống con người phải chìm nổi , phải điêu đứng giữa thắng và bại, giữa tin yêu và nghi ngờ, giữa cao vọng và tuyệt vọng , giữa hài lòng và bất mãn...Cao Bá Quát cho rằng đời sống của một người càng nhiều “ lúng túng “ , người đó càng có cơ hội trở thành “ nhân vật lớn “. Chính vì vậy, trong bài thơ “ Bất ngộ thời “, Cao Bá Quát đã hạ bút viết rằng :

“ Ngất ngưởng thay Con Tạo khéo cơ cầu

Muốn đại  thụ hãy dìm cho lúng túng “ ( Thơ Cao Bá Quát )

Nhờ vào đâu học sinh Phan Châu Trinh đã vượt thoát được những tình huống lúng túng như vừa mô tả ? Câu trả lời sẽ tìm thấy khi chúng ta hướng mắt nhìn về phía Thầy gíáo và Cô giáo trường Phan Châu Trinh. Thực vậy, ngoài những giờ dạy chuyên môn về khoa học toán, khoa học thực nghiệm  và khoa học nhân văn , Thầy và Cô giáo trường Phan Châu Trinh đã thường xuyên tĩnh táo và kịp thời trong việc ứng xử với đám học trò bất mãn hiện sinh mỗi khi kỷ luật nhà trường bị vi phạm.

Những ứng xử kia là : khi lạnh lùng xa cách, khi thân thiết kề cận , khi nghiêm khắc trừng phạt, khi nồng nhiệt ban thưởng . Điều cần nhấn mạnh ở đây là các ứng xử tuy có khác nhau về hình thức, về mức độ nặng nhẹ, nhưng trong cốt lõi của mỗi ứng xử bao giờ cũng là sự ẩn chứa một cách rõ nét lòng yêu thương rộng lượng của Thẩy và Cô giáo đối với học trò. Chính lòng yêu thương này đã hối thúc Thầy và Cô giáo , ngoài những giờ dạy các môn học chuyên khoa , đã dùng ngôn ngữ , cử chỉ hoặc chính đời sống của mình để trao truyền cho học trò hai lời giáo huấn căn bản :

Lời giáo huấn một : Đà Nẵng là thương cảng lớn của Việt Nam. Đà Nẵng là điểm hội tụ của dân thập phương thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau . Họ kéo về Đà Nẵng nhằm tìm phương tiện sinh sống . Đặc tính của người Đà Nẵng là hòa đồng với người của muôn phương để chung sống trong thương yêu và phát triển . Đó là Đà- Nẵng-tính.

Lời gíao huấn hai : một trong những điểm nổi bật trong tư tưởng Phan Châu Trinh là thái độ nhìn nhận mọi dị biệt giữa người dân với người dân về vũ trụ quan, nhân sinh quan và xã hội quan . Có nhìn nhận như vậy, Việt Nam mới có cơ hội vươn mình lên thành một xã hội đoàn kết , văn minh, dân chủ và thịnh vượng . Tình bạn giữa Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu là sự minh chứng rằng người ta có thể bất đồng nhưng không bất hoà . Đó là cốt lõi của Phan-Châu-Trinh-tính .

Nhờ vào công trình giáo dục phối hợp nhịp nhàng giữa nghiêm minh trong trí dục và dịu dàng trong đức dục, Thầy và Cô giáo trường Phan Châu Trinh qua nhiều niên khóa, đã cống hiến cho xã hội Việt Nam những công dân hữu ích . Đây là những con người thành công trong xã hội, thông minh , yêu nước, chống bất công bằng tất cả tâm tình tha thiết của những người đã thực sự chìm nổi trong dòng sử Việt .

Trong phạm vi hạn hẹp của bài viết “ Tạ Ơn Thầy Cô “, những điều trình bày ở trên chỉ nói lên được phần nào công ơn trời biển của Thầy và của Cô giáo trường  Trung Học Phan Châu Trinh Đà Nẵng . Nói tới công ơn tức là nói tới tình và nghĩa . Tình là thất tình . Trong thực tế khi nói tới chữ “ Tình “, người ta thường nghĩ đến tình thương yêu. Khi hai hay nhiều người có tình với nhau, họ phải biểu lộ chữ tình kia bằng một số việc làm , đó là nghĩa. Tình là tư tưởng, nghĩa là hành động thể hiện tư tưởng . Tình và nghĩa như hai mặt không thể tách rời của một bàn tay. Sau đó tình và nghĩa nắm tay nhau, cất cánh bay cao .

Do lòng thương mến tuổi trẻ, Thầy giáo và Cô giáo tận tụy dẫn dắt học trò mở mang trí tuệ và thăng tiến đạo đức . Đó là tình và nghĩa của Thầy dành cho Trò. Đáp lại, học trò biết ơn và thương kính Thầy Cô. Trò học hành chăm chỉ, mẫn cán làm những công việc để Thầy Cô vui lòng . Đó là tình và nghĩa của trò đối với Thầy . Cứ như thế, tìng nghĩa Thầy Trò quấn quyện vào nhau, cùng nhau thăng hoa.

Thầy Trần Đại Tăng là một vị Thầy rất nghiêm khắc trong giờ dạy toán. Thế nhưng khi Thầy và Trò đã biền biệt xa cách, nhà thơ Trần Hoan Trinh đã nhẹ nhàng viết ra những thương mến đậm đà :

“...Rồi các em bỏ đi về tám hướng

Một mình thầy đứng lại giữa sân trường

Hồn no đầy mới lạ của trăm phương

Có bao giờ lòng quay về chốn cũ ? “

( “ Chiều một mình sân trường “. Thơ Trần Hoan Trinh )

“ Có bao giờ lòng quay về chốn cũ  “ ư ? Thưa rằng trong thâm tâm của mỗi học sinh Phan Châu Trinh công ơn của Thầy, của Cô bao giờ cũng là điểm nhớ mà lòng vẫn thường xuyên quay về. Sau khi ra trường, trò có thể là một người công danh hiển đạt. Thế nhưng mỗi lần gặp mặt Thầy Cô, mặc dầu cả Thầy lẫn Trò tóc muối nhiều hơn tóc tiêu , trò vẫn một mực trình diện Thầy Cô bằng tất cả tấm lòng tôn kính và mến thương :

Thưa Thầy em là cựu học sinh Phan Châu Trinh một dạo

Tóc dẫu pha sương, một chữ ơn Thầy “

( “ Về Đà Nẵng Đọc Thơ Trần Hoan Trinh “ – Thơ Võ Ý )

VoY TDT 1R

Câu chuyện đối đáp văn thơ giữa Thầy Trần Hoan Trinh và trò Võ Ý chỉ là một tình huống trong muôn ngàn tình huống cho thấy tình Thầy Trò Phan Châu Trinh là loại tình cảm đặc biệt keo sơn.

Trong keo sơn kia, Thầy và Trò Phan Châu Trinh còn nhìn ra sự thể rằng người Việt Nam hậu bán thế kỷ 20 là lớp người sống lưu lạc triền miên từ Bắc vào Nam : 1954, lưu lạc trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam do những tai ương của chiến tranh và sau cùng là một lưu lạc thảm sầu làm cả quốc tế phải rung động , đó là cuộc lưu lạc trên toàn thế giới sau biến cố  30/04/1975.

Ngày nay có những người đã phải sống ở ngoại quốc lâu dài hơn năm tháng được sống trên lãnh thổ Việt Nam. Trong cảnh đời lưu lạc nghiệt ngã mà chúng ta đang trôi nổi, hai chữ quê hương bất ngờ trở thành một dấu hỏi lớn  : Quê hương là Huế, SàiGòn, Hà Nội ư ? Quê hương là Paris, Hoa Thịnh Đốn, Luân Đôn ư ? Hay quê hương chỉ là chùm khế ngọt ? Thưa không phải như vậy ! QUÊ HƯƠNG LÀ NƠI MÀ TÌNH CẢM VÀ TƯ TƯỞNG CỦA MỘT NGƯỜI ĐƯỢC VƯƠN LÊN VÀ ĐƯỢC ĐỊNH HÌNH .

Căn cứ vào suy nghĩ vừa kể, bạn học trường Trung Học ở đâu, nơi đó chính là quê hương của bạn . Quê hương của chúng ta là trường Trung Học Phan Châu Trinh Đà Nẵng . Linh hồn của nhà trường chắc chắn phải là hình ảnh của các Thầy Hiệu trưởng, các Thầy giáo và các Cô giáo.

HDGSPCT6236E

Như vậy tình Thầy Trò trường Phan Châu Trinh hàm chứa cả tình yêu quê hương của lớp người lưu lạc. Tình Thầy Trò là tình riêng, tình yêu Quê Hương là tình chung . Tại mái trường Phan Châu Trinh : tình riêng và tình chung đã được nhập làm một . Trong trạng thái nhập làm một vừa kể, tình Thầy Trò Phan Châu Trinh trở thành những đóa hoa tuyệt tươi thơm và tuyệt lộng lẫy ...

Đỗ Thái Nhiên

(Đặc san kỷ niệm 60 thành lập trường Trung Học Phan Châu Trinh Đà Nẵng,

California tháng 7 năm 2012)  

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive

 

BangDenLopHoc

Tấm bảng đen trước mặt

Viên phấn nằm trên bàn

Ngoài sân cây xoã tóc

Trên trời mây lang thang

Này các em , các em

Hàm số ấy đồng biến

- Con chim gì trên cây

Tiếng ca, trời ! xao xuyến

Đoạn thẳng này thẳng góc

Còn đoạn kia đoạn xiên

- Chiều nay người yêu khóc

Mình nằm buồn cả đêm !

Vòng tròn, ờ, vòng tròn...

- Tròn như đôi môi em

Tròn như đôi mắt em

Tròn như tình yêu em

Những đường cong đan nhau

Những đường cong khép kín

- Kín như vòng tay anh

Ôm trọn vòng lưng em

Chàng cúi đầu, cúi đầu

Lời chàng không có hồn

Mắt chàng nhìn mây cao

Hồn chàng trên mây cao ...

mtxR

Trần Đại

(1995 )

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive

 ChandundPCT 02R

Trường Trung học Phan Châu Trinh, Đà Nẵng

Hiệu trưởng qua các thời kỳ đến tháng 4 năm 1975

 

Thứ Tự

Tên

Nhiệm kỳ

1

Lê Khắc Giai

1952-1953

2

Trương Cảnh Ngôn

1953

3

Bùi Tấn

1953-1955

4

Huỳnh Văn Gi

1955-1956

5

Nguyễn Đăng Ngọc

1956-1962

6

Ngô Văn Chương

1962-1963

7

Châu Trọng Ngô

1963-1964

8

Đặng Ngọc Tuấn

1964-1966

9

Trần Vinh Anh

1966-1967

10

Thái Doãn Ngà

1967-1973

11

Huỳnh Mai Trác

1973-1975

12

Nguyễn Đình Trọng

1975

 

HoiDongGiaoSu1955 1956R

Lịch sử

  • Ngày 15 tháng 9 năm 1952, trường được thành lập, đặt tại trường Tiểu học Phù Đổng hiện nay.
  • Năm học 1954 - 1955, trường được xây dựng tại 167 Lê Lợi (cơ sở cũ của trường hiện nay) và chính thức được mang tên trường Trung học Phan Châu Trinh.
  • Năm học 1975 - 1976, hệ thống tổ chức của trường đã thay đổi, trường trở thành Trường cấp 3 Phan Châu Trinh, sau đó trở thành trường THPT Phan Châu Trinh như hiện nay.
  • Từ năm học 2004 - 2005, trường xây dựng thêm cơ sở mới tại 154 Lê Lợi.
  • Ngày 15/4/2015, TP Đà Nẵng phê duyệt khởi công xây dựng lại trường THPT Phan Châu Trinh cũ (số 167 Lê Lợi) trên diện tích đất 6.807m²
  •  Quy mô đào tạo: Năm học 1952 - 1953, trường có một lớp Đệ Thất (lớp 6); đến năm học 1974 - 1975, trường có 68 lớp Đệ nhất cấp (THCS) và Đệ nhị cấp (THPT).
    Năm học 2002 - 2003, trường có 74 lớp với gần 4.000 học sinh.
    Năm học 2012 - 2013, trường có 98 lớp với hơn 4.700 học sinh. Và năm học 2013 - 2014, trường có 97 lớp -  4.400 học sinh.