Trung Học Phan Châu Trinh

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active

 Ho Leman02

Ben Ngu03

               Mưa tầm tả vừa dứt. Trời đầu Thu lành lạnh. Trên con đường nhựa loang lổ từ trường Nguyễn Hoàng đến bờ sông Thạch Hãn ( Quảng Trị ) , nước mưa đọng lại thành vũng hay rỉ rả đổ xuống hai bên đường. Một ông già chít khăn đóng chữ nhân, áo dài đen thẳng nếp, quần trắng, giày “ bottine “ đen láng, khoác chiếc “ pelerine “ dạ cũng màu đen, vẻ quắc thước, đang đi về phía sông. Bước đi chắc chắn, ông tránh né những vũng nước nhanh nhẹn, khác thường so với tuổi tác

               Người ta bảo đó là ông Võ Thành Minh. Nhưng tôi không tin và tự hỏi : Có phải đó là Võ Thành Minh tôi từng quen 20 năm về trước ? Ông Minh tôi biết quê ở tận Chợ Si, Yên Thành, Nghệ An. Trong ký ức của tôi đó là một người táo bạo, gân guốc, tóc cắt ngắn, nước da ngăm đen với chiếc mô -tô to tướng, cũ kỷ...Dù có đổi thay nhưng cốt cách, phong thái này, không thể là Võ Thành Minh ấy. Vả lại theo chỗ tôi biết thì ông Minh đã ra nước ngoài từ lâu.

               Nghi ngờ nên tôi quyết định hỏi xem. Rảo bước đến gần sau lưng ông già tôi nhẹ nhàng gọi :

               - Dã Mã ! ( 1 )

Ông già quay lại, ngạc nhiên, nhìn tôi ôn tồn hỏi : - “ Em là ai mà biết tôi ? “

Thôi đúng là Võ Thành Minh. Quên việc mình không nhớ tới người quen cũ, tôi hỏi ngớ ngẩn :

               - Anh quên rồi sao ? Trước kia em dạy ở trường quốc học Vinh. Một đêm trăng sáng từng cùng anh nằm ngoài trời, bàn về chuyện hoạt động hướng đạo sau 45.

               - Ngọc  ! đoàn trưởng đoàn Nguyễn Xí, đoàn hướng đạo duy nhất còn lại ở Nghệ An lúc bấy giờ  ! Trông em khác hẳn đi, trước kia trắng trẻo, xinh xắn hơn..., anh hóm hỉnh nói  tiếp.

               - Cám ơn anh còn nhớ, nhưng 20 năm qua rồi !

Thế là từ đó tôi lại tiếp tục giao thiệp với anh Võ Thành  Minh. Người bạn vong niên ấy ngày nay không còn nữa nhưng hình ảnh con người ôm ấp một lý tưởng cao đẹp “ yêu nước “ thiết tha, nhiệt thành muốn “ giúp ích “ cho đồng bào như châm ngôn hướng đạo đã vạch ra, còn mãi dấu ấn sâu đậm trong tôi.

               Ông Võ Thành Minh xuất thân từ một gia đình Nho gíáo, nhà ở cạnh Chợ Si, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, như đã nói bên trên. Lúc nhỏ, ông học chữ Nho với thân phụ rồi theo học chữ Pháp. Sau lúc đỗ Thành chung ông dạy học ở trường tư thục Hồng Lạc, Huế một thời gian rồi về Vinh tiếp tục dạy học, làm báo và hoạt động hướng đạo.

               Anh Minh gia nhập hướng đạo rất sớm, trước cả ông Tạ Quang Bửu, cùng lớp với các ông Nguyễn Hy Đơn ở miền Trung và sau  ông Hoàng Đạo Thúy ở Bắc không bao lâu. Anh là một tráng sinh đã “ lên đường “ , có tên rừng là “ Dã Mã “ ( 1 ). Tráng đòan Hồng Lam ( Hồng Lĩnh và Lam giang  ) anh hướng dẫn ở Vinh là một tráng đoàn hướng đạo nổi tiếng ở miền Trung. Anh cũng là một trong những ủy viên tổ chức trại Họp bạn Hướng đạo toàn quốc rất thành công ở Rừng Thông Từ Hiếu, Huế, vào năm 1940. Sau cuộc họp bạn đó tinh thần hướng đạo lên rất cao thể hiện đặc biệt trong tinh thần yêu nước chân chính. Chủ yếu họ không chịu để tinh thần “ Phục hưng quốc gia “ của Pétain lung lạc và hăng hái dấn thân vào công việc từ thiện để cứu giúp đồng bào càng ngày càng cơ cực với cao điểm là nạn đói khủng khiếp ở Bắc và ở Trung trong thời gian 44 – 45.

               Nói đúng ra hướng đạo không phải là một đoàn thể chính trị nên ảnh hưởng trong quần chúng không rộng rãi, nhưng phong trào ấy đã khơi dậy được lòng yêu nước và ý thức dân tộc độc lập cho một số đông thanh nhiên và học sinh ở thành thị

               Trời vừa sáng, tuổi hai mươi, đất vẫn tươi ! Máu anh hùng !

               Tìm đường sống ...! Tìm đường sống...!

Đó là câu hát phổ biến của hướng đạo và cũng của đa số thanh niên lúc bấy giờ. Không chịu đựng được sự đô hộ khe khắc của Pháp và Nhật họ cương quyết đi tìm một cuộc sống tự cường và tự do.

               Về mặt từ thiện, những bàn tay nhỏ bé không ngăn chận được thác lũ nhưng những cố gắng của anh em hướng đạo đã giúp cho nhiều gia đình kéo dài sự cầm cự với cơn đói ngặt nghèo và có lúc nhờ vào đó  mà sống sót. Trong việc cứu giúp những người nghèo đói anh Võ Thành Minh có kể lại cho tôi nghe một chuyện rất cảm động : Một sáng sớm trên đường về nhà sau buổi tập thể dục anh đã gặp một chiếc xe bò của Sở Vệ sinh thành phố đang chở đầy xác chết đi chôn. Lúc đi qua chiếc xe, ngoảnh nhìn lại anh thấy như có một đôi mắt còn long lanh đang theo dõi anh. Đi vòng lại, anh yêu cầu người phu xe tạm dừng xe. Tìm trong đống xác qủa có một em bé chừng  9, 10 tuổi còn ngắt ngoải. Anh đem đứa bé đó về nhà săn sóc. Sống cùng anh một thời gian nó khỏe lại rồi sau đó tìm về với gia đình.

               Năm 1947 sau lúc thành phố Vinh bị triệt phá theo chính sách tiêu thổ kháng chiến của Việt Cộng, anh về sống tại quê nhà. Cuộc sống của anh bắt đầu có nhiều biến động từ đây.

               Về quê chẳng bao lâu, không rõ vì lý do gì anh bị Ủy ban Hành chánh huyện Yên Thành bắt giam tại huyện. Theo lời anh kể lại thì một sáng sớm mấy tên du kích phụ trách canh tù đã thì thầm lúc đi qua phòng anh : “ Đêm nay cho thằng này tắm “. Linh tính cũng như thực tế cho anh biết sẽ chuyện chẳng lành. Anh suy nghĩ thật lung , tìm cách đào thóat.

               Nhà cửa ở vùng Yên Thành  phần lớn xây bằng đá ong, một loại đất màu đỏ, mềm lúc còn nằm dưới đất nhưng rắn lại khi ra ngoài trời. Dân địa phương thường tìm những hầm đá ong, chắn thành khối hình chữ nhật, đem phơi khô dùng xây tường với một thứ vữa không có gì chắc chắn, đặc biệt lúc bị ngấm nước. Anh Minh hiểu rõ tính chất của đá ong  nên từ sáng hôm ấy, sau khi nghe hai du kích nói, anh đã nhịn không dùng khẩu phần nước được cấp hàng ngày. Ngay nước tiểu anh cũng tìm cách giữ lại trong cái gáo dùng cho phạm nhân làm vệ sinh về đêm. Anh kín đáo cho nước dần dần thấm vào vữa quanh một viên đá để viên đá long ra tuy vẫn nằm nguyên tại chỗ. Tối hôm ấy, sau lúc nhà giam tắt đèn, anh vờ ngủ thật say. Chờ bọn du kích đi khám xét lần cuối xong, anh lấy gối chăn và quần áo xếp thành hình người như đang ngủ. Nghe ngóng thật kỷ, anh nhẹ nhàng tháo viên đá ong đã long, rồi tháo tiếp thêm ít viên nữa vừa đủ chỗ để chui ra .

              Thoát khỏi nhà giam anh định về gia đình lẫn trốn, nhưng nghĩ du kích sau lúc phát giác thế nào cũng  đến nhà tìm kiếm, nên anh lại thôi. May mắn nhặt được cái “ oi “ ( giỏ ) cá bên đường, anh cải trang thành người nông dân đi bắt ếch rồi nương theo đồng ruộng chạy ngược về Đồ Lương. Yên Thành cách Đồ Lương non 30 cây số nên lúc gần Đồ Lương trời đã tang tảng sáng. Biết thế nào cũng lộ tông tích, anh đã táo bạo quyết định : Đến ngay thẳng nhà ông Chủ tịch Ủy ban hành chánh huyện Đồ Lương để trình diện. Sỡ dĩ anh có quyết định này vì ông Lục, chủ tịch huyện Anh Sơn lúc bấy giờ nguyên là một huynh trưởng hướng đạo. Ông Lục tất nhiên không che dấu được và sẽ phải giao anh cho Ủy ban tỉnh. Trường hợp anh bị bắt giam như vậy được công khai hóa và phải được đem ra xét xử rõ ràng. Đúng anh dự liệu, ông Lục đã gải giao anh cho Ủy ban tỉnh. Vốn được nhiều giới trong tỉnh biết với lại chẳng có bằng cớ gì để buộc tội, Ủy ban tỉnh đàng phải thả và cấp giấy phép cho anh trở lại sinh sống ở quê qúan, một hình thức để đe dọa vừa kiềm chế chặt chẽ.

               Biết không thể kéo dài cuộc sống  nguy hiểm ấy nên năm 1948  nhân có họp bạn tráng sinh ở Rừng Thông Hoàng Mai  (  giữa Nghệ An và Thanh Hóa ) anh đã xin phép đi dự họp rồi tìm cách lánh vào vùng quốc gia. Cuộc họp này do ông Bạch văn Quế, huynh trưởng hướng đạo cũ và đương kim Ủy viên thanh niên trong Ủy ban hành chánh liên khu 4, triệu tập nhằm mục đích giải tán phong trào Hướng Đạo và đặt các huynh trưởng, những người có nhiều kinh nghiệm điều khiển thanh, thiếu niên, dưới tay Cộng Sản.

               Sau lúc vào vùng quốc gia, anh trở lại Huế sống một thời gian. Tại đây lấy tư cách là Ủy viên  Hướng đạo  miền anh đã triệu tập một cuộc họp tráng sinh, thảo luận về tình hình đất nước nhằm xác định thái độ của người thanh niên trước thời cuộc. Vì khuynh hướng chính trị khác nhau cuộc họp không đưa đến kết qủa.

              Nhận thấy miền Cộng Sản không phải là nơi có thể thực hiện chí nguyện yêu nước và vùng quốc gia với  sự hiện diện của quân đội viễn chinh Pháp , triển vọng  một Việt Nam độc lập thật khó khăn và xa vời, anh vận động đi sang Âu Châu. Từ bên ngoài hi vọng nhìn rõ tình hình đất nước hơn anh ước mong có thể dựa vào các lực lượng dân chủ và tiến bộ thật sự, vận động một tiến trình hoà bình cho quê hương hầu tránh khỏi chiến tranh tương tàn.

               Nghe anh nói chuyện tôi thông cảm với lòng nhiệt thành nhưng vẫn nghi ngờ về lập trường của anh. Có phải anh có khuynh hướng thân Pháp không ? Vì sự nghi ngờ này có lần tôi đã thẳng thắn hỏi anh : - Trong tình thế khó khăn lúc bấy giờ  làm sao anh có thể đi ra nước ngoài được và lấy gì để sinh sống ?

             Đáp lại anh cho biết : - Đúng, khó khăn  ! Về việc đi Pháp anh phải nhờ anh Niedrich ( 2 ) can thiệp, nhưng sau lúc sang Pháp anh đã đi Thụy Sĩ và ở bên ấy. Anh không nhận tiền bạc của bất cớ một người hay một tổ chức nào. Sống nhờ chính vào sức mình bằng cách đổi công như đi cắt cỏ cho các tư gia, hái qủa ở các nông trại và cũng nhờ dịch một số tài liệu Hán văn cho một vài trường Đại học ...Lúc đau ốm thì tự chữa lấy là chính, bằng cách tĩnh dưỡng và tập trung nghị lực.

               Tôi không tin vào lời anh nói cho lắm, nhưng sau này lúc hiểu rõ hơn lề lối sinh hoạt ở nước ngoài, một cuộc sống như anh không phải không thể thực hiện được. Nhiều người hiện nay theo chỗ tôi biết, cũng có lối sống như anh.

               Năm 1954 đại diện của hai chính  thể Việt Nam, quốc gia và cộng sản, cùng đại diện các cường quốc Pháp. Mỹ,Anh, Nga và Trung quốc họp tại Genève để tìm cách chấm dứt cuộc chiến Việt Nam. Giải pháp chính trị và quân sự tạm bợ chia đôi nước Việt đi ngược lại với lòng dân.  Gương lịch sử còn đó, một cuộc chiến tương tàn giữa Nam Bắc rồi ra không tránh khỏi. Những ai có chút hiểu biết về lịch sử và tình thế không thể không lo lắng trước viễn ảnh mờ mịt của đất nước. Không liên hệ với một đảng phái nào và cũng chẳng có một thế lực chính trị mạnh mẻ hổ trợ, anh đành mượn gương người xưa để kêu gọi lòng yêu nước của những người đại diện hai bên tìm đến những biện pháp hoà bình nhất cho dân tộc. Một đêm trăng sáng, bên hồ Leman, gần nơi lưu trú của các phái đoàn anh mượn tiếng sáo trúc thổi lên những khúc nhạc buồn Việt Nam. Anh mong tiếng sáo đánh thức được tình đồng bào ruột thịt  trong lòng những người đại diện của hai chế  độ. Anh ao ước đất nước  không bị chia cắt để khỏi lâm vào một chiến tranh nồi da xáo thịt. Nếu ngày xưa tiếng sáo của Trương Lương đã làm cho quân Sở nhớ nhà và nhớ tới quê hương thì tiếng sáo của anh Dã Mã hôm ấy hình như không động lòng một đại biểu nào. Có chăng tiếng sáo chỉ vang vọng đến trong tâm tư của một số Việt kiều và  đồng bào yêu nước.   

   Năm 1963, sau chính phủ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, với hi vọng làm được một việc gì có ích anh đã trở lại Việt Nam. Nhưng ngoài mọi dự tính, vừa bước xuống phi trường Tân Sơn Nhất thì anh đã bị một lực lượng nào đó đón anh đi rồi đưa anh thẳng lên Pleiku ( 3 ). Sau một tuần lễ gần như bị giam lỏng ở Pleiku người ta hỏi anh muốn về đâu thì được đưa về đó. Suy tính kỷ anh thấy trở lại Huế là thuận tiện nhất vì anh đã từng sinh sống ở đó. Anh lại nhớ tới nhà thờ Cụ Phan Bội Châu, một người đồng hương, một người yêu nước anh vô cùng kính mến. Không làm gì được thì sớm tối hương khói cho Cụ gọi là bày tỏ lòng hiếu đối với Cụ và cũng vơi được lòng yêu nước lúc tuổi già. Trở về Huế phụng thờ Cụ Phan anh đã bày tỏ rõ ràng lập trường yêu nước của mình.

               Ngoài ra Anh còn có một người kế mẫu và một người em trai ở Quảng Trị. Huế – Quảng Trị không xa lắm anh có thể đi lại thăm viếng dễ dàng. Theo chỗ tôi biết thì anh phụng sự bà kế mẫu rất chí hiếu theo kiểu một nhà nho xưa. Với một chiếc mô-by-lết cũ kỷ, tuần nào anh cũng ra vào Huế – Quảng Trị. Có lần đi qúa sớm, lúc trời còn lờ mờ tối, các cổng gác chưa mở và anh đã đâm sầm vào các vòng giây kẻm gai vắt qua đường. Mấy anh lính canh nghe động vội vàng lấy súng và lên đạn nhưng lúc thấy một cụ già  đang lúng túng gỡ chiếc xe ra khỏi giây kẽm họ vội vàng đến giúp đỡ và mời vào trạm gác uống nước trà sáng. Với thái độ thân mật và tài nói chuyện sẵn có, anh đã làm cho các anh lính gác vui vẻ và có nhiều thiện cảm. Có lần lại mang theo chiếc đàn cò ( nhị ) hay cái sáo trúc , anh đàn và thổi đủ mọi miền Nam- Trung – Bắc. Từ đó các anh lính ở trạm gác trên đọan đường Huế – Quảng Trị thường mong chờ ông già với chiếc xe mô-by-lết lộc cộc.

               Nếp sống khắc kỷ của một nhà nho hình như không phù hợp mấy với gia đình của người em nên thời gian về sau anh vẫn đều đặn ra hầu thăm bà kế mẫu nhưng không còn ở lại nhà em như trước kia nữa. Và mỗi lần ra Quảng Trị anh dành nhiều thì giờ hơn để gặp gỡ và trao đổi với các nhà nho ở đây. Có thể nói Nho giáo là niềm say mê  và cũng là nếp sống của anh, một nếp sống thường được gọi là thanh bần. Không những ở Quảng Trị mà ở Huế cũng vậy phần lớn thời gian giao du của anh cũng là tiếp xúc với các cụ nhà nho. Một trong những ước vọng lớn lao của anh hình như là đưa xã hội về với đạo đức nho gíao, không phải thứ nho gíao hình thức nhưng là nho giáo với tinh thần  “ Nhân – Thứ “ làm gốc. Mê Nho giáo đến độ, như anh đã tâm sự, muốn biến Ấu, Thiếu, Tráng sinh Hướng đạo ra thành Nho Âu, Nho Thiếu và Nho tráng..

               Thấy anh tin tưởng vào Nho gíao mà Nho gíao lấy chuyện tham chính làm trọng nên tôi đã hỏi : - “ Nếu chính phủ mời anh tham chính anh có nhận lời không ? “ . Với tất cả nhiệt thành anh cho biết : “ Tham chánh hay không anh không biết, nhưng làm được việc gì có ích  cho đất nước thì dù chết anh cũng muốn làm”. Trước tinh thần tích cực của anh tôi gợi ý với anh nên đi tìm gặp một số nhà trí thức  cùng các vị lãnh đạo tinh thần ở Huế để thử xem có thể làm được chuyện gì thích hợp.

               Không rõ anh có theo gợi ý của tôi không nhưng sau một thời gian anh cho biết anh đã tìm gặp nhiều người, trong số có ông Viện trưởng Đại học Huế, Nguyễn thế Anh, một số giáo sư và một số các vị lãnh đạo tinh thần cùng nhân sĩ ở Huế. Anh cũng cho biết thêm là phần đông thành tâm và thiện chí nhưng với tinh thần nho giáo “ uy vũ bất năng khuất “ anh không đồng ý với một vài vị  lãnh đạo tôn gíao qúa tự tôn và tự kiêu  dù anh biết tôn gíao là lực lượng chủ yếu lúc bấy giờ.

               Bỗng xẩy ra biến cố Mậu Thân. Trong một đêm , Việt Cộng đã tràn khắp thành phố. Tiếng súng lớn, nhỏ nổ ran mọi nơi, dân chúng già trẻ, lớn bé bồng bế nhau chạy giặc. Người chết, kẻ bị thương, trẻ con lạc nẻo, người già không ai nâng đỡ...Tinh thần “ giúp ích “ bỗng bừng trổi nơi người hướng đạo già. Mặc Việt Cộng, mặc tiếng súng, anh Dã Mã đã chạy đi chạy lại khắp nơi, lúc thì băng bó cho người bị thương, lúc dẫn dắt một cụ già xuống hầm trú ẩn, lúc giúp một em bé tìm lại gia đình...Hoạt động của anh không thoát khỏi sự chú ý của Việt Cộng. Hẳn đây là một tên địch trá hình tìm cách do thám tình hình để báo cho ngụy quân, ngụy quyền hay cho Mỹ. Và những tên nằm vùng nắm được cơ hội lập công đã bắt anh giao lại cho bọn Việt Cộng chính qui. Chúng dẫn anh về mật khu để đưa ra miền Bắc khai thác. Trên đường ra Bắc anh đã gặp được ông Nguyễn văn Đãi, đại biểu chính phủ Vùng I chiến thuật và cũng là nhà văn Hoàng Liên. Hai người có quen nhau nhưng không nói chuyện với nhau vì sợ chúng khai thác nên chỉ đối đáp nho nhỏ với nhau qua một vài câu thơ Đường  ( 4 )để bày tỏ ý hướng của mình. Nhưng trong khi ông Nguyễn văn Đãi bị chúng dẫn ra Bắc thì anh Dã Mã hoặc vì phản đối hoặc vì tìm cách trốn thoát hay vì do tiếng Nghệ An nằng nặng của anh mà  chúng nghi là một người đã phản bội Đảng nên đã bị chúng hành quyết trên đường đi.            

               Hai mươi năm trước Cộng Sản đã giết chết biết bao nhà trí thức và những người yêu nước chân chính. Cũng hai mươi năm trước anh Võ Thành Minh may mắn thóat chết nhưng đúng hai mươi năm sau anh lại đối diện với Cộng Sản và đã bị thủ tiêu. Người trí thức, người yêu nước chân chính, người có tinh thần độc lập khó có được một chỗ đứng trong một xã hội độc tài, đảng trị.

               Anh Dã Mã – Võ Thành Minh, một người hướng đạo gương mẫu, một người anh trên đường đời, xin anh hãy nhận nơi đây tấm lòng thương tiếc và kính mến của một người bạn vong niên.                                                     

San Diego, Hè 2002

Nguyễn Đăng Ngọc
------

Bị chú : - 1- Dã Mã hay Dạ Mã, vì sơ ý tôi đã không hỏi rõ. Tiếng Nghệ An đọc dấu ngã và dấu nặng giống nhau. Tôi nghĩ Dã Mã đúng hơn là Dạ Mã

               - 2- Ông Niedrich là một huynh trưởng Hướng đạo làm giám đốc Nhà Đèn Huế trước 1945.  Lúc Nhật đảo chánh Pháp ngày 9 tháng 3  năm  45, theo tin đồn thì ông đã theo đường núi cùng với một số ít binh sĩ Pháp trốn lên Lào. Ông ta đã trở lại Huế sau lúc Pháp tái chiếm Huế vào năm 1947.

                - 3 – Về chuyện này tôi có hỏi Trung tướng Vĩnh Lộc bấy giờ là Tư Lệnh Quân Đoàn 2 . Trung tướng không biết chuyện này. Tôi nghĩ lực lượng cầm giữ ông Võ Thành Minh là một lực lượng đặc biệt của Trung ương với lại chuyện xảy ra trong một thời gian ngắn lúc ông Lộc vừa mới nhậm chức nên hình như đã không được báo cáo.

                  - 4 – Việc này chính anh Nguyễn văn Đãi đã kể lại cho tôi.

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active

 

TDTangvaBanbe

Bạn Cũ Trường Xưa 

Ngôi trường đó là trong anh nỗi nhớ

Là trong em cả tuổi trẻ thiên thần

Là của em mộng mơ và sách vở

Là của anh những giờ dạy thiên đường…

Trần Hoan Trinh

Và bạn bè mỗi người mỗi ngã

Ðứa ra đi đứa ở lại âm thầm

Phan Châu Trinh ơi ! Trường còn nhớ hay không?

Thầy cô cũ vẫn ra vào lối cổng!

1dR

Thái Doãn Ngà một thời vang bóng

Từ trắng tay xây dựng một cơ đồ

Có công nhiều trong việc điểm tô

Cho trường lớp thành khang trang đẹp đẽ

 PCT ThaidoanNga

Hồ Văn Thuyết tháng ngày đi lặng lẽ

Có như không, không có cũng như không

Giưã thế nhân mưu lợi cầu vinh

Vẫn ngơ ngẫn làm một người khách lạ

 PCT HovanThuyet

Lê Long Viên rượu nồng tình băng giá

Bỏ cây roi về đóng vở học trò

Nhìn cuộc đời với đôi mắt tỉnh say

Trong cô độc muốn buớc đi lần nưã

 PCT LelongVien

Trần Công Kiểm nằm dài sau cánh cưả  (2)

Khung trời riêng chỉ bốn bức tường xanh

Để rong rêu cứ bám rễ trong hồn

Thương vợ con tháng năm nhiều lận đận

 PCT TrancongKiem

Phan Thanh Gia-Lai má hồng bạc phận

Ít ngọt bùi lắm cay đắng trần gian

Người ra đi mang mất tuổi thanh xuân

Để lại đó tháng ngày thương nhớ nguyệt

 PCT PhanthanhGiaLai

Người hoạ sĩ tóc bềnh bồng như tuyết

Dáng phong sương vẫn vẻ Đỗ Toàn xưa

Cuộc lưu linh từ sớm đến tối mờ

Nghiêng hồ rượu hỏi ai cùng  túy lúy?

 (  )

Ôi giai nhân! Thiên thần hay ác quỷ

Ngô Thị Như Hà một thuở đẹp như tiên

Tình tay ba HÀ-LÃNG-HỔ đảo điên

 Khiến nhân thế tốn bao nhiêu giấy mực

 PCT NgothinhuHa

Tôn Thất Lan điệu slow buồn thổn thức (3)

Tiếng kèn đồng chới với gọi chiêm bao

Đêm hát tuồng nghe ngựa hí  quân reo

Tiếng sênh phách nhịp nhàng ru nỗi nhớ

 PCT TonthatLan

Trần Đình Quân bỏ quê hương xứ sở

Sóng trùng dương đưa đẩy bước phong trần

Đêm Ca-Li nhớ Bến Ngự vô cùng

Cho não nuột KHÚC TÌNH CA XỨ HUẾ

 PCT TrandinhQuan

Nguyễn Lương Hiền đã về lòng đất Mẹ

Để ngậm ngùi cho bao kẻ tri âm

Sự nghiệp chưa thành mộng ước chưa xong

Có thao thức dưới đáy mồ quạnh quẻ?

 ( )

Hồn thiêng về đâu ơi Trần Ngọc Quế  (4)

Rừng Lào-Kay đêm gió buốt mưa giăng!

Tiếng giảng Kiều thuở trước vẫn bâng khuâng

Dư nước mắt ai khóc người thiên cổ!

 PCT TranngocQue

Trần Nhất Hoan NỖI BUỒN NGÀY THÁNG CŨ (5)

Dáng  thư sinh  vẻ  nghệ sĩ tài hoa

Giai nhân xưa cá lặn chim sa

Bỡi ngang trái nên trở thành xa lạ   

 PCT TrannhattHoan

Nguyễn Trung Hối TRONG MÊ CUNG  huyền thoại (6)

Vẫn âm thầm làm một kẻ mộng du

Trần Huyền ơi! Xa lăn lắc mùa thu

Đêm phố nhỏ tìm vần thơ rơi rụng

 PCT NhuyentrungHoi

Đặng Thị Liệu dạy thời còn xuân mộng

Đến hôm nay vai trĩu nặng tuổi đời

Một chiều về bên trường cũ ngậm ngùi

Thấy tuổi trẻ của mình quên đâu đó

 PCT DangthiLieu

Đặng Minh Trai thầm yêu trộm nhớ

Một bóng hình cứ dấu mãi trong tim

Vượt trùng khơi trên thuyền nhỏ lênh đênh

Vừa đến bến đã thân vùi đất khách

 PCT DangminhTrai

Đỗ Viết Lê thâm trầm và sâu sắc

Lòng bao dung nhưng nóng nãy vô bờ

Thuở trẻ trai cũng tứ chiếng giang hồ

Lúc về già lại vô cùng ngoan đạo

 PCT DovietLe

Trần Hữu Duận cờ bay mấy dạo

Khi Dầu Giây, khi Phú Túc, khi Bình Dương

Ly trà sâm mát dạ khách qua đường (7)

Chiếc xe thố lăn tròn niềm cô độc

 PCT TranhuuDuan

Hà Công Bê chiều chiều trong quán cóc

Bạn dăm thằng ngồi kể chuyện tiếu lâm

Kiếp làm thầy như làm tớ khơng cơng

Đêm vẫn mộng thuở Bồi Đầm Già Ách!

 PCT HacongBe

Tạ Quốc Bảo chàng trai hiền đất Bắc

Xa quê hương từ thuở thiếu thời

Thêm một lần phải lưu lạc quê người

Lòng thao thức nhớ một trời cố xứ!

 PCT TaquocBao

Cao Huy Hóa người sông Hương núi Ngự

Vào Quảng Nam suýt…. quên mất lối về

Dẫu xa rồi thời trai trẻ đam mê

Vẫn lưu luyến với ngôi trường thuở trước

  (  )

Nguyễn Văn Kính mãi mê xuôi ngược

Sáng làm thầy tối bán chữ trăm phương

Ly cà phê đen đặc sánh nỗi buồn        

Kể bè bạn toàn những điều tưởng tượng

 PCT NguyenvanKinh

Lê Quang Mai ôm mối tình hoang tưởng

Mơ mộng hoài một bóng dáng giai nhân

Người thì xa mà khổ cực thì gần

Để nước mắt cứ ngậm ngùi lai láng

 PCT LequangMai

Nguyễn Ngọc Thanh đào hoa lãng mạn

Cả cuộc đời cứ dang dở vì yêu

Gian nan nhiều nên chẳng có bao nhiêu

Để trang trải những tháng ngày lưu lạc

 PCT NguyenngocThanh

Huỳnh Mai Trác như mây trời phiêu bạt

Một lần đi là biền biệt tăm hơi

Xem lớp, trường như ảo mộng xa xôi

Bỏ sách vở như thoát vòng nghiệp chướng

 PCT HuynhmaiTrac

Và Trần Thông! Lắm trầm tư suy tưởng

Tóc bạc phơ bỡi trăn trở chuyện đời

Tiếng giảng bài như… tình tự xa xôi

Đi đến lớp như đến nơi hò hẹn!

 PCT Tranthong

Phạm Ngọc Trác cách trùng trùng sông biển

Nhưng mỗi lần đứng ngắm những cơn mưa

Lại nhớ mưa buồn trên sân cũ trường xưa

Rồi thao thức thương học trò áo trắng!

  (  )

Trần Gia Phụng ngày rời xa Đà-Nẵng

Đêm cuối cùng thăm lại mái trường xưa

Sụp quỳ lạy tượng cụ Phan bốn lạy                     

Thấy trong lòng bỗng baõ tố đong đưa

 PCT TrangiaPhung

Nguyễn Văn Đáo lang thang sớm trưa

Đi thơ thẩn mọi con đường thành phố

Đứng ngơ ngẩn nhìn bờ sông lá đổ

Nhớ tháng ngày xa tít tắp mù sương

 PCT NguyenvanDao

Lê Khắc Ngọc Quỳnh hiền như dòng sông Hương

Cắt mái tóc mây một sớm đến trường

Thành người lớn để làm cô giáo

Có gói tóc về để nhớ thương?

 PCT LekhacngocQuynh

Giờ ra chơi đã thấy mặt Dương Ðức Phương

Cầm roi mây đi khắp trường doạ trẻ

Giơ rất cao nhưng cuối cùng đánh khẻ

Tướng dữ dằn nhưng lòng lại hiền khô

 PCT DuongducPhuong

Trương Văn Hậu mạnh như thần Apollo

Sức trai trẻ khi leo đèo đổ núi

Đi học tập vẫn tà tà bát phố

Ngồi cà phê như trong cuộc rong chơi

 PCT TRanvanHau

Gặp một lần  mà say đắm một đời!

Vĩnh Vinh ơi ! Đúng tình yêu của “mệ”!

Nhan sắc đó chắc phải là tuyệt thế

Nên lòng ai mới mãi mãi sắt son!

 PCT VinhVinh

Thương Nguyễn Tòng thân gà trống nuôi con

Đành ngậm miệng trách cuộc tình bội bạc

Giọng hát ấm thương mây trôi bèo giạt

Âm ba rung động đến không ngờ

 PCT NguyenTong

Chiều CaLi thả áo lụa làm thơ

Cô giáo trẻ Phan Mộng Hoàn bật khóc

Nhớ bục giảng nhớ bảng đen lớp học

Nhớ học trò như nhớ một trời yêu… 

 PCT PhanmongHoan

******
 

Thôi kỷ niệm cứ ngan ngát thương yêu

Anh một mình bâng khuâng trong trường vắng

 Chiều hôm nay bên hành lang vắng lặng

Nghe con ve buồn gọi nắng trên sân

Trần Hoan Trinh

 

BỊ CHÚ:

(1) Trường Trung học PHAN CHÂU TRINH ĐÀ NẴNG .                                 

(2) Thầy Kiểm nghỉ dạy đi thầu xây dựng. Một lần bị đất đổ tổn thương cột sống, nằm liệt một chỗ cho đến khi tạ thế.

(3) Có một thời thầy Lan đi theo đoàn hát bội Sông Hàn, đêm đêm ngồi bên cánh gà thổi kèn đệm nhạc.

(4) Thầy Quế đi học tập tại Yên báy, bị bệnh kiết và mất ở đó.

(5) Tên tập truyện của thầy Trần Ðình Hoàn.

(6) Tên tập truyện của thầy Nguyễn Trung Hối. Trần Huyền: biệt hiệu của thầy Hối khi làm thơ. Có một thời tôi và Hối hay lang thang tìm… vần thơ khắp phố phường ĐN.

(7) Thuở đi học tập về, thầy Duận đi xe thồ và bán nước trà sâm tại khu vực Giồng Trôm.

(8) Thứ tự các đoạn thơ chỉ là tình cờ, cho hợp vần, hợp điệu.                       

Làm bài này trong ngững giây phút nhớ bạn bè.             

Bài thơ tôi làm từ những thập niên 80, sau thêm bớt mấy đoạn, nên có nhiều đoạn không còn tính thời sự. Thí dụ: thuở ấy các thầy Trần Công Kiểm, Đoàn Văn Toàn, Trần Ðình Quân,… chưa tạ thế; thầy Tôn Thất Lan còn long đong,… Chỉ dám nhắc đến những bạn bè gần gũi đồng trang lứa. Bài thơ đã quá dài nên còn nhiều bạn thân chưa nhắc đến được. Đành tạ lỗi.

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active

 

Lê Thị Ngọc Hồng

(Vợ của anh Huỳnh Bá Cần)

PCTA1

Nếu những người con gái Huế chúng tôi lòng cảm thấy tự hào và hạnh phúc khi được xuất thân từ một ngôi trường bề thế, danh tiếng đã qua 100 tuổi , Trường Nữ Trung Học Đồng Khánh thân yêu thì xuôi về Nam, vượt qua con đèo Hải Vân hùng vĩ để đến với đất Quang Nam - Đà Nẵng, những người con xứ Quảng anh hùng cũng có một sự tự hào không kém, khi đã từng theo học ở một ngôi trường mang tên nhà chí sĩ yêu nước, cụ Phan Châu Trinh.

Ngôi trường có bề dày lịch sử này là nơi đã đào tạo và sinh sản ra biết bao nhiêu người con ưu Tú, trải dài theo năm tháng, với những nhân tài thành đạt trên mọi lãnh vực từ khoa học, kinh tế, văn hoá, thương trường, y tế, ngoại giao, v.v…

Biết bao nhiêu thế hệ xuất thân từ ngôi trường này đã đóng góp nhiều nhân tài cho đất nước. Với những kiến thức đã được trau dồi theo những năm tháng học được ở trường, các anh chị đã thể hiện được thành công thực tế từ trong nước đến hải ngoại của ngày hôm nay.

Và một trong những thế hệ học sinh của ngôi trường danh tiếng đó, phải nói nhiều đến các anh chị học sinh của Khoá 1956-1963. Đó là một tập thể của sự gắn bó, yêu thương nhau đủ mọi thành phần giàu nghèo trong xã hội, nhưng các anh chị vẫn một lòng đoàn kết, sẻ chia những khó khăn trong những cuộc sống, những buồn vui của từng gia đình qua những sự kiện tang-ma, cưới hỏi, cũng không vắng mặt nhau. Ôi tình bạn thật tuyệt vời, đáng trân quý của những người học sinh năm cũ.

Những buổi họp mặt cuối năm, mà ở đó các anh chị cho dù tuổi đời không còn trẻ nữa, vẫn tìm về gặp nhau, hàn huyên tâm sự. Tất cả đều đã qua tuổi “ thất thập cổ lai hy” khi mà đã nhiều nếp nhăn, tóc đã nhiểu sợi bạc , sự nhanh nhẹn của một thời tuổi trẻ hầu như cũng mất đi, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống thực tế của các anh chị hiện nay.

Tuy thế, sự nhiệt tình năng động, một lòng với bạn bè cũ luôn là nét đẹp hiện hữu bởi lúc nào cũng vậy, cứ có dịp gặp mặt nhau là sự sôi nổi của một thời tuổi trẻ, râm ran chuyện kể của những ngày xưa đi học, những kỷ niệm buồn vui về trường lớp, thầy cô , bạn hữu của một thời cắp sách, và cũng thật dí dỏm đến cười vui khi những tình huống bất ngờ tưởng chìm theo năm tháng, đến bây giờ họp mặt mới được người trong cuộc kể lại…

Ôi thật đầm ấm và thân thương, chan hoà tình bạn của các anh chị học trò Khoá 1956-1963 luôn là những ấn tượng tốt đẹp không quên của những buổi họp mặt cuối năm, mà ở đó từ những người con vẫn gắn bó với quê hương, đất nước cho đến những người bạn vì hoàn cảnh phải ly hương , vượt qua nửa vòng trái đất của hải ngoại vẫn luôn tìm về để gặp lại nhau, để hàn huyên tâm sự, để “mày, tau, mi, tớ” như những ngày xưa còn đi học bên nhau; và trong những buổi họp mặt bạn bè đó, họ vẫn không quên hùng hồn, sôi nổi hoà chung tiếng hát, qua bài “Phan Châu Trinh Hành Khúc”, cùng những bài hát của một thời vang bóng, để cảm nhận được lòng như trẻ lại của một thuở hoa niên.

Từ Định Quán, Đồng Nai tôi vẫn thường theo chồng (anh Huỳnh Bá Cần) về Sải Gòn để năm nào cũng vậy, gặp lại các anh chị là bạn cũ của nhau họp mặt, để thấy tình thân bạn cũ , mà ở đó theo thời gian qua mau, chúng tôi đã mất dần những khuôn mặt thân quen cũ, các anh đã đi vào cõi vĩnh hằng, để lại trong chúng tôi biết bao niềm thương, nỗi nhớ, của thời còn ở bên nhau. “Ôn cố tri tân” trải lòng với những kỷ niệm của một thời, tưởng chừng như xa lắm để cùng “ Tản mạn về một ngôi trường và những người học trò cũ “.

Trời cuối năm bao giờ cũng vậy, tiết trời se se lạnh, nhưng trong những giờ phút họp mặt bên nhau, sao vẫn thấy ấm áp thân thương bên những hoài niệm cũ của một thời tưởng như đã xa lắm, nhưng vẫn hiện hữu tồn tại ở đây, vì “ Còn gặp nhau thì hãy cứ vui…” (trích thơ của Tôn Nữ Hỷ Khương).

Định Quán, Đồng Nai, ngày 8/8/2017

Cựu Nữ Sinh Đồng Khánh xưa

Lê Thị Ngọc Hồng

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active

ThayTNQue0029

Ngày mai là ngày gia đình cưới vợ cho anh . Sau một thời gian dài để cho anh tự chọn , cuối cùng gia đình đành phải áp đặt thôi. Thúc hối anh biết bao nhiêu lần , anh cứ ậm ừ rồi để vậy . Bây giờ anh cũng đã 45 tuổi rồi còn gì . Anh là con trai trưởng . Hôn lễ sẽ tiến hành tại Hội An , sau đó rước dâu về Đà Nẵng . Cô dâu là con một danh gia vọng tộc ở phố Cổ , hiện là giáo sư một trường trung học thuộc thị xả . Anh chưa hề thấy mặt , đúng hơn là không chịu xem mặt . Sao cũng được. Cả chiều hôm nay anh đến nhà tôi chơi, cứ lân la chuyện này chuyện nọ , nói cười huyên thiên , như muốn che dấu , quên đi nỗi buồn bực . Hai vợ chồng tôi mời anh ăn cơm , trái với thường lệ anh luôn luôn từ chối, chiều nay anh nhận lời liền . Tuy nhiên chỉ ăn lưng chén rồi bỏ đũa xuống mời mãi không được . Chờ vợ tôi thu dọn xong mâm bát , anh nắm tay tôi: 
- Đi lang thang chơi đi . Đi với moa một buổi nữa . Mai lấy vợ rồi , muốn đi chắc cũng chẳng được.
Tôi định từ chối , nhưng nhìn đôi mắt anh khẩn khoản , tôi không nỡ . Anh chở tôi trên chiếc lambretta cố hửu của anh , chiếc xe mà tôi đã thấy anh dùng khi tôi vừa mới đến đất Quảng này . Chạy quanh thành phố theo những con đường anh đã đèo tôi đi bao nhiêu lần , hồi tôi còn độc thân : Lê Lợi , lên Chợ Mới theo đường Hoàng Diệu, rẽ trái theo đường Trưng Nữ Vương, vòng xuống bờ sông Bạch Đằng, quẹo qua Lý Thường Kiệt chạy trở lên theo đường Độc Lập , chạy hai vòng quanh phố, anh đưa tôi trở lại bờ sông Bạch Đằng, dừng xe trước Quán Câu Lạc Bộ Quần Vợt ,bảo:
- Vào đây uống bia đi , moa bao . Uống một bữa cho say .
Thuở tôi mới tới trường, có mấy người bạn bấm nhỏ tôi :
- Ông chơi với Q. coi chừng đó . Tay ăn chơi nỗi tiếng nhất ĐN đó. Tay tứ đổ tường của đất Quảng Nam này đó .
Ban đầu tôi cũng dè chừng , nhưng sau một thời gian tôi thấy anh có gì đâu . Một chút bỡn cợt , một chút ba hoa , một chút phóng túng . Ai bảo anh đào hoa anh cũng cười hãnh diện . Ai bảo anh trai lơ anh cũng gật đầu không cải chính .Ngoài ra anh rất điềm đạm , chân tình và luôn hết lòng với bạn bè . Thuở tôi độc thân , ngày 2 buổi tôi phải đi ăn tiệm . Anh luôn luôn hẹn đèo tôi đi ăn , khi Thời Đại, khi Lâm Ký , khi Bạch Đằng….Ăn xong hai chúng tôi luôn lê la lang thang khắp phố phường Đà Nẵng, vào tiệm này một chút, vào tiệm kia một chút, hoặc ghé vào nhà sách SÔNG ĐÀ của anh Trần Ngọc Quán trên đường Độc Lập ngồi tán gẫu , đánh cờ tướng .
 
THAYQUE1
Thầy Tăng thầy Quế thầy Tòng
 
Tối thứ bảy , tối Chúa nhật anh rũ tôi đi xem ciné , khi Kinh Đô , khi Rex , khi Lido,…xong chạy xe bon bon chở tôi về , hẹn mai đến chở lại . Tính anh rất hiền từ , ai nói gì cũng cười ,nụ cười hơi móm một chút nhưng có duyên vô cùng . Một giọt bia anh cũng không uống được , một gịot cà phê cũng không . Anh chỉ uống nước khoáng quanh năm . Anh nguyên là một giáo viên tiểu học . Thuở trường PCT mới mở, các cô các thầy bằng cấp còn khiêm nhường lắm , phần lớn chỉ mới đậu Tú Tài I hoặc Tú Tài 2 , một số thầy cô vốn là nhân viên của các Ty , các Sở trong tỉnh được trường mời đến với tư cách dạy giờ . Thì trường nào lúc mới thành lập cũng vậy thôi , lần lần sau mới kiện toàn ban giảng huấn của mình. Cái lạ mà tôi nhận thấy là các vị thầy lúc đó lại giảng dạy rất thành công , rất dễ hiểu , được học sinh , được phụ huynh tin tưởng vô cùng . Sau này một số thầy tốt nghiệp Sư Phạm đến thay dạy hay bị học sinh phàn nàn , phản đối . Anh được trường phân công dạy Việt Văn lớp Đệ Tứ , lớp cuối cấp . Anh giảng bài rất hay , giảng Kiều cứ thao thao bất tuyệt , giảng Cung Oán ngâm khúc hết chỗ chê. Anh dạy với một chút hóm hỉnh khôi hài nữa , làm học sinh đôi khi như mê mẫn đi. Tôi nhớ một lần vừa dạy xong 2 giờ về Truyện KIỀU tại trường Nguyễn công Trứ , anh ghé chở tôi đi ăn trưa và khoe :
- Lớp Đệ Tứ của NCT có hai cô nữ sinh đẹp quá , toa thấy sẽ mê liền . Một em tên NGỌC , một em tên HƯƠNG . Vừa rồi moa thuyết giảng 2 câu :
 
Một cơn mưa gió nặng nề
Thương gì đến NGỌC ,tiếc gì đến HƯƠNG
 
Nói đến chữ NGỌC moa ngó em NGỌC, nói đến chữ HƯƠNG moa liếc em HƯƠNG, làm 2 em đỏ mặt cúi gầm xuống dễ thương quá .Tính anh như vây đó , bông lông , hóm hỉnh , khôi hài , vui tính .Vâng , đêm đó anh dẫn tôi vào quán bia . Anh gọi bia , 2 ly , nhưng chỉ mình tôi uống. Anh ngồi yên lặng nhìn ra mặt sông Hàn . Trời đầy trăng , nuớc sông Hàn gờn gợn sóng . Trăng trãi lấp lánh mặt sông , gió thoảng nhẹ nhẹ , cảnh vật bao la. Anh kể tôi nghe chuyện tình của anh : mối tình đầu với con gái con nhà giàu và mối tình hiện tại với M.H. , một cô học trò của tôi. Giọng anh ấm và tha thiết chi lạ , thoảng nhẹ như hơi . Mối tình hiện nay đã kéo dài được 5 năm rồi , có nhiều tình tiết rất thơ rất mộng , cả éo le, cả bi đát .Tôi ngồi yên lặng nghe , thông cảm .Tôi hỏi: yêu vậy sao không lấy . Anh bảo : gia đình cô chê anh không bằng cấp . Với lại chính cô cũng chê anh không bằng cấp nữa, anh bảo thêm : Yêu thì yêu nhưng còn mơ mộng kỹ sư bác sĩ ! Bẵng đi một lúc , tôi không nghe anh tâm sự tiếp. Nhìn qua , tôi thấy anh đang khóc . Hai hàng nước mắt chảy ròng ròng trên đôi má gầy với đôi lưỡng quyền nhô cao . Tôi hỏi : sao khóc ? Anh bảo : mai lấy vợ rồi , buồn quá ! Tôi nắm chặt tay anh, anh vin chặt lấy như người sắp chìm nắm được phao.
 
-Lấy vợ gì mà mình chẳng quen chẳng biết chẳng xúc động gì cả . Kiểu này chắc trước sau mình cũng bỏ đi thôi .Trời hơi se se lạnh, tôi rũ anh ra về .Anh chở tôi bon bon quanh quẩn một thời gian nữa mới thả tôi trước nhà . Nhìn đôi vai anh nghiêng hẳn một bên khi ngồi trên xe chạy xa , tôi thấy thương chi lạ . Đêm đó làm tặng anh bài thơ : LỜI CHIM KHI BỎ TRỜI MÂY. Tôi nhớ anh đã đăng bài thơ này vào tờ Báo Đảng của Anh.

Tôi bây giờ đứng lại một mình
Đưa đôi tay cho người yêu xiềng xích
Thôi bây giờ mình em đó em
Anh trồng chân làm loài thảo mộc
Thôi giả từ thành phố âu sầu
Những con đường đêm lang thang cúi mặt
Thôi giả từ những vì sao khuya
Rất cao rất buồn những lần về cô độc
Thôi giã từ bạn bè nhởn nhơ
Những môi hồng mắt đen những tóc bay kín mặt
Tình yêu cuối cùng cũng cho anh xin qua
Nắng cát nào để em anh cay mắt
Thôi giả từ bạn bè thân yêu
Tôi như con chim bỏ đàn lạc lỏng
Bọn chúng mình mấy đứa huênh hoang
Tháng ngày qua cũng đỡ buồn đỡ tủi
Thôi giả từ giả từ tất cả
Con chim này xin bỏ trời mây
Rượu cúc nào cho anh say đêm nay
Gục đầu cười rất to bỗng mắt đầy nước mắt……


Năm 1975, anh đi học tập cải tạo tại Yên Báy . Thiếu ăn thiếu uống không ai săn sóc , anh bị bệnh kiết và mất tại đó .
 

TRẦN HOAN TRINH
(Trích trong BUỒN VUI MỘT ĐỜI THẨY của TRẦN HOAN TRINH)

THAYQUE2

Thầy Trần Ngọc Quế ( đã qua đời tại Trại Tù Cọng Sản tại Yên Báy )

 

12 short stem roses hand tied bouquet

R3ec622b2a75c374115e846ca4ed1caa6 1