Trung Học Phan Châu Trinh

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive

 

NotTamCuoicuaKhucTinhCa

 

Tặng Trần Đình Quân

GiaoSu TranDinhQuanR2


Anh trở về như đứa trẻ thơ

Nhìn ngơ ngác anh em bè bạn

Năm tháng đó đã thành dĩ vãng

Có kỷ niệm nào trở lại trong tim ?

 

Anh trở về đôi mắt bơ vơ

Vai nặng trĩu nỗi buồn trần thế

Còn nhớ không Khúc Tình Ca Xứ Huế

Lời tự tình một thuở thanh xuân ?

 

Anh trở về thành phố quê hương

Con sông đó hoàng hôn rơi ngơ ngẩn

Ngôi trường đó một thời diễm mộng

Trong cơn mê có thấy lòng buồn ?

 

Anh trở về mái tóc pha sương

Vầng trán lạnh nụ cười xa vắng

Bỏ lại đằng sau âm vang cuộc sống

Hồn như mây một buổi trời chiều

 

Tôi nhìn anh lòng nghe quạnh hiu

Tiếc một kiếp tài hoa bạc mệnh

Thôi hãy bình yên ! Cũng đành số phận

Trần gian này ai dễ trăm năm !

 

Chỉ thương mình đã mất tri âm !

Đà Nẵng, 22-08-96

Trần Hoan Trinh

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive

 

Tôi vốn sinh a và lớn lên buổi thiếu thời ở Huế. Chuyện học hành tương đối vất vả , khi theo gia đình ba dượng luôn luôn chuyển công tác. 

Từ là học sinh trường công lập, đến khi vào Đà Nẵng, sống trong khu phố Nội Hà, tháng 10 năm 1962, tôi xin vào học trường tư thục Thanh Bình do Cha Xứ làm  hiệu trưởng dưới sự giảng dạy của thầy Duy và thầy Đài ở lớp Nhất, lớp cuối cấp bậc  tiểu học thời bấy giờ.

Cũng theo quy chế lớp Nhất trường tư thục, dầu có là học sinh giỏi cũng phải thi  tốt nghiệp Tiểu học.

Vậy là tôi nhận phiếu báo danh vào phòng thi ngay trong Trường Trung Học Phan Châu Trinh, dĩ nhiên là lần đầu tiên bước vào ngôi trường to và uy tín nhất Quảng Nam Đà Nẵng này. Vì nhà đông em, mẹ tôi ngại tôi không đủ thời gian học hành, gởi tôi ra lại Huế ở với Dì, tôi nộp đơn thi vào đệ thất ở Trường Trung Học Nguyễn Tri Phương Huế. Thi đậu, học ở đây đến tháng 10 năm  1967, gia đình có khó khăn, tôi phải quay lại Đà Nẵng, nhưng xin chuyển vào Phan Châu Trinh không được, chỉ biết có Trường Trung Học  Ngoại Ô ở Thanh Khê, tôi nộp đơn xin Thầy Xuân hiệu trưởng và được chấp nhận.

Trường Ngoại Ô chỉ đến Đệ tứ, Đệ tam được chuyển lên học Phan Châu Trinh, thế là niên khóa 1967-1968 tôi chính thức là học sinh của Trường lớn nhất thành phố này . Khi vào trường tôi được biết Thầy Hiệu trưởng là Thầy Thái Doãn Ngà vừa mới thay  Thầy Cố Hiệu trưởng Trần Vinh Anh, qua đời khi đi chấm thi ở Quy Nhơn, mà thầy Thái Doãn Ngà là phu quân của giáo sư dạy Toán của tôi năm Đệ lục ở Trường Trung Học Nguyễn Tri Phương Huế niên khóa 1964-1965.

Thuở ấy nhà của Cô Thầy ở Vỹ Dạ, có hàng dừa rất đẹp và nhiều trái. Tôi cùng các bạn trong lớp, giờ nghỉ về cả bầy, Cô cho phép hái dừa ăn, rồi ra bến sông sau vườn nhà Cô tắm.

Cũng trong dịp này giáo sư ở Huế cũng xin chuyển vào dạy nơi đây, dĩ nhiên là tôi có dịp thăm các thầy cô của mình. Cô Nguyễn Khoa Diệu Trà là đương nhiên vào trước biến cố, còn thầy Ưng Đồng dạy Quốc văn lớp  Đệ thất  4 của tôi trước đây. Ngoài ra còn có Thầy Bửu Thiếc dạy Lý hoá lớp tôi năm Đệ lục.

Tôi đi học nhưng nghe các bạn ngoài Huế kể chuyện Thầy Cao Hữu Triêm dạy Sử Địa bị lạc đạn qua  đời trong Tết Mậu Thân và các bạn tôi ngoài đó tan tác như gà mất mẹ.

Vì tôi là học sinh con nhà nghèo, Tết năm đó, nhà trường tổ chức trợ giúp ,có một bì nếp để làm bánh, ít hộp bánh mứt, cho thêm mấy mét vải màu vàng, xem ra cũng tươm tất. Đó cũng nhờ các bạn trong lớp theo dõi đề xuất và được Hội phụ huynh học sinh và nhà trường giúp đỡ cho tặng.

Đây cũng là lần đầu tiên của đời học sinh tôi được quà Tết, có phần về cho các em ở nhà. Ngôi trường lớn và tình thương cũng lớn theo. Sau khi thi Tú tài I xong năm 1969, nhà tôi khó khăn quá, không đủ điều kiện tiếp tục đến trường, tôi rời xa Phan Châu Trinh trong nuối tiếc.

Sau nầy, dẫu ngồi học ở giảng đường Trường Luật, Huế hay SVSQ ở đại giảng đường ở Đà Lạt, tôi luôn luôn nhớ những dãy bàn và băng ghế thân thương của Trường xưa. Ngôi trường mà bạn bè không phân biệt giàu nghèo, có tinh thần  tương thân tương ái cao.

Chỉ có một trường, trường Trung Học Phan Châu trinh xa xưa trong lòng tôi. Tôi xa Đà Nẵng đã lâu. Mong có dịp, có một ngày về...

Hồ Đắc Việt

( Hồ Đắc Việt là tên thay đổi của Trần Việt, sau khi rời Trường Đ.H CTCT năm 1975.

Vào học trường Trung Học Phan Châu Trinh Đà Nẵng lớp Đệ tam A3 niên khóa 1967-1968, được chuyển từ Trường Trung Học Ngoại Ô lên. HĐViệt học tiếp Đệ nhị A3 năm 1968-1969 , và đi lính tháng 11/1969. HĐViệt đậu Tú tài II trong Quân Đôi và thi vào khóa 5 Trường Đ.H CTCT. Sau 30 tháng 4 năm 1975 về địa phương làm củi. Về sau làm nhân sự công ty may ở Sài Gòn, hiện nay sản xuất cà phê với thương hiệu Golden Bean Coffee. )

( ĐS “ Bạn Cũ Trường Xưa “, Đại hội PCT toàn thế giới kỳ V, California 9 tháng  7 năm 2023  )

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active

 

Để nhớ Cô giáo Đặng Thị Liệu ( 1933-2021)

 CO LIEU 1958

 

Một buổi chiều cuối mùa đông, nhóm cựu học sinh Đà Nẵng  tại Bắc Cali hẹn nhau cùng đi thăm Cô tại nghĩa trang Oak Hill, San Jose, California. Thời gian trôi qua thật nhanh . Thấm thoắt đã hai năm Cô rời xa chúng tôi. Trời ngây ngây  lạnh, trong cơn gió nhè nhẹ và cái nắng vàng hiu hắt, chúng tôi đứng quây quần quanh ngôi mộ nằm chênh chếch lưng đồi. Nhớ Cô thật nhiều. Nhớ dáng người nhỏ nhắn, nụ cười ấm áp với khuôn mặt thật hiền.

Nhớ đến một cô giáo có trái tim vô cùng nhân hậu, một người thầy đáng kính, suốt một đời luôn quên hạnh phúc riêng mình, để sống cho những người bất hạnh, những đứa trẻ bụi đời,lang thang, những bé mồ côi và những người cơ nhỡ. Bạn bè cùng nhau ôn lại những kỷ niệm một thời trung học và những ngày tháng trên quê hương thứ hai này. Cùng nhau tưởng nhớ về Cô giáo Đặng Thị Liệu kính yêu của học trò Phan Chău Trinh và Nữ Trung Học Hồng Đức.

Cô sinh ra trong một gia đình gia giáo người Huế. Cha mất sớm, 4 anh chị em quây quần bên mẹ. Từ nhỏ Cô nổi tiếng hiền hậu, thông minh và học giỏi. Trong khi những bạn bè đồng trang lứa vô tư vui đùa trong cái an bình cổ kính xứ Huế, Cô đã sớm có những ưu tư, đã sớm chọn cho mình một hướng đi vì tha nhân. Lớn lên ở miền Trung đất cày lên sỏi đá, Cô đã xót xa với biết bao mãnh đời nghèo khó chung quanh, những gia đình quanh năm vất vả, cơm không đủ ăn , chỉ khoai sắn trừ cơm, những đứa bé lam lũ chưa một lần cắp sách đến trường, lếch tha lếch thếch ngoài ruộng đồng.

Mỗi lần đi ngang qua bến đò Gia Hội, Cô lại thấy đắng lòng cho những cô gái lầm lỡ sa chân, nay đây mai đó trên sông nước ở làng vạn đò.

Những cơn mưa thúi đường thúi đất, những ngày khô cằn nắng gắt , những cơn lụt lội triền miên, càng kéo dài thêm nỗi cơ cực gian nan.

Từ những ngày còn rất nhỏ đó Cô đã nguyện trong lòng sẽ sống hết cuộc đời mình vì những con người bất hạnh quê nhà.

Tốt nghiệp trung học, khá tiếng Anh, Cô được học bổng đi du học Úc do Linh Mục Cao Văn Luận đỡ đầu. Một cơ hội không dễ gì có được. Nhưng rồi qua nhiều đêm trăn trở, không nỡ để mẹ một mình, càng không nỡ xa miền đất ngèo quê hương , Cô quyết định ở lại vào học Đại Học Sư Phạm Huế. Bạn bè cho đó là một quyết định dại dột, nhưng Cô chưa một lần hối tiếc. Cô là một trong những nữ sinh viên đầu tiên của ngành Sư Phạm Khoa Ngoại Ngữ.

Tốt nghiệp đại học, Cô được phân công vào dạy tại trường công lập duy nhất tại Đà Nẵng thời bấy giờ, trường trung học mang tên nhà chí sĩ Phan Châu Trinh. Lúc tôi vào năm Đệ thất, Cô đã đi dạy được sáu, bảy năm rồi. Thỉnh thoảng gặp Cô trong các buổi chào cờ, trong những buổi họp mặt toàn trường, những lần đi cắm trại, nhưng phải đến năm Đệ tứ, tôi mới được hoc Cô.

Cô dạy môn tiếng Anh và là giáo sư hướng dẫn lớp. Ấn tượng của chúng tôi ngày đầu tiên Cô lên bục giảng là dáng người nhỏ nhắn, nụ cười hiền hậu, giọng nói ấm áp, thân thiện.

Vẫn có cái uy nghiêm của một người thầy nhưng không cho chúng tôi cảm gíac sợ sệt như khi gặp các thầy cô giáo khác.

Lúc Cô phụ trách hướng dẫn lớp hay sau này làm Tổng Giám Thị Trường Nữ Trung Học Hồng Đức, học trò chúng tôi sợ Cô thì ít nhưng thương Cô thì nhiều. Học sinh thường nghịch phá nhưng trong các tiết học của Cô, chúng tôi học hành rất nghiêm túc. Không một học sinh nào ghét Cô. Cô ăn mặc thật giản dị, gần gũi.

Cô ở một mình trong căn nhà thuê, ngoài giờ dạy học chúng tôi ít khi gặp Cô ở trường.

Cô tất bật với các hoạt động thiện nguyện ngoài xã hội. Sau cái bề ngoài nhỏ nhắn tưởng chừng như yếu ớt đó là một con người hoạt động không mệt mỏi. Tuy là người theo Phật giáo nhưng Cô hợp tác chặt chẽ với các tổ chức nuôi trẻ không cha không mẹ của các Soeurs. Hồi đó những trại mồ côi thường do các nhà thờ Công Giáo xây dựng và điều hành. Với khả năng ngoại ngữ, Cô liên lạc được với các tổ chức thiện nguyện Hoa Kỳ để xin tài trợ. Cô đã hợp tác làm thông dịch cho tổ chức y tế tàu Helgoland , một bịnh viện nổi của Đức cập bến Đà Nẵng chuyên giúp chữa trị các nạn nhân chiến tranh và thương bịnh binh. Cô thành lập một tổ chức gồm các học sinh lớp lớn chuyên tìm kiếm , giúp đỡ các trẻ em bụi đời lang thang .

Trong khi những bạn bè, thầy Cô khác lần lượt lập gia đình yên bề gia thất. Cô cứ lặng lẽ kiên trì với những hoạt động vô vụ lợi của mình. Không phải không nguy hiểm với những lần theo các phái đoàn văn nghệ ra tiền đồn ủy lạo các chiến sĩ. Không ít những lần Cô một mình trong đêm tối đi tìm gặp những trẻ bụi đời, những đứa con lai. Hình như Cô chưa một lần nghĩ đến bản thân mình.

Cô vui khi tìm được nơi ăn chốn ở cho chúng. Cô hạnh phúc khi bắt gặp những nụ cười hồn nhiên của những đứa bé trong trại mồ côi. Cô sung sướng khi tìm được nguồn tài trợ từ bạn bè, từ các cơ quan đoàn thể. Cô luôn sống một mình nhưng chưa bao giờ cảm thấy cô đơn. Không có gia đình riêng nhưng Cô có những đứa con nuôi. Có đứa được Cô đem về ở chung một thời gian trước khi tìm được những gia đình mới. Nhiều đứa tìm được công ăn việc làm, nhiều đứa ra đời thành công.

Có đứa sau này gặp lại bên Mỹ, Cô đứng ra thay mặt gia đình dựng vợ gả chồng. Với Cô, đó là niềm vui ,là, là hạnh phúc.

Cô có liên hệ mật thiết với các tổ chức thiện nguyện, người ta hay thấy Cô hay đi lại với những người nước ngoài, chính vì vậy khi Đà Nẵng mất vào tay Cọng Sản, Cô bị nghi ngờ làm việc cho CIA của Mỹ.

Cô là một trong những thầy  cô giáo bị cho nghỉ việc đợt đầu tiên.

Nhưng cũng thật may mắn, có thể vì không đủ chứng cớ hay trong những cán bộ Cọng Sản nằm vùng, có người từng quen biết, từng chịu ơn, nên Cô không bị bắt đi tù cải tạo.

Cô ở lại quê nhà một thời gian, và giống như bao người khác dính líu tới chế độ cũ, Cô đã làm đủ thứ nghề để tồn tại, để sinh sống. Buôn bán đồ cũ chợ trời, dạy thêm...Những ngày đó Cô thật vất vả nhưng không than van. Cô biết với ” vết đen”  quá khứ, Cô khó có thể sống cho cái lý tưởng của mình tại một nơi đã không còn thuộc về mình . Cô kiên trì tìm đường ra đi. Sau nhiều lần thất bại, những lần lẫn trốn, những lần bị giam cầm...cuối cùng vào năm 1979, Cô vượt biên thành công đến trại tỵ nạn đảo Bidong, Malaysia.

Thời gian này trại do Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc điều hành, thường xuyên có nhiều phái đoàn  từ Mỹ, Pháp, Canada, úc đến phỏng vấn sắp xếp định cư cho hàng chục ngàn thuyền nhân ở trên đảo. Cô làm thông dịch viên cho phái đoàn Mỹ và Úc.

Dù thời gian ở đây không dài nhưng Cô cũng đã giúp thông dịch, hướng dẫn các thủ tục, hoàn tất các hồ sơ xin đi định cư cho nhiều gia đình thuyền nhân.

Biết bao nhiêu câu chuyện, biết bao nhiêu cảnh đời, biết bao nhiêu hoàn cảnh số phận khác nhau ở nơi đây. Có nhiều gia đình bị kẹt lại đảo rất lâu vì vốn tiếng Anh ít ỏi, không thân nhân nước ngoài, điền đơn trật lên trật xuống.

Có những đứa trẻ mất cha mẹ không người bão lãnh. Có những người ở lại vì những lý do vô cùng đơn giản, nhiều nhất là trả lời sai câu hỏi lúc được phái đoàn phỏng vấn. Không phải không có những người thông dịch tay ngang, không lương tâm, thông dịch không đúng với nguyên văn của người  được phỏng vấn. Có người bị phái đoàn từ chối vì bị nghi lời khai gian dối. Cô đã giúp chuyển nhiều đơn khiếu nại của thuyền nhân kẹt lại đảo do nhiều sai sót khác nhau đến  được các phái đoàn. Nhờ vậy có nhiều gia đình được cứu xét ra đi đúng với trường hợp ưu tiên của mình.

Năm 1979, được thân nhân bão lãnh, Cô rời trại tỵ nạn qua San Jose định cư. Khoảng thời gian đó, khi những người nhập cư còn ít, nếu muốn, với khả năng ngoại ngữ của một giáo sư Anh văn , với sự trợ giúp của học trò và người thân qua trước, Cô rất dễ dàng tìm cho mình một công việc ổn định và nhàn hạ. Nhiều công việc tại các hãng xưởng, làm Social worker cho chính phủ hay đi dạy học tại các trường công lập. Những công việc nhẹ nhàng, ổn định và đầy đủ phúc lợi.

Nhưng Cô đã chọn cho mình một con đường đi khác, gập ghềnh và khó khăn hơn. Một con đường  đúng theo lý tưởng của Cô.

Ngay từ những ngày đầu tiên, không xin trợ cấp của chính phủ, Cô vào làm việc cho IRC  ( Internatioanal Rescue Comittee ), một tổ chức thiện nguyện vô vụ lợi, lúc bấy giờ vừa mới thành lập văn phòng tại San Jose. IRC  chuyên giúp đỡ cho những thuyền nhân tị nạn mới đến Bắc Cali. Hướng dẫn làm các giấy tờ thẻ xanh, giới thiệu học Anh Văn cơ bản ESL, xin việc làm, thi quốc tịch, làm đơn bão lãnh cho thân nhân còn kẹt lại quê nhà. Nói chung là tất cả mọi việc nhằm giúp cho những người tỵ nạn sớm ổn định cuộc sống trên quê hương thứ hai này. Mới đầu Cô phụ trách hồ sơ ( Case Worker )sau đó Cô lên làm Giám đốc cho đến ngày về hưu. Suốt một thời gian dài, Cô làm việc không mệt mỏi, bất kể ngày đêm. Cô tham gia hội đồng quản trị  VIVO ( Vietnammese Voluntary Foundation ), cũng là một tổ chức thiện nguyện  chuyên về đào tạo tiếng Anh, tay nghề và tìm kiếm giới thiệu việc làm cho những người tỵ nạn mới đến vùng đất này.

Nhỏ người, nhưng sức làm việc của Cô thật đáng nể. Với chiếc xe cũ do một người bà con tặng. Cô rong ruổi khắp miền Bắc Cali.

Có người mới qua chưa có xe, cô kiêm luôn tài xế. Mỗi người, mỗi gia đình mới đến là một mãnh đời, một hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều lạc lõng và bỡ ngỡ như nhau. Cô như một gạch nối làm con thoi đưa những người mới đến sớm hội nhập và xứ sở tự do nhưng vô cùng xa lạ này. Cô đã chèo không biết bao nhiêu chuyến đò đưa người cập bến bình yên. Biết bao gia đình nhờ Cô mà ổn định, có nhà có cửa, có công ăn việc làm. Riêng Cô vẫn bao năm vẫn một mình trong căn nhà nhỏ đường số 4 gần Downtown San Jose.

Rất nhiều gia đình, nhiều học trò cũ từng chịu ơn muốn mời về ở, nhưng Cô đều từ chối. Cô bảo sống một mình tự do quen rồi. Cô cười. Cô nhiều tính xấu, ở chung chắc không ai chịu nổi đâu. Cô nói vậy thôi chứ Cô mà xấu nết thì trên đời còn ai tốt đây, thưa Cô ? Đôi khi, trong cái lành lạnh của những cơn mưa nửa đêm, dù chỉ thoáng qua. Có lẽ Cô cũng có chút chạnh lòng về nỗi quạnh hiu của đời mình ?

Giữa năm 1988, trong một cbhuyến đi trở về thăm lại đảo Bidong và các trại tỵ nạn khác quanh vùng Đông Nam Á ( HongKong, Thai Lan, Indonesia, Singapore, Philippines...) Cô đã vô cùng xúc động khi nghe thấy và chứng kiến bao cảnh đời bi thảm của những chuyến vượt biên. Biết bao trẻ mất cha mất mẹ trên đường đi tìm kiếm tự do. Cô cùng một vài người cùng chí hướng trong đó có bác Nguyễn Đình Hữu, cựu đại tá quân lực việt Nam Cọng Hoà, thành lập Hội thiện nguyện ARCWP ( Aid To Refugee Children Without Parents ) với sự giúp đỡ của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc .

Đến năm 1994 để nới rộng phạm vi hoạt động. ARCWP đổi thành ACWP ( Aid To Children Without Parents ) chuyên giúp đỡ trẻ em không nhà, không còn cha mẹ không những chỉ do tỵ nạn mà còn nhiều lý do khác. Không những giúp cô nhi tại Mỹ, cùng với ACWP cánh tay nhân ái của Cô còn vươn về Việt Nam, về miền đất nghèo miền Trung. Xây trường học cho các trẻ mồ côi. Cấp học bổng cho các học sing nghèo hiếu học. Thành lập các trạm y tế chuyên chăm sóc cho trẻ em.

Năm 2000, sau khi miền Trung Việt Nam phải chịu một thiên tai thiệt haị nhất thế kỷ, Cô và bác Hữu cùng bạn bè sáng lập “ Friends of Huế Foundation “.

Một tổ chức thiện nguyện nhằm cứu trợ nạn nhân thên tai tại Thừa Thiên, Huế và các vùng lân cận. Hội thực hiện các các chương trình cứu trợ khẩn cấp, xây dựng các nhà chăm sóc trẻ mồ côi do thiên tai, giúp cho vay không tiền lời các hộ dân nghèo thiếu vốn nhằm gây dựng lại cuộc sống, tổ chức các đội y tế lưu động...

Với sự trợ giúp của bạn bè, của những học trò còn ở lại quê hương, Cô miệt mài bay đi bay về gần nửa vòng trái đất cho những công việc nhân đạo. Đã có biết bao con người, biết bao gia đình đứng lên được từ những đổ nát tan hoang, đã tồn tại và thành công.

Công việc Cô làm thì nhiều lắm. Sự cống hiến của Cô cho cuộc đời, cho những người cùng khổ trên quê hương thứ hai, trên quê nhà xa xôi nhiều không kể hết. Chỉ có thể nói, trong suốt 87 năm, là một người bình thường nhưng Cô đã làm được những chuyện phi thường. Cô đã sống, làm việc đúng như lời Bác Nguyễn Đình Hữu , từng dặn dò :

“ Nếu muốn sung sướng một giờ, bạn hãy ngủ một giấc thật say. Muốn một ngày hạnh phúc,hãy xách cần đi câu cá, Muốn hạnh phúc một tháng, hãy đi lấy vợ, lấy chồng. Muốn hạnh phúc một năm, hãy đi làm kiếm tiền. Nhưng nếu muốn một đời hạnh phúc, hãy đi giúp đỡ người khác, nhất là những trẻ em bất hạnh, không mẹ, không cha “.

Tôi có nhiều kỷ niệm với Cô thời đi học và cả trong những năm tháng định cư ở Bắc Cali. Năm 2000 sau khi chuyển từ Tulsa OK về San Jose, tôi cùng với một người bạn cùng lớp và từng được Cô cho ở chung nhà lúc mới chân ướt chân ráo qua Cali, đến thăm Cô.

Dù đã hơn ba mươi năm thầy trò mới gặp lạ, tôi vẫn nhận ra ngay người thầy ngày xưa. Cô không thay đổi nhiều. Vẫn với khuôn mặt thuở đó, vẫn dáng dấp đó, theo năm tháng có gầy hơn xưa nhưng vẫn bình dị ấm áp như ngày nào. Tôi ôm chầm lấy Cô, không muốn khóc nhưng nước mắt cứ chảy dài.

Tôi nói , Cô nhớ em là ai không ? Vẫn với nụ cười hiền hậu Cô bảo, Xuân Mỹ tứ 4 mà ai không nhớ.

Xúc động và vui quá vì qua bao năm tháng thăng trầm Cô vẫn còn khỏe mạnh. Trí nhớ vẫn còn minh mẫn. Vẫn còn nhớ đứa học trò nhỏ ngày xưa. Cô còn nhớ cả năm học của tôi, nhớ cái dãy bàn hàng đầu tôi ngồi. Nhớ cả lời phê “ Giỏi , ngoan, hiền “ trong học bạ của tôi. Hôm đó suốt một buổi sáng chúng tôi ngồi ôn lại chuyện cũ, trường xưa. Cô hỏi về những năm tháng ở quê nhà sau ngày mất nước.

Tôi kể Cô nghe về những lần gặp mặt tình cờ các Thầy Cô giáo cũ. Thầy Nhuận bán trà đá ở bến xe đò Long Khánh, Thầy Bình bán thuốc tây chợ trời Tân Định, Thầy Bích chụp hình dạo Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Thầy Lan thổi kèn trong ban nhạc đám ma...Nhiều cảnh đời của những người thân quen mà vì đi sớm Cô chưa biết. Khi nhắc đến chuyện Ba tôi chết trong trại cải tạo, Cô rơm rớm nước mắt.

“ Tội nghiệp ông cụ. Ông cụ làm Cảnh Sát nhưng thật hiền lành. Âu cũng là vận số của gia đình và đất nước. Cô tin là ông cụ sẽ luôn dõi theo và phù hộ cho gia đình con “

Những chuyện như thế cứ kéo dài không dứt. Trước khi ra về Cô bảo, nếu con cần gì thì cứ liên lạc với Cô.

Kể từ đó thỉnh thoảng chúng tôi ghé thăm Cô. Và mỗi khi chúng tôi tổ chức họp mặt lớp hay trường đều mời Cô tham gia. Chúng tôi thay phiên nhau đến nhà chở Cô đi và về. Những lần gặp lại học trò cũ Cô vui lắm . Lớn tuổi nhưng  chưa một lần Cô đòi về sớm.

Cô luôn là người  đến đầu tiên và ra về sau cùng, mặc dù mỗi một lần họp mặt chúng tôi thường ở lại chuyện trò ca hát rất khuya. Tuy nhỏ người nhưng trời cho Cô một sức khoẻ thật tốt. Cô bảo từ ngày qua Mỹ đến giờ Cô chưa vào nhà thương ngày nào. Cô cười, vào thăm bạn ở bịnh viện thì có.

Cô nhớ vanh vách những chuyện ở Đà Nẵng thời trước 1975. Cô nhớ từng khuôn mặt và tính nết của những đứa học trò cũ.

Thật cảm động khi Cô nhắc đến thời gian phụ trách lớp chúng tôi.

Cái lớp Đệ Tứ 4 thời còn trai gái học chung. Cô nói, lớp các em hiền nhất trường. Nam sinh ít phá phách nhất, nữ sinh thì nhiều em đẹp nhất. Chắc nhờ học chung, Cô hỏi vui, trong lớp có em nào nên vợ nên chồng với nhau không ?

Cô ơi, thời đó mấy đứa con gái cùng lớp coi tụi em như con nít, toàn nhìn lên mấy anh đẹp trai lớp trên, cho đi theo lén là may mắn rồi, dễ gì tán tỉnh được.

Không những sinh hoạt lớp chúng tôi mà cả các buổi họp mặt học sinh Phan Châu Trinh hay Nữ Trung Học Hồng Đức toàn thế giới, Cô chưa một lần vắng mặt. Nơi nào có tỗ chức Nam Bắc Cali hay Houston Texas xa xôi đều có sự hiện diện của Cô. Cái hình ảnh cô giáo nhỏ nhắn ngồi lọt thỏm trong dãy ghế dành riêng cho các cựu giáo sư luôn mãi nhớ trong lòng những đứa học trò chúng tôi . Nếu phải tìm một người chỉ được thương không kẻ ghét trên quê nhà và trên xứ Mỹ này, có lẽ Cô là một. Cô giáo Đặng Thị Liệu của tôi.

Từ ngày có đại dịch Covid, cuộc sống mọi gia đình đều đảo lộn. Mỗi người có những nỗi lo lắng, vất vả riêng.

Thỉnh thoảng tôi gọi điện thoại hỏi thăm nhưng chưa một lần đến thăm Cô.

Mấy lần hẹn với Vĩnh Cường, một người em họ của Cô, bạn cùng lớp để đến thăm Cô. Đâu có bao xa, chỉ 20 phút lái xe mà cứ hẹn lần hẹn lữa.

Lúc thì hắn bận đi bác sĩ check up, lúc đưa vợ đi xạ trị, lúc thì tôi bận chở cháu ngoại đi học,chở mẹ đi nhà thương, cứ thế rồi qua đi

Có thể vì cuộc sống nhưng có thể vì vô tình và vô ơn, ta đã quên đi những người thân yêu chung quanh ta. Có những lời hứa tưởng chừng như vô cùng dễ dàng nhưng mãi không bao giờ thực hiện.

Ngày 21/1/2021 Cô té tại nhà riêng được đưa vào nhà thương. Tuổi già sức yếu, bác sĩ không cho ở nhà một mình, sau cấp cứu. Cô được đưa thẳng vào nursing home. Đang muà Covid trở nặng, dù có nóng ruột chúng tôi cũng không thể vào thăm Cô. Chúng tôi chỉ theo dõi tình trạng sức khỏe của Cô qua trung gian của người cháu.

Những ngày ở nursing home, vẫn nói chuyện được, sức khỏe dần phục hồi, nhưng Cô không thiết ăn uống. Có lẽ để khỏi làm phiền con cháu, Cô đã quyết tâm từ bỏ.

Chỉ một tuần sau, đêm 30/1/2021,không vật vã đau đớn, Cô nhẹ nhàng ra đi.Thế là chúng tôi sẽ không bao giờ gặp lại Cô nữa rồi. Có nuối tiếc, có ân hận, cũng đã rất muộn màng.

Cô ơi, Cô đã trả xong nợ cho cuộc đời và đã thanh thản ra đi. Không chỉ học trò chúng em mà còn bao nhiêu người còn ở lại sẽ mãi nhớ đến Cô. Nhớ nụ cười hiền lành, tấm lòng nhân hậu và trái tim ấm áp của Cô. Chắc chắn  một ngày nào đó chúng ta sẽ gặp nhau trên Thiên Đàng.

Sẽ có trường học, sẽ có lớp học và sẽ có Cô, mãi mãi vẫn là cô giáo của chúng em.

Cô mất đi nhưng công việc và ý nguyện của Cô vẫn được những người bạn, những người học trò còn ở lại thực hiện.

Quỹ học bổng mang tên Cô vẫn được duy trì. Vẫn tiếp tục tìm kiếm, giúp đỡ các em nhỏ hiếu học có hoàn cảnh khó khăn. Kỷ niệm 100 ngày mất của Cô, ACWP đã chuyển đi hàng trăm phần ăn cho những người không nhà....

Cô vẫn mãi sống trong lòng mọi người và trong tim chúng em.

San Jose, tháng 3 năm  2023

Lê Xuân Mỹ

( “ ĐS Bạn Cũ trường Xưa “ Đại hội PCT Toàn Thế Giới Kỳ V, California  9 tháng  7 năm  2023  )

 

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive

 

PCT SanChinh nhà lưu niệm

Quê nhà . Hai chữ mà tôi nghe thân thương và gợi nhớ những kỷ niệm xa xưa ...

Nhân dịp Đại Hội CHS TH Phan ChâuTrinh kỳ V, tôi muốn viết vài dòng về quê nhà, hay như văn nói bình dân là nơi “chôn nhau cắt rốn “, của Cụ Phan.

Tôi sinh ra và lớn lên tại một làng ở xã Thành Mỹ, quận Tam Kỳ, cũng không xa quê nhà Cụ Phan cho lắm. Cái xóm nhỏ nơi tôi sinh ra và “được cắt rốn “ ở đó là xóm Phú Viên.. Bắt chước nhà văn Phạm Xuân Đài, tôi cũng có lấy tên là Võ Phú Viên mỗi khi hay viết một đôi bài...

Vào cuối những năm  đầu 1960’s khi tôi sắp xong bậc tiểu học tôi còn nhớ “ lên “ làng Tây Lộc, quê nhà của Cụ Phan. Lúc đó chưa có chiến tranh bùng phát, chuyện đi từ làng này qua làng khác dù đến gần núi vẫn còn dễ dàng và an ninh.

Lên đó để thăm gia đình của bà Dì Ba của tôi, người đã về làm dâu ông Xã Biện, một người họ Phan giàu có nhất làng Tây Lộc lúc bấy giờ. Vả lại ông Bác ruột của tôi cũng về làm rể nhà họ Phan.

Ngày xưa thời Pháp thuộc , chưa có “ internet và Iphone “, thông tin qua lại rất khó khăn thì việc dựng vợ gả chồng cho con cái, các gia đình “ khá giả “ đều ưa muốn làm sui với nhau...qua mai mối.

Tuổi còn nhỏ, tôi lên làng Tây Lộc, đâu biết và đâu phải để thăm quê nhà Cụ Phan ! Nhưng cái hình ảnh đi ngang qua các con đường đất mòn, chỉ đi vừa một chiếc xe đạp qua các ruộng lúa và rồi đến một nơi gần sát núi , tôi vẫn còn hình dung ra cho đến bây giờ.

PCT Cổng bên trong khu vườn nhà lưu niệm

( Cổng vào nhà lưu niệm  )

Trước 1975 các địa danh thời VNCH có khác bây giờ. Ngày xưa làng Thành Mỹ của tôi, thuộc xã Kỳ Mỹ, quận Tam Kỳ, tỉnh Quảng Tín. Bây giờ nó thuộc vào xã Tam Phước, quận Phú Ninh ! Nhưng chuyện thay đổi tên và sát nhập đó có lý hay không xin miễn bàn ở đây.

Từ nhà tôi đi bộ ra con đường “ Hương Lộ “ , con đường từ Đình Làng Thành Mỹ đi thẳng lên ( xem bản đồ vẽ tay , do trí nhớ của Ba tôi để lại làm quà cho con cháu lúc ông từ Sài Gòn chuẩn bị đi qua Mỹ đoàn tụ theo diện ODP ), đi qua gò cây Đa, qua quán Kèo, rồi tới Xuân Lộc Cây Gắm. Đi không bao xa sẽ đến làng Tây Lộc, quê nhà của Cụ Phan.

Trong thời chiến tranh Quốc Cộng, chính phủ VNCH chưa có dịp hay nghĩ đến trùng tu hay xây nhà “ tưởng niệm ‘ . Nhưng những bà con của tôi bên họ Phan ai nấy đều hãnh diện về nhà cách mạng của cả nước... Việt  Nam .

PCT Giếng xưa bên trong khuôn viên nhà lưu niệm

( Cái giếng nước trước nhà lưu niệm  )

Theo gia phả họ Phan Tây Lộc thì :

Làng Tây Lộc thuở xưa thuộc huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam. Đến năm 1920, huyện Hà Đông được chia hai thành Phủ Tam Kỳ và huyện Tiên Phước. Làng Tây Lộc thuộc huyện Tiên Phước. Sau năm 2010, làng Tây Lộc được đổi tên là thôn Tây Hồ, bút hiệu của nhà cách mạng Phan Châu Trinh, một con cháu của họ Phan. Trước đó năm 1954 chính quyền TT Ngô Đình Diệm đổi tên là xã Phước Long và nhập vào quận Tam Kỳ cho thuận tiện việc giao thông.

Bà Cô của tôi có một người con rể là ông Phan Thanh Việt, thuộc nhánh thứ ba trong họ Phan, đã sưu tầm gia phả họ Phan và tôi xin được trích ra đây từ Website “ Gia Phả Họ Phan Tây Lộc “:

“ Trong những năm chiến tranh ác liệt, tự đường và nhà cửa của con cháu họ Phan ở làng Tây Lộc bị cháy rụi. Con cháu họ Phan ly tán khắp nơi. Quê hương trở nên hoang vu đầy cỏ dại khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975.

Đa số con cháu họ Phan trở về quê xưa vườn cũ, để xây dựng lại quê hương. Năm 1992, mồ mã tổ tiên được tái thiết. Ông Phan Thanh Việt bắt đầu sưu tập lời truyền khẩu trong họ hàng làm cuốn gia phả trước khi sang định cư tại Hoa Kỳ. Tôi xin phép được trích ra đây một vài đoạn :

“ Trước năm 1945,  hàng năm con cháu có ba lần nhóm họ để cúng tế ông bà : Tế Xuân, Tế Thu và dẫy mả. Mỗi kỳ Tế lễ đều có văn tế bằng chữ Nho, trong đó có câu “ Nguyễn sở sinh, Phan sở dưỡng “. Được hiểu rằng : Ông tổ  đầu tiên của họ Phan sinh từ miền Bắc, giòng họ Nguyễn. Vì một lý do nào đó mà ông người họ Phan đã nuôi dạy cho đến tuổi trưởng thành, đặt tên là Phan Văn Sỹ. Ông tổ có vợ con và sinh được tám con trai. Cả gia đình theo bờ biển vào Nam lập nghiệp. Ông đã tìm đến hướng Tây ( kể từ bờ biển ) đến nơi đây có đất đai phì nhiêu, nhiều hoa màu lương thực.  ( Hiện nay là cánh đồng Bồ Lúa  ). Ông Tổ đã dừng lại nơi này và đặt tên là làng Tây Lộc”

PCT Lối vào một gian nhà phụ nhà lưu niệm
( Đường vào nhà lưu niệm   )

Chẳng những Ông Phan Văn Sỹ là tổ của giòng họ Phan , mà còn là vị Tiền Hiền của làng Tây Lộc. Những người lớn lên vào những năm 1930 đã thấy và biết ngôi mộ của ông Tổ rất lớn, lớn hơn các ngôi mộ khác ở trong làng. Ngôi mộ lại được ở ngay trước ngôi đình và tiền hiền làng Tây Lộc, rất đồ sộ và nguy nga. Đình làng, và tiền hiền và ngôi Mả Tổ ở giữa một gò đất cao giữa đồng đình.

Trên gò còn có ba cây Sộp lớn ( cổ thụ ) và mấy cây đa nhỏ. Cảnh vật rất trang nghiêm hùng vĩ. Mỗi năm lại có cúng Tiền Hiền vào rằm tháng Bảy.

Theo thông tin được cập nhật bởi con cháu Cụ Phan thì lúc xưa có một thầy địa lý khi đi ngang qua làng Tây Lộc nhìn phong cảnh,núi đồi bao bọc sau làng với cây đại thụ “ Da Dù “ rợp bóng, uy nghi, thần kỳ ! Con đường làng thẳng tắp với lũy tre làng xanh mướt cùng với cánh đồng Bồ Lúa bát ngát chín vàng ươm ! Rồi đập ông Vũ, ông Hờ đầy ắp nước trong veo tưới nước cho cánh đồng vốn dĩ đã màu mỡ lại càng thêm tốt tươi hơn ! Ở giữa cánh đồng lại có một Hồ Sen đẹp tuyệt vời              !

Nhìn phong thủy, ông thầy địa lý tò mò hỏi người dân trong làng, hồ sen có tự bao giờ ? Họ nói rằng không ai nhớ rõ, chỉ biết rằng trước đây không có, bỗng dưng sen mọc và trổ hoa, không ai trồng cả mà giờ đây trở thành một hồ sen đẹp lạ thường !

Ông thầy địa lý rất đỗi ngạc nhiên, trầm trô khen ngợi ,rồi trầm tư suy nghĩ, đoạn ông nói : “Rôi đây, nơi này sẽ sinh một nhân tài kiệt xuất “ ! .Quả vậy, ứng với lời tiên tri của vị thầy địa lý, không lâu sau đó Chí Sĩ Phan Châu Trinh ra đời. Sau này khi nghe người thân kể lại câu chuyện năm xưa, có lẽ vì thế nên Chí sĩ PCT lấy biệt hiệu Tây Hồ với ý nghĩa : là làng Tây Lộc có Hồ Sen màu nhiệm.

Theo sưu tầm của ông Phan Thanh Việt, hiện nay đa số con cháu họ Phan sinh sống ở xã Tam Lộc. Số còn lại ở Tam Kỳ, Đà Nẵng, các tỉnh miền Nam và một số ở ngoại quốc.

Con cháu thuộc nhánh Nhì và nhánh Năm đông hơn. Nhánh Sáu ít nhất. Nhà Chí sĩ cách mạng Phan Châu Trinh thuộc nhánh Nhì. Ông Phan Châu Dật ( con trai đầu của Cụ ) đã từ trần năm 1922 lúc mới 24, sau khi du học ở Pháp về nước được hai năm. Cụ Phan Châu Trinh có hai người con gái : Phan thị Châu Liên và Phan thị Châu Lan. Bà Phan thị Châu Liên , vợ ông Đốc Ấm có sáu người con gái và một người con trai, Lê Khâm ( tức Phan Tứ ). Bà Phan thị Châu Lan, vợ ông Tham Đồng, có bốn người con trai và hai người con gái. Người con gái đầu là bà Nguyễn thị Châu Sa, tức là bà Nguyễn thị Bình “.

Trong nhánh thứ Ba của họ Phan của ông Phan Thanh Việt ( một đảng viên VNQDĐ kỳ cựu đã mất sau khi qua Mỹ theo diện HO được mấy năm ), có anh Phan Thanh Thắng, hiện đã định cư taị Anaheim, CA, Hoa Kỳ nhiều năm.  Anh Phan Thanh Thắng là người mà Hội CHS Phan Châu Trinh thường hay mời lên dâng hương cho Cụ Phan với tư cách là người trong họ Phan mỗi lần chúng tôi làm Lễ Giỗ Cụ Phan vào tháng Ba hằng năm taị Nam California.

Trong đầu năm nay, chúng tôi đã nhờ thân nhân của anh Phan Thanh Thắng, hiện sống tại làng Tây Lộc, đến viếng thăm nhà tưởng niệm Cụ Phan và chụp cho chúng tôi một số hình ảnh nơi Cụ từng sinh ra và lớn lên một thời ở đó.

Dì Ba tôi là vợ ông Phan Tất Đắc, thuộc nhánh thứ Năm. Trong Đặc San này có đăng một bài thơ của hai người con của ông bà là hai anh Phan Anh và Phan Tuệ, cháu nội của ông Xã Biện, nói về những kỷ niệm của các chú ấy lúc còn nhỏ ở làng Tây Lộc.

Bây giờ con cháu Họ Phan Tây Lộc đi khắp nơi trên thế giới và lập gia đình với người bản xứ. Có cháu lập nghiệp tại một xứ hơi xa lạ là ...Áo, một nước hiền hòa và có phong cảnh rất đẹp ở Âu Châu..

Hi vọng một ngày không xa sẽ về thăm lại xứ Quảng và viếng thăm “ quê nhà” của Chí Sĩ Họ Phan !

 Quận Cam, Cali cuối Xuân năm Quý Mão 2023

Võ Phú Viên

Đệ Lục 4 PCT 1964-1965 

( ĐS Bạn Cũ Trường Xưa, Đại Hội PCT Toàn thế giới  Kỳ V, California 9  tháng 7 năm 2023 )

DP Phan Chau Trinh The Gioi 5 scaledR2

 

 

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive

 

VanThoXuongHoa

Trường Phan Châu Trinh các năm học trước mới chỉ có đến lớp Đệ Tứ ( lớp 9 ). Học xong Đệ tứ, đậu xong bằng Trung học Đệ nhất cấp, muốn học lên nữa, học sinh phải khăn gói ra Huế, hoặc vào Nha Trang, Sài  Gòn. Năm tôi đến , niên khóa 1958-1959, trường mới được phép mở Đệ nhị cấp . Ba lớp : 1 Đệ tam A, 1  Đệ tam B, 1 Đệ tam C ( tức lớp 10 ABC ).

Tôi được phân công dạy tại cả ba lớp đó, vừa Toán ,vừa Lý Hoá. Riêng lớp Đệ tam B , đệ nhất lục cá nguyệt , tôi chỉ dạy môn Hình học, môn Đại số thầy Bùi Tấn dạy. Đến Đệ nhị lục cá nguyệt , tôi mới dạy hoàn toàn. Tôi được trường giao làm Giáo sư hướng dẫn lớp Đệ tam B ( Khoa học Toán ), lớp lớn nhất, lớp đầu đàn của trường.

Cơ ngơi trường PCT lúc đó còn rất nhỏ, gồm một dãy sáu phòng, vừa làm phòng học ,vừa làm văn phòng, mặt nhìn ra đường Lê Lợi.

Khuôn viên trường rộng bao la, trải dài từ đường Thống Nhất đến cạnh hông trường tư thục Phan Thanh Giản. Sân trường còn đổ cát, chỗ cao, chỗ thấp, bao quanh bằng một hàng rào kẽm gai quân đội thấp lè tè, đứng bên ngoài nhìn được hết mọi sinh hoạt bên trong.

Cây cối còn lèo tèo, bé khẳng khiu, phất phơ eỏ lả trước gió. Hè vừa rồi, tám phòng học gồm bốn trệt, bốn lầu được hoàn thành thêm, đứng vuông góc với dãy nhà cũ, lưng quay về phía đường Thống Nhất. Hai cơ ngơi cũ và mới lúc đó còn rời nhau, chưa nối kết vào nhau như bây giờ.

Ba lớp đệ nhị cấp đầu tiên được ưu tiên vào học tại 3 phòng trên lầu của dãy nhà mới , theo thứ tự Đệ tam A, Đệ tam B, rồi Đệ tam C. Vào trong lớp dạy còn nghe thơm mùi  vôi mới, mùi gạch ngói mới, mùi bàn ghế mới...

Tôi muốn kể nhiều đến lớp Đệ tam B, lớp tôi dạy Toán và phụ trách giáo sư hướng dẫn hai năm liên tiếp. Đây là lớp dạy nhớ đời của tôi. Đây là lớp dạy để đời của tôi. Đây là lớp tôi vừa dạy vừa học. Đây là lớp tôi vừa là thầy vừa là bạn. Đây là lớp qui tụ tất cả gì là tinh hoa, là trí tuệ của Quảng Nam – Đà Nẵng lúc bấy giờ, của miền đất được mệnh danh là Ngũ Phụng Tề Phi.

Trong cuộc đời dạy học của mình, trong suốt 40 năm ở PCT, tôi đã gặp nhiều em học sinh giỏi, thật là giỏi, giỏi đến xuất chúng, giỏi đến độ mình là thầy dạy nó nhưng lắm khi cũng phải phục lăn ra, không thốt được nên lời !

Ngồi suy nghĩ lại, tôi phải công nhận là chưa hề gặp một lớp học sinh nào giỏi đều như thế. Vừa học giỏi, vừa thông minh, vừa tài hoa,vừa nghệ sĩ, vừa tình cảm. Hát hay, đàn hay, viết văn hay, làm thơ hay, vẽ rất đẹp, chơi thể thao cũng giỏi. Lớp khoảng 50 học sinh, toàn nam , chỉ có 2 nữ. Tôi còn nhớ :

Nguyễn Hữu Hùng, Lê Tự Hỷ, Tôn Thất Hải, Tôn Thất Tuấn, Võ Thị Thương, Phan Thị Xuân Nguyệt, Mai Chánh Trí, Phan Nhật Nam, Nguyễn Văn Minh , Võ Ý, Nguyễn Thanh Thừa, Đỗ Viết Tịnh, Nguyễn Bá Trạc ,Trương Công Nghệ,Phạm Văn Đồng, Hồ Công Lộ,Phan Bái, Bùi Ngọc Tô,Nguyễn Thu Giao, Võ Văn Hải,Chế Văn Thức,Đặng Ngọc Khiết, Vĩnh Lai, Ngô Văn Mạnh, Tôn Thất Chơn Tu, Giang Lý Đương, Lương Văn Thuận, Đỗ Hữu Toàn, Nguyễn Trác Diễm, Phan Bá Sáu...

Trưởng lớp là Võ Ý, đẹp trai, ăn nói nhỏ nhẹ. Trưởng ban báo chí là Đỗ Viết Tịnh, thơ hay vẽ đẹp. Trưởng ban văn nghệ là Đỗ Hữu Toàn, biệt hiệu Đỗ Toàn, guitar điêu luyện, hát rất hay. Viết văn có Phan Nhật Nam, Nguyễn Bá Trạc, Nguyễn Thu Giao, Đỗ Toàn. Làm thơ có Võ Ý, Đỗ Viết Tịnh, Tôn thất Chơn Tu (Chu Tân ).

Em nào cũng nghệ sĩ tài hoa đầy mình. Thầy trò tuổi sàn sàn nhau ( có mấy em lớn tuổi hơn tôi nữa ) nên rất dễ cảm thông nhau. Với chức năng là giáo sư cố vấn hai năm liên tiếp, nhất là vì mến thương các em , tôi hiểu kỹ từng em một. Từ cái hay đến cái dỡ. Từ cái học đến cái chơi. Và như tôi được biết thì các em cũng đã dành cho tôi một tình cảm ưu ái đặc biệt...

Lúc mới bắt đầu đi dạy, tôi còn rất trẻ. Có lần bác cai trường Nguyễn Văn Thôi đóng cổng không cho tôi vào trường theo cửa dành cho các thầy cô, chỉ tay bảo tôi đi vào bằng cổng nhỏ dành cho học sinh. Khi thầy Nguyễn Kế, lúc đó là nhân viên văn phòng phụ trách học vụ, trao thời khóa biểu cho tôi, thầy đùa bảo : “ Trẻ như thế này mà dạy lớp lớn thế à, học sinh nó xỏ mũi kéo đi đó, có sợ không ? “.

Giờ đầu tiên bước chân vào dạy ở lớp này cũng chính là giờ dạy đầu tiên trong cuộc đời dạy học của tôi. Mở cuốn sổ điểm danh mà hai tay cứ run run, nghe thoáng đâu đây từ cuối lớp : “ Trẻ thế này à ? “, “ Trông thư sinh quá ! “.

Bài dạy đầu tiên đáng lẽ phải kéo dài  50 phút, thế mà tôi dạy đâu chỉ 15 phút là hết bài ! Bối rối, không biết nói gì nữa, bèn lấy cuốn sổ gọi tên, gọi tên từng em một, bảo là để biết mặt, nhưng sao thấy em nào khuôn mặt cũng giống nhau hết cả ! Hết giờ, kiểng đánh, đi như chạy về phòng Hội đồng giáo sư, nghe tim còn đập liên hồi !

Bây giờ ngồi nhớ lại, tôi vẫn công nhận đúng đây là lớp có nhiều học sinh giỏi. Thuở ấy, mỗi lần giảng lý thuyết xong, tôi đều cho học sinh làm ngay một hai bài toán chạy, để kiểm tra trình độ tiếp thu của các em. Mới đọc đề vừa dứt, đã thấy các em ào ào đem bài lên nộp. Các em ngồi cuối, các em ngồi giữa bàn trèo lên hẳn qua đầu các bạn mình để tranh nộp bài cho mau. Lớp học bao giờ cũng linh họat, vui nhộn và thân ái...

ĐetamBPCTnien khoa1958 1959

Lớp Đệ tam B  Phan Châu Trinh ( niên khóa 1958-1959)

Một sáng thứ hai, bước chân vào lớp, tôi gắt gặp nhiều nụ cười hóm hĩnh trên môi các em. Nhiều cặp mắt nhìn tôi lạ lạ . Trên mặt các bàn học, tôi thấy có đến hơn mươi tờ nguyệt san Phổ Thông của nhà văn Nguyễn Vỹ, đang ở trạng thái mở. Có mấy em đang chăm chú xem gì trong đó một cách say sưa thích thú.

Tôi cầm một tờ lên xem. Tờ báo đăng bài thơ “ Thoáng buồn “ của tôi, chiếm cả một trang giấy. Chà , bọn này tài thật, tôi đã biết gì đâu. Đến dạy ở trườngnày, tôi đâu có cho ai biết tôi làm thơ đâu. Chỉ có vài thầy, trước đây là bạn cùng lớp, mới biết mà thôi. Làm sao bọn chúng biết được biệt hiệu của mình ? Nghĩ như vậy nhưng trong lòng cũng thấy hãnh diện, vui vui.

Đến giờ học cuối sáng hôm đó ( tôi dạy giờ đầu và giờ cuối của sáng Thứ hai ), vừa bước chân vào lớp, mới ra hiệu cho các em ngồi xuống, tôi nhận được một món quà tặng thật bất ngờ, do Nguyễn Bá Trạc, từ cuối lớp đem lên : Trong giờ ra chơi, các em đã cùng nhau họa bài “ Thoáng buồn “ đó, mỗi người hai câu, riêng Nguyễn Bá Trạc ba câu kết.

Các em ký tên ngay đầu câu mình là tác giả một cách trang trọng. Bài thơ họa đậm đà, bay bướm, rất dễ thương. Tôi còn giữ kỹ bài thơ họa đó cho đến hôm nay. Tiếc rằng sau 30 năm lấy ra xem lại thì một số câu đã bị phai đi hoặc bị mọt ăn mòn.

Tôi ghi ra đây cả hai bài, bài của tôi và bài họa của các em, xem như một kỷ niệm đẹp. Vâng, một kỷ niệm rất đẹp và không thể nào quên của tôi.

                               Thoáng buồn 

                              Thơ Trần Hoan Trinh

Nắng rưng rưng đọng bờ mi tơ liễu

Gió bàng hoàng thổi nhẹ áng mây xanh

Chiều hôm nay tơ trắng ngập kinh thành

Aó hồ thủy và mắt mầu ngọc bích

Tôi gặp em đi dáng buồn cô tịch

Gót u trầm vương vướng áo tơ bay

Nghe nhẹ nhẹ như tình yêu thoáng đượm

Nắng chảy lung linh dập dìu cánh bướm

Bước ngại ngùng ngường ngượng buổi sơ giao

Tóc rũ bờ vai trâm giắt hoa cài

Lời yên lặng trên bờ môi rung động

Em bâng khuâng giữa hồn chiều im bóng

Nhìn mây xanh bay phủ lối kinh thành

Mắt hồ thu rực rỡ nét tinh anh

Nhưng bỗng chốc lại u sầu vời vợi

Non nước hoa gươm đượm màu đen tối

Em nghiêng mình nhẹ nhẹ đón tơ bay

Nhớ thương ơi ! Mới gặp gỡ hôm nay

Đã nghẹn nghẹn như đang đưa tiễn

Đôi mắt tìm nhau nét buồn lưu luyến

Tim run run và lời cũng run run

Chiều dần nghiêng trong sắc nắng phai dần

Hồn lạc lõng vào một thời sơ thủy

Mắt hoàng hôn xanh như mầu thiên lý

Phấn hương chìm trên nếp má say mê

Mến yêu ơi ! Sao chưa hẹn chưa thề

Mới sư ngộ đã thấy lòng hoang vắng

Thoáng gặp mà thôi rồi xa vương vấn

Em lặng buồn ta cũng lặng ưu tư

Chớm yêu nhau lòng đã sợ tạ từ

Mơ mộng ngọc vẫn sợ thành ảo mộng

Em đứng miên man hoàng hôn gió lộng

Cả trời chiều gờn gợn nét hoang sơ

Ngơ ngác tìm mây lời vẫn lặng lờ

Em khe khẻ đưa tay cài lại tóc

Trong im lặng đã nghe hồn rưng rức

Lời run ta thầm nhủ thoáng buồn thôi !

Mến thương ơi ! Buồn tím bốn phương trời !

 

                         Bài họa :   Bài thơ mùa Hè

                            Trang tặng tác giả “ Thoáng buồn “

                           Đại diện hội thơ III B : N Bá Trạc 

 

Đặng Ngọc Khiết :      Chiều hôm ấy gặp em bên bờ liễu

                                      Liễu tơ xanh vẫn kém mắt em xanh

Bùi Ngọc Tô :              Đêm hoa đăng sóng nhạc vỡ kinh thành

                                      Duyên ướm nụ, mộng đúc màu ngọc bích

Nguyễn Trác Diễm :   Nhớ bóng em anh sầu trong cô tịch

                                      Tim tái tê theo cánh phượng úa bay

Lê Tự Hỷ :                    Vui gặp nhau chưa mấy độ thu nay

                                     Mà đã khóc buồn mùa hoa thắm đượm

Phan Nhật Nam :      Trong mãnh vườn hoa dập dìu cánh bướm

                                     Bay vờn hoa như muốn mãi hoan giao

Võ Ý :                         Mái tóc xanh bướm kẹp với hoa cài

                                   Hồn trong trắng môi hồng ôi sống động

Tôn Thất Hải :           Đêm dần xuống tím buồn mình một bóng

                                    Nghe u sầu tàn tạ khắp kinh thành

Hồ Công Lộ :              Giờ biệt ly buồn lắm phải chăng anh ?

                                     Buồn luyến tiếc tình dâng lên vời vợi

Tôn Thất Tuấn :         Bóng cô tịch chìm dần trong u tối

                                     Vài cánh chim lạc lõng lững lờ bay

Võ Văn Hải :               Đôi môi kề em khẽ : nhớ hôm nay !

                                    Mi ướt lệ em tôi sầu đưa tiễn

Đỗ Viết Tịnh :            Phượng không rơi vì phượng còn quyến luyến

                                     Thương tình gầy, gió đến phượng run run

Nguyễn Thu Giao:      Trong chiều nghiêng hồn ngây ngất lịm dần

                                      Cao vời vợi trời xanh khơi động thủy

Võ Thị Thương :          Gió nâng nhẹ tiếng buồn vào thiên lý

                                       Hỏi lòng đây tiên cảnh hoặc bến mê

Nguyễn Hữu Hùng:      Đôi bờ vai buông rũ mái tóc thề

                                        Mắt hoàng ngọc u sầu trong chiều vắng

Nguyễn Văn Minh :      Nắng nhạt dần dâng lên niềm vương vấn

                                        Vương trong lòng bao nhiêu nỗi ưu tư

Nguyễn Thanh Thừa:   Hè về đây mang theo ý giã từ

                                         Đâu còn nữa những ngày vui hoa mộng

Xuân Nguyệt :               Hoa mầu thắm rung mình trong gió lộng

                                         Lòng ngập ngừng mơ lại thuở ban sơ

Trương Công Nghệ :    Ve than van bỗng dứt tiếng lặng lờ

                                       Mầu nắng tắt thôi mơn man mái tóc

Nguyễn Bá Trạc :         Thoáng trúc ty phượng hồn buồn rưng rức

                                       Gợi ý sầu cách biệt tự đây thôi

                                       Nét sơn xuyên lảng đảng gợn mây trời...

                  Hoạ nguyên vận bài “ Thoáng buồn “ của T. Hoan Trinh

                  Giờ ra chơi Thứ Hai 20/4/59


Thoáng buồn THoan Trinh

Sài Gòn, 2002

Trần Hoan Trinh

 ( * ) Chú thích của Ban Biên Tập : Bài này trích trong hồi ký Một đời thầy một đời thơ  của Trần Hoan Trinh, tựa đề do BBT đặt. Bài thơ họa của lớp Đệ tam B niên khóa 1958-1959 ) đã được đánh máy lại và tác giả các câu thơ họa ký tên trước tên mình, để tặng thầy Trần Đại Tăng, tức thi sĩ Trần Hoan Trinh .

( ĐS Kỷ Niệm Trường Xưa, Santa Ana, California ngày 05 tháng 07,2009 )